'Đất vàng' Đồng Khởi khiến đại gia thuỷ sản 'thay máu' cổ đông lớn

Kinh tếThứ Ba, 04/07/2017 07:54:00 +07:00

Seaprodex vừa có “cuộc cách mạng cổ đông lớn” khi 2 doanh nghiệp bất động sản mới nhảy vào thế chỗ đại gia Vũ Văn Tiền.

Tại đại hội cổ đông thường niên mới đây, lãnh đạo Tổng công ty Thuỷ sản Việt Nam (Seaprodex, mã CK: SEA) cho biết doanh nghiệp này đã hoàn thành nộp tiền chuyển nhượng quyền sử dụng khu "đất vàng" Đồng Khởi trị giá hơn 560 tỷ đồng, cộng thêm gần 13 tỷ đồng lệ phí trước bạ và chi phí phạt nộp chậm theo quyết định của UBND TP HCM. Hiện, Seaprodex còn hoàn thiện thủ tục chuyển đổi chủ sở hữu.

Khu đất này vốn là trụ sở của Tổng công ty, toạ lạc tại số 2-4-6 Đồng Khởi (quận 1) với diện tích hơn 1.890m2. Theo quy hoạch, một khu phức hợp văn phòng và trung tâm thương mại 20 tầng, tổng mức đầu tư dự kiến 1.400 tỷ đồng sẽ được xây dựng ngay vị trí này. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc trong quá trình thoái vốn Nhà nước nên đến nay dự án vẫn chưa triển khai.

Seaprodex-7900-1499072405

"Đất vàng" của Seaprodex hút nhiều cổ đông đại gia nhập cuộc. 

Dự án trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, khách sạn theo thời hạn giao đất có thu tiền sử dụng là 50 năm.

Trong trường hợp thoái hết vốn Nhà nước, cổ đông chiếm cổ phần chi phối sẽ có quyền quyết định số phận khu đất này. Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016, kinh doanh bất động sản và cho thuê địa điểm tại khu đất này mang về cho Seaprodex 80,7 tỷ đồng, đóng góp hơn 5% vào cơ cấu doanh thu.

Năm 2005, Seaprodex từng ký thoả thuận hợp tác với thành viên Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) về việc triển khai dự án này. Sau đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, nhóm cổ đông Geleximco nhanh chóng mua lại 35% cổ phần để trở thành cổ đông lớn thứ hai, sau Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn là đơn vị đại diện vốn Nhà nước.

Thời điểm đó, ông Vũ Văn Tiền - đương nhiệm Chủ tịch Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình, với tư cách là người đại diện phần vốn Geleximco cũng trở thành Phó chủ tịch HĐQT Seaprodex.

Giữa năm ngoái, khi Bộ Nông nghiệp phủ quyết mọi vấn đề liên quan đến việc đầu tư vào khu đất này, đồng thời chỉ đạo tạm ngưng tái cơ cấu vốn đầu tư thì nhóm Geleximco cũng rục rịch thoái vốn. Không lâu sau, Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79 chính thức tham gia vào cuộc đua chiếm quyền sở hữu “đất vàng” khi mua lại 20% vốn.

Ngay khi trở thành cổ đông lớn, nhóm cổ đông liên quan Nova Bắc Nam 79 đã rót 280 tỷ đồng cho Seaprodex vay trong thời hạn một năm, lãi suất 7% để nộp tiền quyền sử dụng khu đất này.

Đến tháng 12/2016, ông Vũ Văn Tiền nộp đơn từ nhiệm ban lãnh đạo Seaprodex, kéo theo hàng loạt nhân sự chủ chốt khác cũng đua nhau thoái vốn, tạo nên một cuộc cách mạng về cơ cấu cổ đông lớn. Geleximco tiếp tục chào bán toàn bộ 18,75 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ nắm giữ 15% còn lại) và chỉ sau 2 ngày đầu tiên của đợt giao dịch, Công ty TNHH Bất động sản Anh Tú đã mua lại 16,75 triệu cổ phiếu.

Điều đáng nói là cả hai doanh nghiệp thực hiện giao mua lại cổ phiếu này đều có ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản, không liên quan đến hoạt động chế biến và xuất nhập khẩu thuỷ sản như Seaprodex đang theo đuổi.

Cụ thể, Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79 được thành lập vào giữa năm 2015 với cổ đông sáng lập là Tập đoàn Đầu tư địa ốc Novaland, nhưng hiện đơn vị này đã thoái toàn bộ vốn tại đây.

Công ty TNHH Bất động sản Anh Tú do ông Bùi Đạt Chương – em trai Chủ tịch Tập đoàn Novaland và ông Bùi Cao Nhật Quan sáng lập, nắm giữ 100% vốn điều lệ tương ứng 48 tỷ đồng. Đến tháng 6/2016, doanh nghiệp này thay đổi chủ sở hữu khi xuất hiện hai cá nhân mới là ông Nguyễn Văn Hiền và bà Nguyễn Thị Thu Hương lên nắm toàn bộ vốn.

Tổng công ty Thủy sản Việt Nam tiền thân là Công ty Xuất nhập khẩu Hải sản. Đây là doanh nghiệp tiên phong hoạt động theo cơ chế tự cân đối tài chính trong giai đoạn ngành thuỷ sản vận hành cơ chế hành chính bao cấp, từ khi thành lập vào năm 1978 đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.

Video: Đại gia thủy sản Tòng 'Thiên Mã': Từ lúc chơi sang đến khi 'ngã ngựa'

Giai đoạn hoàng kim của Seaprodex vào khoảng năm 1995, khi doanh nghiệp này chuyển sang hoạt động theo mô hình Tổng công ty và sở hữu 30 đơn vị thành viên trên khắp cả nước, ghi nhận doanh thu trung bình mỗi năm khoảng 6.000 tỷ đồng.

Seaprodex được tổ chức lại vào năm 2011 trên cơ sở hợp nhiều doanh nghiệp đầu ngành thuỷ sản, sau đó trở thành công ty cổ phần vào giữa năm 2015.

Hiện, định hướng hoạt động của Seaprodex là tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh theo 4 lĩnh vực chính, kết hợp hài hoà giữa tập trung phát triển các sản phẩm chế biến truyền thống với dịch vụ giá trị gia tăng nhằm hạn chế rủi ro.

Năm nay, Tổng công ty đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 1.427 tỷ đồng, giảm 12% so với năm trước. Trong đó, doanh thu xuất nhập khẩu thuỷ sản đạt 50 triệu USD (tương đương hơn 1.150 tỷ đồng), phần còn lại đến từ ngành nghề kinh doanh phụ là thương mại và dịch vụ.

(Nguồn: Vnexpress)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn