Đề xuất phạt tù lái xe say xỉn

XeThứ Bảy, 09/05/2015 07:37:00 +07:00

Đại diện tổ chức y tế thế giới tại VN đề xuất nghiên cứu đưa hình thức phạt tù lái xe có nồng độ cồn trong máu cao vượt quá 80mg/100ml.

Trong 4 tháng đầu năm 2015, cả nước đã xảy ra gần 7.600 vụ TNGT, làm chết hơn 3.000 người và hơn 7.000 người bị thương. Đại tá Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia gây ra cao, chiếm tới 6,87%.

Chỉ trong 6 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, cả nước đã có 167 người chết vì TNGT và vào dịp nghỉ lễ, Tết, tỷ lệ vi phạm giao thông có liên quan đến rượu bia tăng cao hơn
TNGT có liên quan đến rượu bia đang diễn biến phức tạp ở Viêt Nam
TNGT có liên quan đến rượu bia đang diễn biến phức tạp ở Viêt Nam  

Ông Nguyễn Phương Nam, đại diện Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam cho hay, báo cáo toàn cầu về đồ uống có cồn và sức khỏe của WHO năm 2014 cho thấy, TNGT có liên quan đến rượu bia chiếm tới 36,2% ở nam giới và chỉ 0,7% ở nữ giới.

Nghiên cứu của WHO từ 2010 đến nay ở Việt Nam trên hơn 18.000 nạn nhân TNGT nhập viện, 36% người điều khiển mô tô có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép (50mg/100ml) và gần 67% người điều khiển ô tô có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép (0mg/100ml).

Cũng nghiên cứu của WHO cho thấy, Việt Nam đang là quốc gia tiêu thụ đồ uống có cồn ở mức cao nhất thế giới. Thiệt hại do TNGT liên quan tới rượu bia ở Việt Nam lên tới trên 36%, ước tính 1,2 tỷ USD. Việt Nam là quốc gia tiêu thụ đồ uống có cồn đứng thứ 3 thế giới. Đối tượng sử dụng rượu bia rất trẻ, chủ yếu từ 15-44 tuổi.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, có đến 99% ý kiến gửi về Ủy ban ATGT Quốc gia đồng ý tăng nặng chế tài xử phạt. Thậm chí, nhiều ý kiến kiến nghị chuyển sang xử lý hình sự đối với hành vi này.

Ông Nguyễn Phương Nam kiến nghị, Việt Nam nên có hệ thống chính sách và pháp luật đầy đủ nhằm kiểm soát vấn đề lái xe uống rượu bia, trong đó thống nhất quy định nồng độ cồn đối với lái xe ô tô và mô tô là 30mg/100ml. Hiện có 30 quốc gia đang áp dụng mức này.

“Tăng nặng các hình thức xử phạt, và cưỡng chế thực thi nghiêm khắc. Nghiên cứu đưa hình thức phạt tù đối với lái xe có nồng độ cồn trong máu cao vượt quá 80mg/100ml và phạt nặng nếu tái phạm”, ông Nguyễn Phương Nam đề xuất.
 
Nạn nhân TNGT phải kiểm tra nồng độ cồn

Tại Hội nghị tổng kết kế hoạch kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tổ chức sáng 8/5, đại diện Ban ATGT tỉnh Long An cũng cho hay, hiện nay việc xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện sau khi xảy ra TNGT chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của lực lượng CSGT.

Chính vì vậy, trong những vụ việc, dù người điều khiển phương tiện bị TNGT được đưa vào viện nhưng không thực hiện xét nghiệm máu, kiểm tra nồng độ cồn.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: “Trong tuần tới, chúng tôi sẽ gửi văn bản đến Bộ Y tế đề nghị thực hiện nghiêm Thông tư 26 về quy định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Ít nhất để các bệnh viện tuyến huyện có đầu đủ trang thiết bị thực hiện bắt buộc kiểm tra nồng độ cồn đối với nạn nhân TNGT”.

Theo ông Hùng, chỉ khi thực hiện được điều này mới có con số thống kê chính xác về số vụ TNGT có nguyên nhân trực tiếp do rượu, bia.

Nguồn: Báo Đất Việt
Bình luận
vtcnews.vn