ĐBQH thảo luận vấn đề dân đi kiện cơ quan hành chính

Thời sựThứ Bảy, 05/06/2010 08:10:00 +07:00

(Vc News) - Muốn điều ông Chủ tịch UBND ra tòa rất khó. Chưa biết đúng sai, ông Chủ tịch mà ra hầu tòa là mất uy tín. Còn có sai thật, Tòa cũng… ngại tuyên.

(VTC News) - Chiều 4/6, các ĐBQH đã thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Tố tụng Hành chính. Các ĐB đều đồng quan điểm quy định về điều kiện để một cá nhân, tổ chức khởi kiện hành chính đối với cơ quan nhà nước là khá "cởi mở", tuy nhiên cũng bày tỏ sự lo ngại về sự khó khăn trong việc thực hiện quy định đó.

Kiện dễ nhưng thắng khó

Điểm mới quan trọng nhất của dự thảo là quy định về điều kiện khởi kiện. Theo đó, cá nhân, tổ chức không đồng ý với quyết định hoặc hành vi hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì có thể kiện ngay ra tòa mà không cần phải qua bước khiếu nại hành chính như pháp luật hiện hành quy định.

Bình luận về quy định được coi là khá “cởi mở” này, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho biết khoảng 10 năm nay, người ta phát hiện quy trình giải quyết khiếu nại bằng con đường hành chính có cái không khách quan. Mở rộng dần thẩm quyền của toà hành chính nhưng vẫn ràng buộc điều kiện với người dân vì chúng ta lo ngại khả năng toà hành chính khó có thể đảm đương trong giai đoạn đầu. “Nhưng nếu bắt người dân phải qua thủ tục khiếu nại rồi mới kiện ra toà thì hạn chế quyền của người dân”, bà Nga nhận xét.

ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên): "Nếu bắt người dân phải qua thủ tục khiếu kiện rồi mới kiện ra tòa thì hạn chế quyền của người dân "

Lý giải rõ hơn, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng quy định như vậy sẽ “tránh được sự lòng vòng gây khó dễ và cản trở quyền tự bảo vệ của người dân”. ĐB Nguyễn Thị Tuyến (Hà Nội) cũng hồ hởi khi cho rằng quy định này sẽ “giảm áp lực cho cơ quan hành chính nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại, nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định vì nếu “anh” làm việc không có trách nhiệm thì có thể bị kiện ngay ra tòa”.

Tuy nhiên, ĐB Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) cũng đặt vấn đề ngược lại là liệu “Tòa án có dám đối mặt xử ông Chủ tịch UBND hay không?”. ĐB này nêu lên một thực trạng là khi xử án hành chính, muốn điều ông Chủ tịch UBND ra tòa rất khó. ĐB Dũng nhận xét: “Người thường ra tòa là ông Chánh Văn phòng trong khi người ra quyết định bị kiện là ông Chủ tịch nên… khó đủ bề”. ĐB này phân tích tiếp: “Chưa biết đúng sai, ông Chủ tịch mà ra hầu tòa là mất uy tín. Còn có sai thật, Tòa án cùng cấp… ngại tuyên” bởi vì “kinh phí là “ông” ấy cấp cả”.

Cho rằng “một số người dân cũng cho rằng dân kiện quan chức ra toà thì dễ gì dân thắng?”, ĐB Lê Thị Nga phân tích: “Tâm lý ấy cũng có một phần cơ sở bởi lẽ toà án tổ chức theo đơn vị hành chính. Tuy rằng việc xét xử là độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nhưng quy trình bổ nhiệm thẩm phán có việc xin ý kiến cấp uỷ. Mà Chủ tịch UBND cùng cấp là Phó Bí thư của cấp uỷ đó. Thế nên ít nhiều thì thẩm phán cũng có những lo ngại nhất định”.

Bà Nga cho rằng “nếu như thẩm phán dũng cảm thì sẽ loại bỏ được chuyện này”. Nhưng ĐB này cũng đưa ra nhận định luôn là “không phải thẩm phán nào cũng dũng cảm”. 

Day dứt vì bản án sai mà không thể sửa

Trong báo cáo thẩm định của Ủy ban Tư pháp đối với dự thảo Luật Tố tụng Hành chính có đề cập đến thực trạng, một số bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, hết thời hiệu kháng nghị giám đốc thẩm, mới phát hiện ra những sai sót nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Những trường hợp này, theo quy định của pháp luật hiện hành không thể kháng nghị nên không thể khắc phục sai sót, trong khi đương sự đã khiếu nại liên tục, gay gắt, kéo dài khiến dư luận xã hội bức xúc.

Đây cũng chính là vấn đề khiến nhiều ĐB tâm tư nhất. Dẫn lời nguyên Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu từng nói: “Trên thế giới này không có nước nào nói sai mà không sửa cả, đặc biệt là liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp và cả tính mạng của người dân. Biết sai mà không sửa, lại cứ bảo tại luật”, ĐB Lê Thị Nga đề nghị cần phải đưa ra cơ chế để giải quyết.

Cũng mang tâm tư này, ĐB Lê Văn Hưng (Hưng Yên) ngậm ngùi dẫn ra ví dụ về một nữ doanh nhân là đại biểu HĐND cấp tỉnh. "Hội đồng Thẩm phán tối cao xử rồi nhưng cô vẫn cho rằng sai. Kêu mãi nên UB Tư pháp vào giám sát thì thấy sai thật nhưng không biết phải xử như thế nào. Anh Vũ Đức Khiển (nguyên Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH - pv) khóa trước cứ day dứt mãi”, ông Hưng kể lại .

Đồng ý là phải phải có cơ chế giải quyết đối với các trường hợp này, ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) đề nghị: “Giám sát phát hiện ra sai thì phải có đường thoát. Nếu không, đề nghị quy định rõ là bản án đã đi đến tận cùng thì không được giám sát nữa”.

Còn theo ĐB Ngô Văn Minh thì nên rà lại chiến lược cải cách tư pháp xem có cơ chế nào để đưa vào Luật Tố tụng hành chính không, trên cơ sở đó sau này sửa các luật khác. Hoặc giao cho Ủy ban TVQH để UB này giao lại cho một ủy ban lâm thời xem xét, điều tra lại vì “nhiều vụ án sai mà không sửa được thì rất đau lòng”.

Ngọc Linh

Bình luận
vtcnews.vn