'Dị nhân' ở Hà Nội: Ăn như hổ đói, làm như trâu mộng

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 10/04/2015 06:09:00 +07:00

Ông Lự vừa nói chuyện vừa bóc vỏ trứng nhẩn nha ăn. Quay đi quay lại, đĩa trứng 30 quả chỉ còn đống vỏ trắng lốp.

(VTC News) - Ông Lự vừa nói chuyện vừa bóc vỏ trứng nhẩn nha ăn. Quay đi quay lại, đĩa trứng 30 quả chỉ còn đống vỏ trắng lốp.


Kỳ 2: Tận mắt dị nhân ăn 30 quả trứng gà

Theo lời hẹn, 6 giờ chiều tôi tìm đến nhà ông Phùng Văn Lự (làng Tăng Cấu, xã Đồng Thái, Ba Vì, Hà Nội), với 30 quả trứng gà. Thế nhưng, đến nơi, đã thấy vợ chồng ông ngồi trên phản, đang uống trà, tăm ngậm ở miệng.

Ông Lự bảo: “Vợ tôi nấu đầy một xoong gang, chừng 2kg gạo để tôi biểu diễn cho cậu, nhưng chờ cậu lâu quá, đói không chịu được, nên tôi đánh bay nồi cơm rồi”.

Tôi hỏi vợ ông Lự rằng, có đúng là ông ăn hết nồi gang to tướng để trên sập không, thì bà mở vung cho tôi xem, thấy cơm nồi cơm sạch bách, nhưng những hạt cơm vẫn còn bám xung quanh thành nồi đến tận miệng.

Thấy tôi có vẻ ngần ngừ vì không được chứng kiến cảnh ông ăn uống, ông liền xuống bếp nổi lửa rồi trút cả 30 quả trứng gà vào nồi, rồi lên nhà trò chuyện với tôi.

Lát sau, vợ ông bê cái đĩa to tướng xếp đầy 30 quả trứng. Ông Lự cứ nhẩn nha đập từng quả, rồi cứ mỗi quả một miếng ngon lành. Quay đi quay lại, đĩa trứng 30 quả chỉ còn lại đống vỏ trắng lốp.
Ăn hết nồi cơm, ông Lự ăn tiếp 30 quả trứng gà 
Chén hết 30 quả trứng, sau khi trước đó đánh bay nguyên nồi cơm, ông Lự vén áo và khoe cái bụng 6 múi mới chỉ hơi lùm lùm một chút. Ông Lự vỗ tay đồm độp vào bụng bảo: “Nó phải chứa được cỡ chục chai bia nữa đấy cậu ạ!”.

Nói rồi, ông nhổm dậy toan lấy mấy chai bia từ nóc chiếc tủ ngang, nhưng tôi ngăn lại: “Con xin ông. Cái bụng ông mà nổ như bom thì con không đền được đâu?”. Ông Lự cười: “Thách đố chuyện khác với tôi thì tôi chịu, chứ chuyện ăn thì tôi chưa thua ai. Ai thách chuyện ăn uống với tôi thì đều phải sởn gai ốc”.

Vừa ăn xong nồi cơm đầy, tráng miệng 30 quả trứng gà, chưa kịp để xuôi thức ăn, ông Phùng Văn Lự nhảy phóc từ sập xuống nền nhà nhanh nhẹn như con sóc. Rồi ông đi những đường quyền nhanh như chớp khiến tôi phải há hốc ngạc nhiên. Những cú đá, đấm của ông phát ra tiếng gió phần phật.

Quả thực, không thể tin nổi, trước mắt mình là một ông già đã 75 tuổi, mà vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn đến vậy. Ông Lự bảo: “Buổi sáng tôi tập võ 30 phút. Tối đi quyền 20 phút. Mỗi ngày có 42 phút quét nhà. Nắng mưa, sớm tối, đông hè tôi đều tắm nước lạnh, không bỏ tắm ngày nào. Tính tôi sạch sẽ thì không ai bằng. Tôi đố anh tìm thấy hạt bụi nào trong nhà tôi”.

Buổi sáng, ngoài việc đi quyền, ông còn đu cây nhãn hít mấy chục lần, lộn vài vòng trên cành cây như vượn. Nói rồi, ông Lự kéo tay áo bắt tôi chạm vào bắp tay ông. Khi ông gồng lên, từng đường gân, thớ thịt cuồn cuộn. Cơ thể người đàn ông tuổi thất thập này không có chút mỡ nào, chỉ có xương cùng những bó cơ như những sợi chão.

Thi ăn chưa bao giờ thất bại

Ông Phùng Văn Lự sinh năm 1940. Thời nhỏ, mặc dù làng xã nhiều người đói, nhưng bản thân ông chưa bao giờ phải chịu cảnh đói kém. Ông nội ông là địa chủ giàu có, nhiều ruộng đất, trâu bò, gà lợn, ao chuôm, thóc lúa đầy bồ, nên thuở nhỏ ông sống khá sung túc, ăn uống thoải mái.

Thời Pháp thuộc, làng Tăng Cấu thuộc tổng Đồng Bảng. Cả tổng có 10 người được học trường tiểu học do Pháp mở. Khi Pháp rời khỏi Việt Nam, ông là người đầu tiên ở tổng thi đậu vào trường Trung học Quốc lập Phùng Hưng A, ở thị xã Sơn Tây, cách nhà 20km. Mặc dù đường xa như thế, nhưng chàng trai Lự vẫn đạp xe đi học. Cứ đầu tuần thì đạp xe đến trường ăn học nội trú, cuối tuần lại đạp xe về nhà.

Nhà giàu, mỗi tháng ông Lự được gia đình cấp cho 100 đồng Đông Dương để ăn tiêu, sinh hoạt. Thời điểm đó, số tiền đó rất nhiều, đủ cho cả gia đình sinh sống thoải mái, thế nhưng, dù chủ yếu chi tiêu vào việc ăn uống, cậu bé Lự vẫn thấy đói, bụng không lúc nào được no đẫy, để còn dồn tâm trí vào việc học tập.
Ông Lự đánh xà. Ảnh Phùng Minh Phúc 
Vậy nên, ngoài việc gia đình chu cấp tiền, Phùng Văn Lự còn đèo thêm 60kg gạo trên chiếc peugeot nữa để ăn hàng tháng. Mỗi tháng được gia đình cấp thêm 60kg gạo, nhưng nhiều tháng, chỉ đến ngày thứ 20, Lự đã lại đạp xe về nhà xin thêm.

Ngoài thức ăn, mỗi ngày cậu học sinh Lự xơi hết 2-3kg gạo. Ông Lự nhớ lại: “Ngày xưa, hầu hết mọi người đều ăn bằng bát lùn, đựng được ít cơm, nên mỗi bữa cứ phải xới cả chục lần. Bực quá, nên tôi phải chuyển sang dùng bằng bát loa, to gấp đôi, phải bằng bát tô loại nhỏ bây giờ. Có bát to, mỗi bữa chỉ xới 5-6 lần là hết nồi gang rồi”.

Học hết lớp 9 thì ông Lự nghỉ học, vào chiến trường. Lúc vào Nam, quần áo ông chỉ mang 2 bộ, đồ dùng cá nhân gần như không mang gì, để thồ được nhiều gạo.

Những năm tháng trong quân ngũ, ngoài việc chiến đấu với kẻ thù, giành giật mạng sống, thì việc chiến đấu với cái bụng đói vất vả hơn gấp nhiều lần.

Năm 1965, ở chiến trường Quảng Trị, ông Lự là tiểu đội trưởng, nên đỡ vất vả hơn về khoản ăn uống. Ngoài chế độ ăn như anh em binh sĩ, ông được bồi dưỡng thêm 2,4 đồng và 7 xu. Thời điểm đó, chè Ba Đình, sữa bột, bia Trúc Bạch khá dồi dào nên không đủ cơm gạo, thì ông ăn những thứ đó cho đẫy bụng.

Vì háu ăn, nên ông Lự thường bày trò thách đố, với mục đích được đánh chén no say.

Vị tiểu đội trưởng yêu cầu anh em chiến sĩ gom thật nhiều đồ ăn, đồ uống, hoặc ăn uống tiết kiệm một thời gian, để dành lại được nhiều rồi tổ chức thi thố.

Và rồi, cuộc thi ăn nào ông Lự cũng thắng. Thậm chí, những lần khác, một mình ông chấp hai, rồi chấp 3 người, ông vẫn thắng.
Ông Lự đi quyền 
Hồi ở Quảng Trị, có trận ông ăn 20 bát cơm với muối trắng, loại bát sắt to của Trung Quốc, to gấp đôi bát sành bây giờ. Xơi hết cơm rồi, ông nhẩn nha ăn thêm 120 chiếc kẹo. Anh em đồng đội khênh bia Trúc Bạch ra, ông tu liên tiếp hết 10 chai. Tiếc bia quá, mọi người giằng lại cất đi, không cho ông uống tiếp.

Sau mỗi trận thi đấu khiến đồng đội, chiến sĩ lè lưỡi, xanh mặt, cả tiểu đội lại nhịn đói dài dài vì hết tiền, hết đồ ăn.

Ông Phùng Văn Lự nhớ lại: “Năm 1963, hồi tập luyện ở Sơn La, tôi được một bữa ngon nhớ đời đến tận bây giờ. Đợt đó, tập luyện nhiều, ăn uống kham khổ, nên tôi thèm quá, mới giở trò thi thố.

Trong lúc tập luyện, tôi bốc phét rằng, tôi luyện được nội công thâm hậu, có thể làm tiêu cơm trong bụng, tiêu nước qua da, nên ăn uống bao nhiêu cũng không biết no.

Video cách ăn uống thanh lọc cơ thể


Đồng đội nghe thế, nửa tin nửa ngờ, nên thách đố tôi ăn. Anh em moi hết tiền trong túi mua đồ ăn. Một nồi cơm to được nấu, sấn ra ngập một mâm, đầy có ngọn. 2kg thịt phần nhiều là mỡ thái nhỏ nấu lõng bõng trong nồi to ngập nước. Một nồi rau cỡ bự. Số lượng thức ăn đó dành cho 10 người.

Lúc đó, đói lâu ngày, nên nhìn thấy từng ấy đồ ăn, nước miếng cứ tứa ra. Chỉ một loáng, tôi đánh sạch bách, không còn thứ gì. Ăn xong mâm cơm, nồi thịt, nồi rau, thì tôi tráng miệng 5 chai bia nữa. Còn mấy hộp sữa đặc, tôi đòi uống, nhưng mọi người không cho. Buổi đó, mấy anh em chỉ có mấy hộp sữa lót dạ, còn tôi phấn chấn vì được no bụng”.

Khỏe hơn trâu mộng

Hồi xuất ngũ về quê, dù đã 40-50 tuổi, cân nặng chỉ 45kg, lúc cao nhất là 50kg, song ông Phùng Văn Lự vẫn ăn thùng uống vại, làm việc khỏe gấp cả chục thanh niên.

Nhà nhiều ruộng, thóc lúa đầy bồ, nên ông Lự ăn uống thoải mái, không phải kiêng khem gì. Mỗi ngày ông ăn 3 bữa, mỗi bữa đều đánh bay 9 đến 10 bát cơm có ngọn. Hiếm có ngày nào ông ăn ít hơn 30 bát. Hôm nào chán cơm, thèm phở, cũng phải “đánh” dăm bát phở thì cái bụng mới thấy đã.

Rượu ông không nghiện, nhưng khi đã uống thì uống như nước lã. Đi ăn cỗ, ai mời rượu ông cũng uống và uống với lần lượt trăm mâm cũng chưa thấy say bao giờ.

Nếu được ăn uống no say, thì ông làm việc quần quật từ sáng đến đêm, đi cày không cần phải ngủ trưa. Trước đây, con trâu mộng cày từ sáng đến đêm, không chịu nổi, đã phải gục chết. Sau này, biết mình khỏe hơn trâu mộng, nên ông phải lượng sức trâu, thay con khác khi hết nửa buổi cày.
Ông Lự ăn hết 20 trứng vịt lộn, ăn tiếp vài bát cơm nữa. Ảnh: Phùng Minh Phúc 
Lần gần đây nhất trong chuyện thi thố ăn uống là hồi năm ngoái, trong đám cưới của cô em họ. Trong mâm cỗ, sau khi uống rượu và ăn cơm, ông Lự ngồi xỉa răng. Một người trong mâm bảo: “Sao bác không ăn xôi?”. Ông Lự bảo: “Một mình tao ăn hết 5 đĩa xôi. Cả mâm có mỗi đĩa chia nhau tao ăn làm gì, chả bõ dính răng".

Mấy ông cùng mâm nghe vậy, lại biết tiếng ông Lự ăn khỏe từ lâu, nên thách đố ông ăn hết 5 đĩa xôi sau khi đã cơm no rượu say. Mỗi người góp 100 ngàn đồng tại mâm để làm phần thưởng.

Ông Lự bốc luôn đĩa xôi trong mâm ăn vài miếng thì sạch. Mọi người bê đến trước mặt thêm 4 đĩa nữa, cũng bị ông đánh bay. Tổng cổng bữa đó, sau khi đã ăn hết phần mình, ông còn xơi thêm 5 đĩa xôi. Mọi người sợ ông chết vì bội thực, không cho ông ăn nữa, bị ông mắng: “Tổ sư chúng mày, tao có thiếu đói bao giờ đâu mà bội thực!”.

Ông Phùng Văn Lự nhớ lại: “Trong đời tôi, thấy khốn khổ nhất là thời bao cấp. Lúc đó thì cả nước nghèo, ăn uống theo tem phiếu. Hồi đó, có lần, tết đến, ngóng mãi được chia 2 lạng/khẩu. Ai cũng vậy, cả năm mới có miếng thịt, thì thường thắp hương cúng bái tổ tiên rồi mới ăn. Tôi thèm quá, không chịu nổi, nên chả thờ cúng gì nữa, luộc lên chén luôn.

Ăn miếng thịt, thấy ngon quá, tức mình ngả luôn con lợn 50kg của nhà ra thịt. Khi đó, nếu giết lợn của nhà mình nuôi, cũng bị bắt, nhưng thèm quá, nên tôi chả sợ. Thịt con lợn, ăn mấy ngày thì sạch bách. Tôi lại xuống ao, bắt hết cá ăn cho bõ cái cảnh đói khát bao cấp”.
Ngoài việc ăn khỏe, ông Phùng Văn Lự còn có khả năng chịu đau kỳ lạ. Năm 1962, ở Nậm Thà (bên Lào), chiến đấu trong rừng, ông bị dính đạn cối, một mảnh cối găm vào đùi. Mọi người đang bàn tính khênh đi bệnh viện, thì ông ngăn lại. Ông tự dùng kìm kéo mảnh cối ra, lấy kim khâu vết thương lại, rồi lấy thuốc lào rịt vào và tiếp tục chiến đấu. Ông chẳng cần đi viện, cũng không cần đến viên thuốc nào.

Mới hôm trước, dùng răng cắn dây điện, bị gẫy nửa răng, ông tức mình cầm kìm nhổ nốt nửa cái răng đó, khiến máu lênh láng. Mọi người sợ hãi đòi khênh đi viện, nhưng ông không đi. Ông Lự bảo, dù có cưa tay, chặt chân, ông cũng chẳng thấy đau đớn, sợ hãi gì cả. Điều lạ nữa, là từ thời cha sinh mẹ đẻ đến nay, ông Lự chưa bao giờ ốm.


Phong Bình
Bình luận
vtcnews.vn