Đau đầu thưởng Tết: Bán ô tô hay trả bằng cổ phiếu?

Thời sựThứ Ba, 20/12/2011 07:05:00 +07:00

“Cán bộ thì không quá lo lắng bởi họ có cổ tức từ số cổ phần đã đóng góp, nhưng chuyện thưởng tết cho nhân viên thật sự là đau đầu”.

“Cán bộ thì không quá lo lắng bởi họ có cổ tức từ số cổ phần đã đóng góp, nhưng chuyện thưởng tết cho nhân viên thật sự là đau đầu” – Anh Hoàng Trường Giang, Phó giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Tin Việt chia sẻ.

Bán xe ôtô để lấy tiền thưởng nhân viên

Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng ngay từ thời điểm này, các doanh nghiệp đã phải đôn đáo chạy tiền thưởng Tết cho nhân viên. Kinh doanh gặp khó, nhiều chủ doanh nghiệp đã phải cầm nhà, bán cả ô tô để có được tiền...

Khi chúng tôi tìm đến trụ sở Công ty TNHH Truyền thông Tin Việt, nhân viên công ty này cho biết cả Giám đốc và Phó giám đốc đều đi vắng. Gọi điện cho anh Giang, Phó giám đốc công ty này thì được biết anh đang đàm phán với đối tác để…bán xe ôtô.

Qua điện thoại, anh Giang cho biết: “Do công ty còn tồn dư nợ quá nhiều nên phải bán tạm xe ôtô để giải quyết thưởng Tết cho nhân viên, trước mắt là thưởng Tết Dương lịch con sau đó là Tết Nguyên Đán. Thời gian kỳ thưởng này khá gần nhau nên chúng tôi không xoay sở kịp, đây là phương án duy nhất”.


Doanh nghiệp phải chạy từng đồng để kiếm tiền thưởng Tết cho nhân viên 

Theo anh Giang, doanh nghiệp của anh hiện có gần 50 nhân viên. Riêng Tết Dương lịch cũng đã ngốn hết khoảng gần 100 triệu, tính trung bình là 2 triệu đồng/người. Đến Tết Nguyên Đán, tiền thưởng ít nhất cũng phải là một tháng lương. Như vậy, nguyên hai dịp Tết này cũng ngốn của doanh nghiệp gần 500 triệu.

Còn theo một Giám đốc doanh nghiệp ngành vận tải cho biết, mức thưởng Tết năm nay khó vượt qua thông lệ “tháng lương thứ 13” bởi trong năm doanh nghiệp đã phải điều chỉnh tiền lương đến hai lần.

Không chỉ tiền thưởng, mà nhiều chế độ khác cho công nhân ngành này trong năm cũng đã sụt giảm. Thậm chí, không ít công nhân đã bị thất nghiệp do nhiều nhà thầu xây dựng đang trong tình cảnh không có việc làm.

Theo thống kê của Công đoàn Ngành Giao thông vận tải, chỉ tính đến hết tháng 8/2011, trong 15 tổng công ty của ngành này đã có tới 6.585 lao động không có việc làm và 12.160 lao động phải nghỉ việc luân phiên; tổng số tiền lương các đơn vị thuộc ngành giao thông còn nợ lao động là 225,998 tỉ đồng và nợ hơn 302,961 tỉ đồng tiền bảo hiểm xã hội. “Như vậy, để lo được tháng lương 13 cho anh em có Tết đã khó, chưa nói đến chuyện thưởng cao hay thấp”, vị này phát biểu.

Trước đó, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp tổng hợp, báo cáo tiền lương năm 2011 và thưởng Tết Nhâm Thìn trước ngày 30/12 nhưng đến thời điểm này chưa nhận được báo cáo nào gửi về.

Trả thưởng bằng cổ phiếu?


Theo quy định của Luật Lao động, doanh nghiệp không bắt buộc phải thưởng Tết. Thưởng nhiều hay ít căn cứ vào kết quả sản xuất - kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ thì hoàn toàn có thể không thưởng.

Thưởng Tết năm nay sẽ thấp...  

Bởi vậy, cơ quan quản lý không can thiệp vào chuyện thưởng Tết của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, tiền thưởng vào dịp Tết Nguyên đán có ý nghĩa rất quan trọng với người lao động. Thống kê của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho thấy, từ đầu năm đến nay, có hơn 90% các cuộc đình công liên quan tới tiền lương, thưởng. Bởi vậy, để giữ chân người lao động, dù ít dù nhiều, doanh nghiệp vẫn phải cố gắng lo thưởng Tết cho nhân viên.

Tuy nhiên, do khó khăn nên nhiều doanh nghiệp đã biến tấu cách thưởng Tết. Thay vì thưởng bằng tiền mặt, một số doanh nghiệp có tham gia thị trường chứng khoán thưởng nhân viên bằng cổ phiếu.

Anh Nam, Trưởng phòng nhân sự công ty X.N (Hà Nội) cho biết: “Thực ra chuyện thưởng bằng cổ phiếu không mới, trước đây đã từng có doanh nghiệp làm việc đó rồi nhưng họ vẫn trả thêm tiền mặt. Riêng với công ty tôi, năm nay sẽ chỉ thưởng Tết bằng cổ phiếu, nhưng nếu tính trên giá thị trường thì số cổ phiếu này cũng đáng giá khoảng trên dưới 5 triệu đồng/người”.

Theo anh Nam, kinh tế khó khăn, cổ phiếu doanh nghiệp liên tục giảm nên nguồn vốn sản xuất lại càng khó. Việc đảm bảo tiền lương đã khó, nói gì đến thưởng. Do vậy, doanh nghiệp và công nhân phải cùng nhau chia sẻ khó khăn này, mỗi người chịu thiệt một chút.

Ông Phạm Văn Thanh, Trưởng phòng Lao động chính sách tiền lương - Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, dù Sở đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp tổng hợp, báo cáo tiền lương năm 2011 và thưởng Tết Nhâm Thìn trước ngày 30-12 nhưng hiện chưa nhận được báo cáo nào và ngay cả khi doanh nghiệp có báo cáo lên thì số lương - thưởng Tết đó chưa hẳn đã đúng với thực tế tại doanh nghiệp.

Theo nhận định của ông Thanh, thưởng Tết năm nay nhiều khả năng sẽ thấp hơn năm ngoái do nền kinh tế chung gặp nhiều khó khăn, lãi suất vay ngân hàng quá cao, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.


Một vấn đề đáng quan tâm nữa là do năm nay, Tết Nguyên đán rất gần với Tết Dương lịch nên không loại trừ có doanh nghiệp sẽ vin vào việc chưa đánh giá được kế hoạch năm có hoàn thành kịp hay không để tính tiền thưởng cho người lao động.

Theo Phunutoday.vn

Bình luận
vtcnews.vn