Đại biểu kỳ vọng tân Thống đốc trẻ nhất lịch sử 'nói được làm được' như ông Đinh La Thăng

Kinh tếChủ Nhật, 10/04/2016 11:11:00 +07:00

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch kỳ vọng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trẻ tuổi nhất lịch sử sẽ "nói được làm được" như ông Đinh La Thăng.

(VTC News) - Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch kỳ vọng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trẻ tuổi nhất lịch sử sẽ "nói được làm được" như ông Đinh La Thăng.

Trong ngày 9/4, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua danh sách 21 thành viên mới của Chính phủ. Một trong những gương mặt được chú ý là ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trẻ nhất lịch sử Việt Nam.

Ngay sau thời điểm các gương mặt mới nhậm chức, Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đã chia sẻ với VTC News về những thách thức của tân Thống đốc. Ông Trần Du Lịch cũng đặt nhiều kỳ vọng vào Thống đốc 7X đầu tiên của Việt Nam.
Ông Trần Du lịch - đại biểu đoàn TP.HCM
Ông Trần Du Lịch - Đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM 

- Tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ đối mặt với những thách thức nào, thưa ông?

Tân thống đốc Lê Minh Hưng sẽ có một sự thuận lợi hơn so với các thống đốc tiền nhiệm bởi tình hình hệ thống ngân hàng từ năm 2016 này cũng có được sự thuận lợi hơn rất nhiều so với các năm trước.

Tuy nhiên, dù đang trong quá trình cải thiện hơn nhưng vẫn có một số những thách thức có thể thấy trước mắt.

Như vấn đề về nợ xấu, hiện nợ xấu đã bắt đầu gom lại được, nhưng bước tiếp theo phải xử lý như thế nào cần phải được thống đốc kiên trì, tính toán kỹ lưỡng.

Tiếp đó là chính sách lãi suất cũng như tỷ giá hối đoái cũng đã ở mức linh hoạt, nhưng cần phải linh hoạt hơn nữa trong điều kiện thị trường.
Tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng
Đặc biệt dưới áp lực tăng lãi suất thì rất cần phải nỗ lực để không tăng lãi suất lên mà vẫn phải xử lý, đưa ra một mức lãi suất linh hoạt và phù hợp với điều kiện xuất khẩu. Ví dụ như phải tính toán sao cho có lợi hơn đối với những loại hàng hóa có tỷ lệ nội địa hóa cao, như sản phẩm nông nghiệp chẳng hạn.

Đó chính là những thách thức đặt ra đối với vị Thống đốc trẻ.

 

Tôi rất hoan nghênh tấm gương Bộ trưởng Bộ Giao thông, và tôi tin cũng như hy vọng rằng Ngân hàng Nhà nước cũng làm được như vậy.
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch
- Vấn đề nào tân Thống đốc cần đưa ra giải pháp mạnh dạn hơn?

Những vấn đề cần phải đưa ra những giải pháp mạnh dạn hơn hiện nay, tôi có thể ví dụ, như vấn đề mua bán tài sản, thị trường phát điện, thị trường mua bán nợ lại là những vấn đề nằm ngoài ngành ngân hàng.

Và Ngân hàng Nhà nước cũng không thể gánh vác được hết những vấn đề nằm ngoài lĩnh vực của mình.

- Khi ông Đinh La Thăng nhậm chức Bộ trưởng Bộ GT-VT, ông có nói là "cho trưởng ngành chúng tôi quyền tự quyết". Vậy theo ông, để giải quyết những thách thức trên, có nên cho tân Thống đốc một quyền tự quyết nhất định?

Bí thư Đinh La Thăng có nói là "tự quyết" nhưng tự quyết ở đây vẫn phải nằm trong khuôn khổ luật cho phép và những nghị định tổ chức bộ đó.

Và tất nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng thế, trong khuôn khổ, chức năng và quyền hạn của ngân hàng nhà nước, có cả luật ngân hàng quy định thì tôi cho rằng, thống đốc sẽ làm hết quyền của mình là đã tốt.

Tôi thấy rằng vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông nói thế nào cũng đã làm được như thế, cũng đã được dư luận ủng hộ mà tất nhiên, tất cả những việc làm đó của ông đều nằm trong những quyền hạn đã được Nhà nước, Chính phủ quy định.

Ví dụ như đi "trảm" tướng là quyền của ông, đó là những việc làm rất cụ thể, song vẫn đảm bảo nằm trong mức quyền hạn cho phép.

Do đó mới nói, làm hết được quyền của mình đã là tốt, quan trọng có đủ bản lĩnh để làm hết hay không thôi. Tôi rất hoan nghênh tấm gương Bộ trưởng Bộ Giao thông, và tôi tin cũng như hy vọng rằng Ngân hàng Nhà nước cũng làm được như vậy, trong quyền hạn của mình.

- Là Thống đốc trẻ nhất trong lịch sử, đó có phải là lợi thế của ông Lê Minh Hưng không thưa ông? 

Sức trẻ rất có lợi, trước hết là về mặt tư duy, tư duy trẻ là một điều rất thuận lợi. Tuy nhiên vẫn cần có thêm hai cái tốt nữa, là cái tốt về mặt kế thừa và cái tốt về mặt năng động.

Tôi thấy rằng Thống đốc mới còn rất trẻ, tuy nhiên đã có nhiều kinh nghiệm hoạt động về lĩnh vực ngân hàng trong một thời gian dài.

Tôi hy vọng là anh Hưng sẽ dốc hết sức mình để tiếp tục thực hiện những điều mà anh Bình còn đang làm dang dở, như về tái cơ cấu ngân hàng, giải quyết nợ xấu và tiếp tục đưa ra được những chính sách phù hợp hơn nữa.

Tất nhiên những chính sách lớn sẽ cần tới quyết định của Chính phủ, vì Chính phủ điều hành các nghị quyết rồi. Nên cái cần mà Thống đốc cần làm được ở đây, đó là sự linh hoạt khi xử lý các vấn đề trong các tình huống, các điều kiện khác nhau. Và tôi tin anh Hưng sẽ làm được điều này.

Video: 21 thành viên Chính phủ ra mắt Quốc hội

- Thời gian qua, tăng lãi suất là vấn đề lớn của ngành ngân hàng, theo ông, tân Thống đốc có xử lý được vấn đề này không?

Vấn đề lãi suất là dựa trên mối quan hệ cung cầu, rất khó để giả định được, nhưng tôi luôn hy vọng là sẽ không tăng lãi suất trong thời gian tới, còn tân Thống đốc có làm được hay không thì đó lại là chuyện khác.

Tuy nhiên tôi cho rằng việc này sẽ rất khó, lý do là bởi chừng nào mà thị trường tài chính Việt Nam phát triển đồng bộ, tức là thị trường tiền tệ thông qua ngân hàng thương mại, thị trường chứng khoán và thị trường vốn phát triển hài hòa thì lúc đó mới giảm được áp lực tới tín dụng trung hạn của ngân hàng thương mại, từ đó mới có thuận lợi để không tăng lãi suất.

Việc ngân hàng thương mại phải lo ngắn hạn, trung hạn, dài hạn cho doanh nghiệp, lại vừa lo trái phiếu chính phủ thì đó chính là khó khăn lớn nhất. Tuy nhiên Ngân hàng trung ương trong nhiệm kỳ vừa rồi đã giải quyết được hai gánh nặng, theo tôi đó là thành quả rất lớn và đã góp phần làm giảm được áp lực trong thời gian tới.

- Ông đánh giá thế nào về những thành viên Chính phủ được bầu lần này?


Tôi rất hoan nghênh về danh sách đề cử các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng nhiệm kỳ lần này, bởi cho thấy có một sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng cũng như thể hiện sự kế thừa, có quy hoạch từ trước, do đây đều là những người đã giữ chức cấp phó rồi được bầu lên cấp trưởng.

Ví dụ như Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường, đều là những đồng chí rất trẻ nhưng được quy hoạch từ trước. Từ đó những đồng chí này sẽ có được sự chắc chắn ngay từ đầu nhiệm kỳ, để anh có thể thực hiện hết nhiệm vụ của mình trong kế hoạch 5 năm đến năm 2020.

- Xin cám ơn ông!

Nhóm PV Quốc hội (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn