Đấu giá từ thiện: Hô cho sướng miệng rồi "xù"

Thời sựThứ Bảy, 11/12/2010 11:15:00 +07:00

(VTC News) – Tiến sĩ luật Phan Chí Hiếu cho rằng, hoạt động này thực chất là một hợp đồng mua bán hàng hóa. Vậy đây là hợp đồng mua bán hay hợp đồng tặng cho?

(VTC News) – Ngày 10/12/2010, tại Học viện Tư pháp đã diễn ra Tọa đàm “Những khía cạnh pháp lý của hoạt động bán đấu giá tài sản phục vụ cho mục đích từ thiện” để đề ra một khung pháp luật cho hoạt động này.

Vào cuối năm 2004, trong chương trình đấu giá từ thiện trên truyền hình để ủng hộ cho Quỹ Vì người nghèo, chiếc sim số 0988888888 của Viettel đã được một doanh nhân trả 1 tỷ 10 triệu đồng. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, doanh nhân này đã không trả số tiền đấu giá như đã cam kết. Vụ việc này cũng là vụ  “xù” đấu giá từ thiện lớn đầu tiên được công bố rầm rộ.

Tọa đàm "Những khía cạnh pháp lý của hoạt động bán đấu giá tài sản phục vụ mục đích từ thiện". Ảnh: Q.T

Ngày 19/01/2010, trong chương trình “Singer day – ngày hội nối vòng tay lớn” diễn ra ở Bình Định, bức tranh gạo của ca sĩ Quang Dũng được trả giá cao nhất là 10.000 USD. Người mua đã yêu cầu Ban tổ chức chuyển tranh về một phòng trà ở TP Hồ Chí Minh thì mới chịu chuyển tiền.

Ngày 29 Tết, Mặt trận tổ quốc Bình Định đã tất tả chuyển tranh đi nhưng tiền vẫn không được mạnh thường quân thanh toán như tuyên bố. 8 tỷ đồng khác trong chương trình của các doanh nhân vẫn “bặt vô âm tín”. 5 tỷ đồng nữa của một đại gia ngân hàng vẫn đang nằm ở dạng…cam kết.

Tai tiếng nhất là ngày 11/11/2010 trong chương trình “Hoa hậu trái đất và doanh nhân hướng về miền Trung”, hiện vật được bán đấu giá từ thiện là một bức tranh đá quý, có chữ ký của 80 thí sinh Miss Earth; Một viên đá Rubi khổng lồ; Bộ Tứ linh dành giải xuất sắc trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long.

Chương trình được phát sóng trên nhiều kênh truyền hình lớn của Thế giới và trong nước. Tổng số tiền chốt giá cho các hiện vật là 74 tỷ đồng, nhưng cho đến nay Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh mới chỉ thu được hơn 1 tỷ đồng. 73 tỷ đồng còn lại đã bị các doanh nhân “ảo” hô cho sướng miệng rồi “biến mất” hoặc vì lý do này lý do nọ mà từ chối trả số tiền đấu giá.

Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Giám đốc Học viện Tư pháp.

Cho đến nay, tất cả các vụ việc trên vẫn chưa đi đến hồi kết bởi tất cả số tiền dành cho người nghèo thì “người giàu” vẫn vô tâm chưa chịu chi trả. Đánh giá về vấn đề này, Giám đốc Học viện Tư pháp, Tiến sĩ Phan Chí Hiếu cho biết: “Tất cả các vấn đề kể trên sẽ không xảy ra nếu chúng ta làm rõ những khía cạnh pháp lý và khuyến nghị ban tổ chức đấu giá để có những biện pháp ngăn chặn và quy rõ trách nhiệm đối với những cá nhân tham gia tổ chức đấu giá. Việc đấu giá từ thiện không chỉ tổ chức theo cái tâm mà phải quan tâm tới tính pháp lý cụ thể, tránh trường hợp hô cho sướng mồm, sướng miệng rồi “xù”.

Ông Hiếu cho rằng, Ban tổ chức đấu giá vừa rồi quá thiếu tính chuyên nghiệp: giá khởi điểm không rõ ràng, đăng ký đấu giá, xây dựng công bố nội quy đấu giá, người điều hành đấu giá là các hoa hậu người đẹp và có hạn chế nhất định về pháp luật đấu giá; đấu giá qua điện thoại, mua sim cỏ vài ba chục nghìn đấu giá rồi vứt sim đi... đã tạo ra kẽ hở và tạo ra sự bùng nhùng hiện nay. Cần phải xây dựng nội quy của phiên đấu giá thật chặt chẽ hơn nữa để người tham gia đấu giá biết về luật chơi của mình.

Khung pháp luật nào để thực hiện một cách chuyên nghiệp?

Luật sư Nguyễn Chiến, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội có ý kiến phải có các quy định để đảm bảo tính pháp lý, phải đối chiếu với pháp luật: giao kết của người đấu giá trả giá cao nhất đã phát sinh quyền và nghĩa vụ hay chưa? Người trả giá có đầy đủ tư cách chủ thể để đại diện cho công ty trả giá hay không? Nếu họ có thì có thuộc nghĩa vụ phải trả giá theo quy định của luật này hay không?...

Theo Thạc sĩ Lê Thị Bích Lan, Thẩm phán Tòa dân sự Hà Nội: “Bất cứ giao dịch dân sự nào người dân cũng cần phải ý thức được việc pháp luật cho phép mình làm những gì. Buổi tổ chức vừa qua không thể gọi là phiên đấu giá, bởi như vậy phải tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về đấu giá. Đây là hoạt động xã hội từ thiện tổ chức theo hình thức đấu giá. Pháp luật chưa quy định cụ thể về việc này. Vụ việc này lẫn lộn giữa mục đích thương mại và mục đích xã hội từ thiện. Có nên coi lời hứa đấu giá với sự chứng kiến của nhiều người là một chứng cứ trong một vụ án và cần thiết phải trở thành một quy định bổ sung.

Ông Phạm Như Hưng, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Dân sự - Học viện Tư pháp khẳng định: “Điều 1 Nghị định 17 không điều chỉnh hoạt động này. Đây là hình thức của hợp đồng mua bán tài sản”.

Luật sư Nguyễn Chiến, phó Chủ nhiệm đoàn luật sư TP Hà Nội.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh, Phó vụ trưởng Vụ Bổ trợ Tư pháp - Bộ Tư pháp: Ở nước ngoài xử lý vấn đề này khá đơn giản, không phân biệt giữa đấu giá với mục đích từ thiện hay kinh doanh; đấu giá là đấu giá và bắt buộc đều phải được phép, kể cả các hội chợ. Những người đấu giá phải có danh tính và đảm bảo thanh toán rất cao. Những người đấu giá qua điện thoại thì phải có tài khoản tín dụng và chứng minh được số tiền đảm bảo tham gia.

Tiến sĩ Phan Chí Hiếu cho rằng, hoạt động này thực chất là một hợp đồng mua bán hàng hóa. Vậy đây là hợp đồng mua bán hay hợp đồng tặng cho? Những vấn đề phát sinh thông qua hoạt động bán đấu giá hoàn toàn có thể áp dụng quy định trong Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại và một số điều trong Nghị định 17 về bán đấu giá tài sản. Giá như Ban tổ chức bán đấu giá căn cứ vào những quy định để xây dựng cho mình luật chơi riêng và niêm yết công khai cho mọi người biết thì việc giải quyết vô cùng dễ dàng.

Đấu giá là phương thức bán đặc biệt để lựa chọn người trả giá cao nhất. Khi trả giá bộ tứ linh 47 tỷ đồng, không có ai trả giá cao hơn thì người điều hành phiên đó đã đồng ý bán. Theo đúng Bộ luật dân sự, hợp đồng mua bán đã được xác lập. Vậy hợp đồng có hiệu lực hay không có hiệu lực thì cần cân nhắc thêm bởi còn dính dáng tới hàng loạt vấn đề khác. Do hợp đồng đã được hình thành, đáp ứng đầy đủ các quy định thì về nguyên tắc bên trúng đấu giá phải thanh toán tiền, nếu không thanh toán tiền thì phải bồi thường thiệt hại.

Quang Tùng
Bình luận
vtcnews.vn