Đáy tang thương dưới "vỉa đá tử thần"

Thời sựChủ Nhật, 03/04/2011 09:09:00 +07:00

(VTC News) - Dòng người đưa anh về đất mẹ càng đau xót khi nhìn thấy đôi mắt đen lánh thơ tròn của bé Minh Thư. Bé còn quá nhỏ để có thể cảm nhận nỗi đau...

(VTC News) – Những tiếng khóc lớn hơn khi xe tang rẽ vào lỗ huyệt. “Trời ơi! Hai anh em nằm cạnh nhau này”. Không ai kìm nổi lòng mình khi nghe những tiếng than hờ và nhìn thấy hai lỗ huyệt được đào cùng một lúc, nằm song song bên cạnh nhau...

Nằm trên một quả đồi cao chừng 40m ở khu khai thác đá Lèn Cơ rộng khoảng 5 ha, thuộc xã Nam Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, vỉa đá tử thần ấy là những vỉa đá vôi được kiến tạo theo các tầng vốn không có nhiều sự gắn kết do lượng đất lẫn trong đá quá ít. Thế nên, khi ông chủ mỏ tiến hành khai thác đá không đúng quy trình, để cho công nhân bóc dỡ từ chân núi (thay vì phải bóc dỡ từ đỉnh), tạo hở hàm ếch, nó đã cựa mình lao xuống, chôn vùi 18 mạng người chỉ trong vài giây đồng hồ. Tang thương cũng theo nó hằn sâu dưới chân lèn.

7 lối rẽ, những hàng cây cũng trắng khăn tang

7h20 ngày 1/4, như bao buổi sáng thường lệ, hơn 20 lao động của những xóm nghèo vốn quanh năm sống nhờ vào đá lại vui vẻ cười nói lẫn vào tiếng máy của 4 dây chuyền khai thác dưới chân mỏ Lèn Cơ. Bỗng một tiếng ầm hãi hùng vang lên, hàng nghìn mét khối đá từ trên cao 20m dội xuống cùng lúc. Khói bụi mù trời, dập tắt những tiếng cười, tiếng máy, chỉ còn lại tiếng người thất thanh kêu cứu. Và giờ đây, hơn thế nữa, không khí ảm đạm, tang thương bao trùm khắp cả vùng quê nghèo trung du ấy.

Khẩu hiệu kêu gọi sự an toàn trước cửa vào lèn đá cùng nội quy nổ mìn được ông chủ công ty khai thác mỏ Lèn Cơ đặt ra. Vậy mà chính ông lại là người không làm việc đúng quy trình an toàn.


Thế là hết! 18 sinh mạng của những lao động nghèo quanh năm tần tảo với đá, không kịp chạy thoát thân, đã vĩnh viễn nằm lại dưới đá, máu thấm vào đá, vào đất, để lại tang thương, khổ đau ngút trời. Một đường rẽ định mệnh phân chia những kiếp người theo hai dòng âm – dương cách biệt.

7h20 sáng 2/4, trời Nam Thành bỗng đục ngàu, u ám lạnh ngắt đến từng khuôn mặt. Từ các ngõ đổ ra những dòng người nặng gót, lê theo từng chuyến xe tang nối vào nhau dài đằng đẵng, phủ trắng tất cả những ngả đường dẫn về nghĩa địa. Ngay cả cây cối ven các con đường cũng “chít vành tang trắng” rủ buồn.

 Những đám tang cùng rẽ vào khu đồi nghĩa địa.

Những đoàn người vào khu hiện trường để làm công tác cứu hộ, táp xe sang một bên đường, cúi biệt. Những tấm di ảnh còn nguyên một nụ cười, còn nguyên một sức trẻ khiến người ta quặn thắt.

Này là gia đình ông cụ Nhụ, 70 tuổi phải tiễn biệt hai mái đầu xanh là hai người con dâu, chị Phan Thị Tam và Nguyễn Thị Lộc. Vì đâu mà những thân cò phải lặn lội chân lèn? Vì đâu mà nên nỗi? Vì cuộc mưu sinh, vì mấy chục nghìn mà sớm khuya vác hàng tạ đá, để rồi cuối cùng... 6 đứa cháu ông chỉ sau một buổi sáng thành những đứa con mồ côi mẹ, con trai ông thành người mất vợ. Những câu hỏi nhưng và những câu trả lời chẳng bao giờ tương xứng. Nó càng làm cho nỗi đau thêm kiệt cùng, người ở lại chỉ còn biết trách trời tai ương.

Này là gia đình chị Nguyễn Thị Hoa, có chồng là nạn nhân Nguyễn Sĩ Trọng. Anh Trọng ra đi, để lại mình chị 4 đưa con nhỏ (3 gái, 1 trai. Đứa lớn đang học lớp 12, đưa út học lớp 4) và bố chồng đã gần 80 tuổi. Là lao động chính trong gia đình, nhưng anh cũng chỉ có thể mang về mỗi ngày 80.000 để trang trải mọi thứ từ nghề làm đá. Giờ thì tất cả mình chị Hoa phải bươn chải nuôi coi. Tang thương một nhẽ, khổ ải lại trăm đường.

Đứa con trai đang học lớp 12 của nạn nhân Nguyễn Sĩ Trọng, khóc nức nở khi đưa cha ra đi.


Có lẽ, chưa nơi nào từng có cảnh tượng như vậy chỉ trong một ngày, ở một xã nghèo lại chứng kiến 9 đám tang. Và càng khó có thể hình dung ra được, chỉ trong một buổi sáng, xóm Đăng Lưu ngày thường yên bình, nay ngập trong sầu bi đưa tiễn liền lúc 7 cỗ áo quan từ 7 hướng rẽ về một con đường xuôi nghĩa địa. Nước mắt nào cho đủ...

Và một đường thẳng

Nhà ông Nguyễn Thọ Phương và bà Nguyễn Thị Phượng xóm Sơn Thành quay lưng về phía Lèn Cơ, nơi hai đứa con trai của ông bà là Nguyễn Thọ Hoàng và Nguyễn Thọ Vũ còn đang nằm trong đống đá ngổn ngang.

Hai ngày nay trong nhà ông bao trùm một sự u ám, trực sẵn nỗi tang thương và luôn ngóng mắt về sau lưng nhà. Hy vọng, song lại không đủ niềm tin vào một sự kỳ diệu nào đó. Chị Hoàng Thị Phượng vợ anh Nguyễn Thọ Hoàng bụng mang dạ chửa, ôm đứa con gái đầu 2 tuổi cứ lịm dần theo thời gian chờ đợi.

Đám tang lúc chiều muộn, đưa tiễn nạn nhân Nguyễn Thọ Hoàng về nơi an nghỉ cuối cùng.

10h, tiếng mìn nổ phá đá để cứu hộ của lực lượng công binh ầm một tiếng như hất văng con tim từng thành viên trong gia đình ông Phương ra khỏi lồng ngực. 12h10, sau lưng nhà có tin, chú chó nghiệp vụ Po Ma đã tìm thấy xác một nạn nhân. Cả gia đình ông Phương chết lặng, rồi òa khóc.

14h, xác anh Nguyễn Thọ Hoàng được đưa ra khỏi những khối đá khổng lồ, chứng kiến anh Hoàng ra đi không còn vẹn toàn, những người thân của anh cứ ngất lên, ngất xuống, khóc những giọt nước mắt tưởng như là cuối cùng còn lại. Xác anh được đưa ra ngoài, cả bãi đá lặng ngắt. Nhưng chỉ là thời khắc ít ỏi, ngay lập tức bãi đá được bao trùm bởi nỗi đau quặn thắt trong những tiếng gào thét, kêu gào của người thân anh Hoàng khiến hàng trăm người chứng kiến không thể cầm được nước mắt.

Nỗi đau của vợ nạn nhân Nguyễn Thọ Hoàng 

Đám tang anh được diễn ra ngay trong buổi chiều cùng ngày. Trong dòng người đưa tiễn anh, có cả những công nhân đầu vẫn còn đội mũ bảo hộ, lấm lem bụi đá, đất đồi từ lúc còn tìm kiếm anh.

Anh nằm yên nghỉ trên một quả đồi ngút ngàn bạch đàn đang mùa xanh lá non. Nơi anh nằm yên nghỉ vẽ một đường thằng qua vỉa đá tử thần đã chôn vùi anh 48 giờ trước, tới ngôi nhà thân yêu ngày nào của anh. Anh ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, để lại một người vợ sớm thành góa phụ, một con thơ 2 tuổi sớm mồ côi cha,

Cháu Nguyễn Thị Minh Thư, con gái nạn nhân Nguyễn Thọ Hoàng, còn quá nhỏ và chưa thể cảm nhận nỗi đau mất cha. 


Dòng người đưa anh về với đất mẹ càng đau xót khi nhìn thấy đôi mắt đen lánh thơ tròn của bé Minh Thư, bé nhìn mọi người mà không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Con anh Hoàng còn quá nhỏ để có thể cảm nhận thấy nỗi đau mất cha và đứa em của Thư mai này chào đời chỉ được biết mặt cha qua di ảnh trên ban thờ.

Con đường đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng gồ ghề, khấp khểnh, thi thoảng lại lầy lội bùn đất nhão nhoét. Cỗ xe tang hết dẹo bên nọ lại nghiêng sang bên kia. Hòa trong tiếng khóc nấc nghẹn, thi thoảng từng cơn gió thổi qua những kẽ lá bạch đàn như rít lên thảm thiết.

Ngôi mộ nạn nhân Hoàng quay lưng lại với mỏ đá đã chôn vùi mình trước đó.

Những tiếng khóc bật lên liên hồi hơn khi xe tang rẽ vào lỗ huyệt. “Trời ơi! Hai anh em nằm cạnh nhau này. Trời ơi!”. Không ai kìm nổi lòng mình khi nghe những tiếng than hờ và nhìn thấy hai lỗ huyệt được đào cùng một lúc, nằm song song bên cạnh nhau. Vũ, em trai Hoàng còn nằm đâu đó, ngay phía sau những tảng đá cách lỗ huyệt đã được đào sẵn của mình chưa đầy 100m.

Hà Thành - Nam Phong


Bình luận
vtcnews.vn