ĐSQ Việt Nam tại Nhật lên tiếng sau cáo buộc gây khó dễ trong thủ tục lãnh sự

Thế giớiThứ Hai, 19/06/2017 11:16:00 +07:00

Ngày 19/6, đại diện ĐSQ Việt Nam tại Nhật Bản lên tiếng sau bài viết của chị Kim Nhung đăng trên trang facebook cá nhân nói đại sứ quán gây khó dễ trong việc làm thủ tục lãnh sự và thu phí cao hơn qui định.

Theo website của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, liên quan bài viết của chị Kim Nhung đăng trên trang facebook cá nhân nói đại sứ quán gây khó dễ trong việc làm thủ tục lãnh sự và thu phí cao hơn qui định, ông Hoàng Minh Thắng, Bí thư thứ nhất, Trưởng phòng Lãnh sự của Đại sứ quán cho biết:

Vụ việc của chị Kim Nhung cụ thể như sau: Chị Kim Nhung có chung một mảnh đất với người anh tại Việt Nam và đến ĐSQ yêu cầu chứng nhận chữ ký vào Hợp đồng ủy quyền cho người anh ở Việt Nam bán mảnh đất. 

Cán bộ Lãnh sự của ĐSQ đã hướng dẫn, theo quy định, ĐSQ không có thẩm quyền chứng nhận chữ ký liên quan đến chuyển nhượng về bất động sản, mà đương sự phải về trực tiếp Việt Nam để ký vào giấy tờ.

dai su quan

Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Trong trường hợp đương sự không về Việt Nam được thì cần làm giấy từ chối nhận di sản thừa kế (theo mẫu đã in sẵn), khi đó Đại sứ quán có thẩm quyền chứng nhận chữ ký. Đồng thời, cán bộ Lãnh sự Đại sứ quán cũng khuyên chị Nhung nên đọc kỹ các hướng dẫn đã in sẵn để tại Phòng tiếp dân của Đại sứ quán hoặc trên trang website của ĐSQ để làm đúng các thủ tục theo Luật định. 

Vào lúc 9h30 ngày 15/06, chị Nhung quay trở lại Đại sứ quán trình bày đã về Việt Nam để trực tiếp làm thủ tục, tuy nhiên các cơ quan chức trách trong nước khi kiểm tra Hộ khẩu của người anh lại có cả tên các con của chị Nhung nên yêu cầu các con chị Nhung cũng phải ký vào giấy từ chối nhận di sản.

Chị Nhung giải thích các cháu bận đi học nên không thể trực tiếp lên ĐSQ cùng chị được, đề nghị ĐSQ chứng nhận chữ ký của các con chị.

Cán bộ Lãnh sự ĐSQ đã kiên trì giải thích cho chị Nhung là theo quy định của Luật công chứng: người ký văn bản phải có mặt trực tiếp ký tại ĐSQ. Trường hợp các con chị không thể lên ĐSQ thì các cháu có thể đến phòng công chứng của Nhật Bản tại nơi cư trú để xin công chứng chữ ký, khi đó Đại sứ quán mới có thể làm thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự được.

Chị Nhung nhiều lần thừa nhận ĐSQ hướng dẫn đúng nhưng cũng mong ĐSQ thông cảm và linh động giải quyết. Sau khi cán bộ ĐSQ giải thích không thể giải quyết trái với qui định của Pháp luật, chị Nhung chuyển sang to tiếng, đập bàn quát nạt, thậm chí đứng chắn tại cửa nhận hồ sơ không cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ giải quyết cho các khách xếp hàng sau đó.

Chỉ đến khi cán bộ Lãnh sự ĐSQ yêu cầu chị Nhung giữ trật tự chung, nếu không sẽ buộc lòng mời người làm chứng và gọi cảnh sát tới giải quyết, chị Nhung mới rời phòng tiếp dân.

Ông Hoàng Minh Thắng khẳng định, trong suốt quá trình giải quyết vụ việc, các cán bộ Lãnh sự của ĐSQ luôn giữ thái độ đúng mực, kiên trì giải thích các qui định pháp luật liên quan và đề nghị chị Nhung nghiên cứu kỹ các hướng dẫn đã đăng tải trên website của ĐSQ để đỡ mất thời gian đi lại. Chị Nhung nói chị không biết dùng mạng Internet nên cũng không đọc hướng dẫn trên website của ĐSQ.

Ngoài ra, ông Thắng cũng nói trên trang facebook cá nhân, chị Nhung còn nói đến vấn đề thu phí lãnh sự quá qui định là hoàn toàn không chính xác. Trên thực tế, cán bộ lãnh sự ĐSQ vẫn chưa  thu lệ phí làm thủ tục lãnh sự của chị Nhung. 

Hơn nữa, toàn bộ các thủ tục lãnh sự, trong đó có biểu mức thu phí và lệ phí Lãnh sự đều được đăng tải công khai trên trang website của Đại sứ quán và thông báo tại phòng tiếp dân của Đại sứ quán.

Bí thư thứ nhất, Trưởng phòng Lãnh sự của Đại sứ quán nhấn mạnh, trên tinh thần cầu thị, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản luôn sẵn sàng lắng nghe và cảm ơn mọi ý kiến đóng góp có tính chất xây dựng của người dân để có thể hoàn thành tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình.

Tùng Đinh (Nguồn: ĐSQ Việt Nam ở Nhật Bản)
Bình luận
vtcnews.vn