Dậy thì cao nguyên đá Đồng Văn (tiếp theo)

Tổng hợpThứ Hai, 22/11/2010 03:53:00 +07:00

Ngoài phong cảnh, con người thì Ẩm thực và đồ dệt sợi lanh màu sắc sặc sỡ ở các chợ huyện Cao nguyên đá Đồng Văn là những thứ khiến du khách thích thú nhất.

Dậy thì cao nguyên đá đồng văn

 
       3. Khoảng cách văn hóa giữa miền ngược và miền xuôi nay đã thu hẹp chỉ còn bằng bàn tay để nghiêng. Cô bác sĩ y tế cộng đồng nhận xét vậy.

      Ngoài phong cảnh, con người thì Ẩm thực và đồ dệt sợi lanh màu sắc sặc sỡ ở các chợ huyện Cao nguyên đá Đồng Văn là những thứ khiến du khách thích thú nhất. Những chú lợn Mán bé như lợn bột xiên bằng trục sắt được quay tròn trên ngọn lửa than hoa rực đỏ, cháy hừng hực trong chiếc thùng tôn có bánh xe đẩy bán hàng lưu động. Mỡ lợn chảy nhỏ giọt xuống lớp than xì xèo bốc khói thơm lừng xao động khứu giác và vị giác. Thịt vịt và thịt thú rừng thì xiên dài tẩm gia vị đặt ngang mặt than đang cháy. Một góc chợ là các hàng ăn bán thắng cố. Những chiếc chảo to đùng thắng cố sôi xình xịch đặc ngầu phủ tạng trâu, bò cứ gọi là tạp pí lù. Mỗi khi bà chủ quán mở vung múc thắng cố cho thực khách là khói phả bay cuồn cuộn phủ nhạt nhòa một góc quán. Các loại bánh chế biến từ bột ngô trộn mật ong dẻo thơm xốp quyện quánh như bánh thạch, bánh đúc đường chợ quê miền xuôi. Phiên chợ vào lúc sắp trưa là lúc các ghế băng các quán chật cứng người ăn, ăn như một thói quen xuống chợ. Các sạp hàng dệt ắp đầy hàng phụ kiện trang sức phụ nữ đủ màu sắc cầu vồng. Du khách phụ nữ thường lựa mua một mảnh vải quấn cổ,  phủ vai hoặc một chiếc túi dệt hoa văn đậm sắc thái dân tộc thiểu số. Du khách đàn ông lại tìm mua chiếc áo lanh đen may theo kiểu áo ta cổ tàu khuy vải. Để kỉ niệm và để khoe một lần lên cao nguyên đá Đồng Văn chứ không phải để mặc.

      Dọc hành trình, nhiều quãng đường đang được các hạt quản lý đường bộ gia cố thêm cho vững chãi. Vài cây cầu qua sông Niệm được làm mới thay cho cầu cũ không còn đủ chịu tải trọng và tần suất xe chạy. Những công trình văn hóa bắt đầu được dựng lên như một biểu tượng văn hóa các dân tộc vùng cao. Ví như bức tượng đài chiếc khèn bè cao bốn lần chiều cao người dựng ở Bản Cắm. Cột cờ trên đỉnh Lũng Cú mang phiên bản kiến trúc cột cờ Hà Nội, xung quanh là phù điêu những chiếc trống đồng Ngọc Lũ văn hóa Việt. Đánh dấu đất Việt nơi biên ải. Quãng giữa đường bậc thang leo lên cột cờ, người ta trưng bày một hộp kính, trong đó có mẫu hóa thạch cổ triệu năm của một sinh vật (con bọ) to bằng con thạch thùng. Cạnh bên là tấm bia đá khắc in đề từ thuyết minh một thời kì biến động địa chất tại nơi đây.

 
          4. Ở xã Sà Phìn huyện Đồng Văn có một di tích Dinh Vương được xếp hạng nổi tiếng “Kiến trúc nghệ thuật nhà Vương”. Dinh Vương nằm dưới thung sâu bên cạnh chợ Sà Phìn. Dinh (phủ) Vương là nhà của Vua Mèo Vương Chính Đức. Giống như Vua Tày Vi Văn Định, Thổ Ty Châu Hoàng A Tưởng (Bắc Hà). Mỗi dân tộc một vua một hùng cứ.

      Theo cô gái xinh xẻo 19 tuổi Nông Thị Duyên, giới thiệu viên trong ban quản lí di tích, thì Vương Chính Đức được vua Khải Định phong chức Bang tá cai quản cả khu Đồng Văn, và ban tặng bức trướng “Biên Chinh Khả Phong”, mà sau đó được khắc lên bức hoành phi sơn son thếp vàng. Họ Vương thuộc dòng dõi danh gia vọng tộc.

      Dinh Vương xây dựng trên mảnh đất đắc địa, mà thày địa lý Phúc Kiến phán là “Rồng chầu Hổ phục”. Tọa lạc trên khu đất có 700 cây sa mộc bao quanh mà nay nó đã trăm tuổi. Dinh Vương xây vào năm 1914. Do một kíp thợ Tứ Xuyên Trung Quốc 200 người sang làm, với chi phí quyết toán tới 15 vạn đồng bạc trắng. Dinh Vương làm toàn bằng gỗ thông. Ngói ống. Đá xanh. Đá kê chân cột đẽo gọt hình quả anh túc (quả thuốc phiện) to như chiếc vò sành. Nhà chia ba lớp: tiền sinh, trung sinh, hậu sinh. Giữa bốn dãy nhà gỗ hai tầng khép kín là một sân rộng. Cổng vào dinh có đôi câu đối:

      “Gia tích thiện Hiền nhân xuất nhập”

      “Môn phong lưu Qúy khách vãng lai”

      Vị Bang tá Vương Chính Đức đức độ nhưng trị dân nghiêm minh. Xử án ngay trong dinh, hành quyết đưa ra chợ Sà Phìn phía ngoài cổng.

      Người kế vị Vua Mèo Vương Chính Đức là con trai Vương Chí Sình. Lại đúng vào buổi Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhưng bởi “Gia tích thiện” “Môn phong lưu” nên Vương Chí Sình theo Cách mạng nghe lời kêu gọi đoàn kết dân tộc của Cụ Hồ.

      Vương Chí Sình về Hà Nội gặp Cụ Hồ cứ một điều Cụ hai điều con. Hỏi tuổi mới vỡ nhẽ ngang nhau. Vậy là kết nghĩa anh em. Và Vương Chí Sình đổi tên thành Vương Chí Thành cho đồng chí hướng với Chí Minh. Vương Chí Thành là Đại biểu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa hai khóa I và II. Ông mất năm 1962 tại Hà Nội. Ngày 31 – 10 – 2006 ông được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết truy tặng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc.

      Dinh Vương được trùng tu vào năm 2004 -2005. Nay trở thành điểm du lịch nổi tiếng về kiến trúc nghệ thuật. Đôi câu đối khắc hai bên tường cổng dinh đã hiển linh: “Gia tích thiện Hiền nhân xuất nhập” / “Môn phong lưu Qúy khách vãng lai”.

      Anh cựu lính biên phòng là người thật độc đáo đã sáng tạo ra “Tour du lịch khảo cứu” thường gọi ngắn là “du khảo”. Anh hoạt ngôn và có biệt tài nhớ: Nhớ dai, nhớ kỹ, nhớ chi tiết sự kiện lịch sử quãng 200 năm trước, nhớ chính xác tới cả ngày-giờ-tháng-năm, cùng tên tuổi các nhân vật dù là Tàu, Tây hoặc Ta gắn với sự kiện đó, quê quán ở thôn, xã, tỉnh nào và có mấy vợ, mấy con. Độ tin cậy tới đâu chưa rõ nhưng có logic. Vấn đề xã hội hư hư thực thực được anh lý giải có phương pháp luận. Bởi vậy mà tin. Ví như tour khảo cứu Cao nguyên đá Đồng Văn. Anh bảo cư trú trên cao phải là người Mèo. Người Mèo từ Trung Quốc chạy loạn sang ta từ thời Chiến quốc. Vốn là dân tộc Miêu, rồi sang ta thành Mưu, Mưu hay Miu là Mèo. Bây giờ lại gọi là Mông. Giống như Thổ thay bằng Tày. Người Mông văn minh như Tây ở hai điểm: gọt khoai và quả họ gọt ngược lưỡi dao với ta. Và mặc váy ngắn xếp nhiều nếp. Anh lập luận váy ngắn lại xếp nhiều nếp là tiện lợi cho việc leo núi cao, bắp đùi cổ chân không chút vướng bận. Cũng chính hằng ngày lên xuống núi liên tục mà âm nhạc người Mông giai điệu có âm vực rộng, lên bổng xuống trầm đột ngột, luyến láy ư ứ ự như tiếng thở gấp. Anh đã hát bài “Người Mèo lên đỉnh núi” để minh họa. Anh nói nhiều suốt dọc đường mà không hề khản cổ hoặc viêm họng. Thế mới tài. Tay điêu khắc trẻ cười miên man. Cô bác sĩ y tế cộng đồng của WHO cũng thế. Hỏi: “Vậy còn tệ nạn cướp vợ?” Cựu chiến sĩ biên phòng nói: “Sao lại gọi là tệ nạn? Là văn hóa hôn nhân người Mèo. Cướp đây là cướp giả. Họ nhà cô gái vác dao quắm đuổi bắt cũng chỉ là đuổi vờ. Chạy đuổi mà chậm hơn kẻ cướp. Mục đích là nhằm tôn vinh giá trị người con gái con họ, phải cướp mới giành được! 80% con trai Mèo là cướp vợ!” Cô bác sĩ y tế cộng đồng  của WHO cười sặc sụa: “Đúng là cái lý của người Mèo!”


 

   5. Những gì tôi đọc, tôi nghe, và tôi thấy trong chuyến “phượt” lên Hà Giang, cho thấy một tiềm năng du lịch rộng mở xứng với vinh danh Công viên địa chất toàn cầu, một của hiếm ở cõi Đông Nam Á.

Nhà của người thiểu số sinh sống ở cao nguyên đá Đồng Văn từ xa xưa không làm hàng rào bằng gỗ, bằng tre, mà là rào đá, tường thành đá. Độc đáo thế nên khách du lịch mới thích thú mê mẩn bởi cách xếp đá của họ, xếp mỏng không hồ không vữa dính mà bền vững. Dọc đường không thấy có nghĩa trang bởi họ “sống trên đá chết vùi dưới đá”. Tập quán sử dụng đá, đập đá, nghiền đá làm đủ thứ công trình, phần việc trong đời sống là nét riêng biệt của các tộc người sinh sống ở vùng có đá.

Trên cao nguyên đá Đồng Văn có 25 vạn người mà hùng cứ tới 2.400 km2 miền đá thì việc sử dụng đá của họ biết bao giờ mới mòn được rừng núi đá mà lo xa. Chắc chắn khi mở du lịch, người ta sẽ tổ chức trình diễn đập đá, đẽo đá, xếp rào và dựng tường thành đá như là một nghệ thuật phục vụ khách tham quan, thế mới mãn nhãn và độc đáo khi lên Đồng Văn. Nhưng đó chỉ là việc làm thủ công. Điều đáng lo ngại là người ta đang huy động cả một hệ thống máy móc cơ giới để phá đá, giải phóng mặt bằng, san nền cả một vùng cho việc xây dựng thị trấn, thị tứ, lị sở, khu dân cư ngay cạnh “đường du lịch” cho tiện đường vận chuyển thi công. Người ta xây tới ba bốn cái thủy điện trên dòng sông Nho Quế nên thơ chảy xuyên suốt vùng di sản cao nguyên địa chất. Các hồ nước rộng lớn hình thành dâng đầy chôn vùi nhiều phần rừng, núi non, hang động đẹp bậc nhất vùng cao nguyên đá. Đẽo gọt kỳ quan, vùi lấp di tích, tàn phá và san bằng thắng cảnh, chính là làm mất đi những thứ ngoạn mục nhất đối với du khách cất công đến với Công viên đá Toàn cầu.

Không thể không lo ngại!

Hai thông tin được cập nhật khi tôi viết những dòng bút ký cuối cùng này, qua Bản tin Thời sự tổng hợp của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC tối ngày 24 – 10. Một, là Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa giao UBND tỉnh Hà Giang chủ trì với các bộ, ngành liên quan xây dựng đề án đầu tư nâng cấp Dự án xây dựng Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, từ dự án cấp tỉnh lên dự án thí điểm cấp quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt. Hai, là phát biểu của Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Hà Giang. Ông cho biết Hà Giang năm nay đã đón 50.000 khách du lịch nước ngoài đến với Cao nguyên đá, tăng 36% so với năm trước, doanh thu từ du lịch đạt 200 tỷ đồng. Kế hoạch phát triển du lịch và bảo tồn di sản hẳn phải nằm trong luận chứng xây dựng dự án như chỉ đạo của Chính phủ. Yên tâm rồi. Nhưng mong sao đừng chậm trước khi quá muộn.

Bút ký của Khiếu Quang Bảo (tiếp theo kỳ trước)

Bình luận
vtcnews.vn