ĐBQH hiến kế “chấn hưng” chất lượng giáo dục Đại học

Thời sựThứ Ba, 08/06/2010 09:39:00 +07:00

(VTC News) - "Giả sử trong 10 năm qua, không có hơn 40 trường ĐH tư, không có cơ chế đổi mới giáo dục đào tạo thì nơi nào, nước nào có thể giúp?"

(VTC News) - Được chi khoảng 10% ngân sách hàng năm, được đánh giá là “nơi sản sinh ra nhân tài cho đất nước”, nhưng Việt Nam không có trường nào nằm trong danh sách 200 trường ĐH châu Á.  50% sinh viên ra trường không kiếm được việc làm. 60% SV kiếm được việc làm phải đào tạo lại v.v… là những con số đáng phải suy ngẫm về thực trạng giáo dục ĐH hiện nay.

Ngày 7/6, thảo luận về báo cáo giám sát của QH về chất lượng giáo dục đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ) của Việt Nam thời gian qua, bên cạnh việc nêu ra những bất hợp lý và yếu kém trong quản lý chất lượng, nhiều ý kiến đã thể hiện trách nhiệm và sự tâm huyết khi đưa hàng loạt giải pháp để chấn chỉnh lại chất lượng giáo dục ĐH.

 

Giám sát chặt điều kiện thành lập trường

 

Trong 11 năm (từ 1998 đến 2009), đã có 304 trường ĐH, CĐ được thành lập, trong đó thành lập mới là 58 trường, còn lại là nâng cấp từ bậc học thấp hơn lên ĐH.

Đa số các ý kiến đều không đồng tình với việc chúng ta đã cho thành lập quá nhiều trường ĐH trong khi các trường này không đảm bảo về cơ sở vật chất, giáo viên, thiết bị.

ĐB Triệu Thị Bình (Yên Bái), bày tỏ sự hoài nghi về chất lượng khi mà hiện nay còn 15/78 trường ĐH dân lập chưa xây được trường, có trường được lập từ 10 năm nay vẫn chưa có cơ sở riêng mà phải đi thuê.
Giáo viên vừa thiếu vừa không đủ tiêu chuẩn, hơn một nửa số giảng viên ở các trường ĐH chỉ là cử nhân ĐH, nghiên cứu khoa học không được đầu tư thích đáng cũng là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng giáo dục ĐH không cao.

 

ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lăk) cho rằng vấn đề “Thầy ra thầy” là vấn đề bức xúc nhất hiện nay. “SV tăng gấp 3 lần nhưng giảng viên chỉ tăng 3 lần. Trên một nửa giảng viên ĐH ở các trường hiện nay mới chỉ tốt nghiệp ĐH”, ĐB này lên tiếng. Ngoài ra, theo ĐB Nguyễn Lân Dũng, nước ta là nước nghèo, vậy mà giảng dạy lại tách rời với các trung tâm nghiên cứu. “Đó là một việc khác thường, gây lãng phí”, vị giáo sư này nhận định.

 

Đề nghị làm rõ việc cho thành lập tràn lan, dễ dãi các trường ĐH, CĐ những năm gần đây là do yếu tố năng lực, phẩm chất yếu kém hay do thiếu tinh thần trách nhiệm của cán bộ các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan, ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) không ngần ngại nói thẳng: “Cần xem xét làm rõ có các biểu hiện chạy chọt, xin cho, tiêu cực ở đây hay không?”.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: "Đến năm 2012, giáo dục ĐH sẽ tốt lên"
(Ảnh: TTXVN)

Cùng chung suy nghĩ nghĩ này, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) bày tỏ: “Chúng ta có quyền nghi ngờ vì sao hầu hết các trường không đảm bảo số tiến sĩ, thạc sĩ cơ hữu ở mức tối thiểu, nhưng không hiểu sao vẫn đủ điều kiện để xin giấy phép?”.

 

Nêu lên những bất cập trong chương trình đào tạo cử nhân, ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) so sánh: "1.451 giờ học kinh tế ở Trường ĐH Kinh tế TP.HCM chỉ bằng 1/3 chương trình đào tạo cử nhân kinh tế ở Mỹ, nhưng SV phải học từ các môn cơ bản như kinh tế vĩ mô và vi mô đến các môn kinh tế lao động, quản lý xí nghiệp, kế toán, địa lý kinh tế, Luật kinh tế, chính sách thương mại v.v... Với chương trình đào tạo quá rộng như vậy người học không có khả năng và thời gian đi sâu vào bất cứ vấn đề gì”.

 

Tỏ ra “chạnh lòng” khi 35 năm qua, một đất nước tự hào có học sinh nổi tiếng chăm chỉ, cần cù, người dân xem việc cho con em đi học là mệnh lệnh tự nhiên của dòng họ nhưng lại không có một trường ĐH nào lọt vào bảng xếp hạng 200 trường ĐH của châu Á, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nhìn nhận:  “Không phải chúng ta thích so sánh, nhưng nên suy nghĩ nghiêm túc về việc này”.


Không nên bao cấp cho toàn xã hội

Ủng hộ quan điểm xã hội hóa giáo dục, ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) phát biểu:“Tôi có cảm giác chúng ta "giận hờn" Nhà nước nhiều quá, ai cũng muốn Nhà nước chi cái này cái kia”. Theo ĐB này, ngân sách chi đến 20% cho giáo dụclà "hết khả năng rồi”. ĐB Trừng khiến cả hội trường bật cười vì cách ví von hóm hỉnh: "Nếu chỉ dựa vào bầu sữa của nhà nước thì vặn mấy cũng không ra sữa nữa

Là thành viên đoàn giám sát, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) tỏ ra công bằng hơn khi nhìn nhận đóng góp của những trường ĐH dân lập trong thời gian qua: “Chúng ta thử làm một bài toán, giả sử trong 10 năm qua, không có hơn 40 trường ĐH tư, không có cơ chế đổi mới giáo dục đào tạo thì nơi nào, nước nào có thể giúp Việt Nam làm việc đó? Phải chăng một vài suất học bổng của các tổ chức phi Chính phủ, một vài suất học bổng ODA có thể thay thế hết được?"

ĐB này so sánh, các trường ĐH công bên cạnh cấp không về đất đai trụ sở, ngân sách còn cấp 7 triệu đồng/năm, trong khi các trường ĐH tư cũng chỉ thu khoảng 10 triệu/năm, nên cơ chế này đã giúp nhà nước huy động đáng kể về nguồn lực. “Vì vậy, chúng tôi mong rằng trước hết, Đảng, Nhà nước, Quốc hội hãy hoan nghênh các nhà đầu tư đã tâm huyết với giáo dục, đó là nội lực của chúng ta”, vị thành viên Đoàn giám sát này nhấn mạnh.

Để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH theo hướng xã hội hóa, ĐB Nguyễn Đăng Trừngcho rằng chỉ có con đường “sống sót” là kêu gọi đầu tư. Ông Trừng cho rằng vì chưa làm triệt để nên mới chỉ thu hút những người ít vốn. Vì vậy, ĐB này đề nghị “Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ GD-ĐT phải có cơ chế chính sách để thu hút những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn đầu tư.

“Hình như chúng ta đang trói buộc các trường ĐH về học phí. Học phí bậc ĐH là 240.000/tháng thì mức cũng chỉ như học phí… mẫu giáo”, ĐB Phạm Thị Phương Thảo (TP.HCM) nêu vấn đề. Dẫn ra mức học phí của mỗi năm lên tới vài ngàn USD tại các trường như ĐH dân lập Hoa Sen và ĐH Quốc tế Rmit mà phụ huynh vẫn chấp nhận được và chất lượng ở đó rất tốt, vị ĐB này cho rằng: “Không nên bao cấp cho toàn xã hội, không nên bình quân mà chỉ nên bao cấp cho người nghèo”.

ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi): "Với chương trình đào tạo quá rộng như vậy, người học không có khả năng và thời gian đi sâu vào bất cứ vấn đề nào" (Ảnh: TTXVN)  


Muốn học ĐH mà chưa có trường thì cứ cho học… ngoại ngữ

 

“Phê phán bao giờ cũng dễ nhưng để trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò đâu có dễ”, ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lăk) tỏ ra thông cảm. Ông hiến kế: “Em nào muốn học ĐH mà ta chưa có điều kiện mở trường hoặc ngành thì cứ cho các em học ngoại ngữ”. ĐB này cho rằng với sự bùng nổ thông tin hiện nay, ai giỏi ngoại ngữ đều có thể tự học được một nghề để phục vụ tốt cho xã hội. Trên thực tế, hàng vạn cử nhân ngoại ngữ đã không thừa.

 

Đối với các trường dạy nghề, theo ĐB Nguyễn Lân Dũng: “Có lẽ không cần thi đầu vào vì nhu cầu xã hội là rất lớn. Kéo dài thời gian đào tạo chuyên tu, tại chức, từ xa so với chính quy và cần thi cử thật nghiêm để bãi bỏ thành kiến “dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”.


ĐB Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) đề nghị không nên thực hiện phổ cập ĐH bằng mọi cách, đồng thời cơ quan quản lý giáo dục đại học cần có những giải pháp hiệu quả hơn để đảm bảo chất lượng giáo dục đại học. Bà Thanh đưa ra giải pháp cụ thể: “Đối với các trường đã thành lập chưa đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn, cần quy định một thời gian nhất định để hoàn thành, và nếu không hoàn thành thì cũng phải tính đến việc giải thể”.

 

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng): “Hoan nghênh những tấm lòng tốt trong việc bỏ vốn đầu tư mở trường đại học chân chính”, nhưng ông cũng nói rằng, cần lên án hình thức trục lợi từ hoạt động cao quý này. ĐB này đề xuất: “Việc mở trường đại học tư thục, dân lập cần được tuyên truyền rộng rãi, kêu gọi đầu tư cho ĐH như một hình thức tri ân xã hội. Có biện pháp cụ thể hạn chế việc đầu tư như một hình thức kinh doanh siêu lợi nhuận. Đại học phải thực sự là nơi tôn vinh cao thượng, trung thực và sáng tạo, nơi mẫu mực về không gian sư phạm, do đó đề nghị Bộ chỉ cấp phép chiêu sinh khi đã có trường đúng yêu cầu”.

 

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) nhấn mạnh rằng không có nền giáo dục nước nào thành công nếu kinh doanh giáo dục.  ĐB này lấy ví dụ về sự thành công trong giáo dục của Mỹ là do chính sách “định chế công phi lợi nhuận", ở đó người ta thu học phí cao theo kiểu kinh doanh sinh lợi, nhà nước không thu thuế của các nhà đầu tư, các thành viên hội đồng quản trị không bao giờ lấy cổ tức, toàn bộ lãi được tái đầu tư cho nhà trường.

 

Ở giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, ĐB Quàng Thị Xuyến (Sơn La) cho biết, các nước trên thế giới đào tạo được những cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ có chất lượng cao là vì họ luôn gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học thành một khối thống nhất. Vì vậy, ĐB này cho rằng nhà nước cần quan tâm đầu tư cho lĩnh vực này để nâng cao chất lượng giáo dục.

 

Để thực hiện kế hoạch đến năm 2020 có 2 vạn tiến sỹ, theo ĐB Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An), ngay từ bây giờ phải gửi ra các trường ĐH có tên tuổi ở nước ngoài đào tạo mới đáp ứng kịp thời được. Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần sớm có Luật Giáo dục Đại học để điều chỉnh những vấn đề liên quan đến bậc giáo dục quan trọng này.


Ngọc Linh

Bình luận
vtcnews.vn