David Beckham: Mãi mãi bóng hình huyền thoại

Thể thaoThứ Năm, 30/08/2012 02:24:00 +07:00

Ngày anh về, thành Manchester rộn ràng tiếng ca, người ta chào đón anh bằng những tràng pháo tay, những băng rôn và biểu ngữ mang hình bóng của một huyền thoại

Sân Old Trafford, đêm 9 tháng 3, 2010. United dẫn trước Milan 4-0 và trọng tài ra hiệu Milan có quyết định thay người. Số 32 thay cho số 20. Beckham vào thay cho Abate.

Phút giây ấy là điều mà nửa đỏ thành Manchester chờ đợi, hàng triệu con tim người United trông mong. Cả Old Trafford như bừng sáng, tiếng hò reo của CĐV càng lớn hơn bao giờ hết, tất cả chỉ dành cho lúc này, ngày trở về của số 7 lạc lối....


Ngược dòng thời gian, 7 năm về trước. Cũng trong một đêm huyền diệu của bóng đá Châu Âu tại Old Trafford, đứa con lạc lối ấy đã thắp lên cho United hi vọng, niềm tin khi mà khúc ca của những con quỷ đỏ lạc nhịp trước gã béo Ronaldo cùng đồng đội.


Vào sân từ ghế dự bị, Becks ghi liên tiếp 2 bàn thắng, mang về chiến thắng đầy kịch tính 4-3 cho United, nhưng rốt cuộc, Real vẫn đi tiếp. Và với những mâu thuẫn trước đó với Sir Alex, không ít người đã nghĩ đó sẽ là màn trình diễn cuối cùng của anh trong màu áo Đỏ ở trời Âu.


Và đúng như vậy, cuối mùa giải năm đó, mặc dù đã góp công lớn giúp United dành danh hiệu Premier League, nhưng rốt cuộc Becks lại trở thành một trong những ngôi sao của Galaticos 1.0 thay vì tiếp tục con đường trở thành huyền thoại ở Old Trafford.

Anh ra đi vì cái tôi của anh đã ảnh hưởng đến đội bóng, anh ra đi vì anh dám bật lại ông thầy khó tính của mình, và anh ra đi vì anh đã không là Beckham toàn tâm toàn ý cho bóng đá của những năm trước đó.

Một ngày mùa hè năm 2003, anh lên máy bay, thẳng tiến đến Madrid mà không lời từ biệt. Người United chỉ biết rằng, anh chọn để trở thành một Madridnista thay vì một Cule như trước đó báo chí đưa tin, với cái giá 23 triệu bảng. Thành Manchester ngậm ngùi, tiếc nuối, và Old Trafford chứng kiến sự sụp đổ của một thế hệ vàng. Kể từ đó, MU núp dưới bóng của Arsenal và Chelsea.


Đến Bernabeu, Beckham là con gà đẻ trứng vàng của Florentino Perez. Những hợp đồng quảng cáo béo bở, giá trị thương hiệu khổng lồ, những chiếc áo mang tên David mang về cho Bernabeu lợi nhuận khủng khiếp cùng doanh thu tăng chóng mặt. Và cùng với Real, anh trở thành một thương hiệu toàn cầu.

Dù vậy, ở trên sân bóng, lại là một Beckham hoàn toàn lạ lẫm. Không còn là một Beckham với áo số 7 nữa, mà là một Beckham với số áo 23 cùng những kiểu tóc điệu đà. Không còn là Beckham đẳng cấp với hành lang phải nữa, mà là một Beckham đơn điệu ở khu trung tuyến. Tại sao ? Đơn giản, ở Madrid, cánh phải là của Figo, cánh trái là của Zidane, và phía sau Ronaldo cùng Raul là Guti. Becks, vị trí của anh là ở vòng tròn giữa sân, và ở những bảng quảng cáo. Vậy thôi.

Nhưng những độc chiêu của anh vẫn không hề mai một. Vẫn những cú đá phạt đẳng cấp, vẫn những pha tạt bóng không tưởng, và những bước chạy không biết mệt mỏi, anh vẫn phát huy tất cả những gì vốn có, chỉ là, mọi thứ không hề tốt đẹp như trước.


Kì lạ thay, ở quê nhà, United vật lộn với sự thất thường, thì ở Madrid, anh cùng đồng đội cũng phải vật lộn với sự mất cân đối của đội hình. Lấy công bù thủ luôn là phương châm của Galaticos, nhưng khi công ngày càng mòn, thì mọi thứ ắt sẽ sụp đổ.

Hết Queiroz tới Camacho, tất cả đều bất lực với đội bóng Hoàng gia. Real chìm dưới bóng của Barcelona của Rijkaard và 4 năm liên tiếp dừng chân tại vòng 1/16 Champions League. Và rồi Capello trở lại, ông đẩy Becks lên ghế dự bị trong một thời gian dài, dù rằng chàng trai người Anh chưa bao giờ thôi ý chí cống hiến cho Real.

May thay, khi Real gặp khó, Capello gọi lại anh, và cùng với người đồng đội cũ ở United - Nistelrooy, anh đã đưa Real trở lại với đường đua. Rốt cuộc, anh cũng đã có được vinh quang tại nơi đây, khi anh cùng Real chiến thắng Barcelona bằng thành tích đối đầu. Đó là danh hiệu duy nhất của anh tại nơi đây.


Rời Real, anh tới miền đất hứa Hollywood để đầu quân cho một dải ngân hà khác, LA Galaxy. Và anh vẫn thế. Vẫn khát khao thi đấu và cống hiến.

Beckham vẫn giữ được phong thái lịch lãm khi đầu quân cho AC Milan

Dù cho Steve McClaren ruồng rẫy anh khỏi ĐTQG vì anh chơi một giải đấu ngược thời gian với Châu Âu, anh vẫn muốn duy trì phong độ đỉnh cao, vẫn muốn chơi bóng hết mình. Và khi mà khát khao cống hiến cho ĐTQG của anh cháy bỏng hơn bao giờ hết, những CLB của Anh khao khát anh đến với họ. Tottenham rồi Arsenal và Blackburn thay nhau mời mọc, nhưng không.

Anh không muốn chiến đấu chống lại United, nếu về Anh, Becks sẽ chỉ chơi cho United.


Ở quê nhà, Người United khấp khởi mừng thầm, ngóng chờ ngày anh trở lại khi mà MU đang cần bổ sung lực lượng. Nhưng rồi mong chờ chỉ là là mong chờ, Sir Alex không cần anh, lối chơi của United không còn hợp với anh, và lẽ dĩ nhiên, những ai đã rời khỏi Old Trafford thì rất khó để được trở lại lần nữa. Anh đến Milan.

Và duyên nợ lại cho anh đến Old Trafford một lần nữa, nhưng là trong màu áo sọc đỏ đen của thành Milan.

Ngày anh về, thành Manchester rộn ràng tiếng ca, người ta chào đón anh bằng những tràng pháo tay, những băng rôn và biểu ngữ mang hình bóng của một huyền thoại.

Họ hỏi anh về MU của Glazer, và anh khoác lên cổ mình chiếc khăn sọc vàng xanh. Họ dành cho anh những tiếng tung hô vang trời, anh vỗ tay và rơi những giọt nước mắt. Những Scholes, Rio, Giggsy, Gary chào đón anh, người đồng đội cũ bằng những cái siết tay thật chặt, bằng những cái ôm đầy tình cảm. Và người thầy tóc bạc ấy, đã dành cho anh những lời tốt đẹp nhất.

Stretford End, nơi ồn ào nhất Old Traffod, vang lên những lời ca dành cho anh. Ngày MU thắng Milan 4 bàn không gỡ, ngày Quỷ đỏ trút bao căm hờn vào đối thủ đầy duyên nợ từ nước Ý, cũng là ngày đáng nhớ nhất của những người United yêu mến anh.
"Welcome home, son"....

Bài viết nằm trong khuôn khổ cuộc thi viết "Bóng đá: Tôi yêu& Tôi ghét"do VTC News phối hợp cùng Alpha Books tổ chức.

Lê Đắc Thịnh
Săn giải thưởng bạc triệu cùng VTC News

Bình luận
vtcnews.vn