Dịch bệnh sau lũ

Tổng hợpThứ Ba, 15/11/2011 09:30:00 +07:00

Sau lũ nguy cơ bùng phát dịch bênh là rất cao, và đối tượng bị tấn công nhiều nhất chính là trẻ em.

Do những khó khăn của mùa lũ, bữa ăn trong nhiều gia đình không được đảm bảo được sự đa dạng và theo các nhà y học, đây chính là thời cơ cho một số bệnh truyền nhiễm bùng phát theo bước đường lũ rút tấn công sức khỏe của  con người, nhất là đối tượng trẻ em.
Nguy cơ chồng nguy cơ
Theo nhận định của cơ quan y tế dự phòng các địa phương thuộc vùng ngập lũ,  lũ rút là thời điểm đáng lo nhất về sức khỏe cộng đồng. Bởi đây là lúc nguồn nước “đậm đặc” lại sau những ngày cuốn bao rác rưởi vào lòng nên nó dễ tấn công, đe dọa sức khỏe của con người mọi lúc mọi nơi. Trong khi đó, do những khó khăn trong việc đi lại, bữa ăn của nhiều gia đình vùng ngập lũ  tuy có được cải thiện đạm từ nguồn cá giá rẻ, nhưng lại kém sự đa dạng về các vi chất dinh dưỡng, như: Vitamin A, sắt và i-ốt... (dù không trực tiếp cung cấp năng lượng, nhưng những vi chất này giữ vai trò cực kỳ quan trọng đến sự phát triển bình thường của cơ thể). Vì thế, một khi không dung nạp kịp thời trong nhiều ngày các vi chất dinh dưỡng sẽ tạo ra “gót chân A-sin” cho nhiều loại dịch bệnh tấn công sức khỏe con người, như: Tả, thương hàn, tiêu chảy cấp, đau mắt đỏ...
Đặc biệt trẻ em sau mưa lũ, nguy cơ mắc và khả năng lây lan các loại bệnh như tiêu chảy, viêm nhiễm da, tay chân miệng là rất lớn. Tuy không thực sự nguy hiểm, nhưng nếu không điều trị kịp thời, những chứng bệnh này hoàn toàn có thể dẫn đến nguy cơ tử vong. Thậm chí, nghiêm trọng hơn đây còn là thời điểm dễ làm cho người dân vùng lũ mắc phải những hội chứng gây ra những rối loạn nguy hiểm, có tác dụng lâu dài.... ThS -BS Lê Minh Uy, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm An Giang, cho biết: Mùa lũ dễ phát sinh nạn thiếu i-ốt. Đây là chất đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa phát triển cơ thể, nhất là rối loạn về bứu cổ, chậm phát triển trí tuệ, đần độn...
Trẻ em là đối tượng có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh sau lũ. Ảnh:K.T 

Phòng bệnh từ xa
Với phương châm “phòng bệnh hơn trị bệnh”, theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng An Giang - BS Võ Huy Danh, bên cạnh việc chủ động khử trùng nguồn nước, vệ sinh nhà cửa, quần áo, chăn, màn nơi ngủ và môi trường sống xung quanh theo hướng dẫn của y tế cơ sở, các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn đến việc tăng cường thực phẩm có nhiều vi chất trong khẩu phần ăn của trẻ. Cụ thể là cần phối hợp đa dạng các loại thực phẩm để tạo ra bữa ăn cân đối các loại dưỡng chất, đặc biệt là các vi chất dinh dưỡng.
Thoạt nghe, cứ tưởng đây là điều rất “cao siêu”, cần nhiều tiền của mới thực hiện được, nhưng thực ra lại rất dễ làm. Đó là tăng cường thành phần rau xanh, thực phẩm tươi sống và chế biến bữa ăn đúng theo bước hướng dẫn của ngành y tế để tránh tiêu mất các vi chất một cách không đáng có...
Ngoài ra, khi phát hiện sức khỏe trẻ có dấu hiệu bất thường, phụ huynh cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, xử lý đúng cách... Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc để trị bệnh cho trẻ, hoặc kiêng khem theo truyền khẩu làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe các em. Không nên dùng thuốc cầm tiêu chảy vì phần lớn các nhóm thuốc này làm giảm nhu động ruột, gây ứ đọng phân, chướng ruột... Mặt khác, trong thời gian trẻ bệnh, phụ huynh cần cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng, chia nhỏ làm nhiều bữa, tránh kiêng khem quá mức sẽ làm suy kiệt sức khỏe, ảnh hưởng xấu đến sức đề kháng của trẻ.

Theo Lao động
Bình luận
vtcnews.vn