Đại biểu kiêm nhiều vai không khác gì 'vừa đá bóng, vừa thổi còi'

Thời sựThứ Hai, 01/06/2015 07:50:00 +07:00

Việc các đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) kiêm nhiệm quá nhiều không khác gì "vừa đá bóng, vừa thổi còi" khiến hoạt động của HĐND chỉ là hình thức.

(VTC News) - Việc các đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) kiêm nhiệm quá nhiều không khác gì "vừa đá bóng, vừa thổi còi" khiến hoạt động của HĐND chỉ là hình thức.

Chiều 1/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Đa số ý kiến đánh giá cao việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và tán thành với các quy định của dự thảo Luật về phạm vi điều chỉnh, đơn vị hành chính và chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra thực trạng đại biểu HĐND kiêm nhiệm quá nhiều, nhất là kiêm nhiệm bên khối chính quyền dẫn đến tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" khiến hoạt động của HĐND hình thức.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng).
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, hiện nay, mỗi cử tri ở nước ta có 4 cấp đại biểu dân cử từ xã, phường đến Quốc hội đại diện cho mình. Nhưng xem ra quyền lợi của cử tri, đặc biệt các nguyện vọng chính đáng, bức xúc của họ vẫn chưa được phản ánh kịp thời và đầy đủ, việc thực hiện quyền làm chủ còn nặng tính hình thức.


Theo ông, cần quy định trong luật tỉ lệ ít nhất 30% đại biểu chuyên trách cấp tỉnh, 20% cấp huyện, 15% cấp xã đồng thời quy định hạn chế thấp nhất số lượng Đại biểu HĐND đồng thời là lãnh đạo hoặc cán bộ công chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND, tăng cường số lượng đại biểu HĐND thuộc khối Đảng, tổ chức đoàn thể xã hội.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định), việc tăng cán bộ chuyên trách là cần thiết, góp phần cho HĐND hoạt động thực chất hơn.

“Hiện số lượng thành viên HĐND trong Ban chấp hành ở cấp ủy các địa phương rất hạn chế, nhiều địa phương chỉ dám cơ cấu 1 phó thường trực HĐND vào cấp ủy. Tôi kiến nghị nên tăng lên 2 cán bộ HĐND tham gia cấp ủy.

 

Nếu chúng ta bố trí cán bộ HĐND trong cấp ủy thiếu tương xứng với vị trí chính trị của HĐND thì HĐND sẽ rất khó phát huy đầy đủ vai trò là cơ quan đại diện quyền lực nhà nước ở địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy
 
Nếu chúng ta bố trí cán bộ HĐND trong cấp ủy thiếu tương xứng với vị trí chính trị của HĐND thì HĐND sẽ rất khó phát huy đầy đủ vai trò là cơ quan đại diện quyền lực nhà nước ở địa phương”, đại biểu Thụy nói.


Tuy nhiên, một mâu thuẫn được đại biểu Huỳnh Nghĩa chỉ ra là luật điều chỉnh theo hướng tăng lượng ĐBQH chuyên trách nhưng trong dự thảo, số lượng đại biểu HĐND chuyên trách không thay đổi.

Vấn đề thực quyền của địa phương cũng được nhiều ý kiến đại biểu quan tâm đề cập đến. Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, hiện nay, quyền hạn của chính quyền địa phương đang được quy định trong nhiều luật nhưng lại rất khó xác định nội hàm phân cấp, phân quyền.

Chính vì vậy, việc phân quyền, phân cấp trong luật vẫn chưa rõ về nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện, dẫn tới lẫn lộn giữa phân cấp và phân quyền, cấp trên dồn việc cho cấp dưới, khó xác định trách nhiệm của từng cấp, từng ngành.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho biết cần phải trao thêm quyền cho hội đồng nhân dân. Theo ông Vinh, hiện nay hội đồng nhân dân các cấp hoạt động mang tính hình thức không phải do đại biểu yếu kém mà do chưa được trao các công cụ đủ mạnh.

Theo đại biểu Vinh, Luật cần có quy định về các nghị quyết của HĐND, nghị quyết giám sát của HĐND là bắt buộc thực hiện, xác định rõ cơ chế chịu trách nhiệm trong thực hiện nghị quyết HĐND.

Đại biểu này cũng đề nghị, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban và ít nhất 1 phó ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện phải là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách. Ở cấp xã, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.

Đại biểu Dương Hoàng Hương thì tỏ ra không đồng tình với quy định mỗi huyện chỉ có hai phó chủ tịch. Bởi lẽ thực tế hiện nay, nhiều huyện diện tích rất rộng, dân số đông, tình hình xã hội phức tạp nên việc quy định chỉ có hai phó chủ tịch rất khó quán xuyến hết công việc.

Đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) cũng cho rằng, nếu tỉnh nào có diện tích rộng, dân số đông, tình hình biên giới phức tạp thì cần tăng thêm một phó chủ tịch UBND tỉnh.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn