Điểm mới trong dự thảo luật an toàn, vệ sinh lao động

Thời sựThứ Ba, 08/09/2015 08:07:00 +07:00

Dự thảo luật An toàn vệ sinh lao động đã quy định đối tượng của Luật an toàn vệ sinh lao động. Luật An toàn vệ sinh lao động là chỗ dựa cho lao động tự do.

(VTC News) - Hiện nay, người lao động làm việc tự do tiềm ẩn nhiều nguycơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đồng thời không được hưởng các chế độ an sinh phúc lợi. Luật an toàn vệ sinh lao động quy định lao động tự do là một trong những đối tượng điều chỉnh của luật thực sự là chỗ dựa cho các lao động này.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, trong 6 tháng đầu năm 2015 trên toàn quốc đã xảy ra 3.416 vụ tai nạn lao động làm 3.499 người bị nạn; trong đó 257 vụ gây ra tai nạn lao động chết người với 277 người. Trong năm 2014 có 630 người chết, 1.544 người bị thương trong hơn 500 vụ tai nạn lao động chết người. Tuy nhiên, phần lớn đây là số lượng thống kê trong khu vực có quan hệ lao động, còn lĩnh vực ngoài quan hệ lao động rất nhiều vụ tai nạn lao động chưa thể thống kê được.

Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, trong tổng số 54 triệu người trong độ tuổi lao động trong cả nước, chỉ có khoảng 15 triệu người có quan hệ lao động như ký kết hợp đồng lao động và được thực hiện một số chế độ phúc lợi BHYT, BHXH...

Hàng triệu lao động tự do không được hưởng chế độ phúc lợi
Hàng triệu lao động tự do không được hưởng chế độ phúc lợi 

Trong số 39 triệu lao động còn lại, có tới gần 10 triệu người thuộc đối tượng lao động tự do là nhóm đối tượng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Lao động tự do có thu nhập thấp, công việc không ổn định, đã thế lại không được hưởng các chế độ an sinh phúc lợi.  

Người lao động làm việc trong lĩnh vực này thường không  được trang bị bảo hộ lao động; tổ chức huấn luyện an toàn lao động; khám sức khỏe định kỳ… Số đông lực lượng lao động tự do cũng chưa thấy hết được lợi ích của việc tham gia các loại bảo hiểm hoặc có biết nhưng không đủ điều kiện để tham gia.

Để hỗ trợ lao động tự do, Luật An toàn vệ sinh lao động quy định đối tượng của Luật An toàn vệ sinh lao động bao gồm:  Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động; Cán bộ, công chức, viên chức,người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động... 

Người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng;người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Người sử dụng lao động; Cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến công tác An toàn vệ sinh lao động. Như vậy, lao động tự do nằm trong nhóm đối tượng người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động là đối tượng điều chỉnh của luật.

Luật An toàn vệ sinh lao động đảm bảo quyền lợi cho lao động tự do.
Luật An toàn vệ sinh lao động là chỗ dựa cho lao động tự do. 

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, người lao động trong khu vực lao động được bảo đảm tốt, mà những người không trong khu vực hợp đồng lao động lại không được đảm bảo, như vậy có bình đẳng không khi thực hiện chính sách với người lao động. Như vậy, việc mở rộng đối tượng áp dụng, đối với người lao động thuộc khu vực không có quan hệ hợp đồng lao động là cần thiết, tạo nên sự bình đẳng giữa các loại hình lao động.

Luật sư Nguyễn Văn Cường (Trưởng VP Luật sư Cường và Cộng sự) đánh giá cao một số quy định mới của Luật An toàn vệ sinh lao động so với quy định hiện hành trong việc phòng ngừa, hạn chế tai nạn lao động và bảo vệ các quyền lợi của người lao động, nhất là đối với lao động tự do. 

Cụ thể, khoản 3 điều 6 Luật An toàn vệ sinh lao động quy định rõ người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động có quyền như: Được pháp luật bảo vệ quyền được làm việc trong điều kiện An toàn vệ sinh lao động; được tiếp nhận thông tin, tuyên truyền, giáo dục về công tác An toàn vệ sinh lao động; được huấn luyện An toàn vệ sinh lao động khi làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về An toàn vệ sinh lao động. 

Cạnh đó, lao động tự do được tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện do Chính phủ quy định. Chính phủ căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế- xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, sẽ quy định cụ thể về việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động tham gia hình thức bảo hiểm này.

Video: Máy xúc đổ suýt đè chết công nhân

Theo luật sư Cao Thế Luận (Đoàn Luật sư TP.HCM),việc mở rộng đối tượng áp dụng của LuậtAn toàn vệ sinh lao động đối với người lao động thuộc khu vực không có quan hệ lao động là thể chế hóa quan điểm của Đảng và các công ước quốc tế mà Việt

Nam
đã tham gia. Qua đó, xây dựng môi trường an toàn cho người lao động trong khu vực này, đồng thời đảm bảo quyền làm việc và lao động công bằng của mọi công dân. 

Luật không chỉ bảo đảm quyền cho người lao động trong khu vực không có quan hệ lao động mà còn làm cho họ có trách nhiệm hơn trong An toàn vệ sinh lao động; nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cơ quan Nhà nước trong việc hướng dẫn người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm An toàn vệ sinh lao động. 

Luật quy định trách nhiệm của Hội đồng An toàn vệ sinh lao động cấp quốc gia, cấp tỉnh, doanh nghiệp và cơ chế tham vấn, đối thoại nhằm bảo đảm An toàn vệ sinh lao động; phân định thẩm quyền quản lý nhà nước về An toàn vệ sinh lao động giữa Bộ LĐ-TB&XH với các Bộ để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về An toàn vệ sinh lao động.

 Luật An toàn vệ sinh lao động có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Trước đó, ngày 25/6/2015, với 88,87% ý kiến tán thành trên tổng số 448 đại biểu tham gia biểu quyết, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật An toàn vệ sinh lao động. Luật gồm 7 Chương và 93 Điều, quy định việc bảo đảm An toàn vệ sinh lao động; chính sách, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác An toàn vệ sinh lao động và quản lý nhà nước về An toàn vệ sinh lao động.

Bài viết phục vụ Dự án “Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2015”.

Lam Dung


Bình luận
vtcnews.vn