Đi tìm lời giải về địa đạo huyền bí cách Hồ Tây 1 km

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 23/04/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Thực chất hang động kỳ lạ, đặc biệt, có tuổi đời hàng ngàn năm giữa lòng Thủ đô này là cái gì?

(VTC News) - Thời gian gần đây, người dân Hà Nội cũng như cả nước khá xôn xao về việc phát hiện một địa đạo mà cửa chui xuống bắt đầu từ làng Quán La (Xuân La, Tây Hồ). Người dân ở ngôi làng này xì xào bàn tán không ngớt. Từ những câu chuyện đầu làng góc phố, rất nhiều huyền thoại đã được thêu dệt, khiến địa đạo mỗi ngày lại phần huyền bí.

Ông Nguyễn Văn Chinh trong lòng "địa đạo". 

Sự thật và huyền thoại về ngôi đình và hệ thống hang động

Vòng vèo một hồi qua những con ngõ nhỏ, người ra người vào, chợ búa đông đúc như nêm, rồi tôi cũng tìm thấy đình Quán La, cách Hồ Tây chừng hơn km.

Đình Quán La mới được quét vôi trắng xóa, nằm cạnh cây đa khổng lồ và cây thị ngàn tuổi. Đình nằm trọn trên một gò đất cao ráo. Áng chừng gò đất này cao vượt tầng 2 của những tòa nhà bên cạnh.

Hỏi chuyện ngôi đình cổ và địa đạo dưới lòng gò, các cụ già sinh hoạt trong đình sôi nổi hẳn lên. Mỗi người vài câu góp chuyện, khiến ngôi đình và địa đạo trở nên bí hiểm vô cùng.

Đình Quán La nằm trọn trên gò Thất Diệu. 

Cụ Nguyễn Văn Chinh, nguyên trưởng ban quản lý di tích đình Quán La, từng là thủ từ đầu tiên và lâu nhất, rất hào hứng khi kể về ngôi đình và địa đạo huyền bí. Câu chuyện về địa đạo bắt đầu từ ngôi đình cổ.

Quán La là ngôi đình cổ đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1984. Xung quanh sự ra đời của ngôi đình này còn nhiều tranh cãi. Căn cứ vào 18 đạo sắc phong, mà sắc phong sớm nhất còn giữ được vào năm Thịnh Đức (1653), thì nhiều người phỏng đoán, ngôi đình được xây dựng vào khoảng thế kỷ 16-17.

Sườn gò đất sau đình Quán La cao bằng ngôi nhà 2 tầng. 

Tuy nhiên, vào năm 1995, dân làng tiến hành đào móng, trùng tu lại cung cấm của ngôi đình, đã phát hiện nền móng cũ dưới lòng đất có rất nhiều viên gạch lớn, với nhiều hình thù, có viên chạm trổ rồng, có viên trổ long mã với đầu rồng mình ngựa. Căn cứ vào những viên gạch có niên đại từ thời Lý, thì ngôi đình này nhất định đã có từ thời Lý, nghĩa là nó có tuổi ngàn năm.

Nhưng rồi, căn cứ mang tính khoa học này cũng bị lung lay, bởi các nhà sử học tìm được một số tư liệu cho rằng, ngôi đình có từ trước thời Lý rất lâu.

 
 
Những viên gạch trong đình Quán La được cho là của thời Lý. 

Theo đó, vùng đất thuộc làng Quán La (khi đó có tên Già La) vốn khá cao, lại bằng phẳng, có con sông Già La, là một nhánh của sông Nhĩ Hà chảy quanh. Đến thời Lý, làng đổi tên thành Thiên Phù và thời Trần đổi thành Thiên Hán. Giữa vùng đất bằng phẳng ấy, bỗng nổi lên 7 gò đất cạnh nhau, gọi là Thất Tinh, giống như chòm sao Bắc Đẩu. Dòng Già La và các gò đất tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình.

Hiện vẫn còn tồn tại 3 gò đất trong quần thể Thất Tinh. Trên gò Thất Diệu có đình Quán La, một gò có chùa Khai Nguyên và một gò có miếu thờ các kỹ nữ Chiêm Thành. 3 gò đất này đều nằm sát cạnh nhau, cách vài chục bước chân.

Theo các cụ già trong làng, hệ thống gò Thất Tinh ở Quán La giống với đàn Thất Tinh mà Gia Cát Lượng dựng lên để gọi gió Đông đánh bại Tào Tháo. Lý do để tin điều này là vì đến nay, người dân làng Quán La vẫn còn giữ được tục cầu mưa cầu mát. Cứ đến ngày 14-4 âm lịch, dân làng lại tổ chức lễ cầu mưa cầu mát tại đình Quán La.

Cây thị khổng lồ được cho là đã ngàn tuổi trên gò đất cạnh gò Thất Diệu, nơi có đền thờ kỹ nữ Chiêm Thành. 

Trong sách Việt điện u linh, ở thế kỷ 14, Lý Tế Xuyên có ghi chép rất rõ về quần thể di tích làng Quán La: Vào khoảng niên hiệu Khai Nguyên đời Đường, thứ sử Quảng Châu là Lư Hoán làm đô hộ Giao Châu, đóng tại thôn An Diễn, giữa hai huyện Long Đỗ và Từ Liên.

Một lần, Lư Hoán ngao du qua động (từ chỉ vùng đất, chứ không phải hang động) Già La, thấy cảnh đẹp, có gò đống, sông chảy quanh, nên lập phủ huyện, dựng đền thờ vị thần Huyền nguyên đế quân, dựng quán lấy tên Khai Nguyên trên gò Thất Diệu (chính là gò đất có đình Quán La). Cái tên Khai Nguyên có ý biểu dương công đức nhà Đường.

Sau này, họ Lư đổi tên làng Già La thành làng Khai Nguyên và gọi quán dựng trên gò Thất Diệu là quán Già La.

Khoảng niên hiệu Thiệu Phong, đời Trần Dụ Tông, thế kỷ 14, sư Văn Thao trùng tu lại quán, đổi làm chùa, gọi là chùa An Dưỡng. Tuy nhiên, nhà chùa hay bị quấy phá, nên nhà sư dời về làng Bộ Đầu, vì thế chùa lại bỏ không.

Nhân dân trong làng đã tiếp quản, trùng tu biến thành đền thờ phụng Sơn Thần. Thời Tiền Lê, theo tên quán, đổi thôn Khai Nguyên thành Già La. Đến thời Hậu Lê thì gọi là Quán La.

Như vậy, theo Việt điện u linh, cụm di tích này có từ thời Đường, do Lư Hoán lập nên. Chứng tích còn lại rõ ràng nhất là ngôi chùa Khai Nguyên cạnh đình Quán La vẫn còn pho tượng cổ rất đẹp. Theo sư trụ trì thì pho tượng này là Đường Minh Hoàng, ông vua nổi tiếng phong tình gắn với người đẹp Dương Quý Phi.

Có một điều khá đặc biệt, là từ thế kỷ 14, cách nay gần 700 năm, các nhà chép sử đã nhắc đến một cái động có tên là Thông Thiên. Lý Tế Xuyên viết trong Việt điện u linh, rằng: Các vua nhà Lý thường du ngoạn đến quán Già La, thấy dưới chân núi có hang, tuy không to lắm nhưng sâu và dài, liền sai xây bậc để có thể lên xuống và gọi là động Thông Thiên. Cũng vì dưới ngôi chùa này có động, nên có một thời gian gọi chùa là chùa Hang. Dân chúng thì đồn đại hang động là nơi người Tàu để của.

Sau này, ở thế kỷ 20, nhà Hà Nội học Hoàng Đạo Thúy (1900-1994) trong cuốn Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, cũng viết: “Đây là cái hang trong lòng quả núi đất, thuộc vào một trong 7 quả núi có hình Thất Tinh. Vua Lý Thần Tông đã cho xây gạch làm động Thông Thiên…”.

"Hang động" dưới đình Quán La có từ khi nào? 

Như vậy, có thể nói, từ cả ngàn năm nay, trong ý nghĩ của người dân, cho đến nhà sử học, thì trên gò đất Thất Diệu, trong quần thể 7 gò đất có tên Thất Tinh, có một ngôi đình (có thời là quán, chùa) và trong lòng gò đất, dưới nền ngôi đình có một cái hang động.

Qua đó, có thể tin rằng, cái gọi là hang động này đã có rất lâu đời, trước cả khi xây đình, tức là trong hoặc trước thời Khai Nguyên (713-739) nhà Đường.

Vậy thực chất hang động kỳ lạ, đặc biệt, có tuổi đời hàng ngàn năm giữa lòng thủ đô này là cái gì?




Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương

Bình luận
vtcnews.vn