Diễn viên 'Bao giờ cho đến tháng mười' lần đầu tiết lộ lý do ly hôn

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 20/05/2016 02:40:00 +07:00

Đặng Lưu Việt Bảo nói về quyết định chuyển sang làm đạo diễn, về những diễn viên tay ngang được ông phát hiện như Lý Nhã Kỳ, Trương Minh Cường, Diễm My 9X...

(VTC News) - Đặng Lưu Việt Bảo, nghệ sỹ đảm nhiệm vai Nam trong "Bao giờ cho đến tháng mười" chia sẻ về đổ vỡ trong cuộc sống hôn nhân với người vợ mà tới bây giờ, dù mỗi người đã đi một ngả, ông vẫn gọi bà là "Vàng mười".
 
- Đang thành công với vai trò diễn viên, lý do gì khiến ông chuyển sang học đạo diễn?

Ngay từ khi còn là diễn viên, tôi đã rất thích thú và quan tâm tới nghề đạo diễn. Người phát hiện ra khả năng làm phim của tôi là ông bố nuôi của tôi - đạo diễn Trần Vũ. Ông là người luyện cho tôi bản lĩnh và tình yêu công việc.

Ông dạy tôi viết tiểu phẩm, viết truyện ngắn, xem tranh và phân tích các tác phẩm của các họa sĩ trong nước và quốc tế. Ông luôn đưa tôi đi cùng khi gặp gỡ những người làm nghệ thuật. Ông yêu văn thơ, nhạc họa và tôi bị cuốn theo ông. Đạo diễn Trần Vũ là người hiền lành, ít nói nhưng rất nghiêm khắc.

- Có vẻ như đạo diễn Trần Vũ ảnh hưởng rất nhiều tới ông, không chỉ trong lĩnh vực công việc mà còn trong cuộc sống?

Đúng thế. Khi có bạn gái, tôi đưa cô ấy tới thăm ông. Lúc ra về, ông gọi tôi lại và nói nhỏ: "Vàng mười" đấy. Sau này, "Vàng mười" trở thành vợ của tôi.

- Coi vợ là "Vàng mười", vậy điều gì khiến ông đánh mất nàng?

Cuộc sống là sự phấn đấu không ngừng nghỉ. Tôi và vợ đều ham học. Vợ tôi là Dược sĩ cao cấp, đòi hỏi phải giỏi tiếng Pháp và tiếng Anh. Vậy nên khi cưới nhau, chúng tôi giao ước phải 4 năm sau mới sinh con. Thời gian làm vợ chồng son, chúng tôi tập trung củng cố kinh tế gia đình và để vợ học ngoại ngữ.

Tuy nhiên, mới được hơn 3 năm, tôi trúng lớp đạo diễn và được sang Liên Xô học. Vợ tôi và mẹ vợ tôi - người từng được đào tạo về Dược ở Đức -  ủng hộ việc tôi ra nước ngoài học nhưng với điều kiện, phải có em bé trước khi đi. Và thế là cậu con trai đầu của chúng tôi chào đời, chỉ 4 tháng trước khi tôi đi du học.

Sau này, tôi và vợ có thêm con gái, nhưng cả hai không thể cùng chung bước. Có những lúc tôi nghĩ, giá như tôi không đi học, không xa vợ con tới 10 năm, biết đâu vẫn giữ được gia đình, "Vàng mười" vẫn là vợ tôi.

Dù sao, lỗi là ở tôi. Vì tôi mải học hành, mải lo sự nghiệp mà đánh mát gia đình. Lỗi tại tôi. Tôi biết vậy nhưng cái gì đã qua thì đã qua rồi, bát nước đã đổ làm sao lấy lại được.

 Đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo và diễn viên Kim Khánh, Lê Lộc trên phim trường.

- Hiện nay, mối quan hệ của ông và vợ cũ như thế nào? Các con đều sang Mỹ định cư với mẹ, một mình ông ở Việt Nam có cảm thấy cô đơn?

Cho đến bây giờ và có thể cho đến khi từ giã cuộc sống này tôi vẫn luôn yêu thương gia đình nhỏ bé của mình. Mặc dù xa các con nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc và tâm sự, vẫn nhìn thấy nhau hàng ngày.

Còn với "Vàng mười", duyên phận không cho chúng tôi làm vợ làm chồng thì là bạn. Mỗi lần về nước mẹ tụi trẻ vẫn bớt chút thời gian đến thăm tôi. Chúng tôi luôn tôn trọng cuộc sống riêng của nhau, luôn động viên nhau sống sao cho khoẻ để lo cho tụi nhỏ nên người.

Các con tôi có cuộc sống của ngày hôm nay là công lao to lớn của bà ngoại và của "Vàng mười". Tôi không bao giờ quên điều ấy.

Để vượt qua nỗi buồn, sự cô đơn tôi lao vào làm phim và đi dạy học. Mỗi bộ phim tôi làm là những mảnh đời, những câu chuyện đầy kịch tính, những mối tình lãng mạn và cuộc sống hạnh phúc của các gia đình.

Phim tôi làm thường thuộc thể loại tâm lý xã hội. Từ ngày chuyển hẳn vào TP.HCM tôi làm những phim tâm lý như: "Gió nghịch mùa", "Mẹ chồng nàng dâu", "Tình mẹ", "Thứ ba học trò"... Tất cả các phim tôi đã làn đều gửi gắm tình yêu thương của mình vào trong đó.

Khi đi dạy ở trường Đại học Sân khấu Điện ảnh khoa Đạo diễn, tôi dồn hết tâm trí và tình yêu điện ảnh cho các em. Tôi thường nói với học trò: nghệ thuật rất nghiệt ngã mình phải rất yêu nó may ra nó mới yêu mình. Tôi đã đánh đổi cả cuộc sống gia đình để có được nó.

- Ly hôn nhiều năm, lý do gì khiến ông không tìm hạnh phúc riêng?

Ai sống ở trên đời mà không muốn được hạnh phúc bên một người mình yêu thương và được chăm sóc. Nhưng ở hoàn cảnh của tôi rất khó. Tôi đã thử nhưng thất bại. Tôi rất thích câu trả lời của một tỷ phú: "Tôi có được ngày hôm nay là vì tôi chỉ có một dòng con và một người vợ".

 Đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo

- Sau khi ly hôn, lý do gì ông lại quyết định chọn TP HCM là nơi phát triển sự nghiệp, trong khi ông đã sống ở Hà Nội hơn nửa đời người?

Khi TP HCM giải phóng, tôi có vào chơi và rất thích cuộc sống ở đó. Khi chuẩn bị theo mẹ sang Mỹ, con trai và con gái có hỏi tôi: Chúng con đi rồi, bố sống ở đâu? Tôi trả lời: "Bố vào Sài Gòn! Bố thích nhịp sống, khi hậu và con người trong đó" 

- Các đạo diễn Bắc thường khó hòa nhập với môi trường điện ảnh trong Nam, trong khi ông lại rất thành công với hàng loạt các bộ phim đáng chú ý. Bí quyết của ông là gì?

Chẳng có bí quyết nào cả. Như tôi đã nói: Phải dành cho điện ảnh tình yêu mãnh liệt. Mỗi bộ phim là một ngon núi mình phải leo bằng sức lực, trí tuệ và tài năng của mình.

- Nhiều đạo diễn tỏ ra e dè khi làm việc với những diễn viên không chuyên nhưng nổi tiếng trong vai trò ca sĩ, người mẫu...nhưng ông lại khác. Lý do gì khiến ông bắt tay với họ? 

- Có lẽ do tôi từng làm diễn viên điện ảnh hơn 10 năm rồi mới đi học đạo diễn. Với diễn viên tay ngang, tôi không hề lo lắng, chỉ cần họ tin tôi, dù vai có tính cách khó đến đâu cũng có thể vượt qua. 

Khi tôi làm phim "Chim phí bay về cội nguồn", "Hồn thiêng xứ núi", "Những đứa con của núi", phần lớn các nhân vật chính đều giao cho các diễn viên tay ngang, nghiệp dư người Ê-đê. Tôi nói với họ: chúng ta phải cùng nhau hợp tác để các bạn diễn tốt như những diễn viên chuyên nghiệp. Và họ làm được điều ấy.

- Trong vai trò đạo diễn, ông đã phát hiện ra rất nhiều gương mặt mới, sau này đã trở thành những diễn viên tài năng. Ông có thể chia sẻ về một vài người trong số đó?
 
Đầu tiên là Lý Nhã Kỳ, khi mới về nước, không hiểu sao cô ấy lại đến xin tôi nhận làm học trò. Tôi cho vào học dự thính lớp đạo diễn điện ảnh truyền hình.

Được 3 tháng, cô ấy đòi đi đóng phim chứ không muốn học nữa. Tôi phải thuyết phục nhà sản xuất, nhà đầu tư để Lý Nhã Kỳ đóng vai chính trong bộ phim 5 tập mang tên "Ghen". Cô ấy đã làm rất tốt.

Một diễn viên tay ngang nữa là Trương Minh Cường. Lần đầu tiên đóng phim, anh đảm nhận vai chính trong bộ phim 60 tập "Cổ đuôi gà". Tình yêu nghề mãnh liệt giúp chúng tôi tạo ra được 2 gương mặt mới cho điện ảnh.

Diễm My 9X đóng phim lần đầu khi đang học đại học nhưng cũng rất thành công. Cô diễn mà như không diễn, rất tự tin và bản lĩnh. Diễm My là gương mặt trẻ, đầy triển vọng.

Tuy nhiên, người tôi ấn tượng nhất là Kim Tuyến. Sau khi hoàn thành phim "Cỏ đuôi gà", tôi có nói với nữ diễn viên này sẽ làm một phim để cô ấy có giải thưởng. Và với "Hồn thiêng xứ núi", Kim Tuyết đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc trong Liên hoan phim Du lịch Thái Bình Dương, còn phim đoạt giải "Phim hay nhất".

Kim Tuyến là một cô gái trẻ rất thông minh, nhanh nhẹ, hoạt bát, biết ngoại giao và hoà nhã với đồng nghiệp. Cô luôn khiêm tốn và làm việc cẩn thận hết mình vì nhân vật, vì nghề nghiệp.

Mỗi lần có điều kiện gặp nhau, Kim Tuyến cười nói: Người tạo ra Diễn viên Kim Tuyến hôm nay là thầy Đặng Lưu Việt Bảo.

Một góc trong trang trại của đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo  

- Có thể nhận rõ tình yêu lớn ông dành cho điện ảnh. Vậy cuộc sống của ông những lúc không làm phim như thế nào?

Có một câu chuyện như này: Một phóng viên hỏi nhà tỷ phú, làm cách nào ông trở nên giàu có, tỷ phú trả lời: "Việc đầu tiên là chăm chỉ, phải rất chăm chỉ. Việc thứ hai là biết tiêu tiền và phải biết nghĩ tới mọi người".

Tôi rất thích câu thứ nhất của ông ấy: phải chăm chỉ. Tôi cũng rất siêng năng gây dựng cho mình từng chút một, để sau này không phải sống nhờ vào con cháu. 

Tôi có một trang trại nhỏ. Những lúc không làm phim, tôi về đó tập làm ông nông dân (cười). Bà con xung quanh sẵn sàng chia sẻ với tôi cách diệt cỏ, bón phân, cách trồng cây, thú vị lắm vì tôi là người thành phố, biết gì về trồng trọt, chăn nuôi.

Tôi thích nuôi gà, loại gà đá Bình Định rất đẹp. Tôi còn nuôi chim bồ câu. Lúc đầu có 4 con nhưng sau một thời gian, nó sinh sôi nảy nở ra mấy chục con, bay lượn trong sân vườn rất đẹp. Mỗi lần ngồi ngắm những cái cây do mình tự tay trồng, những con vật do mình nuôi, tôi đều có cảm giác rất bình yên. 

 Đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo và sở thích lái xe mô tô.

- Ngoài thú vui tập làm nông dân, nhiều đồng nghiệp còn tiết lộ, ông rất thích lái xe mô tô đi du ngoạn. Ông có thể chia sẻ về sở thích này?

Khi nào thời tiế đẹp và rảnh, tôi mang chiếc mô tô 250c ra chạy. Đến giờ tôi thấy chạy xe 250c là vừa sức. Xe phân khối lớn hơn sẽ nguy hiểm đối với một người đã bước vào tuổi 60 như tôi.

Tôi chạy khoảng 40 đến 45 phút là từ Q7 đến nhà vườn Bình Dương. Chạy xe có cái thú của nó. Chẳng nghĩ gì, đầu óc thảnh thơi, khi đường vắng tôi chạy xe với vận tốc khoảng 80km/h.

Tôi làm mọi cái theo sở thích của mình. Bây giờ có vườn nên tôi không đi chơi xa nữa. Trước kia cứ chiều thứ 6 là lên xe ô tô phóng đi các tỉnh như Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre...

Đi thâm nhập thực tế về đời sống bà con nông dân của vùng Đồng Tháp Mười. Trải nghiệm từ những chuyến đi đó giúp tôi làm được bộ phim “Chuyện xứ dừa” dài 30 tập mà không ai nghĩ đạo diễn lại là người Hà Nội.

Thú du ngoạn còn giúp tôi gặp được nhiều họa sĩ phía Nam. Tôi có thú vui sưu tập tranh. Mỗi khi mua được bức tranh yêu thích, là tôi có thể ngồi ngắm nó cả ngày (cười).

Còn chuyện tình cảm, tôi tin vào duyên phận, hy vọng ông trời thương cho tôi lại lượm được "Vàng mười ".


Thu Giang (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn