Đà Nẵng: Môi trường đầu tư thuận lợi?

Kinh tếChủ Nhật, 12/06/2011 10:49:00 +07:00

(VTC News) – Mặc dù chỉ số PCI đứng đầu cả nước, nhưng Đà Nẵng có đến 7/9 chỉ số tụt giảm, chỉ số về chi phí không chính thức tụt sâu, không mấy cải thiện.

(VTC News) – Mặc dù chỉ số PCI đứng đầu Việt Nam, nhưng Đà Nẵng có đến 7/9 chỉ số tụt giảm so với năm 2009, các chỉ số về chi phí không chính thức, Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất...tụt sâu, thậm chí không cải thiện trong mấy năm qua.

Chân dung “nhà vô địch” và “cú hattrick" chỉ số PCI
Trong khuôn khổ Hội thảo “Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP Đà Nẵng năm 2011”, một loạt các vấn đề đáng quan ngại phía sau danh hiệu nhà “vô địch PCI” của TP Đà Nẵng đã được giới chuyên gia chỉ ra.  Vượt qua 63 tỉnh thành, Đà Nẵng trở thành “nhà vô định” chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2010 với 67,77. Kết quả được các chuyên gia đánh giá cao và ghi nhận khi đây là năm thứ 3, Đà Nẵng giữ vị trí đứng đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh với 72,18 điểm trong năm 2008, 75,96 điểm trong năm 2009 và 69,77 điểm trong năm 2010. 
Ba năm liền vượt qua 63 tỉnh thành trên cả nước, Đà Nẵng trở thành "nhà vô địch" với  chỉ số PCI đứng đầu được xem là có cùng chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất
Với chỉ số đó, Đà Nẵng tiếp tục được các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá là địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất trên cả nước nhờ thực hiện tốt công tác đào tạo lao động, sự đồng hành của lãnh đạo TP trong việc giải quyết kịp thời các vấn đề của doanh nghiệp…được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về chỉ số đào tạo lao động (7,43 điểm xếp thứ nhất), tính minh bạch và tiếp cận thông tin (6,86 điểm đứng thứ 2), tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh (7,42 điểm đứng thứ 4)… 
Đặc biệt, chỉ tiêu Thiết chế pháp lý đã tăng 30 bậc, đứng vị trí thứ 6 trên cả nước; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đừng thứ 9/63 tỉnh thành…đã giúp Đà Nẵng tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu so với các tỉnh thành trên cả nước càng cũng cố và khẳng định định hướng phát triển của TP Đà Nẵng trong tương lai.
Tiến sỹ Hồ Kỳ Minh, Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Đà Nẵng nhận định, với vị trí dẫn đầu về điểm số PCI và đứng thứ tám về cơ sở hạ tầng, Đà Nẵng rõ ràng là địa phương được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì kết quả này, đòi hỏi nhiều nỗ lực của chính quyền TP trong việc khắc phục những nhược điểm còn tồn tại liên quan đến vấn đề tiếp cận đất đai và chi phí không chính thức. 
Sự tụt giảm phía sau “nhà vô địch”… 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phía sau danh hiệu “vô địch”, Đà Nẵng đang đối mặt với một loạt các vấn đề vẫn chưa được tháo gỡ. Trước hết, mặc dù đứng ở vị trí dẫn đầu, nhưng điểm số PCI của Đà Nẵng đang giảm dần qua các năm, cụ thể năm 2008 là 72,18/100 điểm; năm 2009 là 75,96/100 và đến năm 2010 chỉ còn 69,77/100 điểm. Bên cạnh các chỉ số Đào tạo lao động, tính minh bạch và trách nhiệm, tính năng động, thiết chế pháp lý được duy trì và tăng bậc so với năm 2009 thì có đến 7/9 chỉ số bị tụt hạng so với năm 2009. 
Theo giới chuyên gia, TP Đà Nẵng đang tự tụt giảm chỉ số PCI so với chính mình...

Trong đó, có đến 5 chỉ số tụt sâu như: chi phí thời gian để thực hiện các quy định nhà nước tụt đến 7 bậc, đứng vị trí thứ 9 với 7,43 điểm; Chi phí gia nhập thị trường tụt 4 bậc, đứng vị trí thứ 5 với 7,65 điểm. Đặc biệt là chỉ số về Chi phí không chính thức tụt xuống 22 bậc, đúng vị trí 45 với 6 điểm; Chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất xếp thứ 51, tụt 25 bậc với 5,07 điểm...Cho thấy Đà Nẵng đang gặp phải vấn đề làm nhiễu môi trường đầu tư tại TP này nếu không được cải thiện. Theo T.S Hồ Kỳ Minh, Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Đà Nẵng quan ngại, Đà Nẵng đạt được thứ hạng dẫn đầu do có điểm số cao ở những chỉ số thành phần có trọng số cao. Song bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng còn 2 chỉ số có vị trí thấp là Tiếp cận đất đai (51/63); Chi phí không chính thức (45/63). Đây còn là hai chỉ số không có nhiều cải thiện trong nhiều năm qua.
Theo cách nhìn của ông Đậu Anh Tuấn, Ban Pháp chế, Phòng Công nghiệp TM Việt Nam thì phía sau “Nhà vô định” vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét và cải thiện. Mặc dù Đà Nẵng vẫn đang giữ khoảng cách khá lớn so với các tỉnh thuộc vùng duyên hải miền Trung, nhưng PCI của Đà Nẵng đang giảm so với chính mình khi chỉ số PCI năm 2010 giảm so với năm 2009. Và vấn đề đáng quan tâm của Đà Nẵng là phía sau danh hiệu “vô địch” là TP này đang để 7/9 chỉ số tụt hạng. Đặc biệt chỉ số khó khăn của DN về mặt bằng kinh doanh tại Đà Nẵng là thủ tục hành chính thuê đất đai phức tạp và giá thuê mặt bằng cao khiến Chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất của Đà Nẵng xếp thứ 51/63 tỉnh thành trên cả nước. Ngoài ra, trong quá trình điều hành, Đà Nẵng để chỉ số về chi phí không chính thức tụt xuống 22 bậc đứng vị trí 45/63 tỉnh thành làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư tại TP này.
...và 7/9 chỉ tiêu của năm 2010 tụt giảm so với năm 2009. Trong đó, chỉ số Tiếp cận đất đai-sự ổn địnhtrong sử dụng đất và Chi phí không chính thức tụt hạng khá "sâu" 
Dưới góc nhìn điều tra của JETRO (Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản), tuy Đà Nẵng có vị trí địa lý thuận lợi và sức cạnh tranh về giá, nhưng cũng giống như các địa phương khác ở Việt Nam lại gặp trở ngại trong vấn đề thiếu điện và mất điện. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản phản ảnh những quy định phức tạp, thời gian và thủ tục thông quan ở Việt Nam là những trở ngại đối với họ trong kinh doanh. Do đó, những địa phương có chính sách nhanh nhạy, linh hoạt đối với vấn đề này sẽ có được sức hút đầu tư lớn. Tuy nhiên, tính minh bạch trong các thủ tục pháp lý, cấp giấy phép đầu tư phải dựa trên cở sở pháp lý chung của cả nước chứ không phải của riêng từng vùng.
Trước thực trạng của "nhà vô địch", các chuyên gia đã khuyến nghị và đưa ra các giải pháp nhằm duy trì sực tăng trưởng và phát triển bền vững. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khuyến nghị, các địa phương cần tận dụng những định hướng, cơ chế mới, tăng hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển theo chiều sâu. Bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; Giải quyết công việc của các cơ quan, tương tác giữa các cơ quan chức năng theo hai chiều từ dưới lên, từ trên xuống, đồng thời phối hợp giữa các cơ quan theo các chiều dọc-ngang, trên cơ sở tính tự chủ và trách nhiệm...
Bửu Lân

Bình luận
vtcnews.vn