Đêm nhạc ế ẩm, Kpop tụt dốc tại Việt Nam

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 28/03/2017 15:31:00 +07:00

Trước đêm nhạc MBC Music K-Plus, khá nhiều buổi biểu diễn có mặt các ngôi sao Hàn Quốc ở Việt Nam cũng rơi vào tình trạng ế ẩm, làn sóng Kpop đang thực sự thoái trào.

Những gì còn đọng lại của MBC Music K-Plus 2017 tại Hà Nội chỉ là hình ảnh sân Mỹ Đình trống trải vì quá ít khán giả đến xem. Trong hai đêm diễn ngày 25-26/3, chỉ khoảng vài nghìn người có mặt trong khi tổng số vé ban tổ chức phát ra là trên 40.000.

Ở đêm thứ hai, ban tổ chức thậm chí đã mở cửa tự do, nhưng số lượng khán giả có mặt trên khán đài vẫn khá ít ỏi, thậm chí không đủ lấp đầy khu VIP gần sân khấu nhất.

Lý giải cho tình trạng ế ẩm, nhiều fan Kpop cho rằng giá vé quá cao là lý do chủ yếu. Bên cạnh đó, quãng thời gian để ban tổ chức bán vé và quảng bá cho chương trình là quá ngắn ngủi. Danh sách ca sĩ liên tục bị thay đổi cũng khiến khán giả không còn mặn mà với sự kiện.

Quả thực, có nhiều lý do dẫn tới thất bại của MBC Music K-Plus 2017. Tuy nhiên, đêm nhạc cũng một lần nữa cho thấy sự thoái trào của làn sóng Kpop ở Việt Nam. Bởi trước đó, khá nhiều đêm nhạc có sao Hàn cũng rơi vào tình trạng ế ẩm.

Dem nhac e am, Kpop tut doc tai Viet Nam hinh anh 1

 Đêm nhạc có những tên tuổi đình đám của Kpop như EXID và Seventeen vẫn quá thưa thớt khán giả. (Ảnh: Việt Hùng)

Kpop giảm nhiệt

Hồi năm 2015, danh sách ca sĩ tham gia Music Bank tại SVĐ Mỹ Đình được đánh giá là hấp dẫn hơn hẳn MBC Music K-Plus năm nay khi có những cái tên như EXO, GOT7, BlockB, A Pink, Sistar… Thế nhưng, lượng vé bán ra chỉ bằng 50% con số 30.000 khán giả mà ban tổ chức kỳ vọng.

Chương trình Super X Festival dự kiến diễn ra tháng 11/2015 với sự tham gia của "hiện tượng âm nhạc" PSY đột ngột bị hủy bỏ. Ban tổ chức không đưa ra lý do, nhưng nhiều người trong giới cho rằng nguyên nhân thực sự là show không bán được vé.

Trước đó, các buổi biểu diễn của T-ara hay Lee Min Ho dự kiến diễn ra tại Việt Nam cũng không trở thành hiện thực vì lượng vé bán ra quá khiêm tốn.

Cơn sốt âm nhạc Hàn Quốc bùng nổ từ cuối những năm 2000 khi Nobody của nhóm Wonder Girls gây bão, Super Junior tạo trào lưu cover với Sorry Sorry, SNSD chinh phục mọi khán giả với Gee… Đó cũng là lúc Kpop xây chắc một vị trí tại Việt Nam.

Từ đó đến nay, Kpop không ngừng phát triển, nhất là về số lượng ca sĩ. Năm 2014, có ít nhất 36 nhóm nhạc ra mắt. Sang năm 2015, con số này đã lên tới trên 100. Hậu quả là Kpop rơi vào tình trạng "đất chật người đông".

Nhưng không vì thế các ca sĩ “thần tượng” ngừng xuất hiện. Năm 2016, Kpop tiếp tục chào đón ít nhất 30 nhóm nhạc. Khán giả Việt bắt đầu bị bội thực.   

Dem nhac e am, Kpop tut doc tai Viet Nam hinh anh 2

Thế hệ ca sĩ mới ở Kpop không giữ được sức hút như SNSD, TVXQ, Big Bang... (Ảnh: SM)

Âm nhạc Kpop trở nên rập khuôn, nhàn chán, nhiều nhóm sao chép lẫn nhau về phong cách và dòng nhạc. Pristin vừa ra mắt bị chê bắt chước Twice, BlackPink khá nổi tiếng nhưng cũng bị gán mác "bản sao 2NE1".

Nhiều khán giả đánh giá so với thế hệ ca sĩ trước đó, Kpop hiện giờ không còn hấp dẫn. Hết chiêu trò, nhiều nhóm nhạc nữ tích cực khoe da thịt và thực hiện các màn vũ đạo phản cảm để câu khách nhưng cũng không tạo được tiếng vang.

Đương nhiên, vẫn có những nhóm nhạc tạo được dấu ấn trên thị trường quốc tế như EXO, GOT7, BTS, Twice… Nhưng, vấn đề là họ chưa có ca khúc nào tạo thành trào lưu mà đi đâu cũng nghe thấy như những gì Big Bang, Wonder Girls, TVXQ và SNSD đã làm được khi xưa.

Thêm vào đó, các nhóm nhạc này còn khá non trẻ, lượng fan tại Việt Nam không đông đảo và trung thành bằng. Bởi vậy, một đêm nhạc được tổ chức tại Việt Nam nhưng không có cái tên đủ hot như Big Bang, DBSK và SNSD bên cạnh dàn sao trẻ  thì khó tránh khỏi tình trạng ế vé.

Cơ hội gặp thần tượng không còn hiếm hoi

Ngoài các đêm nhạc đang được tổ chức thường xuyên, sao Hàn liên tục đến Việt Nam trong thời gian gần đây. Năm 2014, có hơn 15 tên tuổi lớn của Kpop xuất hiện tại Việt Nam, bao gồm SNSD, miss A, TVXQ, JYJ, 2NE1, 2PM…

Năm 2016, số lượng ca sĩ nói riêng và nghệ sĩ Hàn nói chung đến Việt Nam quay gameshow, du lịch, giao lưu văn hóa… tiếp tục tăng lên. Những cái tên đình đám như EXID, Wonder Girls, Bi Rain, U-Kiss… đã mang đến những màn trình diễn làm thỏa lòng mong chờ của fan Việt.

Dem nhac e am, Kpop tut doc tai Viet Nam hinh anh 3

GOT7 lần thứ 2 biểu diễn tại Việt Nam qua sự kiện Zing Music Space. (Ảnh: ZMA)

Chỉ trong tháng 1/2017, ít nhất năm tên tuổi lớn đã xuất hiện. GOT7 biểu diễn tại sự kiện Zing Music Space diễn ra ngày 7/1 ở TP.HCM. Sau đó, T-ara, DIA và NCT127 tiếp tục khuấy động khán giả Sài Gòn trong một lễ trao giải.

Nhiều nhóm nhạc như JYJ, T-ara, 2NE1… thậm chí còn tổ chức đêm nhạc riêng ở Việt Nam. Do đó cơ hội để fan Việt gặp thần tượng Kpop không còn khan hiếm như xưa.

Ngoài ra, việc các thần tượng Kpop liên tục biểu diễn ở các nước khu vực và sự phát triển của mạng xã hội cũng khiến fan Việt không còn hào hứng với các đêm nhạc có giá vé cắt cổ được tổ chức ở Việt Nam.

Ca sĩ Việt đáp ứng được sở thích của khán giả trẻ

Âm nhạc Hàn Quốc tại Việt Nam không còn hấp dẫn như trước còn vì nguyên nhân ca sĩ Vpop đang dần thay đổi phong cách và dòng nhạc để đáp ứng được nhu cầu và sở thích của khán giả trẻ.

Thay vì dòng nhạc ballad, pop cùng mô típ quay MV có nội dung sướt mướt quen thuộc, ca sĩ Việt giờ đây hướng đến phong cách trẻ trung, sôi động, trong khi âm nhạc cũng đa dạng hơn với EDM hay dance cùng các MV được đầu tư hiện đại, vũ đạo bắt mắt.

Thành công của Sơn Tùng, 365, Noo Phước Thịnh… đã phần nào cho thấy sự đón nhận của công chúng với hướng đi này của Vpop.

Sơn Tùng lập nên vô số kỷ lục âm nhạc. MV Nơi này có anh phát hành ngày 14/2 thậm chí đã vượt qua sản phẩm của những tên tuổi Kpop lớn như SNSD, Big Bang, EXO… khi đạt 7 triệu lượt xem trong ngày đầu tiên.

Các đêm nhạc của nam ca sĩ cũng thu hút lượng khán giả lớn. Thậm chí, mới đây, khi diễn tại Hưng Yên, giọng ca Lạc trôi còn gây nên tình trạng chen lấn, ngất xỉu vì quá đông người hâm mộ xuất hiện.

Ngoài việc thay đổi phong cách, ca sĩ Việt còn đang áp dụng các mô hình hoạt động của Hàn Quốc để có sự chuyên nghiệp, mới mẻ trong âm nhạc. 365 là nhóm nhạc đầu tiên được đào tạo theo mô hình Kpop, các nhóm mới ra mắt như LipB, Monstar, Uni5… cũng đang phát triển theo hướng tương tự.

Thậm chí, công ty của Lime còn đầu tư cho nhóm sang Hàn Quốc đào tạo trong khoảng một năm. Monstar cũng làm việc với ê-kip, diễn viên người Hàn Quốc… trong quá trình thực hiện MV Baby Baby, Love Rain.

Dem nhac e am, Kpop tut doc tai Viet Nam hinh anh 4

 Monstar gặp gỡ nhóm nhạc Davichi khi tới làm việc tại Hàn Quốc. (Ảnh: NVCC)

Còn nhiều tranh cãi về việc ca sĩ Việt mang phong cách giống Kpop, nhưng không thể phủ nhận sự thay đổi của Sơn Tùng, Noo Phước Thịnh, Đông Nhi hay màn ra mắt của 365, Monstar… đã đem đến làn gió mới cho Vpop.

Kpop không còn tạo được trào lưu như thời điểm SNSD, TVXQ, Super Junior… hoạt động mạnh, trong khi Vpop ngày một phát triển, đáp ứng được nhu cầu của khán giả nhà. Vì vậy, fan Kpop không còn phát cuồng vì các đêm nhạc có sao Hàn như trước.

Đương nhiên, lý do quan trọng nhất tác động đến tình trạng ế vé vẫn là giá cả quá cao. Nhưng, độ chịu chi của fan Kpop ở Việt Nam những năm gần đây được đánh giá là không thua kém so với một số nước trong khu vực.

Do vậy, nếu thế hệ thần tượng mới của Kpop thực sự giữ được sức nóng như các tiền bối những năm trước, có lẽ các chương trình có mặt sao Hàn sẽ không chịu cảnh ế ẩm như MBC Music K-Plus vừa qua.

Số lượng khán giả quá ít khiến ban tổ chức mở cửa tự do. Tuy vậy, số người đến xem tối 26/3 vẫn không thể lấp đầy khu vực gần sân khấu.

Video: Sơn Tùng bị fan Kpop tố "đạo" gậy cổ vũ 

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn