Điện tắc bụp, GĐ điện TP: "Tôi cũng bức xúc lắm đây"!

Kinh tếThứ Sáu, 02/07/2010 06:22:00 +07:00

(VTC News) - Hơn 10 ngày sống trong cảnh điện chập chà chập chờn, người dân 3 khối (1-2-3) phường Hà Huy Tập (TP.Vinh) chỉ biết kêu trời.

(VTC News) - Hơn 10 ngày sống trong cảnh điện tắc bụp, lúc có lúc mất, chập chà chập chờn, người dân 3 khối (1-2-3) phường Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An chỉ biết kêu trời vì... cũng chẳng còn biết kêu ai.

"World Cup không quan trọng, cái chính là người già, trẻ em không ngủ được"

Cuối tháng 6 vừa qua, VTC News nhận được đơn thư bức xúc của người dân 3 khối (1-2-3) phường Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An về việc điện tại đây luôn trong tình trạng chập chờn, dù đó là những ngày dân được hưởng điện theo quy định.

Theo nội dung phản ánh, trước năm 2008-2009 người dân 3 khối trên được UBND phường thông báo sẽ sử dụng điện sinh họat tại trạm biến áp số 5. Từ đó, dòng điện mới sử dụng tương đối ổn định, ít có sự cố xảy ra, nhưng thời gian gần đây, khách sạn Sơn Trang ở phường Quán Bàu xây thêm nhà cao tầng ở phía Tây đã kéo điện từ trạm 5 vượt qua đường Nguyễn Trãi về sử dụng.


Người dân khối 1-2-3 phường Hà Huy Tập trình bày sự việc với VTC News.
Vào giữa tháng 6, những lúc cao điểm thì điện sinh hoạt của người dân 3 khối trên thường xuyên xảy ra sự cố, điện khi có khi mất, thời gian xảy ra dao động từ 20 đến 30 phút/lần. Cũng theo đơn phản ánh của người dân, mùa này nắng nóng thiếu điện, theo lịch thì điện sinh hoạt của người dân sẽ bị cắt cách nhật (theo ngày chẵn lẻ), song những ngày có điện thì người dân không được hưởng dòng điện một cách trọn vẹn, khiến cho mọi sinh hoạt đều bị đảo lộn, khổ sở nhất là các cụ già và trẻ em.

Những bữa cơm gia đình sống sượng; máy giặt ngắt điện mở lại họat động từ đầu gây thiệt hại về kinh phí và nguy cơ gây chập cháy cao.  Mỗi lần như thế gọi thợ điện đến xử lý thì quá lâu, một vài người dân tự ý trèo lên trạm đập, chọc, đóng át-tô-mát thì điện lại có. Sau đó điện họat động ổn định vì át-tô-mát của khách sạn Sơn Trang chưa ai đóng, nhưng nếu thợ điện đến đóng điện cho khách sạn trên thì tình trạng điện quá tải, chập chà chập chờn lại xảy ra.

Trước tình hình trên, người dân đề nghị các cơ quan có thẩm quyền có biện pháp khắc phục ổn định.

Bà Trần Thị Mão (60 tuổi) trú ở khối 2 bức xúc phản ánh: "Những ngày mất điện theo quy định thì chúng tôi chấp nhận không phàn nàn, cảnh đây là chung cả nước. Nhưng ngày không cắt điện phải để chúng tôi được hưởng trọn vẹn. Có một điều tôi muốn điện lực giải thích vì sao công suất không đủ tải tại sao rất nhiều địa phương (Quán Bàu, Quán Bánh, Nghi Phú, Vạn Xuân) cũng được hưởng điện ở trạm 5. Quyền bán điện là ở trên nhưng muốn bán nhiều cần phải đầu tư hệ thống cấp phát, không thể dân nộp tiền đủ mà hưởng điện lại thiếu".

Ông Bành Đức Thuận, Bí thư chi bộ khối 1 đang bày tỏ sự bức xúc về việc cắt điện "vô tội vạ".

Khi tiếp xúc với VTC News, người dân cho rằng trong tình hình hiện nay về điện là khó khăn chung của cả nước, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng nói nhiều về nguyên nhân mất điện và người dân cũng đã hết sức thông cảm với ngành điện. Nhưng vấn đề ở đây là quy trình cắt - mở điện không có nguyên tắc.

"World Cup với chúng tôi không còn quan trọng, cái quan trọng bây giờ là đời sống của người già, trẻ con đêm ngày không ngủ được. Nhiều người đang trong hoàn cảnh khó khăn nhưng người ta phải bỏ tiền ra mua một cái quạt tích điện, mua cái máy bàn thì chúng ta cũng cần phải xem xét", ông Bành Đức Thuận - Bí thư chi bộ khối 1, người cùng chung cảnh bị điện chập chờn chia sẻ.

Tuy nhiên qua trao đổi, ông Trần Nhất Tâm - Giám đốc khách sạn Sơn Trang lại cho rằng lời người dân nói không khách quan, bởi điện dùng cho khu nhà phía Tây đã kéo từ năm 2008 chứ không phải mới một vài tháng. Việc điện chập chờn theo ông Tâm là do đời sống người dân nâng cao, nhu cầu sử dụng điện theo đó tăng lên, trong khi trạm biến áp không được nâng cấp cải thiện, đó là hệ lụy của việc chập chờn.

Giám đốc điện lực Vinh: "Tôi cũng bức xúc lắm đây"

Trước ý kiến người dân, ông Xuân Hùng - Giám đốc chi nhánh điện TP Vinh cho biết: "Nhà tôi cũng bị y như thế. Qua đợt này, người dân mới biết được như thế nào về tiết kiệm điện và sử dụng điện hợp lý".

Ông Hùng phân tích, khi có điện tất cả các thiết bị dùng điện trong nhà đều bật hết và ai cũng như thế sẽ gây nên tình trạng quá tải (theo quy định mỗi hộ dân trong một thời điểm chỉ được sử dụng công suất 2KW, khách sạn Sơn Trang được sử dụng tối đa 39KW - pv). Khi đó át-tô-mát mỗi trạm phòng chống quá tải và tự ngắt.

Trạm biến áp số 5 nơi thường xuyên bị nhảy át-tô-mát gây bức xúc người dân.


Đề cập về ý kiến người dân cho rằng nguyên nhân quá tải do khách sạn Sơn Trang "hút" điện quá nhiều, ông Hùng bày tỏ sự bức xúc không kém gì người dân khối 1-2-3: "Sự việc là chính xác, dân rất bức xúc và tôi cũng bức xúc lắm đây. Khách sạn dùng điện công suất lớn, khi bên khách sạn đóng điện lập tức át-tô-mát sẽ bị nhảy, kéo theo toàn bộ điện trạm 5 ngừng truyền. Hiện chúng tôi đã có công văn gửi khách sạn yêu cầu tiết giảm điện một cách hợp lý nếu không sẽ cắt điện. Về lâu dài, muốn có điện tiếp tục duy trì lợi ích cá nhân thì phải đưa nguồn điện về ngay đầu trạm. Tuy nhiên cho đến nay tình hình chưa khả quan hơn".

Nói đoạn, ông Hùng nhấc máy điện thoại chỉ đạo đội trưởng đội 3, người trực tiếp quản lý điện trạm biến áp số 5 với nội dung cắt điện của khách sạn Sơn Trang.

"Anh Hoàng à, anh thực hiện cắt điện khách sạn Sơn Trang. Tôi đang làm việc với nhà báo đây, khách sạn Sơn Trang là một nguyên nhân chính mà khi họ sử dụng điện làm mất điện khu vực rộng, anh cắt điện, anh cho tiến hành". Phía đầu dây bên kia vang rõ lên mồn một: "Dạ, dạ rồi, rồi ạ".

Cũng theo lời ông Hùng, ngày 24/6 sẽ cử cán bộ đến làm việc với chủ khách sạn với hai nội dung: Thứ nhất khách sạn Sơn Trang phải sử dụng điện hợp lý, thứ hai đưa nguồn điện về đầu nguồn (công việc di chuyển đường dây về đầu nguồn kinh phí do khách hàng tự bỏ, thời gian di chuyển mất chỉ 1 ngày - theo lời ông Hùng), tránh để ảnh hưởng đến đường điện người dân, nếu không tuân thủ sẽ ngừng cung cấp điện hoàn toàn. Về việc nâng cấp công suất trạm biến áp số 5 đóng tại phường Hà Huy Tập, chi nhánh điện Vinh cũng đã có kiến nghị gửi Sở điện lực Nghệ An và sớm tiến hành nâng cấp.

"Trong thời gian tới sẽ tiến hành nâng cấp công suất trạm biến áp số 5 đóng tại phường Hà Huy Tập, yêu cầu khách sạn Sơn Trang chuyển nguồn điện về đầu nguồn, xem xét giảm tải cho trạm bằng cách chuyển bớt một số hộ dân sang trạm biến áp khác", ông Hùng khẳng định.

Theo ghi nhận của PV, điện cấp cho dân ổn định vào tối ngày 23/6, sau buổi làm việc của chúng tôi với giám đốc chi nhánh điện Vinh (lúc này điện khách sạn Sơn Trạng bị khóa - pv). Sang ngày 24/6, theo lịch thì địa bàn này bị cúp điện theo ngày chẵn lẻ. Đến ngày 26/6, phóng viên VTC News lại nhận được nhiều cuộc điện thoại từ người dân 3 khối này phản ánh điện bị chập chờn rất khó chịu.

Khoảng 22h45 phút tối cùng ngày (28/6), trước tình trạng điện bị cúp do bật át-tô-mát, người dân phản ánh là đã gọi điện thoại đến đơn vị quản lý trạm số 5 nhờ hỗ trợ mở lại điện thì không thấy ai đến. "Kêu trời thì trời không thấu", quay lại người dân gọi điện và nhắn tin đến số điện thoại phóng viên VTC News than thở: "Tình trạng mất điện lại diễn ra, kêu họ ra đóng điện họ không ra đây này". Mới đây nhất vào sáng ngày 1/7, điện khu vực này lại bị chập chờn lúc được lúc mất.

Trước tình hình trên, chiều ngày 1/7, VTC News tiếp tục liên hệ với ông Xuân Hùng - Giám đốc chi nhánh điện Vinh nhằm trao đổi thêm về sự cố thì được ông Hùng cho biết đã có văn bản gửi khách sạn Sơn Trang yêu cầu đưa nguồn điện chuyển về đầu nguồn, tránh gây ảnh hưởng chung nguồn điện sinh họat người dân. Nếu đến ngày 7/7/2010 tới đây mà không thực hiện thì Chi nhánh điện Vinh sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Bài, ảnh: Hồng Thắng

Bạn có nhận xét gì về cuộc sống của những người dân tại các khối 1, 2, 3 phường Hà Huy Tập - TP Vinh? Theo bạn, liệu cách nào có thể giải quyết hiệu quả tình trạng điện chập chờn như thế này? Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng cảm ơn!
Bình luận
vtcnews.vn