Đã đến lúc đưa Trung Quốc ra toà án quốc tế

Thế giớiThứ Ba, 12/01/2016 02:47:00 +07:00

Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ vạch trần âm mưu đằng sau các vụ bay thử trái phép của Trung Quốc ở Trường Sa.

(VTC News) – Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ nói đã đến lúc đưa các vụ bay thử trái phép của Trung Quốc ở Trường Sa ra cơ quan tài phán quốc tế.

Ngày 11/1, Trung Quốc ngang nhiên bác bỏ công hàm phản đối của Việt Nam, nói rằng không cần phải thông báo cho bất cứ ai về việc máy bay hạ cánh ở Trường Sa.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi, hôm 11/1 còn ngang ngược nói rằng công hàm phản đối của Việt Nam là "vô căn cứ". Ông Hồng còn trắng trợn nói Trung Quốc có chủ quyền trên khu vực này.

Máy bay Trung Quốc hạ cánh trái phép ở Trường Sa
Máy bay Trung Quốc hạ cánh trái phép ở Trường Sa 

Trả lời phỏng vấn VTC News về việc này, Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ, nói: “Đây là những hành động hết sức nguy hiểm và nằm trong các tính toán phiêu lưu của Trung Quốc nhằm từng bước khống chế rồi từng bước tiến đến độc chiếm Biển Đông.”

- Thưa Tiến sỹ, ông có nhận định gì về tuyên bố ngang ngược của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc liên quan công hàm phản đối của Việt Nam về việc Bắc Kinh cho bay thử ở các sân bay xây dựng trái phép trên khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam?


Đây có thể xem là động thái không có gì đáng ngạc nhiên, vì Trung Quốc vẫn có những phản ứng ngang ngược, sai trái như vậy, bằng mọi giá, bất chấp luật pháp nhằm phục vụ cho mục tiêu của mình.

Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ
Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ 

Trung Quốc hiểu rõ việc chiếm đóng trái phép các thực thể trên quần đảo Trường Sa là vi phạm chủ quyền Việt Nam.

Hơn nữa, việc bồi lấp, xây dựng biến các bãi cạn nửa chìm, nửa nổi thành đảo nhân tạo rồi xây dựng các công trình trên đó là điều vi phạm nghiệm trọng chủ quyền Việt Nam, luật pháp quốc tế và các thỏa thuận giữa các bên ở Biển Đông.

- Việc bồi lấp, cải tạo trái phép trên các đảo Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam gây hậu quả thế nào, thưa Tiến sỹ?

Bên cạnh xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, việc Trung Quốc xây dựng, cải tạo các bãi cạn sẽ phá hủy hệ sinh thái biển trong khu vực, đảo lộn môi trường sống của các sinh vật quý hiếm ở Tây Thái Bình Dương.

 

Đây là hành động hết sức nguy hiểm, thậm chí nhiều nhà nghiên cứu, sinh vật học trên thế giới cho rằng đó là tội ác đối với nhân loại.

- Sau khi cải tạo, bồi lấp trái phép ở Trường Sa, Trung Quốc xây dựng các sân bay và bắt đầu cho bay thử nghiệm, theo ông, âm mưu của Bắc Kinh ở khu vực này là gì?

Việc Trung Quốc bay thử nghiệm hiện nay, đang núp trong hình thức máy bay dân sự. Mặc dù điều này là trái phép nhưng âm mưu sâu xa của Bắc Kinh là tạo ra hoạt động của đường băng nhằm chuẩn bị cho các máy bay quân sự trong tương lai.

Sở dĩ có thể nhận ra điều đó vì hiện nay Trung Quốc không chỉ xây dựng 1 mà là 3 đường băng trên các đảo đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam, số đường băng này không phải phục vụ mục đích dân sự như Trung Quốc tuyên truyền.

Người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trắng trợn nói Trung Quốc có chủ quyền ở Trường Sa
Người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trắng trợn nói Trung Quốc có chủ quyền ở Trường Sa 

Đây là một phần trong tính toán nhằm từng bước khống chế rồi từng bước tiến đến khống chế Biển Đông.

Thời điểm diễn ra của các sự kiện này cũng được tính toán hết sức tinh vi. Hiện nay, các cường quốc trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn, có thể kể đến là khủng bố IS, nguy cơ hạt nhân Triều Tiên..

- Trong khi thử nghiệm, Trung Quốc đã đi vào vùng thông báo hàng không – FIR của Việt Nam nhưng không hề thông báo. Ông đánh giá thế nào về việc này?

Trong những ngày vừa qua, Trung Quốc đã thực hiện các chuyến bay thử nghiệm đường băng ở Trường Sa và điều nguy hiểm là đi vào vùng FIR của Việt Nam nhưng không hề thông báo.


Vùng thông báo hàng không này là của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO quy định theo từng khu vực.

>> Video máy bay trinh sát Mỹ quay cảnh Trung Quốc bồi lấp đảo trái phép ở Trường Sa

Hoạt động của Trung Quốc cho thấy họ vô cùng ngang ngược, vi phạm nghiêm trọng điều kiện về an toàn bay, bất chấp các quy định của những tổ chức quốc tế mà họ cũng là một thành viên.

Việc đó sẽ gây ảnh hưởng xấu cho các hoạt động hàng không bình thường trong khu vực, gia tăng nguy cơ xuất hiện các tai nạn hàng không. Đây là những hành động hết sức nguy hiểm và nằm trong các tính toán phiêu lưu của Trung Quốc.

- Trong hoàn cảnh đó, Việt Nam nên làm gì trong tình hình hiện nay?

 

Đã đến lúc chúng ta tính đến việc đưa Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế, ví dụ như vi phạm vùng FIR của Việt Nam mà ICAO đã quy định.
 

Việt Nam cần mạnh mẽ hơn nữa trên mặt trận ngoại giao, tiếp tục phản đối với các động thái sai trái, ngang ngược của Trung Quốc.

Chúng ta cần có tiếng nói rộng rãi hơn để dư luận quốc tế hiểu được âm mưu của Trung Quốc ở Biển Đông.


Và có lẽ, đã đến lúc chúng ta tính đến việc đưa Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế, ví dụ như vi phạm vùng FIR của Việt Nam mà ICAO đã quy định.

Ngoài ra, việc quân sự hóa và tàn phá hệ sinh thái, rối loạn môi trường sống của sinh vật biển ở Trường Sa cũng là một vấn đề mà Việt Nam có thể lên án mạnh mẽ vì đây là một vấn đề được dư luận thế giới hết sức quan tâm.

>> Video Trung Quốc xây những tòa nhà sừng sững trên đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Chúng ta phải chủ động ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng ‘chuyện đã rồi’ ở Biển Đông. Nếu Việt Nam không tạo ra được tiếng nói cho cộng đồng quốc tế để lên án những việc làm sai trái trên, Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng những hoạt động của mình, điều đó là hết sức nguy hiểm.

Xin cảm ơn ông!


Tùng Đinh (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn