Đại biểu Quốc hội: 'Chúng ta sử dụng ngân sách tùy tiện'

Thời sựThứ Tư, 26/11/2014 07:38:00 +07:00

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội cho rằng đang có tình trạng sử dụng ngân sách tùy tiện khiến cho việc sử dụng tiền đóng thuế của nhân dân không hiệu quả.

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội cho rằng đang có tình trạng sử dụng ngân sách một cách tùy tiện khiến cho việc sử dụng tiền đóng thuế của nhân dân không hiệu quả.

Chiều 25/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi).

Góp ý cho dự thảo luật, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng việc sửa đổi Luật ngân sách hiện nay là cần thiết để khắc phục những bất cập của luật ngân sách hiện hành.
đại biểu Trần Du Lịch
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) 

Cùng với các Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư công, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Ngân sách nằm trong nhóm các luật pháp liên quan đến thể chế tài chính công. Trong đó Luật Ngân sách nhà nước đóng vai trò chủ đạo để cải cách nền tài chính công.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Du Lịch cũng chỉ ra nhiều tồn tại trong việc sử dụng và quản lý ngân sách hiện nay.

Luật Ngân sách hiện hành đã duy trì lồng ghép ngân sách trung ương và địa phương trong một thời gian dài. Vì vậy, hệ quả của việc này là tạo ra sự không minh bạch giữa ngân sách trung ương và địa phương, tạo ra cơ chế xin - cho tồn tại lâu nay.

Ông Lịch nhấn mạnh trong vấn đề kỷ luật ngân sách tồn tại nhiều bất cập.

“Nói nôm na, ngân sách Việt Nam là ngân sách mềm. Ngân sách mềm đến mức độ tùy tiện. Hiện nay, tồn tại quá nhiều quỹ ghi thu chi, thu vượt thì chi vượt, có khoản cho ai vay không biết nhưng trả nợ thì trình Quốc hội. Chúng ta sử dụng ngân sách mềm đến mức thiếu kỷ cương. Chúng ta sử dụng tiền thuế của dân không hiệu quả”, đại biểu Trần Du Lịch nói.

Bên cạnh đó, với Luật ngân sách hiện hành, các địa phương không có tính tự chủ.

 

Ngân sách Việt Nam là ngân sách mềm. Ngân sách mềm đến mức độ tùy tiện.
Đại biểu Trần Du Lịch
 
“Địa phương không biết cái gì của mình, Hội đồng Nhân dân không biết quyết gì và chủ yếu quyết cái người ta đã quyết. Không khai thác nguồn thu và sử dụng hiệu quả chi”, đại biểu Trần Du Lịch nhận định.

Ngoài ra, bất cập trong việc thụ động thiết lập, kiểm soát ngân sách.

“Có thể giải quyết được những tồn tại đã nêu nhưng vấn đề là chúng ta muốn cải cách hay không. Chính phủ đã cố gắng cải tiến 4 vấn đề đó nhưng để đổi mới mạnh mẽ thì chưa đạt yêu cầu”, đại biểu Trần Du Lịch nói.

Ông Lịch cho rằng cần phải minh bạch các điều khoản của ngân sách Trung ương và địa phương.

“Cái gì của địa phương thì Hội đồng nhân dân quyết và chịu trách nhiệm, cái gì của Trung ương thì Quốc hội chịu trách nhiệm.  Đây là cơ chế trách nhiệm giám sát”.

Trước ý kiến của một số đại biểu cho rằng nên bỏ nghị quyết về ngân sách và thay bằng luật ngân sách hàng năm, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng vẫn thông qua ngân sách hàng năm là nghị quyết nhưng thành 2 bước.

“Bước 1, kỳ giữa năm, Quốc hội thảo luận phần phân bổ ngân sách, minh bạch. Sau khi đó Chính phủ cùng Ủy ban tài chính ngân sách phân bổ vào đúng khuôn mẫu mà Quốc hội quyết.

Bước 2, vào kỳ cuối năm, Quốc hội nhìn khuôn mẫu đó, nếu đúng thì thông qua, cái nào không đúng thì "bốc" ra ngoài. Nếu cần tăng chi thì cần có dự toán”, đại biểu Trần Du Lịch đề xuất.

Ông Lịch cho rằng khi thực hiện đầy đủ các bước nêu trên sẽ thể hiện tính minh bạch, rõ ràng, khuyến khích các địa phương nâng phần chủ động tăng thu ngân sách.

Cũng có cùng quan điểm này, đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng hiện tại kỷ luật tài chính còn chưa nghiêm, vẫn còn sử dụng kém hiệu quả dẫn tới việc lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước.

“Vì vậy, đề nghị Quốc hội ban hành Luật ngân sách thường niên thay cho Nghị quyết ngân sách hàng năm, để nâng cao tính pháp lý và tăng kỷ luật tài chính”, đại biểu Bùi Đức Thụ nêu quan điểm.

đại biểu Trương Trọng Nghĩa
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) 

Bên cạnh đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đưa ra ý kiến có nhiều tình trạng làm tăng yêu cầu ngân sách mà Quốc hội không kiểm soát được.

Ông Nghĩa lấy ví dụ hàng năm số lượng các huyện tăng, đòi hỏi thành lập các xã mới từ đó phải tăng ngân sách cho bộ máy.

Vị đại biểu của TP.HCM cho rằng ngay ở các nước giàu có, phát triển, ngân sách nhà nước không thể đáp ứng hết được tất cả yêu cầu của các địa phương.

“Đề nghị kiểm soát hiện tượng làm tăng nhu cầu ngân sách. Trong đó có việc tăng đơn vị hành chính, từ đó tăng bộ máy làm việc dẫn tới tăng ngân sách”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn