Đi tìm gốc rễ của kỳ tích sinh con không cần tinh trùng chấn động ngành y

Thế giớiThứ Hai, 02/05/2016 07:00:00 +07:00

Kỳ tích tạo ra tinh trùng từ tế bào da được các nhà khoa học Tây Ban Nha lấy cảm hứng từ giải Nobel Y học năm 2012.

(VTC News) - Kỳ tích y học về việc tạo ra tinh trùng từ tế bào da được lấy cảm hứng từ giải Nobel Y học năm 2012.

Các nhà khoa học Tây Ban Nha khẳng định đã tạo được tinh trùng từ tế bào da. Nghiên cứu thực hiện tại trường Đại học Stanford, Mỹ, vừa được công bố trong báo cáo khoa học trên tạp chí Nature.

Theo Telegraph, nghiên cứu trên lấy cảm hứng từ phát hiện trước đây của Shinya Yamanaka (Nhật Bản) và John Gordon (Anh), 2 người đã cùng đoạt giải thưởng Nobel Y học vào năm 2012 nhờ tìm ra cơ chế chuyển đổi các tế bào trưởng thành thành tế bào gốc phôi.
Tinh trùng được làm từ tế bào da - Ảnh minh họa
Kỳ tích Y học: Tinh trùng được làm từ tế bào da. Ảnh minh họa 
Giải Nobel của hai nhà khoa học Shinya Yamanaka (Đại học Nhật Bản) và John Gurdon (Học viện Gurdon tại Cambridge, Anh) là công trình nghiên cứu tái tạo tế bào gốc ở người trưởng thành.

Về nghiên cứu này, Ủy ban Nobel cho biết: “Bằng cách tái lập trình (hay tái tạo) tế bào con người, hai nhà khoa học này đã tạo ra một cơ hội mới để nghiên cứu các bệnh, phát triển các phương pháp tầm soát và liệu pháp trị bệnh”.

Nhà khoa học Anh John Gurdon, người chia sẻ giải Nobel Y học với ông Yamanaka hôm 8/10/2012, thường được gọi là “bố già của lĩnh vực sinh sản vô tính” nhờ vào những công trình nghiên cứu về tế bào gốc của ông.

Nghiên cứu năm 1962 của Gurdon đã vĩnh viễn thay đổi quan điểm cho rằng, các tế bào trưởng thành bị kẹt trong tình trạng của chúng.

Trong một loạt thí nghiệm, ông đã cấy ghép một phần nhân tế bào có chứa DNA từ một tế bào đường ruột của một con ếch trưởng thành vào một tế bào trứng ếch (nhân tế bào trứng này đã được loại bỏ).

Các tế bào đã phát triển thành một con nòng nọc bình thường, chứng minh rằng DNA có chứa tất cả các thông tin cần thiết để tạo nên một phôi.
Giáo sư Shinya Yamanaka, một trong hai tác giả đoạt giải Nobel Y học năm 2012
Giáo sư Shinya Yamanaka, một trong hai tác giả đoạt giải Nobel Y học năm 2012 
Hơn bốn mươi năm sau, Yamanaka, đại học Kyoto, Nhật Bản đã thay đổi cơ bản cuộc tranh luận về tế bào gốc khi ông tạo ra tế bào đa năng. Tế bào này có khả năng phát triển thành bất cứ loại tế bào nào trong cơ thể.

Công nghệ này đã được dùng để chuyển đổi tế bào người trưởng thành vào các tế bào phôi thai và thậm chí để chuyển đổi tế bào da trực tiếp vào tim hay các tế bào não.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng kỹ thuật giống như kỹ thuật của Yamanaka để tạo ra các quả trứng và các tinh trùng của chuột trong phòng thí nghiệm. Điều này có thể dẫn đến sự thay đổi trong phương thức sinh sản của con người.

"Tái lập trình tế bào của con người đã không được sử dụng trên lâm sàng, nhưng các nhà nghiên cứu hy vọng phương pháp này một ngày nào đó sẽ được sử dụng để thay thế các tế bào và mô cho các bệnh nhân.

Các tế bào này cũng cho thấy triển vọng nghiên cứu quá trình phát triển của bệnh và dùng để thử nghiệm các loại thuốc", Larry Goldstein, một nhà khoa học và tế bào gốc thần kinh học tại Đại học California, San Diego nói.

Tùng Đinh (Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn