Đại gia miền Tây chi hơn 10 tỷ đồng tổ chức đám cưới cho con gái

Kinh tếThứ Bảy, 09/01/2016 06:16:00 +07:00

Điều chưa biết về đám cưới 10 tỷ của con gái đại gia Miền Tây

Trước lễ cưới hơn 10 tỷ của con gái một nhà đại gia ở miền Tây, người ta không khỏi xôn xao, bàn tán về danh tính, sự nghiệp và tài sản của vị đại gia chất chơi này.

Chi trên 10 tỷ đồng để tổ chức đám cưới

Hai đêm qua, người dân TP Cà Mau háo hức tập trung đến xem buổi tổng duyệt chương trình văn nghệ hoành tráng để phục vụ cho tiệc cưới của chị Nguyễn Thị Ngọc Mai và anh Nguyễn Thanh Duy.

Cô dâu 29 tuổi này là tổng giám đốc Công ty Du lịch Minh Hải, đồng thời cũng là con gái lớn của ông Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Cường.

Trò chuyện với phóng viên, ông Nguyễn Việt Cường cho biết, ông đã chi hơn 9 tỷ đồng để trang trí, mua sắm bàn ghế, chỉnh trang cơ sở vật chất, dựng sân khấu nổi… để làm nên đám cưới có một không hai ở Cà Mau này cho cô con gái.

Khung cảnh buổi tổng duyệt đám cưới 10 tỷ của con gái đại gia miền Tây - Ảnh: Zing
Đám cưới được tổ chức tại nhà hàng nằm giữa hồ Vân Thủy ở trung tâm TP Cà Mau, rộng trên 81.700 m2, giữa hồ có gò đất tự nhiên. Hai tháng qua, hàng trăm người đã tham gia vào việc nâng cấp, cải tạo nhà hàng này thành một "đảo uyên ương" để tổ chức tiệc cưới cho con gái của đại gia trong 2 ngày 9 và 10/1.

Chưa hết, ông Cường còn mời nhiều đạo diễn, nghệ sĩ ưu tú ở Hà Nội và TP HCM đến biểu diễn văn nghệ cho đám cưới, với chi phí lên đến trên 2 tỷ đồng.

Tính sơ bộ chi phí để làm tiệc cưới và các chương trình văn nghệ cho lễ tân hôn của con gái, ông Cường đã chi không dưới 10 tỷ đồng.

Ông Cường còn cho biết thêm: "Khách mời dự tiệc cưới con gái tôi khoảng 2.000 người gồm bạn bè, người thân và đối tác làm ăn".

Của hồi môn trị giá 300 tỷ đồng

Khác với các đám cưới con nhà đại gia khác có của hồi môn như tiền, vàng, nhà lầu, xe hơi thì vị đại gia miền Tây chịu chơi này lại hồi môn cho vợ chồng con gái bằng tài sản và quyền điều hành các cụm công ty con tại Cà Mau của Tập đoàn Phú Cường.

Được biết, cụm công ty con tại Cà Mau của Tập đoàn này có tổng trị giá vào khoảng 300 tỷ đồng.

Còn về tiền mừng cưới, ông Cường cho biết sẽ trích ra 50% để làm từ thiện - một khoản "không đáng kể" bởi cũng chưa bằng doanh thu một ngày của một công ty trong hệ thống Tập đoàn Phú Cường.

Đại gia đi lên từ thủy sản

Ngày còn trẻ, ông Nguyễn Việt Cường từng có 3 năm huấn luyện trong quân ngũ, sau đó ông cũng phải bươn chải kiếm sống bằng nhiều công việc khác nhau, trong đó có cả làm thuê cho các cơ sở mua bán nguyên liệu thủy sản.

Đây cũng là thời gian ông tích lũy kinh nghiệm thực tế từ thu mua, chế biến thủy sản như làm sao để giữ được chất lượng tôm tốt nhất đến khi mang bán cho nhà máy, làm sao để cạnh tranh với các đối thủ khác.

Năm 1987, ông quyết định cầm cố chiếc TV đen trắng cũ để có vốn tự đứng ra thu mua thủy hải sản, bán lại cho các cơ sở chế biến xuất khẩu do Nhà nước quản lý thay vì đi làm thuê như trước.

Với sự nhạy bén sẵn có cùng kinh nghiệm tích lũy được, công việc kinh doanh của ông Cường cũng khá suôn sẻ.

Đến năm 1995, khi nhà máy Tân Phú tại Cà Mau, cũng là nơi ông Cường cung cấp nguyên liệu rơi vào thua lỗ và đứng trước nguy cơ phá sản, ông quyết định dồn số vốn tích cóp để mua lại nhà máy này.

Sau khi mua lại và tái cơ cấu, dưới sự quản lý của ông Cường, nhà máy Tân Phú đã dần dần phục hồi và sau đó phát triển thành cơ sở chế biến thủy sản Phú Cường.

Đi lên từ người làm thuê nên ông Cường rất chú trọng đến việc quan tâm thới đời sống công nhân, từ đó họ cũng đáp lại bằng việc chung tay tạo nên thương hiệu uy tín của Phú Cường bằng chất lượng và sản phẩm dịch vụ tốt.

Việc kinh doanh của Phú Cường phát triển và có bước ngoặt khi năm 1998 trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài. Thương hiệu tôm sú vỏ đông block Tristar của công ty này thành công tại thị trường Nhật Bản và có thời điểm chiếm vị trí số 1.

Những năm 2000, Phú Cường nhanh chóng mở rộng hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản thông qua việc mua lại cổ phần của những công ty khác như CTCP thực phẩm xuất khẩu thủy sản Cà Mau, Kisimex Kiên Giang, đầu tư xây dựng thêm nhà máy chế biến tại Bạc Liêu, Vĩnh Long.

Năm 2011, công ty cổ phần thủy sản Phú Cường Jostoco là một trong 9 doanh nghiệp thủy sản uy tín tại Cà Mau được Bộ Công thương công nhận với kim ngạch xuất khẩu khoảng 28 triệu USD. Ông Cường cũng từng là Phó chủ tịch VASEP.

Từ thủy sản tới bất động sản, du lịch

Hiện tập đoàn Phú Cường gồm 21 công ty thành viên với hơn 10.000 lao động hoạt động trong 4 lĩnh vực chính gồm: Chế biến và xuất khẩu sản phẩm thủy hải sản đông lạnh các loại; Đầu tư vào các dự án phát triển đô thị, năng lượng tái tạo; Cung ứng dịch vụ phụ trợ cho ngành công nghiệp thủy sản và các dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn và vận tải; Nuôi trồng thủy sản và sản xuất thức ăn chăn nuôi cá.
Hình ảnh một dự án nổi tiếng của Tập đoàn Phú Cường
Hình ảnh một dự án nổi tiếng của Tập đoàn Phú Cường tại Kiên Giang
Đi lên từ một doanh nghiệp thủy sản nhưng trong vài năm gần đây, tập đoàn này còn đầu tư vào các lĩnh vực như bao bì, vật tư bao bì, nước đá rồi nhanh chóng lấn sân sang các lĩnh vực khác như du lịch, nhà hàng, khách sạn, bất động sản, thương mại dịch vụ.

Các dự án bất động sản khá nổi của Tập đoàn Phú Cường có thể kể tới như Khu đô thị biển Phú Cường với tổng giá trị đầu tư tới 11.500 tỷ đồng tại Kiên Giang, dự án Chung cư Bộ Công An, Chung cư cán bộ Công an Tp.HCM, dự án Nhà ở xã hội Công an TP.HCM tại Tp.HCM.

Về mảng du lịch của tập đoàn này hiện được quản lý bởi CTCP Du lịch và dịch vụ Minh Hải tại Cà Mau, được thành lập khá sớm từ năm 1990 và hiện đang nằm dưới sự điều hành của Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Ngọc Mai - cô con gái cưng của ông Cường.

Huyền Trân (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn