Đặc sản cam Yên Thành - Chuyện bây giờ mới kể

Kinh tếThứ Ba, 05/04/2016 03:50:00 +07:00

(VTC News) - Đã có rất nhiều bài báo nói về cam Yên Thành, một sản phẩm mới nổi trên thị trường Nghệ An nhưng lại chưa mấy tác giả nhắc đến nguồn gốc xuất xứ.

(VTC News) - Đã có rất nhiều bài báo nói về cam Yên Thành, một sản phẩm mới nổi trên thị trường Nghệ An nhưng lại chưa mấy tác giả nhắc đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm nổi tiếng này.

Yên Thành là vùng đất nữa trung du miền núi, nữa đồng bằng. Kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và chủ đạo là trồng lúa với những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Nhắc đến Yên Thành, ai ai cũng nghĩ ngay là vựa lúa của xứ Nghệ.

Chẳng thế mà dân gian vẫn hay ca rằng “Yên Thành là mẹ là cha; Đói cơm rách áo thì ra Yên Thành”.

Giờ đây, vùng đất “gạo trắng nước trong” ấy không chỉ nổi tiếng về gạo, về khoa bảng… mà nay còn nổi tiếng hơn với thương hiệu cam, đặc sản mới được khám phá trong 10 năm qua với hương vị đặc biệt mà thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này.

 
Khi nói về cam Yên Thành, sẽ là thiếu sót nếu như không nói đến công của ông Trịnh Xuân Giáo (1967) - chủ trang trại cam Thiên Sơn ở xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
 
cam yên thành

Vào năm 2001, tình cờ được người bạn mời ăn thử quả cam của xã Minh Thành, huyện Yên Thành. Ông Giáo đã bàng hoàng khi nhận ra hương vị thơm ngon, độ đậm đà tan chảy của từng múi cam, không hề thua kém quả cam Xã Đoài trứ danh bấy lâu nay.

Bỗng một ý nghĩ lóe lên trong đầu, ông Giáo âm thầm tìm hiểu và thử nghiệm chất đất rất nhiều nơi. Năm 2004, ông đã tìm được mảnh đất ưng ý ở xóm Đồng Trung, xã Đồng Thành, huyện Yên Thành với diện tích 18ha.

 
Qua gần 2 năm khai phá và cải tạo đất từ một khu rừng bạch đàn, ông Giáo đi tới các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn tìm hiểu cách trồng cam và mời ông Nguyễn Hữu Bình, là một người có kinh nghiệm trồng cam trên 35 năm về làm kỹ thuật.

Sau khi khảo sát về khí hậu, thổ nhưỡng thấy đạt yêu cầu, ông Bình quyết định chuyển nhượng toàn bộ số diện tích đất và cam cùng nhà ở tại Quỳ Hợp để về xuôi theo ông Giáo.

 
Hai người đàn ông có chí lớn cùng bắt tay trở thành bạn đồng hành trong suốt nhiều năm trời chỉ để đưa giống cam xuất khẩu từ vùng Phủ Quỳ sinh sôi trên đồng đất Yên Thành.
 
Nhắc đến câu chuyện này, ông Bình chia sẻ: “Nếu không có sự quyết tâm của chú Giáo, chưa chắc tôi đã lập nghiệp nơi đây. Trước khi gặp tôi, chú Giáo đã là một doanh nghiệp thành đạt, đã có xe ô tô hạng sang, nhưng với sự chân thành, thẳng thắn và lòng quyết tâm nên cả hai chúng tôi quyết định hợp tác”.
 
Thời gian đầu, để bớt khó khăn về vốn, ông Giáo mời thêm một người bạn nữa cùng tham gia là ông Phạm Công Hải. Sự hợp tác được 3 ông thỏa thuận là: Ông Giáo có 16 ha đất, ông Hải đầu tư công sức, ông Bình chịu trách nhiệm về kỹ thuật. Lợi nhuận thu được sau khi trừ chi phí sẽ được chia: Ông Giáo 50%, ông Hải và ông Bình, mỗi người 25%.
 
 cam yên thành

Nhận thấy đất tốt, ông Bình vận động người dân địa phương nhượng lại 9 ha để đầu tư trang trại cho riêng mình. Cùng hợp tác với ông Giáo, 9 ha đất của ông Bình liền kề trang trại của ông Giáo cũng được trồng 4.600 gốc cam.
 
Bước đầu khởi nghiệp luôn có những khó khăn nhất định. Do trang trại quá rộng, nhân công ít, chưa có kinh nghiệm bảo vệ nên trang trại cam của ông Bình, ông Giáo bị kẻ xấu vào nhổ trộm cây giống.

Chính quyền và Công an huyện vào cuộc giúp tìm thủ phạm, nhưng hai ông ngăn lại vì “không muốn gây thù, chuốc oán”.

 
Từ mô hình trang trại cam ông Bình và ông Giáo, xã Đồng Thành cũng đã có tới 25 hộ đầu tư trồng cam. Tuy nhiên, theo ông Giáo, cam là loại cây ăn quả khó tính, đòi hỏi rất cao về kỹ thuật chăm sóc nên cần phải tập trung đầu tư về thời gian.
 
Với phương thức minh bạch và gắn kết quyền lợi rất cao, ông Giáo đã kích thích được sự phát triển mạnh mẽ của những người cộng tác.

Bên cạnh đó, ông Giáo cũng rất chịu tìm tòi học hỏi khi kết hợp những chuyến đi Israel và Australia để tìm hiểu các sản phẩm nông nghiệp, đưa những kỹ sư có kinh nghiệm về tập huấn thêm.

 
Phát huy lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, hiện nay nhiều xã vùng đồi ở Yên Thành như: Minh Thành, Đồng Thành, Kim Thành..vv. đã có hàng trăm hộ  trồng Cam, với diện tích trên 100 ha.

Nhờ đúc rút kinh nghiệm và chú trọng áp dụng các tiến bộ KHKT nên chất lượng Cam Yên Thành ngày càng được khẳng định, cho hiệu quả kinh tế cao. Cam Yên Thành  có đặc điểm vỏ mỏng, thơm, vị ngọt đậm đà.

Bình quân mỗi ha đạt từ 14-15 tấn quả, giá bán từ 50.000 - 80.000 đồng /1 kg, dịp Tết nguyên đán giá bán hơn 100 ngàn đồng/kg, được thương lái đến thu mua tận vườn.

 
Hiện nay sản phẩm của trang trại không đủ cung cấp cho thị trường, hàng năm thu về trên 10 tỉ tiền lãi. Được rất nhiều các đoàn từ Trung ương, các Bộ, các tỉnh về tham quan chia sẻ kinh nghiệm. Điều đặc biệt là thay đổi được ý thức của người dân, đã biết chuyển đổi từ mô hình trồng cây sắn,ngô, khoai, lúa sang trồng cam.
 
Ông Giáo cho biết, năm nay và những năm tiếp theo sẽ có cuộc cạnh tranh ngầm giữa thương hiệu các sản phẩm cam trên địa bàn Nghệ An và giữa các chủ trang trại với nhau. Tuy nhiên, với quan điểm và mục tiêu: “Chất lượng sản phẩm tạo nên thương hiệu”, ông tin tưởng rằng, sản phẩm “Cam Yên Thành” sẽ khẳng định được vị trí của mình trên thương trường....
 
Sống ở vùng thời tiết, thiên tai khắc nghiệt của xứ sở miền Trung làm ăn năng động sáng tạo có hiệu quả như ông Trịnh Xuân Giáo phải đáng để cho các doanh nghiệp và công dân khâm phục và noi theo.

Trong khóe mắt của ông Giáo sáng lên ánh nhìn đầy hy vọng về một tương lai tươi sáng của bà con nơi đây: “Chắc chắn một ngày không xa, người dân quê tôi sẽ nhanh chóng thoát nghèo và trở thành những tỉ phú trên chính ruộng lúa của mình bằng cây cam Yên Thành”.

Thương Huyền
Bình luận
vtcnews.vn