Cuộc vượt biên kinh hoàng của những “con bệnh” từ Lào

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 06/05/2011 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Những con người cụt tay, cụt chân la hét, lao nhao trong ngọn lửa, bị ngọn lửa rừng rực thiêu cháy.

(VTC News) - Những bệnh nhân phong ở khu điều trị Sông Mã (Sông Mã, Sơn La) đã được chữa khỏi dù vẫn còn quê hương bản quán, dù vẫn còn người thân, song họ cũng nhất quyết không về. Họ đã quá đau lòng với những người thân, với xóm làng, những người từng xua đuổi, từng đòi giết họ, đẩy họ trải qua những cuộc chạy trốn kinh hoàng.

Sau mấy chục năm tồn tại, Khu điều trị bệnh phong Sông Mã (huyện Sông Mã, Sơn La) bây giờ khá tiêu điều vì hầu như không tiếp nhận thêm bệnh nhân mới. Bệnh hủi không còn nghiêm trọng, không còn gây ra nỗi sợ kinh hoàng với con người nữa.

Dù không phải tiếp nhận thêm bệnh nhân mới, nhưng khu điều trị vẫn có bác sĩ, y tá, phục vụ, chăm sóc những bệnh nhân tồn tại từ ngày xưa. Họ là những bệnh nhân bị bỏ rơi hoàn toàn, không có người thân thích, không còn chốn nương thân.

Những bệnh nhân đã được chữa khỏi, dù vẫn còn quê hương bản quán, dù vẫn còn người thân, song họ cũng nhất quyết không về. Họ đã quá đau lòng với những người thân, với xóm làng, những người từng xua đuổi, từng đòi giết họ.

Một ngôi nhà trong "xóm hủi" cuối bản Pháy. 

Họ vẫn ở lại bản Pháy, nơi có cánh rừng mà mấy chục năm trước từng che chở, bao bọc cho họ, giúp họ thoát khỏi những hình thức giết chóc dã man: thiêu sống, chôn sống kèm rắc vôi bột, đóng vào cũi dìm xuống đáy sông, thả bè chuối trôi sông…

Tôi lang thang vào ngôi làng nằm lấp ló trong đại ngàn, trên sườn dãy Mường Hung, nơi có những ngôi nhà tạm. Đó là những ngôi nhà do những bàn tay cùi hủi rụng rời dựng lên. Trong tổ ấm của những “con ma” giờ đã có tiếng cười, đã bớt nước mắt, bớt sự rùng rợn, sợ hãi.

Trò chuyện với những cư dân một thời trốn tránh khỏi sự giết chóc, tôi ngỡ ngàng nhận ra rằng, rất nhiều trong số họ là người Lào. Có tới 15 người Lào đã trốn sang cánh rừng Việt Nam này từ rất lâu để được cứu mạng.

Bà Vì Thị Túp - người Lào, hiện đang sống ở bản Pháy. 

Nhà bà Quàng Thị Thum ở cuối bản Pháy mờ sương, tít thượng nguồn dòng suối Nậm Ca. Căn nhà của vợ chồng bà Thum, ông Ọi mái lụp xụp, bé tin hin, lọt thỏm dưới khe núi, không có người qua lại.

Bà Thum không nói được câu tiếng Kinh nào, chỉ bập bẹ tiếng Thái nhờ chồng dạy.

Qua lời dịch của bác sĩ Cầm Văn Háo, tôi cũng hình dung được phần nào sự đau đớn, bất hạnh đến tuyệt vọng của những “con ma” bị người đời hắt hủi, phải rời bỏ đất nước yêu dấu, vùi thân tàn vào chốn rừng thiêng để sống một cuộc đời tận cùng đau khổ.

Tôi thật không ngờ, người đàn bà cụt một cánh tay, cụt hai bàn chân này lại từng là vợ của một người có thế lực ở huyện Chiềng Khọ (tỉnh Sầm Nưa). Sau một hồi câm lặng, bà chợt bật khóc.

Bà Thum từng là người đàn bà đẹp nhất huyện  Chiềng Khọ.

Những năm 1960, Thum là một bông hoa đẹp nhất nhì huyện Chiềng Khọ. Ngày lên xe hoa về với Khăm,  những tưởng cuộc đời chị thế là mãn nguyện.

Thế nhưng, cuộc sống sung túc chỉ được ít lâu, người ta phát hiện chị bị bệnh hủi. Người chồng trở mặt, gia đình, hàng xóm nội ngoại đều hắt hủi chị và coi chị là một con ma. Họ đuổi chị vào trong rừng, nơi có một xóm nhỏ với 30 người bị hủi sinh sống.

Một đêm, bỗng nhiên cả “bản hủi” bốc lửa ngùn ngụt. Những con người cụt tay, cụt chân la hét, lao nhao trong ngọn lửa, bị ngọn lửa rừng rực thiêu cháy.

Vụ đó, 6 người đã bị ngọn lửa thiêu cháy. Chị cùng với đoàn người cùi cụt tìm sang làng phong bên Việt Nam để có chỗ trú chân.

Cuộc vượt núi Mường Hung tìm sang Việt Nam là những tháng ngày vô cùng đau đớn, nhục nhã. Cả đoàn người cùi cụt, không một thứ vũ khí cầm tay, không một manh chiếu, tấm màn, họ phải bứt lá cây rừng để sống, bắt côn trùng để ăn, ngủ hang ngủ lỗ để vượt qua rừng già, trèo qua dãy Mường Hung cao gần 2.000m để tìm sang Việt Nam.

Phải mất cả tháng trời, nhóm người mắc bệnh phong ở Lào mới vượt qua được dãy Mường Hung tìm sang Việt Nam. 

Suốt một tháng trời lang thang trong rừng, đến bờ sông Mã, giáp biên giới Việt Nam, đoàn 24 người cùi cụt bị sốt rét rừng hạ gục, bị thú rừng ăn thịt chỉ còn lại 20.

Năm đó là mùa lũ, dòng sông Mã lồng lên dữ dội như mãnh thú. Những bệnh nhân phong ngày chặt cây, bó củi khô làm bè, đêm chuẩn bị vượt sông. Sau một đêm vật lộn với dòng nước xiết, đoàn người cùi cụt bị dòng nước cuốn đi mất 5 người, chỉ còn 15 người an toàn về đến làng phong.

Bà Thum cho hay: “Chẳng bao giờ tôi nghĩ đến chuyện về quê nữa. Ở đây tôi có chồng, có con, có những bác sĩ tận tâm làm chỗ dựa. Tôi tìm lại được cuộc sống ở đây thì chết cũng ở đây thôi”.

Bà Thum và người chồng cũng mắc bệnh phong. 

Tôi hỏi: “Thế bà không nhớ chồng cũ, không nhớ quê sao?”. Bà oà khóc nức nở: “Ai cũng biết tôi đang ở đây nhưng đã mấy chục năm nay có ai tìm sang thăm đâu?”.

Từ sâu thẳm đôi mắt người đàn bà Lào, tôi thấy một nỗi nhớ quay quắt. Có lẽ bà cũng muốn về thăm quê cho dù một lần, song người ta đã quên bà rồi. Quê hương là một cái gì đó thật khủng khiếp đối với bà.

15 bệnh nhân phong từ Lào trốn sang Việt Nam từ những năm 60 thế kỷ trước đều được chăm sóc, chữa trị rất tốt và giờ đây, họ đều đã có gia đình với những người ở làng phong. Đó là cặp vợ chồng bà Quàng Thị Thum và ông Lường Văn Ọi, Bà Quàng Thị Thăm và ông Lường Văn Pản, Bà Vì Thị Túp và ông Đỗ Đắc Tuấn, rồi thì bà Chảo Thị May, bà Lò Thị May…

Đôi lúc nhớ quê, bà Thum ra hiên nhà nhìn sang trời Tây. 

Họ sống quây quần thành một xóm nhỏ giữa rừng, ở cuối bản Pháy, sườn núi Mường Hung, nơi thượng nguồn con suối Nậm Ca.

Con cái họ đều đã trưởng thành, người làm lái xe, người làm bảo vệ, làm công nhân cho Công ty chế biến nông sản của anh Nguyễn Văn Tài. Anh Tài là bác sĩ, con trai của nguyên Giám đốc Khu điều trị bệnh phong Sông Mã, tức ông Nguyễn Đăng Sinh.

Anh Tài sống với bố ở trên này từ bé nên anh hiểu hoàn cảnh của những người bệnh phong. Anh đã thành lập công ty sơ chế, buôn bán nông sản để giúp bà con bản phong thoát nghèo. Hầu hết con em bản Pháy đều làm công nhân của công ty và có mức thu nhập ổn định.

Vợ chồng bà Quàng Thị Thăm và ông Lường Văn Pản trong ngôi nhà giữa rừng. 

Bệnh phong giờ đây không còn là “tứ chứng nan y” như người ta vẫn quan niệm nữa, thế nhưng, sự kỳ thị đối với những bệnh nhân phong dường như vẫn còn nguyên vẹn ở cái mảnh đất rừng xanh núi đỏ này.

Dẫu biết rằng sau mấy tháng điều trị, bệnh phong không còn khả năng lây lan, nhưng con trâu ăn nhầm sang rẫy của “bản hủi”, người ta vẫn cứ thấy lo. Thậm chí, người bệnh phong muốn đem chài ra sông Mã kiếm con cá, con tôm cũng phải đợi đêm đến. Ban ngày, nếu thấy người bản Pháy ra sông quăng chài thì người ta bỏ đi cả, bởi vì họ vẫn còn nghĩ rằng bệnh phong có thể lây qua đường… nước.

Để tránh sự miệt thị của xã hội, người bản Pháy chẳng bao giờ ló mặt ra chỗ đông người, họ cứ sống như những cái bóng trong đại ngàn.

Khổ nhất là đám con cháu của bệnh nhân phong. Họ không mang vi khuẩn bệnh phong, thế nhưng, vượt rừng, vượt dốc đến trường, các em vẫn bị chỉ trỏ “lũ con người cùi”, kèm theo cái bĩu môi khinh thị, vậy là các em bỏ học cả.

Rời “bản hủi”, tôi mang theo câu chuyện hãi hùng về người đàn bà bệnh phong mà ông Sinh kể. Chuyện rằng, nửa thế kỷ trước, có một người đàn bà bị dân làng xua đuổi, đã trốn vào rừng. Nhưng ở trong rừng, tay chân cùi cụt, không kiếm được miếng ăn, nên người đàn bà như con ma đói, rũ rượi, bẩn thỉu. Bà mò về bản trộm đồ ăn, bị dân vác gậy đòi đánh chết. Nhưng nhìn thấy bộ dạng như xác chết sống dậy của bà, không ai dám xông vào giết. Đau khổ quá, bà lết thân xác đang phân hủy ra sông Mã đắm mình xuống dòng nước bạc. Tiếng người đàn bà “bản hủi” tự tử lan xa, cả tháng trời người ta chẳng dám ra sông đánh cá nữa.

Lâm Giang

Bình luận
vtcnews.vn