Đại gia chi cả trăm triệu đồng "giải hạn"

Thời sựThứ Tư, 03/03/2010 02:05:00 +07:00

(VTC News) - Với mong muốn đuổi "sao xấu" để năm mới "xui giảm may tăng", người dân không ngần ngại chi tiền, thậm chí có người chi đến trăm triệu để giải hạn.

(VTC News) - Với mong muốn đuổi "sao xấu" để cả năm mới "xui giảm may tăng", người dân không ngần ngại bỏ tiền, thậm chí có người chi đến trăm triệu nhằm giải hạn đầu năm.

Đổ xô đến chùa mong "đuổi sao xấu"

Đền chùa là điểm đến cầu an giải hạn của rất nhiều người (Ảnh: D.Trần)

Chị Đ.H.Thu (phố Chùa Láng, Đống Đa) vốn có "thâm niên" gần chục năm làm lễ giải hạn đầu năm và cầu bình an cho cả nhà. Năm nay cũng vậy, chị vẫn chọn ngôi chùa nhỏ quen thuộc nằm trên phố trung tâm Trần Bình Trọng - nơi chị không phải chen chúc, vất vả đi đăng ký ngay từ cuối năm 2009 để "lọt" được vào danh sách làm lễ giải hạn vào đầu năm 2010 như ở một số ngôi chùa lớn tại Hà Nội.

Thường thì những người "thâm niên" như chị Thu đều nắm rất rõ những sao xấu, sao đẹp nào "chiếu mệnh" mình để nhờ nhà chùa làm lễ giải hạn. Chị Hiền cho biết, người ta vẫn nói ''nam La Hầu - nữ Kế Đô" hay "Thái Bạch mất sạch cửa nhà"... là chỉ những sao xấu, những ai bị những sao này chiếu mệnh thường lo lắng sẽ gặp xui xẻo, bệnh tật, làm ăn thất bát... Ngược lại, nếu có những sao chiếu mệnh như Vân Hớn, Mộc Tú, Thái Dương, Thủy Diệu, Mộc Đức, Thái Âm, Thổ Tú... thì năm mới vận mệnh sẽ tốt, có sức khỏe, may mắn, tốt lành.

Chị Thu chi 160.000 đồng nhờ nhà chùa lo giúp lễ dâng sao giải hạn và cầu bình an cho chị và gia đình trong năm mới. Chị hài lòng khi các thủ tục từ đăng ký giải hạn, viết sớ với đầy đủ tên tuổi từng thành viên trong gia đình, chuẩn bị lễ hoa quả, xôi gà, vàng hương... đều được nhà chùa giúp đỡ chu đáo để "ra Giêng" chỉ việc đến chùa làm lễ.

Lễ giải hạn cầu bình an của chị Thu cùng làm với 30-40 người khác, ngồi kín cả khuôn viên chùa. Mọi người đều kiên trì nghe tụng kinh, đọc sớ từng người, từng gia đình để cúng giải hạn, cúng chúng sinh, nhận lộc... Lễ kéo dài từ 7 giờ đến 10 giờ sáng. Sau đó, mọi người ra về hoan hỉ, yên tâm đón một năm mới tai qua nạn khỏi, may mắn, bình an.

Rất nhiều ngôi chùa tại Hà Nội thời điểm ''ra Giêng'' đều bận rộn với việc tổ chức các lễ dâng sao, lễ giải sao, lễ cầu an cho người dân. Tấp nập nhất có thể thấy tại chùa Phúc Khánh, nơi mà tình trạng người dân tràn từ chùa ra đường không còn xa lạ; hay chùa Quán Thánh với hàng trăm người tham gia các lễ giải hạn. Dịp đầu năm, một số đền như Đầm Sen (Định Công), đền Sét (Trương Định), đến Tảo Phách (Đội Cấn)... cũng là điểm đến làm lễ giải hạn cầu an, cầu được che chở của rất nhiều người dân trong dịp đầu năm mới.

Không chỉ có chị Thu, gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Dung (Kim Giang, Thanh Xuân) cũng chọn lễ giải hạn cầu an tại chùa cùng nhiều người khác, chị Dung quan niệm, khi cuộc sống ngày càng được nâng cao thì mọi người càng chú trọng đến lễ chùa nhiều hơn, vừa là yếu tố tâm linh và cũng là để cho lòng được thanh thản, yên tâm vì cửa Phật từ bi hỉ xả cứu độ chúng sinh, mà số tiền bỏ ra làm lễ giải hạn cầu an cũng không lớn, cảm thấy không mất gì mà được rất nhiều.

Bác Tường (KTT Thanh Xuân), người thường xuyên làm lễ giải hạn đầu năm tại chùa Phùng Khoang cho biết, tại chùa này chỉ với 60.000 đồng cho lễ giải sao và 100.000 đồng cầu bình an cho cả nhà là bác đã đón năm mới với tâm trạng rất thanh thản rồi.

Bác Tường nhận định, làm lễ giải hạn không phải vì sùng bái thành mê tín dị đoan, không phải đổ tiền to mới là thành tâm mà đây chỉ là thủ tục tượng trưng, cậy nhờ nhà chùa làm lễ giúp giảm bớt hạn đi chứ không phải là hoàn toàn mất hạn được. Đổi lại, tư tưởng của người được giải hạn thoải mái, yên tâm hơn khi được nương tựa cửa thiền, sống cũng không lo âu.

Bạc triệu có "mua" được bình an?

Những gia chủ càng mạnh chi thì lễ vật càng "ngồn ngộn" (Ảnh: D.Trần)

Vẫn bằng "thâm niên" giải hạn đầu năm suốt 7 năm qua, chị Thu (phố Chùa Láng) cũng cho biết, cùng là tâm nguyện giải hạn đầu năm nhưng không phải ai cũng lựa chọn lên chùa làm lễ, những người điều kiện kinh tế khá giả, những ''đại gia'' lắm tiền nhiều của lại chọn một cách thức giải hạn tương xứng hơn làm lễ riêng, lập đàn riêng giải hạn.

Một người bạn của chị Thu từng lập đàn giải hạn riêng với chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng, có sớ viết riêng, chất đầy đồ mã từ cổ chí kim như thuyền rồng, nhà táng, ngựa xe, kiệu lọng... cùng với ô tô, nhà lầu và các vật dụng tối tân hiện đại khác. Cùng với đó là cỗ cúng cầu kỳ với thịt, xôi, oản, hoa quả, bánh trái, lợn quay, lợn luộc cả con, rất nhiều gà, cá... Nhưng nhiều hơn hẳn là số lượng hàng mã cúng giải hạn. Hàng mã to như thật, tiền các loại, cùng với đủ các sớ và tờ trình dâng lên các bậc thần thánh viết rất cầu kỳ, nào là sớ cầu cho buôn bán được phát tài, sớ cầu tránh tai qua nạn khỏi, cầu thăng tiến trong công việc...

Cũng theo chị Thu, các lễ giải hạn lớn đều mời các nhà sư cùng với ông thầy "cao tay" đến làm lễ. Buổi lễ diễn ra với trình tự cúng bái nghiêm ngặt, với các màn đọc nội dung thỉnh cầu các thần thánh, nêu tên tuổi địa chỉ gia chủ, lý do lập đàn giải hạn; rồi đọc nội dung các tờ sớ; rồi múa, bắt quyết; rồi hóa mã...

Là người được chứng kiến nhiều lễ giải hạn với chi phí bạc triệu, chị Thu kể, hầu hết những người chị biết đều là doanh nhân thành đạt, hay giới buôn bán làm ăn nên khi có ''hạn nặng'' về năm tuổi, sao xấu "chiếu mệnh" đã không ngần ngại bỏ ra cả trăm triệu để lập đàn riêng cầu cho ''may tăng rủi bớt''.

Các "đại gia" thường mời thầy về giúp lập đàn, làm lễ giải hạn riêng (Ảnh: D.Trần)

Bà Đ - một "thầy" chuyên làm giải hạn có tiếng tại Ninh Bình cho biết, bà cũng từng làm lễ giải hạn cho nhiều người giàu có tại Hà Nội. Những người này thường làm lễ riêng. Có người năm nào cũng làm giải hạn, bất kể có hạn hay không. Họ cho rằng, tốn kém không đáng bao nhiêu so với số tiền họ làm ra  nhưng cái được rất nhiều, về tâm lý là được yên tâm, thanh thản, về tâm linh là được sám hối.

Theo bà Đ, lễ riêng thường sắm sửa tùy tâm, chi phí bao nhiêu cũng... tùy gia chủ. Có những gia chủ nghe thầy "phán'' thế nào thì làm theo như thế. "Một lễ giải hạn chi phí 1-2 triệu cũng có, nhưng không ít người cũng chi tới 50 triệu, trong đó chiếm tới 1/3, có khi là 1/2 chi phí là để mua đồ hàng mã. Đồ mã của những người giàu, những ''đại gia'' thì nhiều, to, đẹp và thật hơn với những con voi, ngựa, những cái thuyền to như thật, những hình nhân thế mạng tinh tế, thậm chí có người mua tới 50 cái mũ hàng mã các loại để làm lễ... Có những lễ giải hạn riêng kéo dài 2 tiếng nhưng cũng có lễ mà tôi được chứng kiến kéo dài tới 3 ngày " - bà Đ cho biết.

Bà Đ cho rằng, những người là lễ giải hạn to như vậy là vì người ta quá giàu, quá thành tâm và thậm chí cũng là do thầy bói... khéo phán nên họ mới tin và bỏ ra số tiền lớn như thế để giải hạn. Có những người nói với bà là số tiền bạc triệu bỏ ra giải hạn đầu năm chả đáng là bao so với số họ ăn nên làm ra, đổi lại họ thấy vững tin, yên ổn làm ăn.

Tuy nhiên, bà Đ cũng nhận định, chỉ cần gia chủ và người làm lễ có tâm tốt thì làm lễ giải hạn ở chùa hay ở nhà riêng cũng đều tốt, bởi mục đích cũng là để được thanh thản hơn.

Như chị Nguyễn Thị Ngọc Dung (Kim Giang) thì chia sẻ: "Làm lễ cũng cần thiết vì mang lại cho mình sự yên tâm và tiếp thêm cho mình nghị lực sống, nhưng không chỉ làm lễ giải hạn để trông chờ sự cứu giúp của các đấng tối cao mà trong cuộc sống hàng ngày mình cần phải sống hướng thiện, làm điều tốt thì chắc chắn sẽ tai qua nạn khỏi".

Trần Vũ

Bình luận
vtcnews.vn