Đi lên từ nhân viên khách sạn

Tổng hợpThứ Sáu, 19/10/2012 08:06:00 +07:00

Từ một nhân viên khách sạn, bằng nghị lực phi thường chị đã phấn đấu trở thành giám đốc bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Không sở hữu vẻ đẹp quý phái, thanh tao của một nữ lãnh đạo thời hiện đại, nhưng người phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé, đôi mắt đượm buồn và phong cách giản dị ấy lại khiến nhiều nhân viên của mình phải thán phục khi ngồi vào vị trí đương nhiệm: Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Chúng tôi ghé thăm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam một chiều thu se lạnh của Hà Nội khi Bích Vân đang cần mẫn bên cạnh bàn làm việc của mình. Mặc dù chứng viêm họng làm rát cả cổ họng nhưng chị vẫn nhiệt tình đón tiếp chúng tôi và kể lại câu chuyện thăng trầm của cuộc đời chị, của Bảo tàng. Khuôn mặt chị phút chốc bừng sáng lên khi những hồi ức xưa lại ùa về.


Những chuyến điền dã - “ Lửa thử vàng, gian nan thử sức”

Sau 9 tháng làm nhân viên tại khách sạn Metropole – Hà Nội, cô gái trẻ chưa tròn 20 tuổi đã quyết định từ bỏ công việc này để theo đuổi ước mơ trở thành nhân viên thư viện, khởi đầu bằng những năm tháng học tại Đại học Văn hóa Hà Nội. Chuyển từ ngành thư viện sang ngành bảo tàng học, kể từ đây,  Bích Vân đã gắn số phận và cuộc đời mình với bảo tàng, với công tác nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hiện vật, hình ảnh  về“thuần phong mỹ tục” của Việt Nam. Năm 1987, chị về công tác tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Khi ấy, bảo tàng cũng vừa mới có quyết định thành lập và chị là một trong ba nữ cán bộ chuyên môn lát những viên gạch đầu tiên cho bảo tàng. Từ con số 0 tròn trĩnh, Bích Vân đã cùng đồng nghiệp rong ruổi khắp các núi rừng, những làng bản xa xôi để sưu tầm hiện vật. Song, những chuyến thực địa dài ngày không hề đơn giản với một cô sinh viên mới ra trường như lý thuyết trên giảng đường đại học.

Cho đến tận bây giờ, chị vẫn còn nhớ như in cảm giác của chuyến điền dã đầu tiên vào tháng 4/1987 trên mảnh đất Thanh Hóa anh hùng.  Khó có ai có thể tin rằng, cô sinh viên có vẻ ngoài nhỏ nhắn, yếu ớt này lại có thể vượt qua những sườn đồi, vách núi để đến với đồng bào dân tộc để tìm những hiện vật của phong trào dân công Thanh Hóa trong kháng chiến chống Pháp hay của các đội nữ dân quân Thanh Hóa có thành tích bắn rơi máy bay Mỹ. Rồi tới những bữa cơm không đủ no, những đêm tối “gặp đâu là nhà, ngã đâu là giường”, ...tưởng chừng như làm nhụt chí cô gái trẻ ấy. Nhưng nghị lực, niềm tin và sức trẻ đã khiến Vân vượt qua tất cả. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, sự nỗ lực ấy cũng được đền đáp khi chính chị tìm được chiếc đèn chai của sư thầy Đàm Duyên, chùa Nam Ngạn, Thanh Hóa.

 
Điều hết đỗi ngạc nhiên với Vân là chiếc đèn do chính bàn tay sư thầy làm từ vỏ chai được cắt bỏ hai đầu. Nó đã theo chân sư thầy trên con đường dân công đi gánh bộ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ ( 1953 – 1954) và giờ đây, nó cũng trở thành hiện vật đầu tiên mà cô gái trẻ Bích Vân sưu tầm được trong sự nghiệp làm bảo tàng. Cũng trong chuyến đi này, Vân còn tìm được túi của bà Trần Thị Bé – Tiểu đội trưởng đội xe thô thị xã Thanh Hóa và hộp đựng thức ăn của bà Trần Thị Thanh – Đại đội phó đội gánh bộ thị xã Thanh Hóa. Những vật dụng đời thường nhưng đã theo gót chân những nữ dân quân quả cảm thời trinh chiến. 25 năm trôi qua, cho tới nay, những thành quả đầu tiên ấy vẫn ngày ngày hiện hữu giữa không gian lớn và hiện đại của bảo tàng, để khách du lịch năm châu châu có cơ hội chiêm ngưỡng.

Đi nhiều, làm nhiều, Vân càng thêm hiểu đời sống sinh hoạt và phẩm chất của phụ nữ Việt Nam ở nhiều vùng miền khác nhau. Chị thêm yêu họ và yêu chính công việc của mình. Tình yêu ấy cứ lớn dần theo thời gian rồi như ngấm vào da thịt chị, hối thúc chị tiếp tục dấn thân trên hành trình đầy gian truân, vất vả mà không phải ai cũng đủ bản lĩnh vượt qua. Sau mỗi chuyến đi, những dòng cảm nhận, Vân viết lên trang giấy,vừa như một tài liệu quý báu trong kho thư viện của Bảo tàng, vừa là trang nhật ký của riêng chị.

Nhắc đến chuyến thực địa để lại nhiều kỷ niệm khó quên nhất có lẽ là chuyến đi năm 1991 ở góc nhỏ mảnh đất bazan đầy nắng gió – Đắc Lắc. “Một tháng sống và làm việc trên mảnh đất Tây Nguyên với rất nhiều kỷ niệm khó quên và nhiều khi có cả nguy hiểm đến bản thân. Tôi nhớ: Khi đi xuống xã vùng sâu thì các chị cán bộ huyện khuyên phải về trước 5 giờ chiều để tránh bị phun – rô phục kích.

 
Trời mới chỉ chập choạng tối đã phải mắc màn lên và ngồi trong màn mà viết lách, nếu không muỗi sẽ đốt và truyền bệnh sốt rét” –  Bích Vân nhớ lại. Chỉ với đồng lương 200.000/ tháng và công tác phí chỉ vẻn vẹn 10.000 đồng/ ngày, Vân và đồng nghiệp vẫn xông xáo cho những cuộc tìm kiếm, sưu tầm hiện vật. Khó khăn chồng cất khó khăn. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ những chuyến đi trước đó cùng với bản lĩnh của một cô gái Hà thành dám nghĩ, dám làm đã thôi thúc Bích Vân vượt qua để tiếp xúc, sưu tầm được nhiều hiện vật của người phụ nữ Tây Nguyên.

“Trong khó khăn đó chúng tôi vẫn được người dân thương yêu và giúp đỡ, dù đói, họ vẫn chia sẻ với chúng tôi từng bữa cơm nhạt với muối” . Có lẽ, đây chính là động lực lớn để Bích Vân không chấp nhận đầu hàng trước khó khăn. 8 năm lặn lội tìm kiếm và sưu tầm, triển lãm đầu tiên cũng chính thức mở cửa vào năm 1995. Niềm hân hoan rạng ngời trên khuôn mặt Vân cũng như những đồng nghiệp của chị. Vân chia sẻ: Để có một triển lãm về một chuyên đề nào đó, những con người ở đây phải mất ít nhất 3 năm, thậm chí là 10 năm để nghiên cứu, tìm kiếm và sưu tầm hiện vật, hình ảnh cũng như tiếp xúc với nhân vật.

Cho đến nay, trải qua hàng trăm cuộc điền dã gian nan, khổ cực, Bích Vân và đồng nghiệp đã xây dựng cho Bảo tàng 250.000 hiện vật, tư liệu về người phụ nữ trong nhiều mảng đề tài và lĩnh vực khác nhau. Nỗ lực từng ngày, từng giờ, từ một nhân viên non yếu ngày nào, chị sải một bước tiến dài trong sự nghiệp, trở thành Phó Giám đốc Bảo tàng, rồi bước lên vị trí Giám đốc Bảo tàng.

“Thay da đổi thịt” cho Bảo tàng Giới duy nhất ở Việt Nam

Năm 2000 là thời điểm khủng hoảng nghiêm trọng của Bảo tàng khi đồng lương ít ỏi, không đảm bảo cuộc sống. Nhiều cán bộ, công nhân viên đã nghỉ việc. Đã có thời điểm, chị Nguyễn Thị Bích Vân tưởng như không trụ lại được với nghề. Nhưng nhìn những hiện vật và câu chuyện về nó mà chị và đồng nghiệp dày công tìm kiếm, lương tâm nghề nghiệp và ý chí quyết tâm của người phụ nữ không cho phép chị dừng lại.

Chị ở lại sát cánh cùng các đồng nghiệp vượt qua sóng gió và trở thành người “tiên phong, đạo cốt” của Bảo tàng. Là “thuyền trưởng” đứng trên con tàu trở đầy những nét đẹp văn hóa, phẩm chất của người phụ nữ Việt, Bích Vân đã nhận thức và thay đổi sứ mệnh của Bảo tàng: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam không chỉ là nơi nghiên cứu, trưng bày hiện vật, tư liệu, hình ảnh, mà ở đó còn có những hoạt động của phụ nữ vì mục tiêu bình đẳng, tiến bộ và phát triển của phụ nữ Việt Nam.

 
Chính vì thế, khi nhiều bảo tàng “tham bong bóng, bỏ bọng trâu”, chỉ chăm chút cho vẻ hào nhoáng bên ngoài mà lãng quên đi cốt lõi của một “bảo tàng sống”; thì Bích Vân lại làm được cả hai điều đó. Đầu năm 2010, chị nhận nhiệm vụ Giám đốc Bảo tàng trong nước mắt. Trước mắt chị chồng chất những khó khăn: thiếu nguồn chi phí, thiếu hiện vật, thiếu những con người say nghề... 10 tháng để Bảo tàng có thể mở cửa trở lại là gánh nặng quá lớn đè lên đôi vai bé nhỏ người phụ nữ này.

Ấy vậy, chú ong chăm chỉ ấy vẫn cứ lặng lẽ, bền bỉ lăn mình vào những cuộc điền dã cùng đồng nghiệp. Lòng quyết tâm và sự tin tưởng vào một bảo tàng giới duy nhất ở Việt Nam đã thôi thúc Bích Vân thực hiện nâng cấp, cải tạo hệ thống trưng bày. Từ lựa chọn chủ đề, thiết kế nội thất, ánh sáng, cách kể truyện, thông tin bài viết... đều đúng chuẩn mực riêng và nghiêm ngặt. Chỉ cần “sai một ly đi một dặm”.

Ví như việc đảm bảo nội dung thông tin cô đọng, có sức thuyết phục, mỗi bài viết không được quá 1.200 ký tự, mỗi chú thích hiện vật không quá 200 ký tự. Bài viết hoàn thành cũng được chuyển cho đội ngũ biên dịch chuyên nghiệp tiếng Anh, Pháp và lần lượt trải qua thẩm định, hiệu đính của chuyên gia cấp cao... Lựa chọn loại gỗ để in, sử dụng cỡ chữ, kiểu chữ, màu nền...cũng phải nghiên cứu chứ không thể làm theo cảm tính...

 
Chỉ 10 tháng sau khi Bích Vân đương nhiệm vị trí giám đốc, bảo tàng mở cửa trở lại đúng dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2010. Kể từ đó đến nay, bảo tàng đã thực hiện nhiều cuộc triển lãm thường xuyên, theo chuyên đề... Sức hấp dẫn và điểm mạnh của bảo tàng chính là ở lối trưng bày hấp dẫn và cách phục vụ chu đáo, tận tình. Phần trưng bày “Phụ nữ trong gia đình” được coi là trọng tâm của bảo tàng. Bên cạnh các hiện vật liên quan đến cuộc sống đương đại, còn có những phần liên quan như sử dụng đồ vật trong sinh nở, nuôi dạy con cái được bảo tàng trưng bày đan xen những giá trị văn hóa truyền thống như: Trưng bày “Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm – Đẹp – Vui”; Triển lãm Đêm sáng; Triển lãm lưu động; Đêm trình diễn thời trang “Tơ lụa về với cội nguồn”...  Điều đó khiến công chúng cảm nhận được văn hóa, phong tục tập quán vẫn tồn tại song hành trong đời sống hiện đại.

Một ngày cuối tháng Chín, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã vinh dự nhận bằng chứng nhận “Điểm du lịch hấp dẫn nhất năm 2012” từ website uy tín hàng đầu về du lịch TripAdvisor. Đây là một bước ngoặt lớn đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh của Bảo tàng Giới duy nhất ở Việt Nam và khẳng định quyết tâm đúng đắn của nữ “thuyền trưởng” tài hoa Nguyễn Thị Bích Vân.

Bích Vân rất khiêm tốn khi kể câu chuyện về mình. Đối với chị, những thành công hôm nay của chị, của bảo tàng không chỉ mình chị làm nên. Đó còn là nỗi trăn trở, sự nỗ lực của cả một tập thể nhân viên đã và đang gắn bó với bảo tàng, những vị tiền nhiệm đã đặt nền móng cho bảo tàng ngày hôm nay. Nếu ai hỏi Bích Vân về thành công ngày hôm nay của chị, chị đều mỉm cười nói: “Tôi có vĩ đại gì đâu, tôi chỉ là một người bình thường”.

Cát Thảo

 

 

 

 

Bình luận
vtcnews.vn