Đăng cai Thế vận hội: Làm thế nào để tránh lãng phí?

Thể thaoChủ Nhật, 11/11/2012 04:00:00 +07:00

(VTC News)-Chủ nhà các sự kiện thể thao lớn luôn gặp khó trong việc khai thác, duy tu, bảo dưỡng các công trình, sân vận động thi đấu sau khi giải đấu kết thúc.

(VTC News)- Chủ nhà các sự kiện thể thao lớn luôn gặp khó trong việc khai thác, duy tu, bảo dưỡng các công trình, sân vận động thi đấu sau khi giải đấu kết thúc.

>> Chuyên đề: Việt Nam đăng cai ASIAD 2019: Mừng hay lo?

Việc bỏ ra một số tiền khổng lồ xây dựng hàng loạt hạng mục công trình lớn chỉ để phục vụ cho các sự kiện diễn ra trong vòng vài tuần tới một tháng thực sự là chi tiết đáng băn khoăn trong quá trình ứng cử của các thành phố chủ nhà.

Bởi vậy, nhằm tránh lãng phí, trong đề án đăng cai, ban tổ chức đều khẳng định sẽ xây dựng các công trình theo hướng khai thác, sử dụng được lâu dài. Tuy nhiên, thời gian gần đây,
hầu như chẳng có mấy đơn vị chủ nhà thực hiện được lời cam kết của mình. Trái lại, các công trình một thời là niềm tự hào, biểu tượng của tất cả lại trở thành gánh nặng cho ngân khố quốc gia.

Olympic qua đi để lại bài toán kinh tế hóc búa cho các nước chủ nhà. 

Công trình hậu Olympic - cơn đau đầu của các nước chủ nhà

Hy Lạp chi 15 tỷ USD cho Thế vận hội 2004 - chiếm 5% GDP nước này và thời điểm đó cao kỷ lục trong lịch sử. Nhưng chính phủ Athens lại bị kêu ca rất nhiều vì thiếu khôn ngoan khi đầu tư quá nhiều vào các sân vận động mới mà quên đi việc nâng cấp giao thông, các tuyến đường bộ, đường sắt, phương tiện di chuyển - những hạng mục thực sự có lợi cho sự phát triển kinh tế bền vững.

Theo một thống kê không chính thức, 21 trên 22 công trình từ Olympic 2004 bị hỏng hóc hoặc... bỏ hoang, không ai sử dụng. Tới nay, sau khi tuyên bố vỡ nợ từ tháng 3/2012, Athens vẫn không có khả năng chi trả khoản phí 784 triệu USD duy trì, sửa chữa các hạng mục đắt đỏ được dựng lên phục vụ Olympic. Trong tương lai rất gần, khi các công trình này tiếp tục xuống cấp, chi phí sửa chữa sẽ còn đội lên gấp bội.

Sydney là chủ nhà năm 2000 nhưng hệ thống công trình mà điển hình là Công viên Olympic lại rất hiếm khi được sử dụng sau khi sự kiện đi qua. Thậm chí, Sydney còn phải trả khoản phí bảo dưỡng, sửa chữa công trình nhiều hơn cả Athens - lên tới 970 triệu USD.

Sân vận động Tổ Chim ngốn của Bắc Kinh 2-3 triệu USD phí bảo trì hàng năm. 

Bắc Kinh 2008 được cho là sự kiện thể thao tốn kém bậc nhất lịch sử nhân loại khi tiêu tốn của chính phủ Trung Quốc khoảng 40 tỷ USD. Theo yêu cầu của Ủy ban Olympic Quốc tế IOC, thành phố đăng cai Olympic buộc phải có một sân vận động có sức chứa ít nhất 70-90 nghìn chỗ trở lên. Riêng sân vận động Tổ Chim đã ngốn tới 500 triệu USD xây dựng.

Hậu Thế vận hội, nó trở thành địa điểm du lịch, trung tâm mua sắm, nhà hát nổi tiếng và hầu như không có bất cứ hoạt động nào liên quan tới thể thao. Hàng năm Tổ Chim cần 2-3 triệu USD bảo dưỡng và duy tu dù quanh năm khán đài vắng hoe.

