Đại tướng Võ Nguyên Giáp và "kỳ tích chưa từng có"

Thời sựThứ Ba, 24/08/2010 08:08:00 +07:00

(VTC News) - Một việc được coi là “phát hiện”: Tướng Giáp đã đánh bại tới 10 danh tướng. Tuy nhiên đó chưa phải là kỳ tích cuối cùng...

(VTC News) – Sáng 23/8 tại nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã diễn ra cuộc gặp mặt giữa những người cộng sự và người giúp việc của đại tướng suốt nhiều năm qua.

Do sức khỏe của đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn chưa hồi phục nên chỉ có đại diện gia đình là bà Đặng Bích Hà, vợ của Đại tướng cùng con gái tiếp chuyện. Mọi người, ai ai cũng gọi Tổng Tư lệnh lực lượng vũ trang Việt Nam bằng cái tên trìu mến: “Anh Văn”. 

Đả bại 10 danh tướng 

Không phải lần đầu tiên tôi được nghe những câu chuyện đã trở thành huyền thoại gắn liền với tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng đây là dịp tôi có được cơ duyên gặp nhiều nhà nghiên cứu, nhà quân sự, sử học… được nghe lại nhiều hồi ức về cuộc sống thường nhật của một huyền thoại.

Không được đào tạo tại bất kỳ trường quân sự nào trước đó, không phải trải qua các cấp bậc quân hàm trong quân đội, Võ Nguyên Giáp nhận quân hàm Đại tướng vào ngày 28 tháng 5 năm 1948 theo sắc lệnh 110/SL ký ngày 20 tháng 1 năm 1948. Ông trở thành Đại tướng đầu tiên của lực lượng vũ trang Việt Nam khi 37 tuổi.

Toàn cảnh cuộc gặp gỡ tại nhà riêng Đại tướng 

Trong một lần trả lời phóng viên nước ngoài về tiêu chí phong tướng, Bác Hồ đã nói: "Người nào đánh thắng đại tá thì phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng thì phong thiếu tướng, đánh thắng trung tướng thì phong trung tướng, đánh thắng đại tướng thì phong đại tướng".

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên VTC News, một nhà sử học trích dẫn: đại tướng Marcel Bigeard, nguyên chỉ huy phó Phân khu Trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, sau trở thành thứ trưởng Quốc phòng Pháp trong một lần trả lời phỏng vấn đã không ngần ngại tỏ lòng ngưỡng mộ tướng Giáp.

“Ông ta rút ra bài học từ những sai lầm của mình và không lặp lại chúng. Ông ta đã chỉ huy quân đội giành chiến thắng trong một thời gian đặc biệt dài, đạt được điều này trong 30 năm là một kỳ tích chưa từng có…”.

Ngẫm ngợi về quãng đường binh nghiệp của Đại tướng, Đại tá Trần Trọng Trung, nhà sử học, tác giả cuốn sách Võ Nguyên Giáp – Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh cho rằng, tướng Giáp đã giải quyết các bài toán nan giải nhưng không gặp những khó khăn mà các sĩ quan được đào tạo chính thức gặp phải.

Để có được Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu cách đây 56 năm, Bộ Thống soái của ta và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay đổi cách đánh vào đúng thời điểm “nổ súng”. Đánh giá đúng khả năng còn hạn chế của các đại đoàn bộ binh chủ lực, bước vào đợt 1 chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, Bộ Thống soái của ta đề ra kế hoạch tác chiến theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, với ý định tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm trong vòng hai ngày ba đêm. 

Tuy nhiên, trước ngày nổ sung, đại tướng đã kịp nhận thấy địch không ngừng củng cố công sự ngày càng vững chắc, chúng không còn ở vào thế phòng ngự dã chiến như lúc đầu, trong khi việc kéo pháo của ta đang gặp khó khăn vì pháo nặng, đường dốc, không kịp thời gian như kế hoạch dự kiến.

Tổng tư lệnh vẫn quyết đinh thay đổi cách đánh với phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Theo cách đánh này, quân ta sẽ diệt từng vị trí của địch theo lối “bóc vỏ”, dồn quân địch vào tình thế ngày càng khốn quẫn.

Cũng về quyết định lịch sử này, đại tá Trịnh Nguyên Huân, người trợ lý có gần 35 năm gắn bó với Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: Đại tướng không bao giờ coi một trận chiến đấu như một trận đánh cờ. Và chiến sĩ không phải là những con tốt trên bàn cờ. Đại tướng luôn cân nhắc để làm sao giành được thắng lợi cao nhất mà tổn thất về sinh mạng thấp nhất.

Cũng chính vì trách nhiệm của mình với vận mệnh của đất nước và sinh mệnh của chiến sĩ, Đại tướng đã thức trắng đêm suy nghĩ để đi đến quyết định chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc” mà Đại tướng gọi là “một quyết định khó khăn nhất” trong cuộc đời cầm quân của mình.

Một việc được đại tá Trung coi là “phát hiện” của mình là đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh bại tới 10 danh tướng. Trong đó có 7 đại tướng của Pháp và 3 tướng của Mỹ. 

Tình thân như thủ túc

Qua hồi ức của những người đã và đang gần gũi với đại tướng, hình ảnh một huyền thoại hiện lên thật bình dị, gần gũi.
 
Đại tá Nguyễn Huy Văn, bí danh Kim Sơn, 80 tuổi kể lại, trong kháng chiến, ông làm tại cơ quan phục vụ Sở chỉ huy các chiến dịch của đại tướng từ chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc đến Điện Biên Phủ và tổ chức cho đại tướng vào tiếp quản thủ đô Hà Nội.

Trong chuyến công tác Thái Nguyên năm 1989, khi cuộc họp tỉnh ủy bắt đầu bỗng dưới hội trường có một phụ nữ đứng dậy hỏi: “Anh Văn có nhớ tôi không?”. Hàng trăm con mắt đổ dồn về người phụ nữ ấy và đoán chắc đại tướng khó mà nhớ nổi vì hàng chục năm rồi đại tướng mới trở lại vùng đất này.

Nhưng tất cả đều ngạc nhiên khi đại tướng thốt lên: “Là chị Hán, vợ của đồng chí trung tướng Bằng Giang!”

Câu chuyện ít người biết được, vị danh tướng nước Việt này lại không có thói quen ăn sáng. Cũng trong chuyến công tác Thái Nguyên năm đó, đi mãi 12h trưa mới lên đến nơi, cả đoàn đói quá, đại tá Huy Văn phải vào nhà dân xin chuối và xôi cho đại tướng vừa đi vừa ăn dọc đường rồi vào họp ngay.

Tối cùng ngày về đến huyện Định Hóa, Thái Nguyên, vì huyện không được báo trước nên không kịp chuẩn bị gì. Vậy là cán bộ huyện nấu một nồi cháo to để đại tướng và cả đoàn cùng ăn.

Một kỷ niệm khác được đại tá Trần Trọng Trung kể lại. Năm 1948, ông Trung sắp lấy vợ. Nhưng ngày cưới đến nơi rồi mà gia cảnh vẫn quá khó khăn. Biết chuyện ông Trung gặp khó, tướng Giáp đề nghị với Chánh Văn phòng Bộ Tổng Tư lệnh lúc bấy giờ chi cho ông Trung 200 đồng để sắm một bộ quần áo mới cho chú rể và mua sắm một số thứ cho lễ cưới.

Dường như chưa yên lòng trước ngày trọng đại của cấp dưới, tướng Giáp sang tận Tuyên Quang, có lời với tỉnh ủy địa phương này giúp đỡ ông Trung tổ chức đám cưới.

Sức làm việc phi thường

Trong câu chuyện, thiếu tá Trần Văn Thìn tự hào về quãng thời gian suốt 20 năm cận kề bên Đại tướng (từ tháng 5-1966 đến 1986).

Ông Thìn nhớ lại, khi lần đầu nhận nhiệm vụ trợ lý cho Đại tướng, ông xưng hô “đại tướng” thì tướng Giáp khoát tay nói, trong gia đình, không cần phải kiểu cách, cứ xưng anh em cho thân mật.

Đại tá Phạm Văn Ngà (83 tuổi), người góp phần chăm lo sức khỏe cho đại tướng từ năm 1965 đến năm 1995 lại có kỷ niệm rất riêng về tướng Giáp. Với vai trò là bác sĩ, nhiều lần đại tá Ngà khuyên ngăn đại tướng giữ sức khỏe song đại tướng vẫn luôn làm việc quá sức.

Trong một chuyến đi công tác sang Châu Phi (năm 1989) đại tướng vẫn miệt mài làm việc trên máy bay dù bác sĩ Ngà đã nhiều lần khuyên ngăn trực tiếp. Thậm chí, cực chẳng đã ông phảinnhờ người khác nói giúp nhưng vẫn không được.

Và khi máy bay vừa hạ cánh xuống đất nước Etiopia thì đại tướng bị ngất. Nhưng ngay sau khi hồi sức, tỉnh dậy, đại tướng quyết định làm việc ngay.

Song Nhi

Bình luận
vtcnews.vn