Đi chợ nổi Cái Răng

Tổng hợpThứ Tư, 02/03/2011 04:33:00 +07:00

Con sông có cái chợ nổi ấy là sông Hậu Giang. Cái chợ nổi ấy cách bến Ninh Kiều năm cây số về không gian. Và cách 30 phút ghe chạy về thời gian.

Con sông có cái chợ nổi ấy là sông Hậu Giang. Cái chợ nổi ấy cách bến Ninh Kiều năm cây số về không gian. Và cách 30 phút ghe chạy về thời gian. Cái chợ nổi ấy mang tên Cái Răng.

Cái Răng – Ninh Kiều – Cần Thơ – Tây Đô, nghe đã thấy âm hưởng thơ. Thả mình vào trong nó càng ngây ngất thơ.

 


Hò ơ … trai nào bảnh bằng trai Nhân Ái

Đầu thì hớt chải tóc bém bảy ba

Mặc pi-ja-ma khăn rằn quấn cổ

Thấy cô con gái Ba Xuyên ngồ ngộ

Muốn cùng em thổ lộ đôi lời

Cấy cầy cực lắm em ơi

Theo anh về vườn ăn trái mà suốt đời ấm no…

Câu hò mộc mạc văng vẳng trên mặt sông trong. Có thể là từ một chiếc ghe nào đó. Cũng có thể là từ một ô cửa chiếc nhà bè thủy tọa. Và cũng có thể âm vang từ nơi xa miệt vườn. Tựa như lời tỏ tình được chăng hay chớ. Cứ ném câu chờ cá đụng môi.

 

Chợ nổi là "đặc sản" của vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng chợ nổi Cái Răng lại là "đặc sản" tiêu biểu nhất trong các chợ nổi ở nơi đây.

Người ta nói chợ nổi Cái Răng những ngày áp Tết là đông vui nhất trong tất cả các phiên chợ suốt năm.

Một quãng sông Hậu khoảng non cây số, chật cứng ghe xuồng, ghe bầu lớn, ca – nô len lỏi sát cánh bên nhau trao đi đổi lại hàng hóa, nông sản … như một đặc trưng văn hóa chợ vùng sông nước ở mười hai tỉnh miền Tây Nam Bộ, mà ghe xuồng là phương tiện đi lại của mỗi gia đình, giống như xe máy trên đất liền vậy.

Sân bay Cần Thơ khánh thành. Việt Nam Airline khai trương đường bay Hà Nội Cần Thơ. Là cơ hội cho hàng triệu dân Bắc du lịch vào với đất Tây Đô cũ. Nơi có làng cổ Long Tuyền "đất lành" người người đến "đậu". Nơi có ngôi nhà cổ vườn cây trái sum sê được các đạo diễn điện ảnh chọn làm bối cảnh quay phim "Người tình" vang tiếng một thời và tận đến bây giờ. Đến Tây Đô rồi mà không ngồi ghe đi chợ nổi Cái Răng coi như chưa đến Cần Thơ. Không ngoa.

Tôi là một trong triệu dân Bắc đó. Đang ngồi ghe đi chợ nổi Cái Răng vào những ngày của Tháng Chạp áp Tết. Hiểu ngay rằng tại sao người ta lại mê mải với cái chợ trên sông nước Cửu Long.

 

Được ghép đi chung một chiếc ghe bầu gắn máy với đám cư dân một mạng xã hội suốt một năm trời cùng nhau online, nay hẹn nhau một dịp về chợ nổi Cái Răng offline. Từ thế giới ảo hiện thân về với thế giới thật, họ sướng vui như từ trên trời rơi xuống trần gian, hứa hẹn với nhau, khi trở lại thế giới ảo, sẽ viết nhiều nhiều comment mùi mẫn về sông Hậu, về bến Ninh Kiều, và nhiều hơn thế là chợ nổi Cái Răng, làm phong phú thêm Forum của họ.

Sông Hậu hiền hòa thơ mộng như tên của nó. Ngồi trên ghe chậm chạp lướt trên mặt sông ngắm nhìn bình minh Tây Đô trong cảm giác bồng bềnh như say.

Từ tờ mờ sáng người thăm chợ đã kéo nhau về bến Ninh Kiều thuê ghe đưa mình đến với chợ nổi. Chợ họp đông nhất vào lúc 6 giờ sáng. Đến 8 – 9 giờ bắt đầu vãn tan. Khi đông nhất, hàng trăm ghe lớn nhỏ đầy ắp sản vật chạy ngược lướt xuôi mua bán đủ các loại trái cây, nông sản của vùng quê sông nước. Trên mỗi chiếc ghe, hàng được phân loại đồng đều về chất lượng, kích cỡ. Không có tiếng rao hàng. Không treo biển quảng cáo. Mà trên mỗi chiếc ghe, người ta dựng một chiếc sào tre cao ở đầu mũi, để treo hàng hóa muốn bán lên ngọn sào.

Cây tre ấy gọi là "cây bẹo". Hàng hóa treo lên gọi là "treo bẹo". Từ xa, người mua rất dễ nhận ra ghe đó chở loại hàng gì, tấp tới nhập hàng. Cái cách giới thiệu hàng hóa kiểu ấy có cái gì thô sơ thời nguyên thủy, nhưng lại có hiệu quả trực giác của thương mại thời thượng nền kinh tế thị trường.

 

Trái cây vùng miệt vườn thật phong phú: Dưa hấu, xoài, mận, cam, bưởi, vú sữa, ổi, dứa, chôm chôm, nhãn tiêu, chuối, ớt, hồ tiêu, mắc- coọc…

Rau củ quả có bắp cải, bí xanh, bí đỏ, dưa chuột, chanh leo, hành tỏi …

Những ngày áp Tết là dịp dân thương hồ dồn sức làm ăn. Chợ nổi trở nên sôi động. Chợ ngày thường đã có hàng trăm ghe xuồng. Tháng áp Tết gấp rưỡi, gấp đôi. Một đoạn sông Hậu như phình ra lấn cả lòng sông. Âm thanh của những chiếc máy nổ đuôi tôm, những mái chèo khua nước, sóng vỗ oàm oạp mạn ghe. Rồi tiếng cười nói xô bồ…ầm vang một khúc sông.

Chợ nổi Cái Răng là chợ đầu mối bán sỉ. Khoảng 9 giờ chợ tan. Những chiếc ghe bầu của người buôn bắt đầu một cuộc hành trình mới đến các địa phương khác để tiêu thụ sản phẩm. Sang cả Campuchia và tới tận Trung Quốc. Và cứ thế hôm sau họ lại gặp nhau một phiên chợ mới. Để mang lại cho bà con miệt vườn xăng dầu, gas đốt, muối mắm, thuốc tây, bánh kẹo cùng các loại nhu yếu phẩm, hàng tiêu dùng khác.

Cái cách mua bán trên sông thật hào phóng, không so đo trả giá cò kè. Cái cảnh người bán đứng trên thuyền cao gieo từng cặp dứa, cặp dưa cho người mua dưới thuyền thấp nhịp nhàng mềm mại như một vũ khúc chim biển. Khách tham quan thì mua lẻ vài cân vung dao xả thịt những quả dưa hấu ruột đỏ au xì xoạp hồn nhiên như con trẻ reo đùa.

Cô hướng dẫn viên du lịch nói với tôi, bình thường có khoảng từ 300 đến 500 khách du lịch tới đây mỗi ngày. Tháng áp Tết là gấp rưỡi. Khách nước ngoài chiếm một phần tư. Mà ngay trên chiếc ghe này đã có bốn người Australia. Ghe, ca nô nào người người mặc áo phao xanh, đỏ, hoặc vàng, ấy là khách du lịch. Nhà ghe tàu buộc phải trang bị cho họ. Đến đây để thưởng thức văn hóa chợ vùng sông nước Cửu Long không nơi đâu có. Ăn trái cây vùng miệt vườn hái lượm trong ngày. Tươi ngon ngọt thơm hết ý luôn. Cô hướng dẫn viên du lịch kể, tương truyền khởi đầu khẩn hoang, có con cá sấu to đùng dạt vào. Răng của nó cắm phập vào đất, nên gọi Cái Răng.

Rồi cô cười. Kể tiếp một giả thuyết khác. Rằng theo tự vị "Tiếng nói miền Nam", cụ Vương Hồng Sến cho hay, Cái Răng có nguồn gốc từ tiếng Khmer "Karan", nghĩa là "cà ràng" (ông Táo). Người Khmer ở xã Tón (Tri Tôn) làm rất nhiều Karan mang đi bán khắp nơi trong những ngày áp Tết. Lâu dần, mọi người phát âm Karan thành Cái Răng.

