Đến hoàng cung Kyong Bok xem ngự lâm quân đổi gác

Tổng hợpThứ Hai, 26/03/2012 01:32:00 +07:00

Đến Thủ đô Seoul xứ Hàn mà không tới tham quan Cung điện Hoàng gia Kyong Bok là điều đáng tiếc.

      Đến Thủ đô Seoul xứ Hàn mà không tới tham quan Cung điện Hoàng gia Kyong Bok là điều đáng tiếc. Tới, mà lại trật giờ xem phiên đổi gác còn tiếc hơn. Giờ đổi gác là vào giờ Thìn. Đội quân ngự lâm y phục hệt như thời Vương triều Chosun mà ta từng xem trên phim cổ trang Hàn Quốc như “Nàng Dae Jang Geum” chẳng hạn, chân mang ghệt quấn vải gai khoác áo trùng dài thắt đai vải đội mũ rộng vành phủ khăn đen gù tua quai thao súng sính, giáo mác kiếm khiên cung nghiêm chỉnh, với những nghi lễ diễu binh rầm rập trong tiếng trống và kèn hiệu, tiếng hô nghiêm – nghỉ - bước lệnh cho các nhóm binh di tản vào các khu gác được cố định ngày nào cũng như ngày nào không biết đã có trong bao nhiêu năm qua rồi. Sự kiện này diễn ra tại khu sân rộng phía Cửa hướng nam – Quang Hóa Môn. Vào cái giờ ấy, du khách kéo đến lũ lượt như đi xem biểu diễn. Len lỏi tìm vị trí thuận lợi nhất để chụp ảnh. Sán gần lính ngự lâm chụp đôi với họ. Quen hay không quen cũng đổi máy nhờ nhau chụp giúp kẻo lỡ cơ hội. Bởi không có Cố cung ở quốc gia nào trong khu vực Đông Nam Á lại như ở Hàn Quốc, tái hiện khung cảnh lễ nghi này hằng ngày phục vụ du khách. Đến như Cố cung Tử Cấm Thành Bắc Kinh Trung Hoa cũng không phục dựng. Hàn Quốc là thế. Bảo tồn triệt để. Thổi hồn sống động vào nơi thuộc về lịch sử xa lắc những trăm năm.

 

Tôi tới Cung điện Hoàng gia Kyong Bok vào một ngày đông có tuyết rơi rét buốt. Và không nằm ngoại lệ cũng nao nức làm những việc giống như khách thập phương, là chạy đôn chạy đáo chỗ này nơi kia chụp ảnh tới tấp những cảnh phải nói là hiếm quý. Người hướng đạo và chụp ảnh giúp tôi là Pak Huy. Tên thật anh là Phan Nguyễn Huy người quê Hà Nam. Tự túc sang Hàn Quốc học tập rồi ở luôn làm nghề thiết kế công nghiệp. Ở liền tù tì 16 năm. Đủ thời gian để anh trở thành “cáo cụ” về hiểu biết xứ Hàn. Từ cố Tổng thống Park Chung-hee đến Tổng thống Lee Myung-bak bây giờ. Từ chuyện Quốc hội Hàn họp là thế nào cũng có pha vác ghế choảng nhau vì bất đồng chính kiến không thể thỏa hiệp, đến số lượng người Việt còn ở lại trên đất nước Hàn nay là bao nhiêu, cũng như khoe các vùng trồng sâm nổi tiếng, và ăn đêm quán nào ngon nhất rẻ nhất ở Thủ đô Seoul. Vì thế tôi đặt cho anh cái tên Hàn-Việt là Pak Huy. Anh có vẻ khoái về cái tên đó.

      Cung điện Hoàng gia Kyong Bok – một di sản thế giới – về phong thủy giống hệt Trung Hoa: Lưng tựa núi, mặt nhìn ra biển. Cố cung có tường cao quá đầu người xây bằng đá bao quanh dày và vững, và mỗi mặt của bức tường bao là một cổng lớn. Cửa cổng hướng nam gọi là Quang Hóa Môn, là cửa chỉ dành cho vua đi. Nếu đi về hướng bắc, ta sẽ thấy phía ngoài rất gần cố cung là những tòa nhà hiện đại cao tầng chắn ngang tầm nhìn nơi cổ kính này. Điều đó làm tôi khó hiểu về quan điểm kiến trúc xứ Hàn, mặc dù biết rằng Seoul là vùng đồi núi người đông đất hiếm quý như vàng. Thôi, bỏ qua chuyện này vì nó là vấn đề của người Hàn.

Nơi vua thiết triều

      Nổi bật nhất trong Cung điện Hoàng gia Kyong Bok là Cảnh Phúc Cung, Cung điện chính bề thế và quan trọng nhất trong Ngũ Cung. Về kiến trúc, nó là một trong những hình ảnh tiêu biểu cho các Cung điện phương Đông. Nó được các vua chúa triều đại Jocheon xây dựng từ năm 1394 dưới sự chủ trì của Kiến trúc sư Jeong Dojeon, gồm năm cung với khoảng 500 tòa nhà lớn nhỏ. Tuy nhiên trong thời gian Nhật Hoàng chiếm Hàn Quốc làm thuộc địa, rồi nội chiến liên miên dẫn đến Cung điện Hoàng gia gần như bị phá hủy hoàn toàn. Năm 1586, vua đương triều cho xây lại 330 tòa nhà với 2.566 phòng. Qua bao biến cố chính trị, quần thể kiến trúc này giờ chỉ còn lưu giữ được Cung Cảnh Phúc với 15 tòa nhà, hai tháp canh và bốn cổng lớn.

      Nếu so sánh với Tử Cấm Thành Bắc Kinh Trung Hoa nguy nga tráng lệ vàng son, phô trương giàu có, toát lên uy thế của Vương quyền pha lẫn Thần quyền bao nhiêu, thì Cung điện Hoàng gia Kyong Bok xứ Hàn giản dị không trạm trổ công phu, không trang trí uốn lượn cầu kỳ, không quá nhiều màu sắc, và đặc biệt không sơn son thếp vàng dát vàng.

      Cảnh Phúc Cung thiên về lối kiến trúc chắc chắn, vững chãi, nghiêng về quy mô tạo thế hùng mạnh uy nghiêm hơn là tô vẽ mỹ thuật. Ngắm kỹ Cung Cảnh Phúc chỉ thấy các phần kiến trúc sử dụng có năm màu cơ bản: Xanh rêu, trắng ngà, đỏ nâu, đen xám và vàng đất. Chỉ những chi tiết nhỏ mới dùng tới màu sáng hơn là xanh dương, hồng đào và vàng kim. Nó đem lại tổng thể màu sắc hài hòa có phần trầm mặc u tịch. Không kệch cỡm xa hoa, không đối chọi với khung cảnh tự nhiên dù là mùa hè nắng dịu vàng hay mùa đông băng tuyết trắng. Ta không thấy rối rắm trong bố cục các khối xây, mà thấy nó đối xứng với các khuôn hình chữ nhật, tăm tắp đều đặn thẳng hàng, tạo nên khái niệm về một cơ ngơi trùng trùng điệp điệp.

Nơi giam cầm lạnh lẽo và cô đơn
      Đi trong Cảnh Phúc Cung ta thấy thênh thang không tù túng bởi hành lang rộng với những chiếc cột to đùng. Mái nhà nào cũng có hai lớp như hai tầng chồng lên nhau, tầng mái trên giật cấp nhỏ hơn. Góc mái thường cong  vút lên như mũi đao, và nơi mái và hồi mái giao nhau có đắp gờ trạch cao đặt lô nhô tượng 12 con giáp.

     Khoảng sân chầu còn gọi là sân rồng rộng mênh mông đủ cho vài trăm quan đứng chầu khi vua ngự triều, với các cột đá ghi rõ thứ bậc quan hàm. Cho thấy phong kiến có nét tôn ti trật tự nghiêm cẩn.

     Chính điện là tòa nhà đồ sộ nhất, đặt trên nền đá cao nhất với các bậc cấp dài nhất. Bậc cấp bằng đá có các thành ngăn cũng bằng đá trạm trổ Hắc Kê. Về phong thủy xứ Hàn quan niệm Hắc Kê chuyên nuốt lửa. Vì trong Hoàng Cung có hệ thống sưởi lớn gần như quanh năm. Có Hắc Kê không còn lo sợ  hỏa hoạn. Đây là nơi duy nhất còn nguyên nét cổ, không phải phục chế. Sân chầu cao xa như thế nên các quan muốn bẩm tấu phải đi bộ hẳn sẽ mệt nhoài. Tam quan thì rộng bằng nhau. Riêng lối giữa là lối đi của vua. Điện được chia làm năm gian, cột sơn đỏ sẫm, trần nội điện trần thiết nhiều chi tiết nhưng giản dị không rối rắm như cung điện Trung Hoa. Và đồ dùng trong nội điện ngoài chiếc ngai vàng không có gì là sang trọng thì các thứ khác cũng đơn sơ như không cần thiết phải trưng bầy.

Một phiên đổi gác
     Nằm gần với chính điện là năm điện nhỏ hơn: Hai cho vua làm việc, một cho Đông cung Thái tử, hai còn lại cho Đức Vua và Hoàng Hậu ở.

     Phía Tây Cung có một cái hồ rộng. Lúc này mùa đông nước đóng băng trắng muốt. Điện ở nơi này dùng cho việc tổ chức yến tiệc chiêu đãi các sứ thần, và cũng là nơi vui chơi giải trí của Hoàng gia.

     Nơi đây khuôn viên rộng trồng nhiều cây, có tùng, có thông và liễu rủ làm cho cảnh quan hữu tình. Nhưng trớ trêu thay ở một góc gần đó có dãy nhà thấp tối, là lãnh cung, dùng giam giữ trừng phạt những phận gái xấu số thất sủng với nhà Vua hoặc Hoàng Hậu mặc dù trước đó họ từng là ái nữ. Kiếp nữ nhi bị phạt vào lãnh cung rồi là đời chịu cuộc sống hắt hủi ghẻ lạnh cô đơn đến nát lòng.

     Thời phong kiến vua chúa ở nơi đâu cũng là đệ nhất thiên hạ cả dù nhỏ như Vương quốc Ôma hoặc cực lớn như Đại Hán. Xứ Hàn cũng thế. Khoảng 500 thiếu nữ hằng năm được tuyển chọn từ các châu phủ đưa về cung. Sau năm năm đào tạo tuổi chúm chím chũm cau non, thi tuyển lại, ai được chọn thì sẽ được (hay bị) phục vụ trong cung cho tới hết đời. Là vua nên được đặc quyền có nhiều vợ cùng bao phi tần mỹ nữ đến nỗi dùng không xuể. Nếu mỗi đêm vua dùng không hơn một lần một mỹ nữ thì 500 cung tần mỹ nữ sẽ phải mất gần hai năm mới hết một vòng. Mà chưa chắc đã là thế. Thái giám không xếp lịch cho nhà Vua là trượt hỏng một chu kỳ. Vò võ mà đợi đấy. Bởi vậy các cung nữ phải hối lộ “thái giám chánh văn phòng” của nhà vua. Hối lộ không “dầy lượng” hơn người… cũng đợi đấy.

 

      Vợ chính thức của nhà vua được phong Hoàng Hậu, bậc mẫu nghi thiên hạ. Phận thứ mà được sủng ái thì được vua phong chức Phi. Cô nào sinh được con trai cho nhà Vua thì được cưng chiều hơn, có quyền lực hơn. Mà nếu là con trai độc tôn đồng nghĩa phi ấy trúng độc đắc. Nhưng hiếm khi Hoàng hậu không sinh con trai. Mà nếu Phi cũng sinh con trai thì Hoàng Hậu cần thận trọng. Trong lịch sử các vương triều nhiều Phi đối thủ đã bị Hoàng Hậu lập mưu tống vào lãnh cung.

      Làm Vua có cái sướng là không phải cố công cưng chiều phụ nữ, mà ngược lại lại được phụ nữ thi nhau cưng chiều với những chiêu cực độc để được Hoàng đế sủng ái là duy nhất. Nghe câu này của Pak Huy nói, hai cô gái trẻ đi cùng tôi bĩu môi ngúyt dài “Đừng có mà nằm mơ!”. Đúng. Thời nay đó là nằm mơ.

      Tôi chưa hiểu tại sao phía sau của Cung điện Hoàng gia Kyong Bok người Hàn lại xây dựng Phủ Tổng thống ở đó. Chẳng lẽ là để “kim cổ giao duyên”. Giống như trước cổng phía nam Cung điện người Hàn lại xây dựng liền kề những ngôi nhà hiện đại.

Sắc màu hoàng cung

      Phủ Tổng thống nơi xứ Hàn còn được gọi là Nhà Xanh, tựa như nước Mỹ gọi Phủ Tổng thống là Nhà Trắng. Không đâu như ở Seoul, quanh Phủ Tổng thống có rất nhiều cảnh sát to khỏe như võ sĩ. Cảnh sát mặc đồng phục đen, áo khoác ngoài dài cũng màu đen. Ai mặc áo khoác ngắn thì màu xanh dương. Cứ chục mét lại có một người cầm dùi cui điện lăm lăm đi tới đi lui. Tuy gương mặt không căng thẳng lắm nhưng cung cách thì nghiêm trang, đạo mạo. Cho thấy họ hết sức tập trung làm việc mặc dù tiết trời mùa đông đang vô cùng giá rét. Cũng với tác phong và cử chỉ như thế, còn có nhiều người mặc thường phục trà trộn vào đám khách bộ hành, khách du lịch. Pak Huy cho biết họ là những “cảnh sát chìm”. Chắc Pak Huy dọa. Sự hiện diện của họ làm người ta có phần e ngại. Mà e ngại là lúng túng, dễ sinh nghi. Tôi láu cá làm một testing tiến lại gần một “cảnh sát nổi”, hỏi “Xin lỗi tôi có thể hút thuốc ở nơi đây không?” Thật bất ngờ, người cảnh sát đó tươi cười thân thiện giơ tay chào “Được chứ! Lạnh quá phải không? Hôm nay âm 5 độ C!” Vậy là thần hồn nát thần tính! Khi còn trong khuôn viên Cung Khánh Tiết, được yêu cầu, hai cô gái trẻ Hàn Quốc cũng đã rất niềm nở nhận lời cho tôi được chụp chung với hai cô bức ảnh đứng bên hồ súng sính trong bộ Han Bok y phục truyền thống của phụ nữ Hàn, lại còn hỏi tôi thích đứng bên ai. Một cô ghé sát đầu vào tôi cười tươi giơ bàn tay xòe hai ngón búp măng lên tạo dáng. Pak Huy bấm máy. Cô còn nhắc bấm thêm kiểu nữa để chọn.

      Hoàng cung Kyong Bok như chiếc lồng son, nơi lầu son gác tía, một thời người ta ước ao được ở nơi cung ngà điện ngọc này. Bây giờ nó trở thành công trình kiến trúc bảo tồn bảo tàng. Một mai những hình ảnh này rồi cũng sẽ trở thành quá khứ. Chẳng gì có thể tồn tại mãi mãi với thời gian.

      Đã đành là thế. Nhưng đã không phải thế, nó đang tồn tại như một quốc hồn quốc túy. Bằng chứng là người Hàn phục dựng lại nguyên bản một phiên đổi gác mỗi ngày nơi sân Cảnh Phúc Cung của binh đội Ngự Lâm với đầy đủ y phục và nghi lễ của 600 năm trước, làm cho ai ai tới đây cũng có cảm nhận sâu lắng Vương triều Chosun sống mãi với thời gian.


       Bút ký của Khiếu Quang Bảo


Bình luận
vtcnews.vn