Đám đông gây rối ở Hà Tĩnh: Hành vi gây nguy hiểm xã hội, cần xử lý nghiêm

Thời sựThứ Sáu, 07/04/2017 13:29:00 +07:00

ĐBQH cho rằng, hành vi gây rối ở Hà Tĩnh vừa qua gây nguy hiểm cho xã hội, cần phải xử lý nghiêm khắc những kẻ kích động, xúi giục.

Trong ngày 2 - 3/4, tại huyện Lộc Hà và Kỳ Anh của tỉnh Hà Tĩnh, nhiều người dân tụ tập, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.

Điều đáng nói, chỉ từ một vụ xô xát các đối tượng xấu đã kích động, lôi kéo một bộ phận giáo dân ở các xã Thạch Kim, xã Thạch Bằng – huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) có những hành động quá khích gây mất trật tự an toàn xã hội.

dam dong gay roi o ha tinh

 Giáo dân tụ tập tại trụ sở UBND huyện Lộc Hà. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh) 

Trước sự việc này, TS. Đỗ Đức Hồng Hà – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nhận định:

Đứng ở góc độ Pháp luật Hình sự thì những hành vi gây rối trật tự công cộng này là hành vi gây nguy hiểm đáng kể cho xã hội không chỉ bởi khía cạnh pháp luật, đạo đức mà còn cả khía cạnh xã hội. Những hành vi đó xâm phạm đến nhiều quan hệ xã hội được Bộ Luật Hình sự bảo vệ.

- Hành vi gây rối trật tự công cộng trong nhiều giờ, bao vây trụ sở của cơ quan công quyền được pháp luật quy định xử lý thế nào, thưa ông?

Trước hết hành vi cản trở giao thông, gây rối trật tự công cộng trong nhiều giờ như vậy đã đủ điều kiện cấu thành tội gây rối trật tự công cộng.

Theo quy định của điều 245 Bộ Luật Hình sự, người nào gây rối trật tự công cộng như một trong các tình huống ở huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh thì có thể bị xử phạt nhẹ nhất từ 6 tháng đến 3 năm tù và theo cấu thành tăng nặng từ 2 năm đến 7 năm tù.

do duc hong ha 1

 

Những hành vi gây rối trật tự công cộng đáng phải lên án không chỉ bởi khía cạnh pháp luật, đạo đức mà còn cả khía cạnh xã hội.

TS. Đỗ Đức Hồng Hà

Hành vi thứ hai, bao vây trụ sở UBND huyện Lộc Hà, theo Bộ Luật Hình sự thì đây là hành vi cản trở hoạt động của các cơ quan tổ chức. Và việc này có thể cấu thành một trong những tội sau: Tội gây rối trật tự công cộng; tội chống người thi hành công vụ. Hành vi đó đã cản trở những người thi hành công vụ thực thi nhiệm vụ và cuối cùng là là lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo để xâm phạm quyền và lợi ích của nhà nước, của tổ chức. 

Trong Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo cũng có những điều cấm đã được quy định trong Bộ Luật Hình sự. Đó là cấm dùng quyền tự do tín ngưỡng để gây rối trật tự công cộng.

- Đặc biệt trong sự việc này, một số người còn hành hung và làm trọng thương một chiến sĩ công an rồi ngăn cản không cho đưa đi cấp cứu. Đó là hành vi rất dã man?

Dưới góc độ đạo đức, hành vi đó rất dã man tàn ác không thể chấp nhận.

Dưới góc độ pháp luật thì đó là hành vi chống người thi hành công vụ với mức phạt nhẹ nhất là từ 6 tháng đến 3 năm năm tù. Còn theo cấu thành tăng nặng thì bị phạt từ 2 năm đến 7 năm tù.

Còn việc gây thương tích cho người thi hành công vụ có thể xử phạt từ 12 năm đến 20 năm tù và tù chung thân.

do duc hong ha 2

TS. Đỗ Đức Hồng Hà – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội.

- Ông đánh giá việc giải quyết sự cố môi trường Formosa của Chính phủ vừa qua thế nào?

Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt và đã có bước đi phù hợp từ việc yêu cầu Formosa phải thực hiện hết các quy trình, quy chuẩn bảo vệ môi trường đến việc bồi thường cho người dân vùng bị ảnh hưởng.

Bản thân Chính phủ đã chỉ đạo các ngành các cấp thực hiện đúng chế độ đền bù, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố Formosa. 

Với cam kết mạnh mẽ của Chính phủ thì người dân hoàn toàn có thể yên tâm để không gây rối trật tự như thời gian vừa qua. 

- Vì sao vẫn có trường hợp người dân, giáo dân vẫn tụ tập gây rối trật tự công cộng như vừa xảy ra ở huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh?

Đúng là do một bộ phận người dân vẫn thiếu hiểu biết về pháp luật. Ngoài ra còn thiếu hiểu biết về chính sách được đền bù hỗ trợ.

Những người dân đó không hiểu quy định của pháp luật nên phạm nhiều tội quy định trong Luật Hình sự.

Ngoài ra, họ cũng chưa thấy được mặt tích cực của Chính phủ trong suốt thời gian vừa qua đã nỗ lực hết mình, từ trung ương đến địa phương để hỗ trợ cho người dân. Sự cố môi trường biển do Formosa gây ra cũng chưa từng xảy ra trong lịch sử Việt Nam.

- Cần có giải pháp gì để không xảy ra tình trạng giáo dân gây rối trật tự công cộng như đã xảy ra ở Hà Tĩnh như thời gian qua, thưa ông?

Tôi cho rằng cần phải có các giải pháp đồng bộ. Trước mắt là cần thực hiện 5 giải pháp.

Giải pháp thứ nhất là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đặc biệt là phải chuyển hướng mạnh từ hoàn thiện hệ thống pháp luật sang thực thi pháp luật.

Có thể hệ thống pháp luật của chúng ta về cơ bản đã hoàn thiện nhưng việc thực thi vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Đây cũng là nguyên nhân phát sinh hiện tượng ở Lộc Hà, Hà Tĩnh vừa rồi. 

Video: Đám đông khiếu kiện Formosa gây rối, đập phá, làm bị thương nhiều người

Thứ hai là người dân chưa hiểu biết pháp luật nên phải phổ biến pháp luật đến từng người dân. Đó là pháp luật về môi trường, về chế độ chính sách, về tất cả những quy định của pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của cá nhân được làm và không được làm. Nếu làm những gì pháp luật không cho phép thì phải chịu  hậu quả như thế nào. Để từ đó người dân hiểu và thực hiện đúng pháp luật.

Thứ ba là đặc biệt chú ý đến giải pháp liên quan đến cán bộ. Chúng ta phải xây dựng đội ngũ cán bộ phải tinh nhuệ, hiểu biết pháp luật nói chung, đặc biệt là pháp luật về môi trường. Có như vậy chúng ta mới phát hiện và ngăn chặn được các hành vi vi phạm quy định bảo vệ môi trường. Cần phải ngăn chặn trước khi để gây ra hậu quả như xảy ra đối với Formosa ở Hà Tĩnh.

Thứ tư là bên cạnh đội ngũ cán bộ có trình độ thì phải có đức. Bởi vì nếu họ có tài nhưng lại làm ngơ, tiêu cực, thiếu trách nhiệm thì những vấn đề đó vẫn xảy ra và gây bức xúc trong nhân dân.

Thứ năm là chúng ta phải có cơ sở vật chất đủ tốt để cảnh báo về các tác hại của môi trường đối với những cơ sở đang chuẩn bị hoạt động có nguy cơ ô nhiễm môi trường để có giải pháp ngăn chặn ngay từ đầu.

Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và đặc biệt là xử lý đúng người, đúng tội, kịp thời và nghiêm minh. Bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào cũng cần phải đưa ra xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Trong vụ việc ở Lộc Hà (Hà Tĩnh), tôi cho rằng có rất nhiều đối tượng chúng ta cần phải đưa ra xử lý như: Tội chống người thi hành công vụ; tội lợi dụng quyền tự do, dân chủ của công dân; tội cố ý gây thương tích và các tội liên quan đến giao thông, xâm phạm sở hữu.

Nếu như đằng sau đó có sự kích động, xúi giục của các đối tượng thù địch thì còn cần phải xử lý nghiêm khắc hơn nhiều.

- Làm sao để các giáo dân không bị lôi kéo vào các mục đích xấu, thưa ông?

Qua vụ việc xảy ra ở Lộc Hà (Hà Tĩnh), rất mong các giáo dân thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của các tổ chức tôn giáo mà mình là thành viên để vừa thực hiện đúng những lời răn dạy của Chúa, lại vừa thực hiện đúng các quy định của Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông!

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn