Để thua lỗ ngàn tỷ cùng ông Trịnh Xuân Thanh, TGĐ Vũ Đức Thuận vẫn được lên chức

Thời sựThứ Hai, 25/07/2016 15:35:00 +07:00

Không chỉ riêng ông Trịnh Xuân Thanh, ông Vũ Đức Thuận, nhiều doanh nhân khác vẫn ung dung về làm sếp Bộ, ngành sau khi khiến doanh nghiệp có vốn nhà nước thua lỗ khủng.

Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, khi khiến doanh nghiệp thua lỗ, thất thoát vốn nhà nước, lãnh đạo phải bị kiểm điểm, thậm chí điều tra vi phạm nếu có những thực tế cho thấy, dù khiến doanh nghiệp thua lỗ ngàn hàng tỷ đồng nhưng một số doanh nhân như ông Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận,... vẫn ung dung về làm lãnh đạo Bộ, ngành.

Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) là một trong số đó. Tuy nhiên, gần đây, “hiện tượng lỗ thảm” PVC mới được nhắc lại nhiều khi sai phạm của nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC – ông Trịnh Xuân Thanh được phơi bày.

Kể từ năm 2011, PVC trở thành một trong những đơn vị có cổ phiếu được quan tâm nhất sàn Hà Nội. PVC được quan tâm không phải vì có sức hút mà vì những lùm xùm quanh báo cáo tài chính của công ty. PVC không chỉ khiến cổ đông thất vọng khi liên tục đưa ra những báo cáo với các số liệu thiếu chính xác mà còn khiến cổ đông “tháo chạy” khỏi PVC khi công ty này lỗ tới 4.075 tỷ đồng chỉ trong 2 năm 2012 và 2013.

trinh-xuan-thanh-vu-duc-thuan

Ông Trịnh Xuân Thanh và ông Vũ Đức Thuận

Điều đáng nói, khoản lỗ khủng này chủ yếu được "tích lũy" dưới thời bộ đôi Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận (Tổng giám đốc PVC). Hai vị lãnh đạo này được miễn nhiệm ở PVC hồi tháng 5/2013. Dưới “triều đại” của mình, hai lãnh đạo “góp” gần 3.500 tỷ đồng thua lỗ trong tổng khoản lỗ 4.075 tỷ đồng.

Sau khi làm doanh nghiệp thua lỗ nặng nề, đa phần các lãnh đạo này đều “hạ cánh an toàn” ở các vị trí cao của các bộ ngành.

Không lâu sau khi rời PVC và để lại khoản lỗ ngàn tỷ cho công ty này, ông Trịnh Xuân Thanh nhanh chóng về Bộ. Tháng 9/2013, ông Thanh được nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Bộ, Trưởng Đại diện Bộ Công Thương tại Đà Nẵng.

Chưa dừng lại ở đó, ông Trịnh Xuân Thanh được luân chuyển về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Và nếu sai phạm không được phát hiện, ông Thanh thậm chí có thể lọt vào Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước.

Đường quan lộ không thênh thang như ông Trịnh Xuân Thanh nhưng ông Vũ Đức Thuận vẫn khá ung dung dù khiến các doanh nghiệp do mình lãnh đạo hoặc lỗ thảm hoặc giảm lãi.

Ông Vũ Đức Thuận (44 tuổi, quê ở Thái Bình). Trước khi trở thành Tổng giám đốc của doanh nghiệp ngàn tỷ PVC, ông Thuận từng chèo lái một "ông lớn" bất động sản khi nắm giữ cương vị Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico).

Dưới thời ông Thuận (2006-2008), Sudico trải qua nhiều thăng trầm về lợi nhuận. Nếu năm 2007, ông Thuận giúp lợi nhuận sau thuế của công ty tăng vọt lên 359 tỷ đồng thì chỉ 1 năm sau đó, ông Thuận lại khiến lãi ròng của Sudico giảm xuống chỉ còn 119 tỷ đồng.

Dù khiến lợi nhuận Sudico "lao dốc" trong năm 2008 nhưng ông Thuận vẫn được chuyển vị trí Tổng giám đốc PVC từ năm 2009. Điều đáng nói, vốn của PVC nhiều gấp 4 lần vốn Sudico. Và như đã nói ở trên, ở PVC, cùng ông Trịnh Xuân Thanh, ông Vũ Đức Thuận khiến PVC thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng.

Sau khi PVC thua lỗ, ông Thuận được miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc PVC để thuyên chuyển công tác do điều động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Sau đó ông Thuận giữ vị trí Phó trưởng Ban Xây dựng của của Tập đoàn.

Từ tháng 10/2013, ông Vũ Đức Thuận được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Thái Bình. Ngày 27/2, Bộ GTVT đã chính thức công bố quyết định điều động, bổ nhiệm ông Vũ Đức Thuận - Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Thái Bình làm Chánh Văn phòng Bộ kể từ ngày 1/3/2015.

Video: Giám đốc đường ống nước sông Đà bị miễn nhiệm

Dư luận cho rằng, cùng với việc truy trách nhiệm của ông Trịnh Xuân Thanh trong quá trình quản lý, điều hành PVC gây thua lỗ hơn 3.000 tỷ đồng, ông Vũ Đức Thuận cũng phải gánh trách nhiệm vì khoảng thời gian hai vị lãnh đạo này tại vị là lúc PVC đang "tụt dốc không phanh" .

Cách đây không lâu, dư luận cũng xôn xao với trường hợp ông Vũ Quang Hải, con trai nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng. Ông Hải về nắm giữ chức vụ Tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư tài chính dầu khí (PVFI) khi mới 25 tuổi.

VAFI tố ông Hải khiến PVFI lỗ 222 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ của công ty chỉ là 300 tỷ đồng. VAFI đánh ông Hải kém năng lực nên mới gây ra hậu quả nghiêm trọng như vậy. Sau đó, ông Hải phản pháo cho rằng mình không phải là “thủ phạm”. Khi ông Hải về PVFI, công ty này đã thua lỗ nặng. Nhờ ông Hải mà khoản lỗ của công ty giảm xuống.

Ông Đào Văn Hưng, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Ông Hưng khiến EVN lỗ 8.000 tỷ đồng năm 2010, lỗ 3.000 tỷ đồng năm 2011…Ông Hưng còn khiến cho công ty EVN Telecom phải phá sản, sáp nhập vào tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel).

Ông Đào Văn Hưng là trường hợp hiếm hoi “hạ cánh không an toàn”. Với những sai phạm ở EVN, ông Đào Văn Hưng bị Thủ tướng ra quyết định kỷ luật bằng hính thức cảnh cáo. Trước đó, ông Hưng đã bị bãi nhiệm và được điều chuyển về làm chuyên viên ở Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn