Đại biểu không nêu ý kiến, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phân trần

Thời sựThứ Tư, 10/06/2015 08:00:00 +07:00

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã phân trần về việc đại biểu không thấy phát biểu trong buổi họp sáng 9/6.

(VTC News) - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã phân trần về việc đại biểu không phát biểu trong buổi họp sáng 9/6.

Sáng 9/6, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã tuyên bố kết thúc buổi họp Quốc hội sớm hơn 2 tiếng so với dự kiến. Lý do là không có đại biểu bấm nút để tham gia ý kiến thảo luận về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016.
Quốc hội nghỉ sớm
Đại biểu không phát biểu ý kiến, Quốc hội nghỉ sớm sáng 9/6 
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 9/6, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đây là lần đầu tiên việc trình xin ý kiến đại biểu về nội dung giám sát đạt sự đồng tình rất cao.

Điều này cho thấy công tác chuẩn bị rất kỹ, đại biểu thấy thấu đáo và hợp lý nên không thảo luận.

"Nếu đại biểu không có ý kiến gì mà cứ bắt họ phát biểu nọ kia thì rất là nhàm. Họ đồng ý phương án nào trong hai nội dung giám sát, nông thôn mới hay công nghiệp phụ trợ, sẽ được thể hiện bằng phiếu. Phương án nào có tỉ lệ chọn cao sẽ được đưa vào dự thảo nghị quyết để đại biểu biểu quyết", ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi với báo chí chiều 9/6 (Ảnh: Phạm Thịnh)
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi với báo chí chiều 9/6 (Ảnh: Phạm Thịnh)  
Ông Phúc cũng cho biết, trước đó đã gửi gửi phiếu xin ý và có 53 đoàn gửi đề nghị với 180 nội dung. Sau khi đối chiếu với những nội dung giám sát tại khóa XII và từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII, Ban Thư ký kỳ họp khoanh lại 2 nội dung trên.


Thường một năm Quốc hội thực hiện giám sát tối cao 2 nội dung nhưng năm 2016 có rất nhiều việc như Đại hội Đảng các cấp, bầu cử nên chỉ tiến hành giám sát một nội dung.

Tuy nhiên, để đảm bảo khách quan, 2 nội dung vẫn được trình ra để đại biểu thảo luận. Tuy nhiên, do đại biểu đồng thuận cao nên sau phiên làm việc hôm nay, công tác gửi phiếu xin ý kiến (có 2 phương án để đại biểu lựa chọn) được tiến hành ngay và nội dung nào có phiếu cao nhất sẽ được chọn để Quốc hội thực hiện giám sát vào năm 2016.

Tuy vậy, nhiều ý kiến cũng đặt vấn đề về chuyện nghỉ họp sớm và đặc biệt là trong các buổi họp ở tổ. Nhiều ý kiến cho rằng gần cuối nhiệm kỳ nên đại biểu lười phát biểu.

Trước nhận định này, vị Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định: “Nói đại biểu lười phát biểu thì không phải. Họ đã nghiên cứu trong cả quá trình từ đầu kỳ họp đến giờ, tiếp xúc các tài liệu, trao đổi với các bộ trưởng, trưởng ngành, vỡ vạc và hiểu ra nhiều, thấy ý kiến của mình đã được giải quyết rồi thì không phát biểu nữa. Họ sẽ phát biểu khi vẫn còn điểm chưa rõ”.

Nhiều ý kiến cho rằng nên tổng kết trong một khóa Quốc hội những đại biểu nào không tham gia phát biểu.

Tuy nhiên, ông Phúc cho rằng đại biểu Quốc hội phát biểu ở trong hay ngoài kỳ họp, trong tổ hay trong đoàn hay tại hội trường đều có giá trị như nhau.

Nhiều đại biểu chọn cách phát biểu ở tổ vì thời gian trên hội trường không được nhiều. Những người chưa được phát biểu thì sẽ gửi lại ý kiến cho đoàn thư ký tổng hợp.

Kết luận phiên họp chiều 9/6, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã phải nhắc các đại biểu có mặt đầy đủ vì trong thời gian tới có nhiều nội dung cần biểu quyết.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn