Dịch vụ nào “hốt bạc” nhất sau Tết?

Kinh tếThứ Sáu, 26/02/2010 02:15:00 +07:00

(VTC News) – Nếu những ngày đầu năm mới, dịch vụ giúp hàng quán hái ra tiền chủ yếu là ăn uống thì sau Tết, những dịch vụ dưới đây lại có cơ may "hốt bạc"

(VTC News) – Dán nilon xe máy, đổi tiền lẻ tại các khu vực đền, chùa hay thu, gom đào thế là những dịch vụ sôi nổi nhất trong những ngày đầu xuân năm mới. Tuy nhiên, so với thời điểm cận Tết nguyên đán, giá cả những loại hình dịch vụ này không thay đổi nhiều.

Dán nilon xe máy “hút” khách hàng

Song song với sự nhộn nhịp của những quán lẩu vỉa hè, trong những ngày đầu năm mới, dọc phố Cao Bá Quát, những tốp thợ của các cửa hàng dán nilon xe máy liên tục vẫy tay mời chào khách đi đường. Trái hẳn với dự đoán, trong 2 ngày 22 – 23/2 (tức mùng 9, mùng 10 tháng Giêng) rất nhiều chủ nhân của những chiếc xế nổ dừng lại ở các cửa hàng để tân trang lại “xế” yêu.

Theo chị Lan, cửa hàng dán nilon xe máy số 38 – 41 Cao Bá Quát (Hai Bà Trưng, HN), suốt từ lúc mở hàng (mùng 8 Tết), nhân viên cửa hàng chị làm không hết việc.
 
“Mặc dù không đông như thời điểm cận Tết Nguyên đán nhưng trong những ngày đầu năm mới, rất nhiều khách hàng đã tìm đến để tân trang lại xe.

Cửa hàng dán nilon xe máy trên phố Cao Bá Quát bận rộn tân trang lại xe cho khách (Ảnh chụp ngày 23/2) 
Khách đến dán nilon cũng có, dán giấy màu cũng có. Giá cả so với thời điểm cận Tết nguyên đán vẫn không thay đổi. Với xe tay ga: Dán nilon có giá dao động từ 350.000đ – 400.000đ, dán giấy màu (3 lớp) có giá từ 600 – 750.000đ. Giá “tân trang” xe số mềm hơn một chút so với xe tay ga, dán nilon dao động từ 250.000 – 300.000đ; dán giấy màu có giá từ 400.000 – 550.000đ.

Dịp đầu năm mới, trung bình một ngày cửa hàng chị làm được 20 xe/ngày”, chị Lan cho biết.

Cũng tương tự như vậy, tại cửa hàng dán nilon xe máy trên đường Bưởi (Ba Đình, HN), chủ cửa hàng cho biết, bắt đầu từ chiều ngày mùng 10, khách đến dán nilon xe máy tại cửa hàng bắt đầu nhộn nhịp như thời điểm trước Tết. Tuy nhiên, mặc dù là những ngày đầu năm mới nhưng cửa hàng anh vẫn làm theo giá chung, giá cả không cao hơn so với thời điểm trước Tết.

Cụ thể: dán nilon xe máy trung bình là 300.000đ, dán giấy màu (3 lớp) là 500.000 - 600.000đ/xe.

Đổi tiền lẻ “vào cầu” nhờ lễ hội

Bắt đầu từ mùng 1 Tết, tại các đình, chùa, người dân nô nức đến lễ Phật cầu may. Các dịch vụ ăn theo mùa lễ hội cũng vì thế nở rộ. Đến ngày mùng 9 âm lịch, khi các công sở, cơ quan bắt đầu lịch trình làm việc thì tại những ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội vẫn không ngớt khách đến lễ phật, cầu an. Cảnh chen lấn xô đẩy khiến khách thập phương và các cơ quan chức năng tại những khu vực đình, đền mệt nhoài nhưng đây lại là thời điểm làm ăn béo bở của nhiều loại hình dịch vụ.

Tại Phủ Tây Hồ, từ 5 giờ sáng đến 19 giờ hàng ngày có hàng vạn khách thập phương tìm đến thắp hương (giờ cao điểm là khoảng từ 10 giờ đến 17h30). Cũng trong khoảng thời gian đó, dọc con đường hẹp dẫn vào Phủ, các cửa hàng vàng, mã, đổi tiền lẻ cũng hoạt động nhộn nhịp chưa từng có.

Với mức giá chung đổi tiền lẻ mới là 10 ăn 8, tuy nhiên theo một tiểu thương tại đây, có khi họ cũng đổi cho khách với tỷ giá 10 ăn 7.

Theo bà Bình, đại lý đổi tiền lẻ ở Phủ Tây Hồ: Trung bình một ngày (trong dịp đầu năm mới – pv) đại lý đổi tiền lẻ có thể lãi từ 1.000.000đ – 1.500.000đ.

Khách đổi tiền lẻ tại Chùa Hà (Ảnh chụp ngày 23/2) 

Còn theo anh Hùng, khách thập phương đổi tiền lẻ tại khu vực Phủ Tây Hồ cho biết: “Mặc dù anh đã đổi tiền lẻ từ trước Tết nhưng vì đi quá nhiều đền, chùa trong dịp Tết nên khi đến Phủ (ngày 23/2 tức mùng 10 tháng Giêng), anh vẫn đổi tiền lẻ để vào lễ Phật”.

Cũng theo anh Hùng, mặc dù biết tỷ giá đổi 10 – 8 là cao nhưng vì đi lễ cầu an nên anh cũng không thấy phiền toái. Hơn nữa, do cũng chỉ đổi có vài trăm nghìn, mệnh giá nhỏ nên anh vẫn vui vẻ chấp nhận.

Trong ngày 23/2 (tức mùng 10 Âm lịch) tại chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) mặc dù không nườm nượp khách thập phương như ở Phủ Tây Hồ nhưng những cò mồi đổi tiền lẻ tại đây hoạt động cũng khá hiệu quả.

Theo quan sát của phóng viên, tại khu vực trước cổng chùa, cứ mươi phút lại có khách sà vào hàng đổi tiền lẻ. Với tỷ giá 10 – 8, các con chiên đến lễ phật vẫn đổi từ một đến vài trăm nghìn trở lên. Tiền lẻ được đổi nhiều nhất là loại 500đ.

Đến “nô nức” thu, gom đào thế

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2010 dài hơn so với mọi năm và cũng vì thế việc thu, gom đào thế cũng sớm hơn thường lệ một chút. Cứ như những năm trước, phải đến rằm tháng Giêng, người thuê mới trả đào nhưng năm nay bắt đầu từ mùng 8, rất nhiều hộ đã điện thoại nhắc chủ đào đến mang đào về.

Theo chị Lê Anh trú tại Đường Bưởi, Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội, sáng mùng 8 Tết, chị đã trả lại cây đào thế thuê trước Tết. Chị Anh cho biết, kỳ nghỉ lễ kéo dài nên thời gian “chơi” đào đã đủ. Chị trả lại đào cho chủ đào cũng nhân thể để dọn dẹp nhà cửa trước khi đi làm trở lại vào ngày mùng 9.

Một người nông dân đang gom đào về "dưỡng" (Ảnh minh họa) 

Cũng theo chị Anh, năm nay (2010) là năm đầu tiên gia đình chị chơi đào thuê.

“Dịch vụ cho thuê đào rất thuận tiện. Chỉ cần một cú điện thoại, người cho thuê đào sẽ mang đào đến tận nhà, đến ngày trả, người cho thuê lại sẽ chở đào đi. Dịch vụ này cũng tiết kiệm được khá nhiều tiền bạc. Với cây đào thế cao 2m, gia đình chị thuê trong 10 ngày Tết chỉ có giá 1,5 triệu đồng (đã bao gồm tiền dịch vụ) nhưng nếu mua đứt cây đào này có giá không dưới 6 triệu đồng”, chị Anh cho biết.

Theo anh Vũ, chủ một vườn đào có tới nghìn gốc ở khu đối diện với UBND Quận Tây Hồ cho biết, từ mùng 8 Tết, anh bắt đầu thuê xe đến các phố đón đào về. Riêng ở khu vực Đường Bưởi, trong 3 ngày vừa qua anh đã đưa về gần 20 gốc đào thế.

Anh Vũ cũng chia sẻ: “Bắt đầu từ khoảng 2 tháng trước dịp Tết Nguyên đán, khách bắt đầu đến đặt thuê đào thế. Giá cả cũng tùy từng gốc đào nhưng dao động trong khoảng 1,5 triệu – 6, 7 triệu đồng. Cá biệt cũng có những gốc đào to bằng người ôm có giá thuê lên đến 15 – 20 triệu đồng.

Thông thường qua rằm tháng Giêng, khách sẽ trả đào. Dịch vụ cho thuê đào sẽ được nhà chủ bao trọn gói. Khi đã thống nhất về giá cả, dáng đào, chủ đào sẽ chở đào đến tận nhà cho khách và đến hẹn sẽ đến mang đào về trồng lại”.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng làm thêm dịch vụ chăm sóc cho các gốc đào. Với giá dao động trong khoảng 1,5 – 2 triệu đồng, tôi sẽ đến các hộ có nhu cầu, gom đào về chăm sóc cho đến dịp Tết nguyên đán năm sau, trả lại cho chủ nhân. Còn một gốc đào thế để mua đứt bán đoạn chỉ có giá vài trăm nghìn”, anh Vũ cho biết.

Từ vài năm trở lại đây, khi người dân Thủ Đô bắt đầu có xu hướng chơi đào thế cũng là lúc dịch vụ cho “thuê” đào nở rộ. Và khi những ngày Tết nguyên đán trôi qua, trên đường phố lại nhộn nhịp cảnh người nông dân trồng đào kẽo kịt đến từng nhà dân trong phố, thu gom từng gốc đào cũ về chăm bón lại từ đầu.

Thu Hiền

Bạn có nhận xét gì về thông tin trong bài viết này? Theo bạn, những dịch vụ nói trên đã “ăn nên làm ra” nhất sau dịp Tết Nguyên đán hay chưa? Hãy gửi thông tin phản hồi cho chúng tôi vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng cảm ơn!

Bình luận
vtcnews.vn