Đề xuất hệ thống giáo dục mới: Chính phủ lắng nghe

Giáo dụcThứ Năm, 03/04/2014 09:58:00 +07:00

(VTC News)- Người phát ngôn của Chính phủ cho biết sẽ lắng nghe mọi đề xuất cải cách hệ thống giáo dục một cách cầu thị.

(VTC News)- Người phát ngôn của Chính phủ cho biết sẽ lắng nghe mọi đề xuất cải cách hệ thống giáo dục một cách cầu thị.

Sau bài viết của TS kinh tế Lương Hoài Nam góp ý việc Việt Nam nên chọn lựa mô hình giáo dục Anh để học tập, tòa soạn tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp của PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đề xuất giáo dục phổ thông chỉ nên kéo dài 11 năm.

Bày tỏ quan điểm về sự cần thiết phải thiết kế lại hệ thống giáo dục quốc dân, TS Lê Trường Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, Hiệu trưởng đại học FPT khẳng định : “Thiếu một kiến trúc hợp lý, việc đổi mới giáo dục sẽ tiếp tục mang tính chắp vá”.

TS Lê Trường Tùng đề xuất sẽ gộp trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông thành trường Trung học, gộp trường Trung cấp vào trường Cao đẳng để hệ thống giáo dục mới linh hoạt hơn.
Nhiều chuyên gia đề xuất hệ thống giáo dục mới linh hoạt và gọn nhẹ hơn 
Trong buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 1/4, phóng viên VTC News đã đặt câu hỏi:  “ Một số chuyên gia cho rằng hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay cũ kĩ, lạc hậu, chắp vá, không mang tính linh hoạt, không đáp ứng yêu cầu phát triển của Việt Nam trong tương lai. Vì vậy có ý kiến cho rằng nên cơ cấu lại toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam. Chính phủ đã tiếp nhận ý kiến này chưa?

Ngoài ra một số ý kiến cho rằng Việt Nam nên lựa chọn mô hình giáo dục tiên tiến trên thế giới, có thể của Anh, Mỹ và từ đó xây dựng hệ thống giáo dục của mình cho phù hợp. Liệu thời gian tới Chính phủ có tác động đến Bộ GD-ĐT để đưa vấn đề này ra thảo luận rộng rãi không?”
.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên
Chiều 1/4, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết Chính phủ sẵn sàng lắng nghe mọi đề xuất đổi mới giáo dục  (Ảnh: Phạm Thịnh)

Bạn có đồng ý với sơ đồ đề xuất hệ thống giáo dục mới của Việt Nam

  • Đồng ý
  • Không đồng ý
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Trả lời câu hỏi của phóng viên VTC News, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết hiện nay lĩnh vực này còn nhiều vấn đề. Vì vậy Trung ương Đảng có Nghị quyết chuyên đề nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.

“Riêng câu chữ đó đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng và khi bàn Nghị quyết này, đã có hầu hết các tư liệu  liên quan của các nước làm tài liệu tham khảo cho các thành viên tham gia thảo luận để đi đến Nghị quyết. Các thông tin đó giúp chúng ta bàn và học tập kinh nghiệm áp dụng cho giáo dục Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên thông tin.

Người phát ngôn của Chính phủ cho rằng quá trình tổ chức triển khai hiện nay đang bước đầu bằng những chương trình hành động cụ thể và đã có chuyển động lớn mạnh. Hình như không có chuyển động nào không gặp phản ứng trái chiều, phản biện của các chuyên gia. 
 
“Khi có bất kì phản ánh nào, chúng tôi đều lắng nghe thật sự cầu thị và xem xét, cân nhắc để tham mưu cho Chính phủ. Còn lĩnh vực này thì chúng ta có thể còn nhiều cái để bàn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm tiết học thực hành điện tại Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật-Công nghệ Tuyên Quang, chiều 27/3. Ảnh: VGP/Đình Nam
 

Khi có bất kì phản ánh nào, chúng tôi đều lắng nghe thật sự cầu thị và xem xét, cân nhắc để tham mưu cho Chính phủ

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên
 
Ngày 13/2, tại Bộ GD-ĐT, khi tham dự Hội nghị quán triệt nghị quyết Trung ương 8, khóa XI và triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2013-2014 khối Sở GD-ĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có chia sẻ: "Đúng ra phải xem xét thiết kế lại hệ thống giáo dục Việt Nam là như thế nào, từ đó mới ra được chương trình khung chuẩn. Căn cứ vào đây mới viết sách giáo khoa, đào tạo giáo viên, đổi mới phương pháp, sau cùng mới hoàn thành đổi mới về thi cử".

Ngày 27/3, khi đi thăm một số cơ sở giáo dục, y tế tại tỉnh Tuyên Quang, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần về lâu dài phải xây dựng hệ thống dạy nghề hoàn thiện theo hướng liên thông theo hướng dọc từ trung cấp đến cao đẳng nghề, đại học hệ công nghệ - thực hành; theo hướng ngang từ hệ công nghệ - thực hành sang hệ nghiên cứu; thậm chí là liên thông chéo.

Muốn vậy, ngành giáo dục cần khẩn trương xác định cho rõ, thiết kế lại hệ thống để đảm bảo việc đào tạo liên thông trong dạy nghề nói riêng, giáo dục nói chung, được thông suốt, phục vụ mục tiêu học tập suốt đời.
cấu trúc hệ thống giáo dục việt nam
Đa số độc giả của VTC News đồng ý cho rằng cần có một hệ thống giáo dục mới cho Việt Nam
Sau khi đăng ý kiến đề xuất cấu trúc lại hệ thống giáo dục Việt Nam, báo điện tử VTC News đã nhận được hàng nghìn lượt góp ý, bình luận của các cựu quan chức ngành giáo dục, các chuyên gia, bạn đọc cả nước về chủ đề này.

Theo số liệu khảo sát trên VTC News ngày 03/4/2014, phần lớn độc giả cả nước ủng hộ việc cần thiết phải có hệ thống giáo dục mới linh hoạt và gọn nhẹ hơn.

Số liệu chỉ ra rằng, 89,4 % độc giả VTC News ( 20.316 phiếu) đồng ý việc cần xây dựng một hệ thống giáo dục mới. Trong khi đó, chỉ có 10,6% độc giả (2415 phiếu) cho rằng nên giữ lại hệ thống giáo dục hiện tại.

Gửi tới VTC News, độc giả Minh Đức chia sẻ: “Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của TS Lương Hoàng Nam, TS Lê Trường Tùng, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ về sự cần thiết phải thiết kế lại hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay. Hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay được cho rằng mang “nét riêng” nhưng thực ra đó là một sự chắp vá, thiếu tính liên kết, thiếu linh hoạt. Điều này cần thay đổi”.

Độc giả này tiếp tục lấy dẫn chứng: “Hệ thống giáo dục này thiếu linh hoạt được thể hiện ngay ở việc có quá nhiều hệ trùng nhau như: Trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề; giữa cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề. Việc liên thông giữa hai cấp học này và liên thông với các cấp học trên cũng rất khó khăn. Trong khi đó, trách nhiệm quản lý cũng rất chồng chéo giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội”.

“Vì vậy, cần cân nhắc học tập theo một  mô hình tiên tiến trên thế giới đã được áp dụng thành công cho nhiều nước châu Á có cùng điều kiện như Việt Nam để từ đó có những thay đổi cho phù hợp”, độc giả Minh Đức đề xuất.

Độc giả có đồng ý với quan điểm của tác giả? Hãy gửi ý kiến bình luận cho chúng tôi theo ô thảo luận cuối bài viết để làm sáng tỏ vấn đề rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai đất nước này.


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn