Điển hình KT là các chiến sĩ trên mặt trận giảm nghèo

Kinh tếThứ Tư, 29/12/2010 07:00:00 +07:00

(VTC News) - Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, việc tôn vinh, khen thưởng các DN, doanh nhân có thành tích là hoàn toàn xứng đáng và vô cùng quan trọng.

(VTC News) - Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc: "Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, việc tôn vinh, khen thưởng các doanh nghiệp, doanh nhân có thành tích là hoàn toàn xứng đáng và vô cùng quan trọng”.

Chiều nay (28/12), VCCI tổ chức buổi gặp gỡ giao lưu  với các đại biểu Doanh nhân dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần VIII.

Tại buổi giao lưu, nhiều ý kiến của doanh nghiệp (DN) đã băn khoăn về những vướng mắc còn tồn đọng trong suốt thời gian qua, những khó khăn, gian truân mà họ đã gặp phải, những trăn trở về sự phát triển của ngành mình, đất nước mình, về đời sống của người dân xung quanh dự án của các DN. Đồng thời, nêu những đóng góp, giải pháp giúp DN Việt Nam phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
 
Phát biểu tại buổi giao lưu, TS. Vũ Tiến Lộc - Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch VCCI nêu rõ: Trong các lĩnh vực phát triển, cần đặc biệt ưu tiên trên hết là DN, doanh nhân, việc đẩy mạnh tôn vinh các tập đoàn, các DN, doanh nhân là cần thiết và vô cùng quan trọng  với mục đích động viên kịp thời những người trực tiếp làm ra của cải, vật chất, thúc đẩy sự phát triển của  kinh tế nước nhà. Đặc biệt là trong thời gian vừa qua, đứng trước biến động khó lường của cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu, với sự trợ giúp của Chính phủ, đội ngũ doanh nhân đã trụ vững trong khó khăn và đóng góp tích cực, góp phần duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.

 TS. Vũ Tiến Lộc - Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch VCCI: Việc thi đua khen thưởng đối với các doanh nghiệp, doanh nhân là cần thiết và quan trọng nhưng cần tránh tình trạng thương mại hóa thi đua khen thưởng. 

Ông Lộc cho biết: Ngoài tổ chức khen thưởng của Nhà nước, VCCI cũng đã tiến hành tổ chức khen thưởng thi đua cho các DN, các cá nhân tiêu biểu của Bộ, ngành, của các khối địa phương. Trong đó có 2 giải thưởng uy tín với đại chúng, không riêng gì khối DN đó là: Bông hồng vàng và cúp Thánh Gióng. "Nhận thức được vai trò của các doanh nhân, DN trong sự phát triển nền kinh tế, Nhà nước ta luôn đề cao việc tôn vinh các DN, doanh nhân. Tại các nước khác, xu hướng thi đua khen thưởng cho doanh nhân không được nhiều như thế”.

Tuy nhiên, ông Lộc cũng nêu lên thực trạng về công tác quản lý thi đua khen thưởng chưa tốt khi hiện nay ngày càng có nhiều giải thưởng được đưa ra một cách tràn lan, chưa chuẩn hóa giải thưởng. Bên cạnh những giải thưởng có ý nghĩa thực sự không chỉ với riêng từng doanh nhân, DN mà còn đối với cả xã hội, vẫn còn những giải thưởng chưa thực sự tiêu biểu. Việc thương mại hóa thi đua khen thưởng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Vừa qua, Thủ tướng chính phủ đã ra quyết định chỉ đạo sắp xếp lại khen thưởng thi đua cho khối DN, doanh nhân và việc chỉ đạo đó, theo ông Lộc là hoàn toàn đúng đắn.

Trong thời gian tới, Chủ tịch VCCI hi vọng các hình thức thi đua khen thưởng mang tính chất tiêu cực, không đúng đắn, rõ ràng, minh bạch sẽ được hạn chế một cách tối đa. Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh các hình thức thi đua, khen thưởng tôn vinh các đơn vị hoạt động, làm ăn có chất lượng, đạt hiệu quả kinh tế cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.

“Các điển hình kinh tế chính là những chiến sĩ thời bình, những người chiến sĩ trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo, làm giàu về kinh tế cho mình và cho đất nước, trên cơ sở đảm bảo trách nhiệm xã hội, phát triển cộng đồng. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, việc tôn vinh, khen thưởng các DN, doanh nhân có thành tích là hoàn toàn xứng đáng và vô cùng quan trọng” – ông Lộc nhấn mạnh.

“Chúng ta đã có nhà giáo nhân dân, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú,… vậy doanh nhân sẽ mang tên gọi là doanh nhân gì?” – TS. Vũ Tiến Lộc đặt ra câu hỏi về việc có nên tôn vinh một danh hiệu riêng biệt cho các doanh nhân đáng ngợi ca, khen thưởng.

Cũng tại buổi giao lưu, nhiều doanh nhân của các doanh nghiệp tiêu biểu đã bày tỏ những trăn trở của mình trong quá trình sản xuất và phát triển trong suốt năm qua. Ông Vũ Đức Giang, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam tổng kết lại những áp lực mà bản thân doanh nghiệp ông gặp phải trong thời gian vừa rồi. Trong đó có áp lực về lương cao cho người công nhân, thứ 2 là vật giá tiêu dùng tăng rất cao gây áp lực tới người lao động của ngành công nghiệp dệt may, hơn nữa công nghệ của nước ngoài cao, rào cản kĩ thuật khi xuất nhập khẩu khắt khe. Ngoài ra còn việc tỷ giá cao cũng ảnh hưởng tới nhập khẩu một số ngành cơ bản của dệt may Việt Nam. Bên cạnh đó,  giá nguyên liệu đầu vào tăng đột biến đặc biệt là những tháng cuối năm khiến giá bán trên thị trường cạnh tranh cao.

Các doanh nghiệp trăn trở về những khó khăn đã trải qua trong suốt một năm qua. (Ảnh chụp ông Vũ Đức Giang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam phát biểu tại buổi giao lưu).

Ông Giang đưa ra những băn khoăn trong thời gian tới: “Nếu Nhà nước không bình ổn được giá các mặt hàng tiêu dùng, đồng lương không đủ chi tiêu cho gia đình. Thách thức của các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm thị trường ở Việt Nam sẽ rất khó nếu như lương của công nhân Việt Nam ngày càng đẩy lên cao, sự cạnh tranh với thị trường thế giới sẽ tụt giảm”.

Hơn nữa, ông Giang, cũng như nhiều doanh nghiệp khác như đại diện của ngành cà phê Việt Nam, Hiệp hội mía đường Việt Nam,… cũng trăn trở khi lãi suất ngân hàng quá cao khiến việc vay vốn gặp nhiều khó khăn, sự phát triển của doanh nghiệp chậm lại.

Từ đó, ông Giang đưa ra kiến nghị về chính sách khen thưởng đối với doanh nghiệp. Theo ông Giang: Cần tập hợp những nhà đầu tư nước ngoài vẫn đóng thuế đầy đủ, có đóng góp to lớn vào sự phát triển của quốc gia Việt Nam, cần có chính sách khen thưởng họ, ủng hộ họ để tạo động lực phát triển kinh tế nước nhà.

Ngoài ra, ông Giang cũng cho rằng: Nên có biện pháp tập hợp các lực lượng DN vừa và nhỏ, mới thành lập ở các địa phương vùng sâu vùng xa để rồi có chính sách khen thưởng, động viên, khích lệ kịp thời đối với họ.

Riêng ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam hi vọng rằng: Trong thời gian tới sẽ có một hình thức khen thưởng riêng cho doanh nhân, cũng như có một tên gọi tiêu biểu cho những doanh nghiệp đạt thành tích cao, ví dụ có thể là “doanh nghiệp quốc gia” thay vì tên gọi “doanh nghiệp tư nhân”.

Các đại biểu Doanh nhân dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần VIII đều đồng tình với quan điểm: Cần đánh giá, phê duyệt khen thưởng đúng lúc, đúng người, đúng việc. 

Tổng kết buổi giao lưu, ông Lộc khẳng định sự nỗ lực của VCCI trong thời gian tới, tiếp tục là cầu nối của DN với địa phương, các Bộ, các ngành, đưa ý kiến của DN, nguyện vọng về cơ chế chính sách đối với Nhà nước.

Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh vai trò, thách thức và trách nhiệm lớn lao mà các DN phải đảm đương trong tương lai: Các DN phải đối mặt với 2 nhiệm vụ kép: Tái cơ cấu để tồn tại và tiếp tục phát triển trong bối cảnh hiện nay mặc dù chịu sức ép về bất ổn kinh tế vĩ mô, về tỷ giá, lãi suất, giá đầu vào…

Kết thúc buổi gặp gỡ, ông Lộc  nhắn nhủ: Các DN cần gắn bó hơn nữa, bắt tay hợp tác, kết nối với nhau để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn, thực sự chia sẻ với đối tác để làm ăn lâu dài.

Ông cũng hứa hẹn: “Chúng tôi sẽ kiến nghị lên chính phủ tình hình của DN hiện nay, xây dựng một báo cáo làm thế nào để DN có tiếng nói khi tiếp xúc cử tri, mong muốn Nhà nước đưa ra các chính sách để định hướng các DN nâng cao năng lực cạnh tranh. Mỗi năm, trước các cuộc tiếp xúc cử tri sẽ có hội nghị lấy ý kiến của DN tại Hà Nội, TP. HCM nếu cần thì cả trong Đà Nẵng để lấy ý kiến của doanh nhân trong cả nước".

Thêm vào đó, bên cạnh việc chuẩn hóa giải thưởng của DN, năm tới, sẽ có một Đại hội thi đua của DN trên tiến trình tiến tới Đại hội thi đua yêu nước, “làm sao phong trào thi đua của DN phát triển hơn nữa, tăng cường công tác yêu nước của khối DN”, ông Lộc trăn trở.

Bài, ảnh: Khuê Hạ


Bình luận
vtcnews.vn