Dịch vụ ở Mỹ Đình “chém” đẹp trước thềm bế mạc Đại lễ

Kinh tếChủ Nhật, 10/10/2010 12:23:00 +07:00

(VTC News) - Khi điểm bắn pháo hoa trong đêm bế mạc Đại lễ chỉ tập trung duy nhất ở Mỹ Đình, nhiều người dân đã đổ xô về đây, các dịch vụ đua nhau tăng giá.

(VTC News) - Khi điểm bắn pháo hoa trong đêm bế mạc Đại lễ chỉ tập trung duy nhất ở Mỹ Đình, nhiều người dân đã đổ xô về đây, các dịch vụ đua nhau tăng giá trước "giờ G".


Sau khi có thông tin về việc hủy bắn pháo hoa tại 29 điểm ở Hà Nội và chỉ tập trung bắn duy nhất tại sân vận động Mỹ Đình, hàng nghìn người dân bắt đầu đổ dồn về đây. Trước ngày chính lễ, đêm 9/10, sân vận động Mỹ Đình chứng kiến cảnh tượng “rừng” người kéo nhau về vui chơi, thưởng thức không khí náo nức của ngày bế mạc Đại lễ.

Từ 7h tối, mọi ngả đường dẫn về sân vận động Mỹ Đình đều chật kín người. Khu vực cầu Giấy luôn trong tình trạng ách tắc, dòng xe nườm nượp thi nhau nhích lê từng bước. Tuy nhiên, ai nấy đều háo hức hướng về sân Mỹ Đình, hưởng trọn một buổi tối mát mẻ, thảnh thơi trước ngày diễn ra “bữa tiệc” pháo hoa hoành tráng sẽ diễn ra chỉ trong vòng 24h tới.

Rợn ngợp cờ đỏ sao vàng ngoài đường phố trước thềm bế mạc Đại lễ (Ảnh chụp trên đường Cầu Giấy, tối 9/10)

Anh Hoàng Trọng Hải, một người dân ở tỉnh lẻ mới kịp bắt chuyến xe từ Nam Định ra Hà Nội sáng nay hồ hởi nói: “Tôi phải tranh thủ ra sân Mỹ Đình chơi, bởi tối mai (tối 10/10 – pv) chắc sẽ đông nghẹt lắm, tôi đã chọn giải pháp ở nhà, lên tầng cao để ngắm pháo hoa từ xa thôi!”. Nhiều người cũng lo sợ việc cấm đường theo trục Đại Mỗ – Lê Đức Thọ – Hồ Tùng Mậu – Nguyễn Cơ Thạch, mọi người dân sẽ lại phải toát mồ hôi, chen nhau đi bộ nên đã “tranh thủ” đi sớm vào đêm 9/10.

Không khí tại sân vận động Mỹ Đình bắt đầu nhộn nhịp, đông đúc nhất vào khoảng 7h30 – 8h00 tối, khi mọi gia đình vừa ăn cơm xong, nô nức cho con cái đi chơi, khi các nam thanh nữ tú chuẩn bị hẹn hò, tình tứ. Các dịch vụ “ăn theo” dịp Đại lễ cũng được trưng tập một cách khá đầy đủ, trong đó VTC News xin điểm danh một số dịch vụ “hút” khách như sau:

1. Diều “căng” giá

Nhiều người Hà Nội yêu diều bảo, chưa bao giờ thú chơi diều ở Thủ đô lại nở rộ như mấy năm trở lại đây, đặc biệt là vừa qua, sau cuộc thi diều làm “no” mắt người xem, nhiều người lại háo hức trở lại với thú chơi dân dã này.

Quảng trường sân vận động Quốc gia Mỹ Đình trước ngày chính lễ, người thả diều đông nghịt. Những con diều thời hiện đại với nhiều mẫu mã và kiểu dáng, màu sắc sặc sỡ khác nhau trở thành thú vui của nhiều tầng lớp từ già đến trẻ, từ đàn ông cho tới phụ nữ. Đắm đuối trông theo cánh diều, nó là cớ để tình tự của những cặp nam thanh nữ tú, thành “chiến binh” để cá cược của các đôi bạn trẻ, thành “lá sớ” cầu khấn thành đạt và thoả nguyện ước mơ bay cao, bay xa trong đôi mắt của trẻ nhỏ.

Diều "căng" giá

Không phải được tạo từ cật tre, giấy phèn và sáo trúc giống như diều truyền thống, thế nhưng diều “hiện đại” đủ mọi kiểu dáng từ hình đại bàng, sư tử, voi, cho tới hình chàng siêu nhân Bat man, nàng tiên cá được sản xuất hàng loạt theo kiểu "hàng chợ", giá bán vừa túi tiền (35.000 - 50.000 đồng/chiếc) vẫn được nhiều bạn trẻ ưa thích. Cứ 5 – 10 phút, lại có khách đến hỏi mua, anh Sơn – người bán diều tất tả chuẩn bị dây, căng diều thử cho khách. Những chiếc diều được cắm tròn đằng sau xe, thuận tiện để người bán linh động thay đổi địa điểm bán khi cần thiết. Hỏi về doanh thu bán hàng, anh Sơn chỉ cười nói: “Nó giống như đi câu vậy, có hôm đông khách, có hôm ít khách. Nhưng nhìn chung là… đủ sống dư dả chỉ với vài ngày Đại lễ”.

Có người mua diều, không để ngắm, chỉ thả diều rồi... cắt dây cho bay lên trời mang theo những nguyện ước sâu xa, thầm kín… 

Cách đó không xa, bác Phúc (quê ở Đan Phượng, Hà Tây) - nơi có hội diều nổi tiếng vào ngày rằm tháng 3 âm lịch hàng năm, nay bán diều rong trên quảng trường sân vận động Mỹ Đình cũng đang tất bật giới thiệu hàng cho khách. Bác cho biết: Những ngày này, mỗi buổi tối, bác cũng bán được 15 – 20 con diều. Nhiều cô cậu thanh niên mua diều tặng người yêu để rồi cả 2 đắm chìm trong phút giây lãng mạn ngắm bầu trời rợp những cánh diều bay. Có người mua diều, không để ngắm, chỉ thả diều rồi... cắt dây cho bay lên trời mang theo những nguyện ước sâu xa, thầm kín…

2. Chiếu “nghỉ ngơi”

Có lẽ, người Hà Nội đã không còn xa lạ với cảnh thuê chiếu ngồi hóng mát trên bãi cỏ hay vỉa hè xung quanh khu vực sân Mỹ Đình mỗi dịp hè đến. Chỉ cần thuê một chiếc “nghỉ ngơi” gọi một chén trà, nhâm nháp mấy hạt hướng dương hay nhai một chiếc kẹo cao su, người dân có thể thảnh thơi, thoải mái thưởng thức khung cảnh thoáng đãng nơi đây suốt cả buổi tối. Dịch vụ cho thuê chiếu này càng phát triển rầm rộ hơn trong những dịp lễ lớn.

Để tăng thêm thu nhập trong những ngày Đại lễ, mỗi người dân chuyên kinh doanh quanh khu vực này lại lôi kéo thêm 2 – 3 người thân nữa tập trung buôn bán. Chị Hà (cư ngụ tại thôn Phú Đô, HN) cho biết: Ngày thường, với 5 chiếc chiếu, cùng một ấm nước trà xanh, một mình chị tranh thủ “kiếm cơm” lúc rỗi rãi vào chập tối. Tuy nhiên, những ngày này, chị “huy động” thêm 3 người hàng xóm, tăng lượng chiếu lên gấp đôi, tỏa ra khắp các điểm để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách. Với số lượng khách đông như vậy, mỗi tối chị cũng đon đả mời được khoảng 30 chiếu sử dụng, thu về ít nhất 900.000 đồng (riêng tiền chiếu).

Các "thượng đế" sẵn sàng móc túi chi trả 30.000 đồng để có chỗ ngồi nghỉ ngơi thảnh thơi như thế này

Thông thường, giá một chiếc chiếu ngồi chỉ khoảng 20.000 đồng/chiếc, nhưng dịp này, giá “hữu nghị” nhất mà các “thượng đễ” phải chi trả rơi vào khoảng 30.000 đồng.

Không những thế, những thứ mà người dân dùng khi ngồi trên chiếc chiếu ấy cũng được giao với giá “cắt cổ”. Một bia chai Hà Nội bán với giá thấp nhất là 20.000 đồng, một đĩa mực nướng lòng khòng vài cọng cũng được “hét” lên 170.000 đồng. Không ít người tiêu dùng (NTD) do thói quen không hỏi giá trước, khi đứng lên thanh toán đã suýt “ngất xỉu”  khi số tiền vượt quá ngưỡng tưởng tượng.

“Đó là giá chung rồi, thời buổi kinh tế thị trường cái gì chẳng đắt đỏ” – Đó là câu cửa miệng mà bất cứ chủ quán nào cũng đưa ra mỗi khi khách than thở “giá quá đắt”.


3. Trà đá, mía đá “thừa cơ” “chặt, chém”


Ngày thường, mía đá tại sân Mỹ Đình chỉ bán với giá 10.000 đồng/cốc, tuy nhiên, khi lượng khách tăng lên đột biến, giá này được nâng lên mức 15.000 đồng, tăng gấp 3 lần so với một số điểm bán nước mía trong nội thành Hà Nội. Giải thích cho sự “chặt chém” này, một chủ quán bán nước mía trên đường Lê Đức Thọ vin vào lý do: Mía mùa này khan nước, lại nhập về với giá cao 150.000 đồng/bó (10 cây). Tuy nhiên, với những ngày khách đông, số tiền mà các chủ quán này “bỏ túi” cũng không phải là con số ít.

Với mỗi bó mía, người xay pha chế được khoảng 200 cốc. Trung bình những ngày Đại lễ, quán nước mía nào cũng làm hết công suất, bán được 2 – 4 bó mía, tương đương với 400 – 800 cốc mía, mỗi cốc bán cao hơn 5.000 đồng. Như vậy, so với những ngày thông thường khác, những ngày này, họ “thu hoạch” về thêm 2 – 4 triệu - Một con số “khổng lồ” mà ít ai có thể ngờ đến.

Với việc tăng giá thêm 5.000 đồng/cốc, mỗi tối, các quán này thu về thêm 2 - 4 triệu đồng- Một con số “khổng lồ” mà ít ai có thể ngờ đến

Bên cạnh hàng nước mía, các quán trà đá cũng “ăn lên làm ra” nhờ Đại lễ. Những bà hàng nước luôn tay rót trà, gọt ổi, gọt xoài, lấy hạt dưa,… phục vụ du khách. Đưa tay lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, chị Hường nói: “Bình thường, chúng tôi kết thúc công việc lúc khoảng 10h đêm khi lượng khách đã vãn, nhưng những ngày này, có hôm bán tới 3h sáng”. Thanh niên kéo nhau đi chơi nhiều, lại thường xuyên tụ tập, đi theo tốp đông nên “hàng bán rất chạy”, “bán hàng rất sướng” – Các chủ quán nước đều hồ hởi như vậy.

Mới chỉ chập tối, chị bán nước bên đường đã tức tối gọi điện về nhà mua ngay 4kg xoài, 2kg ổi cung ứng thêm ra ngoài này để bán. Mặc dù, giá cả những mặt hàng “ăn hương ăn hoa” này khá “chát” nhưng nó dường như đã trở thành thói quen, nét văn hóa của người Hà Nội nên dịch vụ vẫn “hút” khách như thường.

“Biết thế nào cũng đắt gấp 4, gấp 5 lần, nhưng chẳng nhẽ, đưa mấy đứa bạn ở quê ra đây chơi lại đứng không…ngắm trời đất?” – Huy, một sinh viên trường Đại học Bách Khoa than thở.

Sau hơn 1 tiếng đồng hồ ngồi tỉ tê với lũ bạn, lúc đứng lên trả tiền, Huy “khóc dở mếu dở” khi rút hầu bao 135.000 đồng trả tiền cho chủ quán, trong khi đó, tổng kê những thứ Huy đã “thưởng thức” chỉ có: Duy nhất 1 đĩa xoài xanh (30.000 đồng) + một đĩa củ đậu (20.000 đồng) + một đĩa hướng dương (30.000 đồng) + 5 cốc trà đá (5.000 đồng/cốc) và tiền thuê chiếu làm chỗ ngồi (30.000 đồng).

Tranh thủ những ngày cuối cùng kiếm lời, trà đá "chém" rất đẹp trước thềm bế mạc Đại lễ

Ngoài ra, những đồ uống khác như C2, trà xanh 0 độ, Lavie,… đều được “đính mác” với giá 20.000 đồng/chai, đắt ít nhất gấp 3 lần so với giá bán ngoài thị trường.

“Nếu lực lượng công an không kiểm soát quá gắt gao, không bị đuổi thường xuyên thì đêm 10/10 sẽ là ngày được “mùa” lớn nhất trong năm mà chúng tôi từ lâu mong đợi” – chị An, chủ quán hàng nước trước cổng sân vận động Mỹ Đình hi vọng nói.

4. Ngô luộc đắt hàng


Món ngô luộc vốn dĩ đã rất quen thuộc với những người ở quê, tuy nhiên, những ngày này ra thành phố chơi, không ít dân tỉnh lẻ đã bỏ ra 5.000 đồng để mua một bắp ngô “lót dạ” những khi đói hoặc khi “muốn mua cái gì đó cho con ăn”. Mặc dù, những người bán ngô đều ra sức thuyết phục rằng: “Giá này không tăng so với ngày thường, giá gốc lấy vào đã là 3.200 đồng/bắp”, nhưng anh Tiến (người mua) vẫn khăng khăng khẳng định: “Từ bé tới giờ, tôi chưa bao giờ thấy giá một bắp ngô lại lên tới 5.000 đồng”. “Ở quê tôi, ngô rẻ lắm!” – anh Tiến thành thật nói.

Khi thời tiết hơi se se lạnh, ngô luộc trở thành món ăn "lót dạ" ưa thích của nhiều người

Theo những người bán ngô thì dịp Đại lễ, họ chỉ hi vọng vào doanh số bán chứ không tăng giá bởi “cao lên một chút thì rất khó chào hàng”. Nếu như những ngày khác, cao điểm, họ chỉ có thể bán được 40 – 50 bắp ngô, thì dịp này, con số đó tăng lên gấp 3 lần, có hôm, họ bán được tới gần 200 bắp ngô. Cần mẫn đạp xe và tích cực lên tiếng giao hàng, mỗi buổi tối, những người bán ngô này cũng kiếm được ngót nghét 500.000 đồng.

“Khách đổ xô về sân đông, tuy nhiên người bán cũng chẳng thiếu. Từ 3 – 4 người bán thường xuyên túc trực quanh khu vực này, giờ đã có hơn 20 người từ khắp các nơi tập trung về, khiến lượng mua cũng phải giảm hơn” – anh Tiến Đạt nói về khó khăn của mình trong những ngày bán ngô dịp Đại lễ.  

5. Đồ chơi trẻ em “hút” khách

Sân vận động Mỹ Đình không chỉ huyền ảo bởi ánh đèn điện được giăng mắc khắp nơi mà còn lung linh, sặc sỡ hơn với trăm nghìn sắc màu từ các chùm bóng bay, các đồ chơi trẻ em nhấp nháy đang được bày bán la liệt giữa các lối đi.

Đa dạng về mẫu mã lại được thổi khí hidro bay bổng trên nền trời cao, những chùm bóng bay khiến nhiều trẻ em ngơ ngác ngước nhìn và đòi bố mẹ mua cho bằng được. Hỏi mua một quả bóng bay hình tròn với giá bán cao hơn 4 – 5.000 đồng so với ngày thường, ban đầu chị Hà (Hà Đông, HN) hơi đắn đo, nhưng trước đôi mắt hau háu của 2 đứa con gái đang níu vạt áo mẹ, chị lại “cắn răng” chọn mua 2 quả bóng.

Với giá bán dao động từ 4 – 15.000 đồng/chiếc, nhiều người bán bóng bay hả hê vì những ngày này, tại các tụ điểm đông dân, số lượng bán có thể lên tới 100 chiếc – vượt xa so với doanh thu hàng ngày của họ. Mua giá gốc 8.000 đồng/quả bóng bay hình con thỏ, chị Hòa cũng vô cùng phấn khích khi người dân nô nức mua mặc dù giá bán ra cao hơn gấp đôi lên tới 15.000 đồng.

Bóng bay ngập tràn trời Mỹ Đình

Không chỉ bóng bay mà các mặt hàng đồ chơi khác cũng “hút” khách không kém. Nhiều đồ chơi được đổ trực tiếp trên nền đường và bày bán rộng rãi để NTD lựa chọn, nhiều sản phẩm khác lại được giăng mắc trên những chiếc xe rực rỡ sắc màu của chong chóng, của đèn lồng, của loa kèn, đĩa bay,…

Mặt hàng “đắt” khách nhất phải kể đến đó là bình xịt bong bóng xà phòng. Ông chủ bán mặt hàng này cho biết: Ông nhập hàng về từ Lạng Sơn với giá 45.000 đồng, bán ra phần lớn ở giá 70.000 đồng, gặp khách “xộp” có thể nói vống lên 100.000 đồng/chiếc.

Ngoài kinh doanh đồ chơi trẻ em, ông còn cho biết: Ông còn tham gia bán kem trong một số ngày cao điểm. 40 thùng kem trong 1 tối đó là “kỉ lục” mà ông và cậu con trai đã đạt được trong những ngày vừa qua. Ông thừa nhận: Những ngày này, riêng tiền lãi bỏ túi cũng phải xấp xỉ hàng triệu.

“Nghìn năm mới có một lần nên tất nhiên, ai cũng phải…tranh thủ” – ông ghé sát tai tôi nói nhỏ trước khi chuẩn bị cất gói đồ nghề ra về khi đồng hồ bắt đầu điểm 12h đêm.

Bài, ảnh: Khởi Nguyên

Bình luận
vtcnews.vn