Đại hội thường niên VFF khoá VII: Ai là Chủ tịch VFF?

Thể thaoThứ Bảy, 26/12/2015 09:00:00 +07:00

Ngày 25/3/2014 ông Lê Hùng Dũng đã trúng cử Chủ tịch VFF khoá VII và hiện tại ông Dũng vẫn đang là Chủ tịch VFF. Vậy tại sao lại đặt câu hỏi như trên?

Ngày 25/3/2014 ông Lê Hùng Dũng đã trúng cử Chủ tịch VFF khóa VII với số phiếu 60/62, đạt tỷ lệ 96,77%, vì vậy đương nhiên ông Dũng phải là Chủ tịch VFF. Vậy tại sao lại đặt câu hỏi như trên?

Một cựu quan chức VFF rất nhiều lần lên tiếng và chia sẻ: “Bóng đá Việt Nam muốn phát triển và thay đổi theo hướng tích cực, phải thay toàn bộ những người đang lãnh đạo ở VFF”. Phát ngôn như vị này có lẽ quá tiêu cực nhưng nếu nhìn vào thực tế những gì đã và đang diễn ra trong ngôi nhà VFF thì đúng là…

“Làm chơi, ăn thật”

“Trụ sở VFF nằm ở… phía Nam”. Ở nhiệm kỳ trước, nhiều người trong đó có chính người của VFF vẫn bóng gió thế, khi nói về chiếc ghế Chủ tịch VFF. Nó là thực tế ở nhiệm kỳ VI khi những vấn đề nổi cộm của nền bóng đá, có tầm chiến lược hoặc những quyết sách lớn nhỏ trong công tác điều hành thì phần quyết định quan trọng nhất, cuối cùng đều thuộc về hoặc có tiếng nói của PCT Lê Hùng Dũng.

Một doanh nhân thành đạt, giữ chức danh PCT lo tài chính và nói được làm được, thế nên trước khi nhiệm kỳ VI với triều đại của ông Nguyễn Trọng Hỷ kết thúc, không ít người đã thầm ước một ngày nào đó, nếu ông Lê Hùng Dũng lên nắm quyền thì chắc chắn Bóng đá Việt Nam sẽ khác.
Ông Lê Hùng Dũng trở thành chủ tịch VFF vào tháng 3/2014 (Ảnh: Quang Minh) 
Ở giữa cuộc khủng hoảng của cả nền bóng đá, Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ rút lui để dọn chỗ cho PCT Lê Hùng Dũng lên nắm quyền Chủ tịch. Và ở Đại hội VFF nhiệm kỳ VII, trong ngày trúng cử với số phiếu gần như tuyệt đối, ông Dũng trong vai trò người chiến thắng và mang trên mình trọng trách gánh vác Bóng đá Việt Nam đã tuyên bố mạnh mẽ “Tôi là PCT tài chính thành công nhất lịch sử Bóng đá Việt NamNgười vượt tôi chỉ có thể là bầu Đức”. 
Nếu nhìn vào thực tế trong 2 nhiệm kỳ làm phó, ông Dũng không hề “nổ”, khi Bóng đá Việt Nam có tiền và thậm chí một vài thời điểm kiếm được nhiều tiền. Thời điểm đó, dù vẫn chưa thực sự tốt như kỳ vọng của nhiều người nhưng VFF cũng vận hành khá ổn định. Từ chuyên môn ở các ĐTQG, tài chính hay đến sự hoạt động của các phòng ban đều không, hoặc chưa thấy những dấu hiệu “loạn” như 1/2 chặng đường của nhiệm kỳ VII vừa qua.

Đi tìm “minh chủ”

Không thể phủ nhận vai trò và tầm ảnh hưởng của ông Dũng khi “đóng vai” cấp dưới ở nhiệm kỳ V và VI nhưng khi nhiếp chính, mọi thứ thay đổi quá nhiều kể từ khi vị doanh nhân này lên cầm lái. Những kỳ vọng, mong đợi đã không đến, khi lần đầu tiên trong lịch sử Bóng đá Việt Nam người ngồi ghế Chủ tịch không phải một quan chức nhà nước mà là một doanh nhân.
Bộ đôi doanh nhân, quyền lực nhất VFF
Bộ đôi doanh nhân, quyền lực nhất VFF (Ảnh: Quang Minh) 
Quá nhiều những lời hứa, kế hoạch hành động cùng bao thứ to tát được vẽ ra nhưng phần lớn đều chỉ là tuyên bố miệng. Lời hứa kiếm 383 tỷ đồng cho Bóng đá Việt Nam trong 1 năm trở thành “lời nói gió bay”, thất bại ở ngay lĩnh vực được coi là điểm mạnh nhất của một doanh nhân thành đạt với quyền lực lớn, ông Dũng ngày càng “mất điểm”. 

Không có những thay đổi như cam kết, không để lại dấu ấn trong tư cách người đứng đầu một nền bóng đá, ông Chủ tịch VFF được nhớ và nhắc đến nhiều khi gắn liền với các sự kiện liên quan đến bầu Đức hay lứa cầu thủ trẻ của Học viện HAGL-Arsenal JMG, với những phát ngôn không đúng mực của người đứng đầu một nền bóng đá mà nghi ngờ tiêu cực cùng đề nghị mời cơ quan điều tra vào cuộc sau thất bại của ĐT Việt Nam ở bán kết lượt về AFF Cup 2014 trước Malaysia là ví dụ.

Nhiệm kỳ VII với 2 doanh nhân, với ông bầu quyền lực nhất Bóng đá Việt Nam là Đoàn Nguyên Đức gần như không để lại được dấu ấn nào. 2 năm qua, bầu Đức chỉ xuất hiện khi liên quan đến HAGL còn với vị trí PCT VFF phụ trách tài chính thì như “tàng hình”. Thậm chí, ngay ở VFF người ta vẫn khẳng định ông Đức chưa mang về một đồng nào cho VFF.

Trừ PCT phụ trách truyền thông và đối ngoại Nguyễn Xuân Gụ vốn được xem là “ngoại đạo”, người được kỳ vọng lớn nhất có lẽ phải là PCT phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuần. Trong bộ máy lãnh đạo VFF, ông Tuấn “Tổng” được cho là người có năng lực, quan hệ và khả năng nhất. Thế nhưng cái khó của ông Trần Quốc Tuấn là ôm đồm quá nhiều việc, với quá nhiều chức vụ. Và sau vài vụ việc, gương mặt sáng giá nhất của Bóng đá Việt Nam đã ít nhiều đánh mất đi vị thế của mình.
 Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn quá ôm đồm và không thể tập trung điều hành VFF (Ảnh: Quang Minh)

Chủ tịch Lê Hùng Dũng không thể tập trung toàn bộ thời gian cho VFF và Bóng đá Việt Nam. Thế nên câu hỏi đặt ra bây giờ là nếu cần một người “đứng mũi chịu sào” thì sẽ là ai? Một câu hỏi khó, với chính bộ máy lãnh đạo VFF cũng như Tổng cục TDTT hay Bộ VH-TT&DL ở thời điểm hiện tại.

VFF hay Bóng đá Việt Nam cần thay đổi để tìm một lối thoát cho thực trạng hiện tại, thế nhưng… 
Trong cuộc họp Thường trực VFF sáng qua, các thành viên đã đề cập đến tư cách đại biểu ở Đại hội thường niên VFF với Chủ tịch Lê Hùng Dũng và PCT Trần Quốc Tuấn. Tuy nhiên, căn cứ vào kết luận của cơ quan điều tra về đơn thư tố cáo của ông Nguyên Văn Chương - nguyên quyền GĐ Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF là không có sự việc phạm tội nên 2 lãnh đạo VFF vẫn đủ tư cách tham dự Đại hội thường niên VFF khoá VII.

Nguồn: Thể thao 24h
Bình luận
vtcnews.vn