Điểm mặt những 'thiên đường du lịch' cạo trọc núi rừng

Bạn đọcThứ Năm, 03/07/2014 09:50:00 +07:00

Trong khi "thiên đường du lịch" chưa thấy đâu thì vô số đồi núi cát sinh thái ven biển dần biến mất, rừng phòng hộ bị băm nát, sa mạc hóa.

Trong khi "thiên đường du lịch" chưa thấy đâu thì vô số đồi núi cát sinh thái ven biển dần biến mất, rừng phòng hộ bị băm nát, sa mạc hóa.

Hơn 10 năm qua, hàng loạt dự án du lịch ven biển mang những cái tên ấn tượng như Thiên Đường, Cõi Niết Bàn, Giấc Mơ, Làng Xanh, Hòa Bình, Hoàng Gia, Phong Phú… từng được ồ ạt đăng ký đầu tư vào Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (tỉnh TT-Huế). 
Đến nay, thiên đường du lịch Chân Mây như kỳ vọng vẫn chẳng thấy đâu. Ngược lại, vô số đồi núi cát sinh thái ven biển dần biến mất, rừng phòng hộ bị băm nát, sa mạc hóa.
Làm du lịch hay “san phẳng, cạo nhẵn”!
Mới giữa buổi sáng tháng 6, con đường du lịch ven biển nối xã Lộc Vĩnh với thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, thuộc Khu Kinh tế Chân Mây-Lăng Cô) dài gần 10km đã nóng lên như chảo lửa. Cảnh vật hai bên đường điêu tàn, khô cháy như hoang mạc. 
 Rừng dẻ phòng hộ ven biển Chân Mây-Lăng Cô bị đốt phá, chặt hạ không thương tiếc sau khi giao về cho dự án du lịch.
Tuyến đường này một thời được kỳ vọng là trục phát triển du lịch mang đẳng cấp quốc tế của vùng Chân Mây-Lăng Cô, với hàng loạt dự án khu nghỉ dưỡng có giá trị hàng nghìn tỷ đồng từng được đăng ký đầu tư vào đây. 
Ngước mắt lên đồi cát thuộc một dự án du lịch “treo” đã bị cạo nhẵn cây xanh, anh Phan Đương (xã Lộc Vĩnh) hồi tưởng: “Nếu về đây hơn 15 năm trước, cảnh vật tuy hoang sơ, nhưng không khí dịu mát, dễ chịu, sinh thái hài hòa chứ không hoang tàn, nóng bức, chói chang đến nhức mắt như bây giờ”. 
Thay vì giữ lại thảm thực vật, rừng phòng hộ, cùng hệ thống núi cát phòng hộ ven biển khi xây khu du lịch, những gì thuộc về tự nhiên nơi đây lại bị các nhà đầu tư thay đổi theo chủ ý “san phẳng, cạo nhẵn”. 

“Chính quyền nhiều lần phát hiện nạn trộm cát ở khu du lịch dở dang ven biển, nhưng khi chúng tôi đến kiểm tra, chủ đầu tư lại cho rằng họ đang cải tạo, san lấp mặt bằng. Đồi cát trong vùng bị cạo trọc, san phẳng từng ngày mà xã vẫn không làm gì được. Cảnh sát Môi trường huyện cũng đã nhiều lần vào cuộc, nhưng khi lực lượng chức năng rút đi, mọi việc đâu lại vào đấy”.

Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh Bùi Ngọc Ga
Vấn nạn xâm hại môi trường sinh thái ven biển Chân Mây - Lăng Cô càng trở nên nghiêm trọng thời gian gần đây, do hàng loạt nhà đầu tư kém năng lực, từng xí phần đất đã lặng lẽ rút đi sau khi thỏa sức san phẳng, cạo nhẵn đồi cát. Những bãi hoang như sa mạc, cùng với nhiều mỏ đất san lấp “chui” vô chủ theo đó ngày càng xuất hiện nhiều. Tài nguyên đất, rừng ven biển đang bị thất thoát từng ngày. 
Đơn cử, tại khu đất từng được giao đầu tư dự án du lịch Thiên Đường (xã Lộc Vĩnh), nạn “cát tặc” vốn hoành hành lâu nay nhưng không được xử lý dứt điểm. 
Thời điểm phóng viên có mặt, trên con đường mòn tự phát mở ra phía biển thuộc dự án du lịch bỏ hoang này, dấu vết của những đoàn ô tô tải hạng nặng vào ra khai thác cát “chui” tối hôm trước vẫn còn nham nhở. Tiến xa hơn ra phía biển, nhiều ngọn đồi có chức năng cản gió, chắn cát bay cát nhảy đang bị xẻ nát, cạo trọc. Cát đồi nơi đây bị lấy đi với khối lượng rất lớn. 
Dự án treo, rừng phòng hộ nát
Đầu năm 2012, Văn phòng Chính phủ từng phát công văn yêu cầu UBND tỉnh TT-Huế kiểm tra, báo cáo và xử lý vụ việc rừng dẻ phòng hộ hàng trăm năm tuổi xã Lộc Vĩnh (diện tích rộng hơn 200 ha) bị phá, sau khi chuyển giao cho Cty CP Đầu tư Phát triển Phong Phú Lăng Cô đầu tư sân golf. 
Phát triển du lịch nửa vời, môi trường xanh tự nhiên ven biển Chân Mây-Lăng Cô trở nên sa mạc hóa. 
Đến nay, dự án sân golf Phong Phú vẫn cứ treo, rừng dẻ Lộc Vĩnh rơi vào tình trạng vô chủ, diện tích cây xanh tự nhiên nơi đây tiếp tục bị thu hẹp. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, tình trạng đốt phá rừng dẻ tự nhiên tại Lộc Vĩnh lại tái diễn.
Theo ông Bùi Ngọc Ga, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, diện tích rừng dẻ phòng hộ trên địa bàn hiện nằm trong đất dự án sân golf Phong Phú còn khoảng 150ha. “Do nhà đầu tư không triển khai dự án, dân lén lút đốt phá rừng dẻ để trồng các loại cây lấy gỗ ngắn ngày như keo, tràm. Xã đã phát hiện và lập biên bản 10 trường hợp vi phạm”. 
Ông Ga cũng lưu ý, trên địa bàn chưa có bất kỳ vị trí nào được cấp mỏ khai thác cát làm vật liệu san lấp. Vậy nhưng, các đồi cát phòng hộ ven biển vẫn bị xẻ thịt, do nhu cầu đất san lấp của dân địa phương và các công trình xây dựng quanh khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. 

Theo Tiền Phong
Bình luận
vtcnews.vn