Đập Xayabury và những ảnh hưởng nặng nề tới sinh thái

Thời sựChủ Nhật, 24/04/2011 12:20:00 +07:00

(VTC News) - 80% các nhánh sông Mekong có nguy cơ biến thành hồ chứa nước dẫn đến sự thay đổi của cả một hệ sinh thái nếu xây đập chặn dòng Mekong...

(VTC News) - Cuộc họp của Ủy ban Liên hiệp Ủy hội sông Mekong (MRC - JC) tại Viêng Chăn, Lào ngày 19/4 của các nước thành viên MRC đã kết thúc mà không tìm ra được một tiếng nói chung về tiến trình tham vấn trước đối với dự án Xayabury.

Theo đó không có việc Lào sẽ hoãn quyết định thực hiện dự án đập Xayabury mà chỉ đồng ý đưa vấn đề này trình lên cấp Bộ trưởng để giải quyết, theo dự định sẽ được nhóm họp vào cuối năm nay.

Trong khi chờ đợi, rất nhiều nhà hoạt động môi trường và các chuyên gia tiếp tục đưa ra những nhận định, những phân tích về các mối nguy cơ tiềm ẩn do sự tác động của những con đập đến môi trường sinh thái và người dân vùng sông Mekong.

Để có một cái nhìn tổng quát hơn về dự án đập Xayabury cũng như hiểu hơn về những tác động của nó tới môi trường sinh thái và người dân, VTC News xin gửi tới độc giả một góc nhìn về đập Xayabury qua những hình ảnh vệ tinh và các số liệu.

Đập Xayabury nằm ở 19.150 độ vĩ Bắc, 101.480 độ kinh Đông, trên thác Kaeng Luang. Đập  cách thị trấn Xayabury, tỉnh Xayabury 29 km về hướng Bắc. Cách thị trấn Luang Prabang 150 km về phía thượng lưu. Đập cũng cách biên giới Thái Lan khoảng 365 km về phía Bắc, 200 km về phía Nam và cách Đồng Bằng Sông Cửu Long khoảng 1.930 km.

Đập có chiều dài 821 m, cao 32.6 m, cao trình đỉnh đập là 254 m. Hồ chứa rộng 49 km2, có dung tích khoảng 5 tỷ m3, dung tích hữu ích khoảng 225 triệu m3. Phần hồ chứa được xây dựng xa khu vực đập khoảng 102 km về hướng Đông Bắc, cách thị trấn Luang Prabang chỉ 48 km. Dự án đập thủy điện Xayabury có công xuất lắp máy 1.285 MW (khoảng 90% sẽ được xuất khẩu sang Thái Lan). Chi phí xây dựng khoảng 3.5 tỷ USD, thời gian xây dựng dự kiến trong 8 năm.

Xayabury là con đập được xúc tiến xây dựng đầu tiên trong tổng số 12 con đập đang được lên kế hoạch tại dòng chính của hạ lưu Mekong. Nếu đập Xayaboury được xây dựng, nó sẽ là "phát đại bác" công phá cho việc xây dựng 11 con đập còn lại. (Trong ảnh màu xanh là dòng chính Mekong, những vạch màu đen cắt ngang là những con đập đã được xây dựng, vạch màu sám là những con đập đang trong quá trình xây dựng và vạch màu trắng với hai đầu đen là những con đập đang được tính toán xây dựng)


Những biến đổi ở Lào có thể nhìn thấy từ đập Xayabury

Sự hiện diện của Xayabury trên chính dòng Mekong cũng sẽ là sự hiện diện của những thay đổi đối với hệ sinh thái, ngư trường trên toàn bộ lưu vực và gây ảnh hưởng tới hàng triệu người. Bà Ame Trandem, nhà hoạt động phụ trách khu vực sông Mekong của Tổ chức Sông ngòi quốc tế (International Rivers) đánh giá: Sẽ có khoảng 21.000 người phải di dời và khoảng 202.000 nông dân và ngư dân Lào chịu ảnh hướng từ việc xây dựng đập Xayabury. (Trong ảnh là mô hình minh họa đập Xayaboury và nhà máy điện, được đặt vào ảnh vệ tinh chụp tại khu vực xây đập)

Đây là thị trấn Luang Parbang (được UNESCO công nhận là di sản thế giới). Luang Prabang nằm ở giữa hai đập (bản thân Luang Parbang cũng sẽ có đập) là Pak Peng (nằm trong kế hoạch xây dựng) và Xayabury (chuẩn bị xây dựng) và chỉ cách hồ chứa Xayabury 48 km. Điều gì sẽ xảy ra vào mùa lũ và mùa khô khi nước xả ở các đập chênh nhau? Lụt lội và hạn hán là điều khó tránh.

Đây là toàn cảnh sông Mekong chảy qua địa phận Stung Treng Campuchia (Đây cũng là nơi dự kiến xây 1 trong 12 đập trên dòng Mekong với đập cao của đập khoảng 22 m - thấp nhất trong số các đập), và được phân ra hoặc hợp dòng của nhiều nhánh nhỏ. Bản báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược của MRC cho biết: 80% mạch, nhánh sông Mekong có nguy cơ biến thành một số hồ chứa nước được quản lý chặt chẽ, làm ngập lụt vùng đất nông nghiệp quý giá và vùng trồng trọt hai bên bờ.  Ngoài ra nếu xây tất cả 12 đập chắn ngang dòng chính Mekong thì có khả năng 55% tổng chiều dài 1750km hạ lưu của sông sẽ thành hồ chứa nước. Sinh thái sông dần thành sinh thái hồ.

Sông Mekong có sản lượng cá nội địa lớn nhất thế giới (khoảng 2.6 triệu tấn đánh bắt hàng năm) Cá sông Mekong bao gồm hai phần ba là cá trắng và một phần ba là cá đen. Cá trắng là các loài cá di cư. Theo thói quen, cá trưởng thành di chuyển lên phía thượng lưu để sinh sản và đẻ trứng, cá con di chuyển xuống hạ lưu để tìm thức ăn và sinh trưởng. (Trong ảnh là một bãi nổi mang hình một chú cá đang di cư trong lòng sông Mê-kông. Chiều dài của "con cá" này khoảng 4km. Và hình ảnh được chụp ở biên giới Lào – Thái Lan, thuộc tỉnhHouei Xai của Lào.)

Đây là Khoc Phou, một ngôi làng ở đầu nguồn Mekong thuộc tỉnh Luang Parbang. Cùng với Chiang Khong và Chiang Saen (Thái Lan), Khoc Phou chính là điểm mà 23 loài cá trắng thường di cư từ hạ lưu lên. Thói quen của 23 loài cá Mekong này sẽ bị phá khi chúng gặp phải một đập cao tới 32.6 m chặn dòng. Sẽ có khoảng 41 loài cá Mekong chịu ảnh hưởng từ việc xây đập dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng.

Trong các loài đó, đáng chú ý là cá tra dầu sông Mekong - biểu tượng của của con sông này. Ngoài ra, còn có loài Kai - một loài rong nước ngọt, vừa là thức ăn quan trọng cho cá, vừa là món ăn nổi tiếng tại Luang Prabang là nguồn thu nhập chính của những người sống gần đó. (Trong ảnh là một co cá tra dầu Mekong khổng lồ). Các chuyên gia ước tính, thiệt hại về sản lượng đánh bắt cá vào khoảng từ 270.000 tấn tới 600.000 tấn một năm, tương đương với việc mất 60% sản lượng thú nuôi hiện tại ở Lào.


Sự ảnh hưởng của Xayabury và các đập khác nếu xây dựng tới Việt Nam

Quay trở lại với bản đồ các con đập trên sông Mekong. Theo nhiều tài liệu báo cáo. Trong số 12 đập dự tính xây trên sông Mekong có 10 đập sẽ chắn ngang toàn bộ dòng sông. Các đập này đều là đập dâng tức là không có hồ chứa thực sự (người ta sẽ tạo ra một đoạn ngập trên sông khoảng 150 km cho mỗi đập). Trong mùa lũ thì nước sẽ đi ngang qua đập rất nhanh nhưng trong mùa khô thì nước sẽ bị tích lại với thời gian dài. Mặt khác vì là đập dâng lại phân tầng thành nhiều đập, quản lý bởi nhiều nhà điều hành khác nhau, sự liên kết để điều tiết nước sẽ gặp khó, càng làm cho việc cắt lũ hoặc tăng dòng chảy mùa khô trở nên không tưởng. Vùng hạ lưu theo đó cũng không lường hết nguy cơ.

Đây là hình ảnh chụp tại xã Vĩnh Xương, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang, nơi một nhánh của Mekong đổ vào Việt Nam (cùng với nhánh thứ 2 cách nhánh 1 không xa ở xã Khánh An, huyện An Phú). Mekong đổ vào Việt Nam, hàng năm mang tới 160 đến 165 triệu tấn phù sa. Theo báo cáo của DMC, nếu toàn bộ 12 đập này đựơc xây thì trong tương lai, lượng phù sa về ĐBSCL hàng năm sẽ chỉ cón 1/4 so với hiện nay (khoảng 42 triệu tấn/năm). Giảm phù sa, nguồn phân bón tự nhiên, sẽ đồng nghĩa với tăng chi phí sản xuất nông nghiệp và gia tăng sạt lở bờ sông. Nguy cơ khủng hoảng lương thực là không nhỏ khi ĐBSCL là một vựa lúa lớn.
 

Đây là toàn cảnh 9 cửa sông đổ ra biển của dòng chính Mekong ở vùng ĐBSCL. Nếu Mekong bị đắp đập ngăn dòng, hệ sinh thái sông Mekong sẽ không phải kết thúc ở cửa sông. Một lượng phù sa lớn cũng theo đó không đổ ra biển ở Việt Nam. Giảm lượng phù sa, cũng là giảm nguồn cung cấp dinh dưỡng cho một vùng biển rộng lớn dẫn đến giảm năng suất thủy sản. Chưa có số liệu thống kế thiệt hại về thủy sản biển nhưng con số sẽ là không nhỏ (Năm 2009 sản lượng thủy sản biển đánh bắt của ĐBSCL là 606.500 tấn. Số liệu của Cục thống kê)

Đặc biệt, sự xuất hiện của những con đập trên dòng Mekong còn làm cho ĐBSCL, hàng năm có khoảng 220.000 đến 440.000 tấn cá trắng bị rủi ro cùng số lượng không nhỏ cá đen ăn cá trắng để tồn tại. Nếu tính trung bình giá cá trăng là 50,000 đ/kg, hàng năm sự tổn thất riêng về cá trắng đối với ĐBSCL sẽ là 11000 đến 22000 tỉ đồng (500 triệu đến 1 tỉ USD mỗi năm). (Trong ảnh là TP Long Xuyên - An Giang)
 

Những số liệu cuối cùng ước tính sự thiệt hại do việc đắp đập ngăn dòng Mekong là chưa thể xác định hết. Những con số trên đây chỉ là một phần nguy cơ thiệt hai có thể nhìn thấy ngay. Mekong là một con sông quốc tế, chảy qua nhiều vùng lãnh thổ. Chính vì thế, việc xây đập Xayabury và các đập khác chỉ với mục đích năng lượng cần phải được xem sét kỹ lưỡng và có sự thống nhất giữa các bên liên quan sao cho hệ sinh thái môi trường, đời sống và lợi ích kinh tế được đảm bảo cân bằng.


Hà Thành(Tổng hợp. Nguồn ảnh chụp từ Googel Earth)
Bình luận
vtcnews.vn