Đầu xuân, nghề… xả rác gặp thời

Ống kính bạn đọcThứ Sáu, 14/01/2011 10:18:00 +07:00

(VTC News) - Không ít người đang đứng chờ đèn đỏ, ngồi chờ xe bus, hoặc ra khỏi cổng trường giờ tan học tự nhiên bị người lạ dúi vào tay một tờ giấy nhỏ.

(VTC News) - Không ít người đang đứng chờ đèn đỏ, ngồi chờ xe bus, hoặc ra khỏi cổng trường lúc tan học tự nhiên bị người lạ dúi vào tay một tờ giấy nhỏ, nhất là vào dịp đầu xuân này. Những "kẻ lạ mặt" đó là những người chuyên phát tờ rơi và họ được trả tiền để làm việc đó.

Đầu xuân, các công ty, các cửa hàng đua nhau khuyến mại và phát tờ rơi quảng cáo để hút khách. Do vậy, nghề phát tờ rơi gặp thời hơn bao giờ hết. Tại các ngã tư như lớn như ở Ngã Tư Sở, hay đường Phạm Văn Đồng, khu Thái Hà, Chùa Bộc…, mỗi lần đứng chờ hết đèn đỏ có thể bạn sẽ bị dúi vào tay tờ rơi quảng cáo một cách rất bất lịch sự.

Tuy không trực tiếp xả rác ra đường, nhưng những người phát tờ rơi chính là một trong số những người trực tiếp cung cấp rác cho những người tham gia giao thông với ý thức bảo vệ môi trường còn kém xả ra đường. Mỗi lần tín hiệu giao thông chuyển màu xanh, một "bãi chiến trường" rác lại hiện ra.

Đường phố ngập tràn tờ rơi quảng cáo 

Tương tự, tại cổng một số trường đại học lớn như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm, Đại học Luật, Đại học Bách Khoa Hà Nội… vào giờ tan tầm vẫn có những người phát tờ rơi đợi sẵn để “hành nghề”. Chỉ với một tệp tờ rơi quảng cáo thôi, nhưng họ cũng đã gây phiền toái cho không ít người khi trong chỉ nửa tiếng "trao quà" tích cực, cổng trường bị tờ rơi bủa vây. Sinh viên có ý thức vứt chúng vào thùng rác cạnh đó, nhưng dù chỉ lác đác vài tờ rơi bị vứt bừa bãi thì mỹ quan của cổng trường cũng đã bị sứt mẻ đôi phần.

Tại cổng một số trường đại học tại Hà Nội, nạn xả rác bừa bãi kiểu này vẫn hoành hành (ảnh K.V)

Yến Nhi, một sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội bức xúc nói: “Họ chẳng nói chẳng rằng, đôi lúc còn tỏ ra rất bất lịch sự, cứ dúi vào tay bọn mình một tờ rơi với nội dung chẳng có gì đáng tin cậy cả. Cứ như thể dù muốn hay không thì  bạn vẫn phải nhận chúng, còn xử lý thế nào là việc của bạn. Tự dưng mình lại phải dọn rác cho mấy người đó, tớ thấy phiền toái quá cơ”.

Hết "phục kích" ở cổng trường, những người chuyên phát tờ rơi còn “bạo” tới mức “qua mặt” các chú bảo vệ, len lỏi vào tận các lớp học, tranh thủ giờ ra chơi để phát tán tờ rơi, giới thiệu, quảng cáo sản phẩm của mình. Hàng loạt tờ rơi không được sinh viên chú ý tới liền bị vứt xuống sàn hoặc trong ngăn bàn và chẳng ai khác, chính các chị lao công là người mệt nhọc hơn cả.

Các bến xe bus là "địa bàn" của những người chuyên phát tờ rơi  

Tranh thủ lúc mọi người đang ngồi chờ xe bus, những “nhân viên” phát tờ rơi tiến tới và làm công việc của mình. Có khi thì rất lịch sự: “Em gửi chị” (dù chẳng hề quen biết), có khi im lặng dúi vào tay người khác, có lúc họ dúi cả một tệp vào như thể muốn “khách hàng” phát nốt cho những người còn lại dùm họ. Và rồi đường xá lại ngập tràn rác giấy. Suy cho cùng các chị lao công có làm cả ngày cũng không hết việc!

Đối tượng làm công việc này chủ yếu là sinh viên, học sinh trung học và đôi khi là cả những người trung tuổi chưa có công việc ổn định. Họ nhận việc qua một số trung tâm tư vấn việc làm thêm và đôi khi, nhận việc trực tiếp từ các công ty, các cửa hàng mới khai trương hoặc có đợt khuyến mại nhân ngày lễ lớn.

Nhân viên phát tờ rơi bị lợi dụng?

Chia sẻ về công việc giành được không mấy thiện cảm của mọi người này, Nam, cậu sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Thủy lợi Hà Nội nói: “Mình mới nhận công việc làm thêm này qua một trung tâm ở gần nhà trọ khu Cầu Giấy. Theo như lời của chị tư vấn ở trung tâm thì cứ phát tờ rơi cho càng nhiều người càng tốt. Như vậy là mình đã có công rồi, và nếu họ chịu mua hàng quảng cáo trong tờ rơi thì mình sẽ có thêm tiền thưởng nữa. Trung bình mỗi ngày làm từ 3 đến 4 tiếng, nếu phát liên tục thì họ sẽ trả mình khoảng từ 30 tới 50 nghìn đồng. Thế nhưng, từ lúc nhận làm tới giờ, mình tốn bao nhiêu khoản phí từ phí hồ sơ, phí tư vấn, phí đăng kí làm thành viên của trung tâm rồi mà vẫn chưa nhận được đồng tiền công nào cả”.

Không giống như Nam, Hương, cô sinh viên năm cuối của Đại học Hà Nội tỏ ra từng trải hơn cho biết: “Nếu các em sinh viên khóa dưới mà không tỉnh táo, khi đi tìm việc làm thêm dễ bị lừa cho đi phát tờ rơi lắm. Tại một số trung tâm, họ đưa ra mức lương hấp dẫn với nhiều hình thức lừa tinh vi mà nếu không có kinh nghiệm thì khó tránh lắm. Chẳng hạn: phát tờ rơi trong vòng 2 tiếng, lương 120 đến 140 nghìn. Hay phát hết 1000 tờ rơi thì được 100 nghìn đồng. Hoặc là cứ phát tờ rơi cho các đại lý, rồi nếu họ mua sản phẩm trong tờ rơi đó thì mình sẽ được hưởng phần trăm hoa hồng… Đương nhiên, sẽ có người giám sát việc bạn phát như thế nào và họ giao cho mình phân phát ở những khu vực cụ thể. Tuy nhiên, trên thực tế thì họ sẽ không trả cho bạn nhiều như vậy, thậm chí bạn còn bị mất trắng phí làm hồ sơ cũng như phí đăng kí làm thành viên của trung tâm ấy chứ”.

Một phụ nữ tranh thủ đọc tờ rơi trong lúc chờ hết đèn đỏ (ảnh K.V)

Tùng, một “nạn nhân” khác bị sập bẫy “tuyển nhân viên phát tờ rơi” của một trung tâm ở Thanh Xuân, Hà Nội cũng từng rơi vào tình huống dở khóc, dở cười. Bước vào một trung tâm tư vấn việc làm thêm, Tùng phát hoảng khi chạm mặt một anh chàng cao to, lực lưỡng ngồi ngay cửa ra vào. Sau màn chào hỏi, chị “tư vấn viên” lôi ngay ra một bộ hồ sơ và yêu cầu Tùng điền vào. Cùng lúc chị ta liến thoắng chỉ lên các bảng mức lương mà Tùng sẽ nhận được nếu đảm nhận những vị trí theo như trên bảng đã đề rõ. Tuyệt nhiên chị ta không hề nói rõ mồn một từng từ và cũng không hề đọc lại những dòng chữ đó. Do vậy, giả sử bị lừa thì dù bạn có ghi âm lại lời chị ta nói lúc này, bạn cũng sẽ không có đủ bằng chứng để tố cáo hành vi lừa đảo của họ.

Khi Tùng nhận thấy không có công việc nào kể trên là phù hợp với mình, cậu sinh viên năm thứ 2 này liền từ chối để ra về. Chị tư vấn viên yêu cầu Tùng nộp 50 nghìn phí hồ sơ và phí tư vấn. Lúc đầu, Tùng nói không mang theo tiền, họ yêu cầu Tùng để lại số điện thoại, địa chỉ và chứng minh thư nhân dân để “tiện liên lạc”. Thấy bất tiện, Tùng gọi điện nhờ bạn mang tiền tới, họ vui vẻ: “Em cứ suy nghĩ kĩ đi nhé, có gì lần sau qua đây rồi chị giới thiệu việc khác cho, vừa nhàn mà lương lại cao em ạ”.

Phát tờ rơi là công việc làm thêm được rất nhiều sinh viên để ý tới khi rảnh rỗi và muốn kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, dù không bị lừa như trên đi chăng nữa thì đây cũng là công việc dễ gây ảnh hưởng đến môi trường và mỹ quan đô thị. Nên chăng việc bán môi trường sống của chính mình và thiện cảm của nhiều người khác với giá rẻ như thế?!

Kiều Vui (bài và ảnh)

Bình luận
vtcnews.vn