Diệu Thảo với nghiệp cầm ca

Tổng hợpThứ Ba, 16/10/2012 12:27:00 +07:00

Mặc dù không khí làm việc ở kênh rất tốt, nhưng Diệu Thảo cứ muốn công việc của cô phải dính líu chút gì đó với… “nghiệp cầm ca”.

Diệu Thảo đảm nhận chương trình “Giai điệu quê hương” trên Kênh VTC HD1với hai chức danh Biên tập, tổ chức sản xuất và dẫn chương trình.

Cô có dáng hình và khuôn mặt của một cô gái Hà Nội khả ái nhưng mà là gái của “HàNội 36 phố phường”: Dáng đi khoan thai cách ngồi ý tứ. Cười thì cười nửa miệng mà nói thì nói đôi lời phấp phỏng. Gương mặt thoáng buồn với đôi mắt như đôi cửa sổ khép hờ. Những gì liên quan đến âm nhạc cần dẫn các biên tập viên trong Đài luôn nghĩ tới Diệu Thảo? Có lẽ, bởi Diệu Thảo luôn có sức thổi hồn âm hưởng quê hương vào chương trình cô dẫn.

 
Khả năng ấy không chỉ từ ngoại hình “GáiHà Nội 36 phố phường” của cô mà còn từ khả năng cảm thụ âm nhạc dòng dân gian truyền thống cùng tri thức về nó mà cô đã được Nhạc viện Hà Nội đào tạo từ khi lên 7 tuổi cho tới năm đôi mươi cùng các loại nhạc cụ dân tộc và giai điệu của nó. Cô chơi đàn tỳ bà là chính, nhưng cô cũng chơi rất nhiều nhạc cụ dân tộc khác như đàn bầu, đàn t’rưng, tam thập lục, đàn nguyệt

“Giai điệu quê hương” là một chương trình bổ ích và lý thú. Bổ ích ở chỗ khi giới trẻ ngày nay coi âm nhạc ngoại lai như nhu cầu cuộc sống của tuổi trẻ thì đã lãng quên nền âm nhạc đặc thù dân tộc. Lý thú là có một chương trình chuyên sâu nói lên cái đẹp dân gian nhưng không kém phần bác học của âm nhạc dân tộc. Chương trình ấy lại được một biên tập viên kiêm MC dẫn giải mang một tri thức hàn lâm dưới góc nhìn và nghiên cứu chuyên sâu của các chuyên gia từ nguồn cội phát triển cho tới ngày nay trên nguyên lý tự nhiên. Cứ như ta nhắp chút rượu thơm chưng cất từ nguyên liệu thiên nhiên được đựng trong bình gốm cổ. Phổ cập nhưng cũng sang trọng.

 
Gần đây nhất Diệu Thảo giới thiệu một chùm hề chèo. Từ “Xà xẻo xá” đến “Trần Phương”, “Hề Tiểu”, “Đố Đá”, “Theo thầy”. Đó là những tích chèo lưu truyền trong nhân gian từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chỉ cần một chiếc “chiếu chèo” là diễn vừa ngẫu hứng vừa nghệ thuật. Người xem quây quần tha hồ cười. Có khúc cười sảng khoái có khúc cười chảy nước mắt vì ngôn từ hài nước nhưng châm chọc sâu xa. Diệu Thảo cho khán giả truyền hình thấy sự phong phú của các làn điệu chèo có tới 172 làn điệu.

Có ngâm – vịnh – ví – vỉa – nói. Biểu cảm của nó cần thanh – sắc – thục – tính – khí – thần. Rồi thế nào là hề áo ngắn và hề áo dài. Hóa trang của hề là má hồng – chân liêu – mắt dọc. Tả ý tưởng lệch lạc mà không lệch tâm hồn. Nó như một mặt nạ cười. Cấu trúc chèo là tự sự. Biến tấu khôn lường. Nếu người dẫn chương trình không được đào tạo chu đáo kiến thức âm nhạc dân gian chắc không thể tổ chức chương trình với một kịch bản có học thuật, cũng như mời kéo sự hợp tác của các nhà nghiên cứu với sự nể trọng quý yêu như Diệu Thảo được.

 
Hơn năm nay tôi đã xem những chương trình “Giai điệu quê hương” do Diệu Thảo xây dựng kịch bản và trực tiếp dẫn. Với phong cách khoan thai nhẹ nhàng trí tuệ trong từng từ từng ngữ, gợi mở những khía cạnh mỹ học trong âm nhạc dân gian cô đã mở ra cánh cửa để các nhà nghiên cứu cung cấp kiến thức và cách thẩm mỹ đến với khán giả một cách gần gũi và chân thực nhất. Diệu Thảo đã làm sống lại trên sóng VTC những khúc hát quan họ với từng khúc một, từ Thuyền và bến, đến Người ơi người ở đừng về, rồi Giã bạn… Ca trù, hát xẩm, cải lương, tuồng, hò Huế cũng được cô tìm hiểu khai thác đưa vào chương trình “Giai điệu quê hương”.

Hai lần tôi đi qua trường quay S4 thấy chừng hơn hai chục người ngồi chật hành lang. Một lần là những người già y phục lễ hội ngày xưa giọng Phú Thọ đặc sệt đến biểu diễn hát cửa đình minh họa cho chương trình “Giai điệu quêhương” giới thiệu hát soan của Diệu Thảo. Lần khác là toàn những cô gái trẻ phục trang y phục dân tộc Tày đến trường quay biểu diễn minh họa cho chương trình giới thiệu hát then Cao Bằng và then Lạng Sơn cùng những chiếc đàn tính.

 
Tôi gặp nhạc sĩ Thao Giang, người chuyên tâm nghiên cứu âm nhạc dân tộc cũng góp mặt góp sức giúp Diệu Thảo làm sáng lên “Giai điệu quê hương”. Ông nói, nếu không phải là người yêu “nghiệp cầm ca” chắc không dễ tổ chức được những chương trình chuyên sâu, lại huy động được cả số đông các nghệ nhân, nghệ sĩ từ Phú Thọ, Lạng Sơn, Cao Bằng vượt vài trăm cây số đường dài xuống tận Hà Nội hợp tác cùng Diệu Thảo làm cái việc gìn giữ “Giai điệu quêhương”. Hẳn họ cũng yêu “nghiệp cầm ca” lắm lắm.

Trước khi về Kênh HD1 một lòng với “Giai điệu quê hương”, Diệu Thảo đã làm công việc dẫn chương trình cho Kênh NETVIET – VTC10. Mặc dù không khí làm việc ở kênh rất tốt, nhưng Diệu Thảo cứ muốn công việc của cô phải dính líu chút gì đó với… “nghiệp cầm ca”. Tôi nhớ khi làm việc ở Kênh VTC10, Diệu Thảo có một chuyến đi hơn 20 ngày cùng hai đồng nghiệp của cô ở Nhạc viện Hà Nội đến Na Uy theo lời mời của Sứ quán nhân sự kiện tái lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Máu nghề đã khiến cô không quên mang theo máy quay, tự quay phim, làm chương trình người Việt ở nước ngoài cho kênh NETVIET – VTC10. Giữa cả đống nhạc cụ dân tộc nhưng không khi nào người ta thấy cô quên chiếc đàn tỳ bà chuyên nghiệp gắn liền với tên tuổi Diệu Thảo.

Sáng nay tôi gọi điện thoại cho cô xin mấy bức hình. Cô hứa vội, cho biết cô đang làm kịch bản cho “Giai điệu quê hương” giới thiệu đàn ca tài tử, một giai điệu âm nhạc dân gian vùng sông nước Nam Bộ. Và, cũng đang tìm nguồn cho kịch bản Hát ví dặm của miền Trung. Tôi chờ…

Bảo Nhi


     

     

Bình luận
vtcnews.vn