Đại biểu Quốc hội lên tiếng về bạo lực học đường

Thời sựThứ Năm, 28/10/2010 06:48:00 +07:00

(VTC News)- Tình trạng bạo lực học đường, đặc biệt là nữ sinh đánh nhau hiện nay, Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội nhấn mạnh đến vai trò của gia đình, nhà trường.

(VTC News) – Về tình trạng bạo lực hoạc đường, đặc biệt là nữ sinh đánh nhau, Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh đến vai trò của gia đình và nhà trường.

Bày tỏ suy nghĩ của mình về thực trạng bạo lực học đường, đặc biệt là việc nữ sinh đánh nhau - bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, truyền thống châu Á thì thường phụ nữ cũng là người dịu dàng, ít bạo lực, những trường hợp bạo lực gia đình diễn ra là đàn ông đánh vợ hoặc đánh con cái là chính, nhưng bây giờ nữ sinh đánh nhau thì xã hội cũng cảm thấy rất nhức nhối! Bà Mai chia sẻ một số giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường đáng báo động này.

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (Ảnh: D.Trần) 
- Thưa bà, bà có suy nghĩ gì trưc tình trạng các vụ nữ sinh đánh nhau gây nhức nhối dư luận hiện nay?

Thực ra cũng phải đánh giá cho đầy đủ về nguyên nhân tại sao gần đây rộ lên các vụ bạo lực trong học đường mà trong đó có quan tâm nữa lại là nữ sinh: Một đất nước như chúng ta, truyền thống châu Á thì thường phụ nữ cũng là người dịu dàng, ít bạo lực, những trường hợp bạo lực gia đình diễn ra là đàn ông đánh vợ hoặc đánh con cái là chính, nhưng bây giờ nữ sinh đánh nhau thì tôi nghĩ xã hội cũng cảm thấy rất là nhức nhối.

Gần đây các báo cáo trình Quốc hội thì tội phạm xuất phát từ nguyên nhân xã hội đang gia tăng cũng không riêng vấn đề nữ sinh bạo lực. Ví dụ, người thân trong xã hội hại nhau, đánh nhau. Tôi nghĩ, tất cả những vấn đề này đòi hỏi một phân tích nguyên nhân rất sâu sắc mới có giải pháp được.

Tôi ví dụ, có những vấn đề xuất phát từ nguyên nhân gia đình, các cháu sống trong hoàn cảnh gia đình nào đó có thể bị ức chế, áp lực thì cũng xảy ra những chuyện bạo lực với nhau; cũng có những nguyên nhân xuất phát từ trong quan hệ trong nhà trường hoặc là từ phim ảnh, từ những nguyên nhân xã hội khác… Tôi thấy chúng ta đang phân tích nguyên nhân nhưng chúng ta chưa đi đến tận cùng.

- Việc hiện nay có nhiều nữ sinh bạo hành liệu có phản ảnh bức tranh bên ngoài xã hội, bạo lực đang gia tăng không, theo bà?

Tôi cũng chưa có điều kiện phân tích sâu, nhưng tôi nghĩ nó cũng liên quan với nhau. Vấn đề xã hội không thể không tác động đến nhà trường và những hình ảnh, những phản ứng như thế cũng có phần nào ảnh hưởng từ xã hội.

- Nhà trường và các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý các vụ việc nhưng nó không có sức răn đe và các vụ việc vẫn tiếp tục diễn ra, bà thấy thế nào?

Những vấn đề chúng ta đang giải quyết hiện nay là giải quyết ngọn, tức là vụ việc xảy ra, rơi vào em nào thì ta xử lý đối với em đó, thậm chí chúng ta xử lý rất nặng để răn đe, nhưng chúng ta lại quên mất một điều: các em vẫn còn ở tuổi học sinh, tuổi vị thành niên, nếu chỉ giải quyết với các vấn đề đang xảy ra thôi thì không thể ngăn chặn hay hạn chế được cơ bản các vấn đề đang diễn ra.

Tôi thấy rằng, gia đình, học đường vẫn là nguồn gốc rất quan trọng đối với các em. Tại gia đình, cha mẹ dù bận trăm công nghìn việc, dù cuộc sống bức bách đến đâu có lẽ cũng nên dành một phần thời gian cho con cái mình, theo dõi, tâm sự, chia sẻ với các cháu để xem các cháu có những vấn đề gì và cha mẹ cũng góp phần giải tỏa cho các cháu. Còn tại nhà trường, các thầy cô giáo, các giáo viên cũng phải tăng cường tham gia cùng với các em và tạo nên cuộc sống lành mạnh hơn.

Tôi đang suy nghĩ không biết các em thiếu nhu cầu gì hay là có những vấn đề gì xã hội chúng ta chưa đáp ứng, chưa theo kịp mà để xảy ra hiện tượng tuy không nhiều nhưng diễn ra ở một bộ phận và gần đây diễn ra liên tục như thế? Tôi thấy rằng, xã hội cũng là vấn đề nhưng nếu nói xã hội thì quá rộng, xã hội cũng phải có những vấn đề thuộc về đạo lý, dư luận để lên tiếng, cũng có pháp luật để quản lý và cũng phải tăng cường hoạt động cơ quan nhà nước - nhưng tôi vẫn quay trở lại vai trò và trách nhiệm của gia đình và nhà trường.

- Về các sự vụ hành hung tập thể được đăng tải, cho thấy nhiều người khác đứng xung quanh thản nhiên, thậm chí cổ vũ, quay clip – bà thấy hành động này thế nào?

Tôi xin nói thái độ thờ ơ hoặc thái độ vô tâm là một trong những  thái độ mà xã hội chúng ta gần đây có phản ảnh là rất lo ngại.

Các cháu không tham gia vào bạo lực nhưng thản nhiên nhìn hành vi bạo lực, thâm chí còn xem đó là một trò vui giải trí - tôi vẫn thấy gia đình, nhà trường cần phải tăng cường sự quan tâm với các cháu nhiều hơn.

Có lẽ chúng ta lấy những cái xử lý căng thẳng, áp đặt mang tính chất hành chính vào các cháu thì cũng chỉ một phần nào để răn đe thôi, còn đối với các cháu tuổi vị thành niên, một tình cảm, một sự quan tâm thực sự, một sự chia sẻ, gần gũi thì có lẽ có hiệu quả tốt hơn.

Những vấn đề trong chương trình giáo dục của mình là cái rất lâu dài cần phải dành sự quan tâm hơn. Lúc tôi bé tôi học giáo dục công dân thì những bài học đó với tôi rất là thấm thía. Ví dụ, ra đường nghe bài hát quốc ca, đứng thật nghiêm để chào cờ, thấy đám tang thì ngả mũ… Những việc đó ngày xưa tại sao mình có thể giáo dục được, còn bây giờ cuộc sống có thể khác nhưng tôi nghĩ giáo dục công dân thế nào, việc lựa chọn những vấn đề cách thức giảng dạy như thế nào thì có tác dụng quan trọng với các cháu?!

- Bà có xem clip nào về bạo lực của nữ sinh và bà có ý kiến gì về những hình ảnh trong đó?

Tôi có xem. Thực ra lúc làm luật Trẻ em, những điều cấm trẻ em thì các đại biểu cũng thảo luận việc cấm trẻ em đánh nhau. Nhưng lúc đó rất nhiều đại biểu Quốc hội cũng trao đổi và thấy rằng, đối với Việt Nam trẻ em trong môi trường xích mích cũng là bình thường, mình có đưa ra thì cũng chẳng có chế tài xử lý. Nhưng với những hành vi như vừa rồi thì tôi lại thấy nó nghiêm trọng.

- Còn hành vi tung các clip đó lên thì sao, thưa bà?

Tôi nghĩ các nhà trường phải đưa ra các quy định nghiêm cấm học sinh, sinh viên có hành vi này. Còn các cháu nào vi phạm phải có hình thức xử lý với các cháu.

Một mặt chúng ta phải xử lý bằng một phương thức giáo dục, một cách thức giáo dục đúng mức đối với tuổi vị thành niên, mặt thứ hai cũng có những hình thức răn đe nhất định nào đó. Các em cứ đưa lên một cách vô tư, không ai ngăn cản, xử lý gì thì các em  vẫn tiếp tục vô tư đưa lên mà không ý thức được có khi cái đó làm hại cả đời bạn mình.

- Theo bà có đưa những em này vào trại giáo dưỡng?

Biện pháp đó là biện pháp cuối cùng. Các cháu sợ để làm gì, để  không làm nữa?! - thay vì như vậy mình nên giáo dục  các cháu, nên tìm hiểu nguyên nhân. Rất khó khăn đấy! Nhưng chỉ trừ các trường hợp quá nghiêm trọng thì mới đi trường giáo dưỡng, nếu cứ mỗi trẻ em vi phạm đều tìm biện pháp cao nhất để đối xử với nó thì có khi mình làm cản trở luôn cuộc đời của nó.

- Nhưng rõ ràng chưa có biện pháp mạnh để chấm dứt những hành vi bạo lực của các em?

Thì vẫn phải có hai hướng: xảy ra hậu quả vẫn phải xử lý với những em tham gia trực tiếp - nhưng bên cạnh đó, cái chung cho các em vẫn là tăng cường giáo dục, thay đổi cách thức giáo dục.

Từng gia đình không quan tâm con mình, nhà trường sao quan tâm nổi. Hàng ngàn cháu tới một ngôi trường như thế, rồi từng giáo viên họ cũng có cuộc sống của họ, họ cũng có gia đình, họ cũng có con của họ. Trách nhiệm của họ cũng quan trọng nhưng gia đình nếu không có sự quan tâm đồng bộ thì nhà trường cũng rất khó khăn.

- Cảm ơn những ý kiến của bà!

Trần Lê (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn