Đi đòi nợ thuê không cần phải mặc đồng phục, đeo thẻ

Kinh tếThứ Hai, 07/08/2017 16:37:00 +07:00

Không chỉ bỏ quy định vừa đưa ra này, Bộ Tài chính còn muốn bỏ nhiều điều kiện kinh doanh với doanh nghiệp đòi nợ.

Bộ Tài chính vừa gửi Chính phủ tờ trình với nội dung bãi bỏ Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ cùng rất nhiều thay đổi so với bản dự thảo đưa ra lấy ý kiến trước đây.

Trước đó, Bộ Tài chính được giao là cơ quan soạn thảo tờ trình Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 104/2007 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Từ năm 2016, cơ quan này đã đưa ra đề xuất bổ sung điều kiện kinh doanh cho đối tượng này, trong đó có cả việc yêu cầu vốn tối thiểu của công ty đòi nợ là 2 tỷ đồng; nhân viên phải mặc đồng phục, đeo thẻ khi đi đòi nợ...

ngan-hang-12-aq500-3681-1502080111 4

Nghị định về ngành kinh doanh dịch vụ đòi nợ từ năm 2007 có thể sẽ được dỡ bỏ. (Ảnh: A.Q)

Tuy nhiên, tại cuộc họp bàn về sửa đổi Nghị định kinh doanh dịch vụ đòi nợ hồi tháng 4, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, báo cáo Chính phủ theo hướng chưa ban hành Nghị định thay thế để đảm bảo thực hiện theo đúng tinh thần của Hiến pháp về quyền con người, quyền tài sản của công dân, các quy định của pháp luật dân sự và các quy định khác có liên quan.

Tiếp thu chỉ đạo này và ý kiến các bên, tại tờ trình gửi Chính phủ gần đây, Bộ Tài chính cho rằng không cần thiết duy trì các điều kiện kinh doanh về vốn và tiêu chuẩn đối với người quản lý, người lao động của các doanh nghiệp đòi nợ.

Lý giải về việc thay đổi này, lãnh đạo ngành tài chính cho rằng, Luật doanh nghiệp năm 2014 không còn có quy định về vốn pháp định. Trừ một số ngành đặc biệt như ngân hàng, chứng khoán,... đa số ngành nghề khác, vốn không còn là một điều kiện kinh doanh.

Với tiêu chuẩn đối với người quản lý và người lao động, Nghị định có ghi, người quản lý và người lao động các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải đảm bảo điều kiện về tư pháp (có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, không có tiền án) và điều kiện về năng lực chuyên môn (có trình độ học vấn từ đại học, trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh).

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính thấy rằng, năng lực chuyên môn của người quản lý và người lao động các công ty này chỉ ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của chính doanh nghiệp ngành đó mà không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các doanh nghiệp khác cũng như đến nền kinh tế.

Do đó, theo cơ quan này, không cần thiết phải quy định điều kiện về năng lực chuyên môn của người quản lý và người lao động trong các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Tương tự, với điều kiện về lý lịch tư pháp, Nghị định số 96/2016 của Chính phủ hiện tại đã quy định đầy đủ các điều kiện này nên cũng không cần thiết quy định thêm.

Video: Đòi nợ không được, đánh chết 'con nợ'

Cũng theo Bộ Tài chính, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ cần thiết duy trì các quy định về điều kiện an ninh, trật tự. Giao dịch giữa doanh nghiệp làm dịch vụ đòi nợ với chủ nợ, khách nợ được thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên theo quy định của Bộ Luật dân sự, không nhất thiết phải quy định nội dung hoạt động dịch vụ đòi nợ tại một Nghị định riêng.

"Do đó, việc bãi bỏ Nghị định số 104/2007 vẫn đảm bảo quản lý nhà nước chặt chẽ của Bộ Công an đối với hoạt động này, không tạo lỗ hổng để xảy ra việc lạm dụng, xâm phạm đến trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của công dân; đồng thời cũng không tác động đến quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan đến hoạt động dịch vụ đòi nợ khi thực hiện hợp đồng đã ký kết", tờ trình của Bộ Tài chính nêu.

(Nguồn: Vnexpress)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn