Đại tá CSGT cũng sợ bình cứu hỏa phát nổ trên ôtô

Thời sựThứ Bảy, 09/01/2016 05:25:00 +07:00

buộc ô tô phải trang bị bình cứu hỏa là đúng đắn, nhưng nếu không giúp chủ phương tiện sử dụng đúng cách thì nguy cơ phát nổ là có thể xảy ra.

(VTC News) - Vị Đại tá CSGT lo lắng, với nhiệt độ ngoài trời ở Việt Nam vào mùa hè khiến nhiệt độ trong xe tăng cao, nếu để bình cứu hỏa ở nơi không an toàn sẽ có khả năng phát nổ.

Những ngày gần đây, dư luận đang tranh luận xôn xao về Thông tư số 57 của Bộ Công an về việc bắt buộc các loại ô tô từ 4 – 9 chỗ ngồi phải trang bị bình cứu hỏa mini. Nếu không chấp hành, chủ phương tiện có thể bị xử phạt hành chính từ 300 – 500 nghìn đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định nói trên là không cần thiết. Nhiều người phản đối cho rằng, trên thực tế rất hiếm khi xảy ra các vụ ô tô bốc cháy. Hơn nữa, nếu xảy ra cháy, chưa chắc bình cứu hỏa mini đã dập được lửa.

Thực tế, hầu hết các vụ cháy xe máy, ô tô trong thời gian vừa qua, lực lượng cứu hỏa phải huy động ít nhất một xe chuyên dụng, cùng nhiều lính cứu hỏa tới hiện trường mới dập được lửa.

Nhiều người lo ngại bình cứu hỏa có thể phát nổ trên ô tô. Ảnh: Internet

Trong khi đó, thiết kế của hầu hết các bình cứu hỏa chỉ chịu được nhiệt độ tối đa 55oC. Với điều kiện khí hậu tại Việt Nam, thời tiết mùa hè có khí lên tới 40oC. Nếu ô tô để lâu ngoài trời nắng thì thì nhiệt độ trong xe có thể vượt mức 55oC. Khi đó, bình cứu hỏa vô tình lại trở thành “quả bom nổ chậm”, đe dọa tính mạng và tài sản của chủ phương tiện.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên VTC News đã phỏng vấn Đại tá Trần Sơn - nguyên Phó Trưởng phòng Hướng dẫn luật và Điều tra xử lý TNGT, Cục CSGT đường bộ - đường sắt.

- Hiện nay nhiều người cho rằng, quy định bắt buộc các loại ô tô  từ 4 – 9 chỗ ngồi bắt buộc phải trang bị bình cứu hỏa mini là không cần thiết. Quan điểm của ông thế nào?

Tôi cho rằng, quy định ô tô phải trang bị thiết bị chữa cháy, cụ thể là bình cứu hỏa là cần thiết. Mục đích của quy định này là nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại về tài sản cũng như sức khỏe của người dân.

Quy định này đặc biệt quan trọng đối với các xe chở khách trên 9 chỗ ngồi. Bởi đây là các phương tiện vận chuyển nhiều người. Trong khi đó, có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới cháy nổ ở các loại xe này như do hành khách vô ý hút thuốc, do xe vận chuyển chất dễ cháy, máy móc, động cơ gặp sự cố cũng có thể gây chập cháy...

Chính vì thế, việc trang bị những thiết bị chữa cháy ban đầu là hết sức cần thiết. Bình cứu hỏa có tác dụng dập tắt đám cháy khi nó mới phát sinh, hạn chế thiệt hại về người và tài sản trên phương tiện đó. Ở một số nước trên thế giới họ cũng đã quy định về điều này.

Bình cứu hỏa mini được bày bán trên thị trường. Ảnh: Tiền phong

Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế hiện này thì việc áp dụng quy định bắt buộc phải trang bị bình cứu hỏa đối với các loại ô tô dưới 9 chỗ ngồi đang có một số điểm khó khăn, cần phải nghiên cứu.

- Ông có thể cho biết những điểm bất cập, chưa hợp lý về quy định này?

Theo tôi được biết, đối với các loại xe trên 9 chỗ ngồi thì việc thực hiện là rất dễ dàng. Bởi các loại xe này đều có thiết kế chỗ đặt bình cứu hỏa, tức có vị trí đặt bình cứu hỏa cụ thể.

Tuy nhiên, hiện các loại xe dưới 9 chỗ thì không có thiết kế chỗ đặt bình cứu hỏa. Chúng ta cũng chưa quy định cụ thể, khi trang bị bình cứu hỏa thì chủ phương tiện phải đặt ở vị trí nào.

Chính vì vậy, các tài xế khi mua bình chữa cháy về có thể không thể biết đặt ở vị trí nào cho an toàn, thuận tiện. Nếu để bừa đâu đó ở khoang lái thì có thể ảnh hưởng tới việc điều khiển phương tiện.

Nếu để ở ghế sau hay cốp xe thì khi xảy ra cháy sẽ mất một khoảng thời gian để lấy bình cứu hỏa sử dụng. Khi đó, đám cháy có thể lớn hơn, vượt quả khả năng dập lửa của bình cứu hỏa mini. Đó là chưa kể đến khả năng đám cháy có thể xuất phát từ khu vực đặt bình cứu hỏa.


Cũng liên quan đến vị trí đặt bình cứu hỏa, nếu đặt ở vị trí không phù hợp thì bình cứu hỏa này có thể gây mất an toàn. Ở nước ta hiện nay, thời tiết mùa hè thường xuyên nắng nóng trên 37oC. Xe ô tô không phải lúc nào cũng ở nơi mát mẻ. Nếu để ở lâu ngoài trời nắng, nhiệt độ trong xe có thể lớn hơn rất nhiều.

Với nhiệt độ ngoài trời, nhiệt độ trong xe như vậy, nếu chúng ta để bình cứu hỏa ở nơi không an toàn, chẳng hạn như cốp xe... thì nhỡ nó phát nổ thì sao?

Một điều cần phải đặc biệt quan tâm hiện nay, đó là tình trạng bình cứu hỏa giả, kém chất lượng có dấu hiệu xuất hiện nhiều trên thị trường. Nếu chủ phương tiện sử dụng phải các bình cứu hỏa này thì tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao.

- Vậy phải chăng, Bộ Công an đã quá vội vàng trong việc triển khai Thông tư 57?

Theo tôi được biết, ngay sau khi Thông tư 57 có hiệu lực vào ngày 6/1 vừa qua, dư luận đã phản ứng và có nhiều ý kiến khác nhau. Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; ngành Giao thông vận tải cũng đã có ý kiến về vấn đề này rồi.

Có người cho rằng, nội dung Thông tư này đáng ra phải thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải. Nhưng dù thuộc thẩm quyền của Bộ nào thì cũng nhằm mục đích đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho con người và tài sản của họ khi sử dụng các phương tiện cơ giới đường bộ.

Chính vì thế, việc bắt buộc trang bị phương tiện chữa cháy đối với ô tô là cần thiết.

- Theo ông, các cơ quan chức năng có cần tạm dừng để nghiên cứu lại quy định bắt buộc ô tô dưới 9 chỗ ngồi phải có bình cứu hỏa hay không?

Theo tôi, hiện nay chúng ta phải có nghiên cứu cụ thể khi áp dụng đối với các loại ô tô dưới 9 chỗ ngồi.


Các nhà chuyên môn cần phải phối hợp nghiên cứu, tư vấn và cơ quan chức năng cần có quy định cụ thể vị trí đặt bình cứu hỏa trên xe. Vị trí này phải thống nhất đối với các loại xe sao cho thuận tiện và an toàn nhất đối với người sử dụng.

Cơ quan chức năng cũng cần hướng dẫn cho người dân cách nhận biết, cách sử dụng các bình cứu hỏa thật, đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, cần kiểm tra, xử lý nghiêm để loại trừ các loại bình chữa cháy giả, không đảm bảo ra khỏi thị trường.

Chúng ta cũng cần phải tuyên truyền cho người dân về quy định này. Sau một thời gian tuyên truyền, hướng dẫn, nếu ai không chấp hành thì mới tiến hành xử phạt.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cần phải có quy định chặt chẽ về việc kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp sử dụng bình cứu hỏa đã hết hạn sử dụng. Với các loại bình này, tỷ lệ chất chữa cháy phía trong đã hết, hoặc không còn đảm bảo, có cũng như không.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn