Di động Việt Nam: Cước cạnh tranh và mạnh về nội dung

Kinh tếThứ Hai, 22/10/2012 07:15:00 +07:00

(VTC News) - Mobile Vietnam kết thúc, một bức tranh toàn cảnh về ngành công nghiệp di động Việt Nam được phác thảo, trong đó giá cước giảm và nội dung tăng.

(VTC News) - Mobile Vietnam kết thúc, một bức tranh toàn cảnh về ngành công nghiệp di động Việt Nam được phác thảo, trong đó giá cước giảm và các dịnh vụ nội dung sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.

Trong Hội nghị Quốc tế Mobile Vietnam 2012  "Thị trường Viễn thông di động: Hướng tới phát triển bền vững", bao gồm 4 chủ để chính: chính sách và điều tiết; mạng và dịch vụ; ứng dụng và giải pháp; dịch vụ nội dung trên di động đã phác thảo ra nhiều hướng phát triển cho tương lai của ngành di động Việt Nam. Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, đây sẽ là những chủ đề thích hợp nhằm đưa ra những ý kiến đóng góp phù hợp với định hướng của Chính phủ trong Quy hoạch phát triển Viễn thông quốc gia đến 2020.

Thị trường viễn thông nóng

Theo bà Bà Trần Nhật Lệ - Phó trưởng phòng chính sách và quy hoạch cục viễn thông (Bộ Thông tin & Truyền thông), tính đến tháng 6/2012, thị phần di động của 3 đại gia là Viettel, Vinaphone, Mobile đã chiếm 90% thị phần di động của Việt Nam. Trong đó, Viettel đứng đầu với 40%, tiếp theo là Vinaphone, Mobilephone với 30% và 18,5% thị phần.

Ngoài 2 nhà mạng của VNPT và Viettel, ngành viễn thông Việt Nam vẫn tồn tại những mạng nhỏ hơn như Vietnam Mobile (5,92%), Gmobile (4,63%) và nhà mạng một thời đã từng gây tiếng vang - Sfone chỉ còn dưới 0,02% thị phần.

Trước nhiều khả năng Mobilefone và Vinaphone hợp nhất, nhiều chuyên gia và người tiêu dùng lo ngại rằng, khả năng này sẽ phá vỡ thế chân vạc trên thị trường viễn thông Việt Nam, bởi khi đó hai ông lớn sẽ là Viettel và VNPT - đưa thị trường viễn thông Việt Nam trở về thế độc quyền.

Thị trường viễn thông Việt Nam sẽ tiếp tục chứng kiến sự cạnh tranh giữa các nhà mạng, sau khi có sự điều chỉnh về chính sách đối với nhà mạng lớn và các nhà mạng nhỏ

Với ưu thế về cơ sở hạ tầng, về lượng khách hàng trung thành và cả về tài chính, VNPT và Viettel dễ dàng lấn lướt các nhà mạng nhỏ hiện nay. Trên thực tế, chỉ có một nhà mạng duy nhất có sự tăng trưởng ngoài 3 mạng chính là Gmobile, nhờ hiệu ứng của gói cước tỷ phú - thừa hưởng từ Beeline (trước khi đổi thành Gmobile) trước đây.

Tuy nhiên, ngay cả khi có sự tăng trưởng hay không thì phần lớn người dùng chỉ sử dụng thuê bao của các nhà mạng nhỏ với tính chất thay thế, tạm thời, hoặc hưởng hết khuyến mại thì sẵn sàng bỏ luôn chứ không có sự gắn bó lâu dài.

Đáp lại những lo lắng về một động thái độc quyền, đại diện của Cục viễn thông cho biết các nhà mạng lớn sẽ bị quản lý chặt hơn về giá cước, cũng như các chương trình khuyến mại của họ, trong đó các nhà mạng nhỏ sẽ được áp dụng chính sách linh hoạt hơn.

Bà Trần Nhật Lệ khẳng định, sẽ bảo đảm trên thị trường Việt Nam "có ít nhất 3 nhà mạng lớn" và hoạt động dưới sức ép của sự cạnh tranh.

Trên thực tế, thị trường viễn thông Việt Nam chưa bao giờ "dễ nuốt" khi các đại gia tầm cỡ thế giới như SK Telecom (với Sfone) và VimpelCom (với Beeline) đều "đau thương khi rút khỏi Việt nam".

Hiện tại, so sánh về giá thì giá cước trên thị trường viễn thông Việt Nam thuộc loại thấp, trong khi tốc đố kết nối 3G cũng thuộc loại cao và ổn định so với thế giới. Việt Nam thì thua một số nước về mạng LTE (4G) mà thôi.

Đáp lại khẳng định của bà Lệ về việc sẽ quản lý mạnh về giá cước, giám đốc Viettel Telecom - ông Hoàng Sơn khẳng định chiến lược của Viettel sẽ là tập trung phát triển về các dịch vụ giá trị gia tăng. Mới đây, Viettel cũng vừa tung ra gói cước phụ huynh quản lý học sinh, với dịch vụ truy tìm địa điểm, cha mẹ thanh toán tiền cước cho con cái... ông Sơn nói, nếu giá trị phù hợp thì doanh thu từ các thuê bao di động sẽ tăng đáng kể. Hiện Viettel cũng đã "đem chuông đi đánh xứ người", khi mở rộng mạng lưới kinh doanh của mình sang Campuchia, Haiti...

Trong khi đó, đại diện của VNPT là ông Đỗ Vũ Anh (Trưởng ban Viễn thông) đã dành khá nhiều thời gian để mô tả về mạng 4G. Rất có thể, VNPT sẽ là tập đoàn đầu tiên đưa mạng 4G về Việt Nam.

Như vậy, trong thời gian tới, thị trường viễn thông Việt Nam sẽ tiếp tục chứng kiến thêm cuộc cạnh tranh giữa "người khổng lồ và gã tí hon" khi miêu tả về 3 nhà mạng lớn và những nhà mạng nhỏ. Thị trường cũng sẽ chứng kiến thêm cuộc cạnh tranh mạnh mẽ về sự đổi mới công nghệ mà mục tiêu 4G đang được đưa ra.

Smartphone trở nên phổ thông

Theo một thông tin ngoài lề hội thảo, ngoài FPT, Q-Mobile, sắp tới sẽ có một công ty công nghệ Việt Nam đưa ra thương hiệu Smartphone của mình được dự đoán là "đẹp như iPhone, nhưng mức giá rẻ hơn rất nhiều". Gần như chắc chắn đây là một sản phẩm chạy Android, và logo sẽ mang toàn màu đỏ, câu chuyện này hãy để cho năm 2013.

Smartphone sẽ làm cho các dịch vụ nội dung phát triển bùng nổ trong tương lai

Đây là thông tin cho thấy, người Việt Nam sẽ ngày càng dễ tiếp cận Smartphone và đây là cơ hội cho các nhà cung cấp dịch vụ về nội dung. Denis Brunetti - Phó giám đốc Ericsson Việt Nam, Lào, Campuchia cho biết, trong số người dùng Smarphone thì có tới 48% sẽ sử dụng các dịch vụ dữ liệu.

Hiện trên thị trường Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những Smartphone có giá rẻ khoảng 200 USD, đây là một điểm sáng. Trong khi đó, các sản phẩm giá rẻ của các hãng công nghệ lớn như Google, Amazon cũng ngày càng trở nên phố biến, có thể kể đển những chiếc máy tính bảng như Nexus 7 và Kindle Fire với giá chỉ 200 USD.

Là đại diện duy nhất của những đơn vị phát triển và kinh doanh Game Mobile Online (gMO), ông Nguyễn Ngọc Bảo - Giám đốc VTC Mobile cho biết, thị trường game mobile tại Việt Nam đầy tiềm năng, dự kiến sẽ đạt doanh thu lên tới 300 tỷ đồng vào năm 2012 và tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tiếp theo, vì lẽ đó nên VTC Mobile đang đầu tư mạnh mẽ vào phân khúc này. Hiện, những game mà VTC cung cấp như Hoàng Thiên, Ngũ đế hay Zim city đều đang đạt được thứ hạng cao trên kho ứng dụng Google Play.

Lê Tuấn

Bình luận
vtcnews.vn