Dạy trẻ dũng cảm hay cổ xúy cho lối sống liều mạng?

Góc của nàngThứ Năm, 27/08/2015 07:29:00 +07:00

Người lớn dạy cho trẻ biết cái nào nguy hiểm để biết sợ và biết tránh để giữ an toàn cho chúng.

Người lớn dạy cho trẻ biết cái nào nguy hiểm để biết sợ và biết tránh để giữ an toàn cho chúng. Chứ không phải dạy trẻ biết rằng đó là nguy hiểm mà vẫn liều mạng xông vào.

Mấy ngày nay cộng đồng mạng xôn xao vụ quyển sách dạy trẻ học cách dũng cảm bằng một phương pháp sư phạm vô cùng “độc đáo”: đi chân trần bước trên thảm miểng chai (xin phép không dùng từ thảm thủy tinh vì nó “màu hồng” quá mức so với thực tế). 

Bỏ qua hết mọi lời chỉ trích, phàn nàn rằng họ đang đưa con cháu chúng ta vào một hành động có thể gây thương tích hay thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, một số ý kiến muốn nhắc đến việc bọn trẻ con có thật sự học được cách dũng cảm? 

 

Một vài người nghĩ rằng, một nhóm người dám biên soạn giáo trình và đưa nó vào thực nghiệm công khai thì chắc chắn họ cũng có lý do để tự tin rằng nó không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến khác vẫn không chấp nhận được việc để ai đó dạy dỗ con mình cách thành người dũng cảm theo một phương pháp nguy hiểm như vậy.

Khi xem qua tất cả hình ảnh thực hiện khi tiến hành phương pháp sư phạm này, nhiều người còn cho rằng đây là chuyện hết sức buồn cười và ngớ ngẩn: một đứa trẻ bước chân trần trên tấm thảm trải đầy mảnh chai vỡ, xung quanh là một đám người lớn kẻ thì bợ tay, người bợ hông, người chỉ vào những chỗ trẻ nên đặt chân xuống và người thì săm soi dò theo từng cử động của gót chân với một miếng khăn cầm sẵn trên tay nâng từng bước của trẻ. Như thế là dạy cho trẻ cách dũng cảm?

Phần đông các phụ huynh cho rằng phương pháp giáo dục này quá phản cảm và phản tác dụng. Liệu chúng ta có thể dạy cho trẻ dũng cảm khi chúng ta đang cho chúng thấy một thực tế rõ ràng: “Tụi con muốn làm gì cứ mạnh dạn mà làm, đã có hàng tá người xung quanh bảo đảm cho tụi con không xảy ra chuyện gì đâu!”

Lòng dũng cảm theo quyển sách này nghĩa là “cứ làm đi, mọi chuyện đã có người khác lo”? Đó là dạy cho trẻ học cách dựa dẫm chứ không phải giáo dục cho chúng về lòng dũng cảm. "Dũng cảm" hay là "Liều mạng"? Hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Dũng cảm là dám đối mặt với thử thách, dám chịu trách nhiệm về hành động của chính mình, dám thừa nhận sai lầm của bản thân. Chứ không phải là biết nó nguy hiểm mà vẫn lao đầu vào. Chưa hết, điều đáng nực cười hơn là vị tiến sĩ chủ biên giáo trình này cho rằng “Nếu sợ thảm thủy tinh gây nguy hiểm thì việc học bơi cũng có thể khiến trẻ chết đuối vậy”. Chính ý kiến của ông một lần nữa khiến dư luận dậy sóng vì không ai nghĩ một người có kinh nghiệm và đầy đủ kiến thức lại có thể đưa ra một quan điểm đánh tráo khái niệm như vậy.

Đồng ý là tất cả mọi việc trong cuộc sống đều có rủi ro, nhưng chúng không được xếp hạng mức độ nguy hiểm ngang bằng nhau. Mảnh chai vỡ sắc nhọn ở bất cứ điều kiện bình thường nào cũng là nguy hiểm, nhưng nước ở điều kiện thông thường thì không nguy hiểm. Giẫm chân trần lên mảnh chai không có giống với việc giẫm vào nước. Có người còn cho rằng, nói như vị chủ biên kia thì thôi đừng thay chương trình học bơi vào chương trình giẫm mảnh chai nữa, thay bằng dùng dao cứa vào da thịt đấy, cái nào cũng nguy hiểm như nhau cả thôi mà?!? 

 

Người lớn dạy cho trẻ biết cái nào nguy hiểm để biết sợ và biết tránh để giữ an toàn cho chúng. Chứ không phải dạy chúng biết rằng đó là nguy hiểm mà vẫn liều mạng xông vào, cái đó gọi là “ngu xuẩn”, là thiếu suy nghĩ. Liệu trẻ có đủ nhận thức nhận ra giữa hai trường hợp mảnh chai vỡ ở trường và mảnh chai vỡ ở nhà không giống nhau? Liệu trẻ có “dũng cảm” giẫm lên các mảnh chai vỡ khi thấy chúng rơi rớt trên sàn nhà để chứng minh cho phụ huynh thấy rằng ở trường con đã học được cách dũng cảm là như thế nào? Nên nhớ, cách suy nghĩ của trẻ con không giống với người lớn và chúng ta có lý do chính đáng để lo lắng cho con mình.

Có lẽ chúng ta cũng đã từng đọc nhiều bài viết cho rằng cha mẹ Việt nuôi con mà cái gì cũng lo, cái gì cũng sợ. Không phủ nhận mặt yếu đó trong cách nuôi dạy con cái hiện nay của nhiều gia đình Việt nhưng chuyện đánh đồng giữa việc để cho trẻ học cách độc lập đối diện với khó khăn (nhưng có sự kiểm soát ngầm của người lớn) với việc tự tay chúng ta đẩy con vào các mối nguy hiểm (theo nghĩa đen) là không nên.

Dạy dỗ một con người không phải là thí nghiệm trên chuột bạch, sai cái này thì thử cái khác, thử đến khi nào đúng thì thôi. Thiết nghĩ, những người làm công tác giáo dục biết sai, nhận sai và sửa sai là điều đáng trân trọng và thể hiện lòng dũng cảm chứ đừng nên cố minh chứng biến sai thành đúng. 

Lam Dung

Bình luận
vtcnews.vn