Đầu tư, sử dụng thông minh để tránh thiệt đơn thiệt kép

Thực tế, trong lịch sử vẫn có nhiều thành phố chủ nhà không hứng chịu hội chứng "hậu Thế vận hội". Nếu sử dụng nguồn vốn đầu tư khôn ngoan, đúng mục đích, các thành phố vẫn có thể tránh lãng phí thậm chí sinh lời từ các công trình Olympic.

Atlanta (chủ nhà Thế vận hội 1996) đã chuyển đổi sân Olympic thành tổ hợp sân bóng chày mới và cho đội Atlanta Braves sử dụng làm sân nhà. Los Angeles (chủ nhà Thế vận hội 1984) còn tiết kiệm được tới 200 triệu USD nhờ tận dụng các công trình sẵn có trong thành phố. Barcelona tận dụng tối đa các công trình văn hóa, thể thao, giao thông quảng bá du lịch để từ một thành phố điểm mù du lịch năm 1992 đã vươn mình thành thiên đường nghỉ dưỡng hàng đầu châu Âu.

Nhà thi đấu bóng rổ tại London 2012 sđược tháo dỡ và chuyển tới Brazil làm nhiệm vụ tại Olympic 2016.

Mới nhất, chủ nhà Olympic 2012, London đã lường trước được những khó khăn muôn thủa phải đối mặt một khi ngày hội lớn qua đi. Dù cần phải chờ thời gian trả kiểm chứng nhưng cách chính quyền thành phố vạch ra những phương án sử dụng cụ thể các công trình hậu Olympic cho thấy sự nghiêm túc của họ.

Dưới đây là những thông tin mà hãng thông tấn Reuters có được về chi tiết kế hoạch sử dụng công trình
hậu Olympic của London - một kênh tham khảo rất có giá trị với nhiều quốc gia, thành phố có ý định đăng cai sự kiện thể thao lớn trong tương lai.

- SVĐ Olympic: Thị trưởng London Boris Johnson cho hay chi phí để chuyển đổi sân Olympic thành một sân bóng vào khoảng 90-120 triệu USD. Bởi vậy, nếu giữ ý định sử dụng sân, các đội bóng Ngoại hạng Anh cần hỗ trợ thành phố tài chính nếu không muốn đánh mất quyền thuê vào tay các câu lạc bộ bóng gỗ, bóng bầu dục và thậm chí là đội đua công thức 1. Nhiều khả năng West Ham United và giải bóng bầu dục nhà nghề Mỹ NFL sẽ thương lượng để sử dụng chung sân Olympic.

- Nhà thi đấu bóng rổ: Đây là công trình có thể tháo dỡ lớn nhất tại London. Nó sẽ được tháo dời và chuyển thẳng tới Brazil để sử dụng tại Olympic 2016.

- Sân bóng chuyền bãi biển: Công trình đẹp nhất Olympic ở khu đất vàng thủ đô nên sẽ bị phá bỏ hoàn toàn để phục vụ mục đích khác kinh tế hơn. 4.000 tấn cát sẽ được chuyển tới và tái sử dụng tại 6 nhà thi đấu thể thao xung quanh London.

- Khu liên hiệp thể thao dưới nước: Ủy ban Olympic London sẽ giảm sức chứa từ 17.500 chỗ ngồi xuống còn 2.500 chỗ ngồi bằng cách tháo dỡ các khán đài. Tương lai, nó sẽ trở thành trung tâm hoạt động cộng đồng.

- Sân vận động khúc côn cầu:Đây là hạng mục gây tranh cãi. Ủy ban khúc côn cầu Anh muốn giữ lại sân trong khi đội bóng hạng hai Leyton Orient muốn thuê làm sân nhà. Dù trường hợp nào xảy ra, nó vẫn được sử dụng.



Phá Hoàng

Bình luận
vtcnews.vn