 

Chị Katerina, trong nhóm người Australia, khoe, năm ngoái chị có tới thăm một cái chợ nổi ở Thái Lan, nhưng là chợ nổi nhân tạo. Khéo gì thì cũng không thể hồn nhiên thơ mộng như ở đây được.

Tôi hỏi cô hướng dẫn viên du lịch, rằng có câu thơ tôi thuộc từ lâu lắm rồi, giờ thì sao:

Cần Thơ có bến Ninh Kiều

Có con sông đẹp có nhiều giai nhân!

Cô hướng dẫn viên du lịch cười tươi như bông mai:

- Thì cháu là một giai nhân đấy thôi!

Ôi! Một giai nhân tự phong. Trong sáng quá! Đôn hậu đến thế là cùng!

Cô giới thiệu về Ninh Kiều. Không thể không biết đôi điều về Ninh Kiều – cô bảo vậy - Ninh Kiều nằm ở ngã ba sông Hậu và sông Cần Thơ. Cảng Cần Thơ có đủ độ sâu cho tầu 5.000 tấn neo đậu. Con đường Hai Bà Trưng chạy dọc sông Hậu, một bên bờ cây cao xanh sum sê phủ bóng cho người đi bộ mát bàn chân. Thời Pháp thuộc bến sông này gọi là bến Hàm Dương. Năm 1958 bến sông và công viên liền cạnh được mang tên một trận đánh của nghĩa quân Lam Sơn, là Ninh Kiều.

Ngồi chung ghe. Lại cùng bên một mạn ghe. Tôi quen hai cư dân mạng có nickname chichchoe và chuotbach. Họ háo hức như nuốt từng hơi nồng nàn không khí chợ nổi chẳng khác gì cơn khát nước chanh leo.

Một giọng hò vọng tới:

Sông quê nước chảy đôi bờ

Để anh chín dại mười chờ thương em

Cư dân mạng có tên chichchoe hỏi:

- Họ hò thế ai nghe được, chú?

- À, hò gọi tình. Nghe cả. Khối người nên vợ nên chồng trên khúc sông này! Tôi phịa. Nhưng lại được cô hướng dẫn viên du lịch cười xác nhận: "Đúng thế!"

Tiếng hò lan trên mặt nước sông Hậu lồng lộng phù sa.

Cuộc sống nơi đây bình dị đến không ngờ.

Những người phụ nữ, những chiếc tắc ráng. Tươi cười phô trắng hàm răng.

Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng

Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn

Em treo bẹo Cái Răng Ba Láng

Ta thương hồ Vàm Xáng Cần Thơ.

Lại một câu hò vẳng vọi lên đâu từ một chiếc ghe.

Tôi chỉ vào "cây bẹo" có khoai lang, bí đỏ "mọc" trên trời, nói với chuotbach:

- Cái chàng nào đó lại hò ghẹo "em treo bẹo"!

Cả chuotbach và chichchoe phá lên cười. Chichchoe nói như ngâm:

- Ấy là ta chưa "treo bẹo" được lòng nhau.

- Một comment cực hay!- Tôi khen.

 

Chợ nổi không chỉ có trái cây. Thuyền ghe chở đồ ăn thức uống như hủ tiếu, bánh mì kẹp thịt rán hoặc ba-tê. Rồi cà-phê, bia, thuốc lá, nước ngọt, tạp phẩm phục vụ tiểu thương và khách tham quan trên sông. Như một quán ăn uống di động. Những tài xế lái ghe điêu luyện tới mức có thể dùng chân điều khiển ghe len lỏi khắp nơi phục vụ khách có nhu cầu chỉ cần một bàn tay vẫy. Thăm chợ nổi vừa ngắm cảnh vừa thưởng thức sản vật vùng sông nước ngay trên chính chiếc ghe hàng của người dân, mà cảm nhận tình cảm nồng ấm, trìu mến của người miền Tây.

Cuộc sống trên sông đôi khi phong phú hơn trên cạn. Như lúc này đây. Các gia đình thương hồ với nhiều thế hệ chung sống trên ghe. Chiếc ghe như căn hộ di động mang theo những chậu hoa kiểng, các loại vật nuôi, những tiện nghi như ti-vi màu, đầu đĩa, dàn âm thanh chạy năng lượng ắc-quy đủ đầy. Lại có cả xe máy phòng khi lên bờ có công chuyện.

Người ta nói đúng. Sẽ là chưa đến và chưa biết Cần Thơ, nếu như ta chưa một lần đi chợ nổi Cái Răng.

Bảo Minh

Bình luận
vtcnews.vn