'Dị nhân' chuyên tạc tượng cho người cõi âm

Thời sựChủ Nhật, 29/01/2017 17:30:00 +07:00

Với đôi bàn tay khéo léo, nghệ nhân Ksor H’nao đã tạc thành vô số bức tượng nhà mồ sinh động cho người đã khuất.

Đôi tay phù thủy

Nghệ nhân Ksor H’nao (61 tuổi, ngụ tại làng Kép, phường Đống Đa, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) là một trong những nghệ nhân người dân tộc Gia Rai nổi tiếng bậc nhất về tạc tượng “nhà mồ” ở vùng đấy Tây Nguyên.

Những bức tượng của ông thường thể hiện hình ảnh giản dị của cuộc sống thường ngày. Hình ảnh người phụ nữ địu con trên lưng, ông cụ chống gậy... tuy rất đời thường nhưng được ông thể hiện cực kỳ sống động trên những thân gỗ.

1

 Những bức tượng của nghệ nhân Ksor H’nao 

Được biết, nghệ nhân Ksor H’nao có niềm đam mê điêu khắc từ nhỏ, bất cứ có khúc gỗ nào trong tay cũng được đục đẽo thành những hình dáng riêng biệt.

“Gia đình chỉ có duy nhất mình tôi theo nghề này. Nhìn những những khúc gỗ vô tri vô giác qua tay người già bỗng trở thành những hình thù sống động khiến tôi thích thú học theo”, ông Ksor H’nao tâm sự.

Theo nghệ nhân này, cái hay và độc đáo nhất khi theo nghề này là thông qua tượng nhà mồ, người ta có thể hình dung được cuộc sống muôn hình vạn trạng qua góc nhìn riêng của người nghệ sĩ. Tâm tư, tình cảm của người nghệ sĩ đều thể hiện ở trong đó.

“Tượng nhà mồ ngoài yếu tố là một loại hình điêu khắc dân gian độc đáo của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên còn chứa đựng khát vọng nhân sinh của con người: buồn, vui, hạnh phúc, khổ đau...Những biểu cảm ấy không chỉ có ở người sống mà vẫn lưu lạc, tiếp diễn ở thế giới bên kia”, nghệ nhân Ksor H’nao cho hay.

Tượng dùng cho lễ bỏ mả. Tại đây, người sống và người chết chính thức chia tay nhau. Thông qua tượng nhà mồ, người sống sẽ tiễn đưa linh hồn người chết về thế giới bên kia. Sau lễ bỏ mả, tượng nhà mồ cũng nằm lại nghĩa địa cùng với thời gian và nắng mưa.

Nét văn hóa dần bị mai một

Để khắc được một bức tượng “nhà mồ” đẹp, có hồn, người nghệ nhân phải biết thổi hồn mình vào bức tượng để những vật vô tri vô giác đó trở nên sống động. Đối với những nghệ nhân dày dặn kinh nghiệm chỉ cần nhìn qua vân và thớ gỗ, chú ý độ đậm nhạt thì có thể chọn gỗ phù hợp với ý tưởng định khắc họa. Nghệ nhân nào tinh tế, chau chuốt hơn nữa thì dùng sắc độ của cây gỗ để tạo mảng miếng đậm miếng nhạt trên tác phẩm.

anh1 (2)

 Ksor H’nao với niềm đam mê để giữ gìn nghệ thuật tạc tượng - Ảnh: TH

Theo nghệ nhân Ksor Hnao, mặc dù ông rất muốn truyền đạt kinh nghiệm của nghề tạc tượng nhà mồ cho con cháu nhưng đa phần thanh niên không thích nên cũng không ép được.

“Thời nay, ai cũng muốn làm kinh tế nên quay lưng lại với công việc tạc tượng. Trước mình thấy người già làm mình thích lắm, cứ đi theo để học. Lớp trẻ bây giờ, phải đến tận nhà tìm và thuyết phục mà chúng còn chưa muốn học”, nghệ nhân Ksor H’nao chia sẻ.

Anh Kpuih Quách (làng Le 2, xã Ialang, huyện Đức Cơ) một học trò của nghệ nhân Ksor H’nao cho biết: “Những ngày đầu cầm đục đẽo mình run tay lắm, nhưng được sự chỉ bảo tận tình cử thầy Ksor H’nao mình quen dần. Bây giờ, mình đã thành thạo hơn, có thể thực hiện những đường nét điêu khắc tinh xảo và mềm mại”.

Ngoài tạc tượng, nghệ nhân Ksor H’nao còn biết làm và chơi thành thạo các loại đàn bằng tre nứa như Goong, Kơni hay đàn T’rưng. Có năng khiếu bẩm sinh, thêm vào đó là sự đam mê và đôi tai thẩm âm tốt, năm 1999, ông Ksor H’nao được Viện Âm nhạc Việt Nam mời biểu diễn đàn Ting ning hay còn gọi là đàn Goong để ghi băng làm tư liệu giảng dạy và nghiên cứu.

Đặc biệt, trong các cuộc thi dân ca, biểu diễn nhạc cụ dân tộc truyền thống nghệ nhân Ksor H’nao luôn được chọn chơi độc tấu các loại nhạc cụ dân tộc và giữ vị trí đệm đàn chính. Cùng với đó là giọng ca cao vút, khỏe khoắn nên trình diễn được nhiều ca khúc hay và đặc sắc. Ngoài ra, nghệ nhân Ksor H’nao còn mở lớp hướng dẫn cho nhiều thanh niên cách đánh cồng chiêng.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân (Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch) cho biết: “Hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai số lượng nghệ nhân tạc tượng gỗ rất ít, những nghệ nhân giỏi thì càng hiếm hoi hơn. Nghệ nhân Ksor Hnao là một trong số ít nghệ nhân xuất sắc còn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống này”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, tượng nhà mồ là nét văn hóa truyền thống có từ lâu đời của người dân Tây Nguyên. Đặc biệt, từ khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại thì những giá trị văn hóa này càng cần được bảo vệ và lưu truyền đến con cháu đời sau.

Video: Tròn mắt nhìn nghệ nhân Trung Quốc thổi đường thành kẹo

Thanh Hải
Bình luận
vtcnews.vn